Bác Hồ sinh năm Canh Dần(1890) tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) Cha mẹ đặt tên là Nguyễn Sinh Cung, sau đó được đổi là Nguyễn Tất Thành. Ngày 5-6-1911, Người đã ra đi bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước, khi rời Tổ quốc, sống trên đất khách quê người, hoạt động bí mật nên phải thay họ, đổi tên (Bác đã dùng trên 170 tên bí danh). Suốt 79 mùa Xuân đi qua, Bác đã từng trải những năm Mão: (Tân Mão 1891), Quý Mão( 1903), Năm Ất Mão (1915), Đinh Mão (1927), Kỷ Mão( 1939), Tân Mão (1951) và năm Quý Mão (1963). Mỗi năm Mão, khi Tết đến, Xuân về, cuộc đời của Bác đã có những bước thăng trầm khác nhau. Sau đây là những tư liệu lịch sử của từng năm Mão, gắn liền với những hoạt động của Người khi còn ở trong nước cũng như trên chặng đường ở các châu lục.
Năm Tân Mão 1891: Bác Hồ mới lên 1 tuổi, được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung. Từ khi cất tiếng khóc chào đời, đến khi lên 5 tuổi, Bác sống tại quê nhà (làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Năm Quý Mão 1903: Nguyễn Tất Thành được ông Nguyễn Sinh Sắc cho đi giao du ở các huyện hai tỉnh Nghệ- Tĩnh và một số tỉnh ở phía Bắc. Từ tháng 9-1905 đến tháng 5- 1906, hai anh em Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt học tại Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã hình thành tư tưởng yêu nước và muốn khám phá xã hội nước Pháp khi anh nhìn thấy dòng chữ: “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATẺNITE” , có nghĩa là: “ Tự do – bình đẳng – bác ái ”. Được những thầy giáo có tư tưởng tiến bộ giải thích, Nguyễn Tất Thành biết được đó là câu khẩu hiệu nổi tiếng của cuộc cách mạng nước Pháp năm 1789. Tuy thời gian sống và học tập trên đất Nghệ An không lâu, nhưng tất cả những tri thức, tình cảm học được của thầy Vương Thúc Quý và mái trường Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh đã giúp Nguyễn Tất Thành sau này quyết chí đi ra nước ngoài học tập để trở về cứu nước.
Năm Ất Mão (1915): Từ khi rời Tổ quốc ở Bến cảng Nhà Rồng ngày (5-6-1911), năm Ất Mão (1915), Nguyễn Tất Thành 25 tuổi, đang ở trên nước Anh, cuộc sống lao động vất vả với cái rét giá lạnh.Vừa lao động để tự nuôi bản thân, dù phải làm việc gian khổ, cực nhọc và đói rét, nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn không sao nhãng công việc học tiếng Anh. Chỉ có học ngoại ngữ, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh thì mới có chìa khóa mở cửa bước vào chiếm lĩnh kho tàng kiến thức của nhân loại. với quyết tâm và ý chí, nghị lực và lòng yêu nước cháy bỏng, muốn đưa kiến thức học được về phụng sự Tổ quốc mà Nguyễn Tất Thành đã coi khó khăn gian khổ nhẹ tựa lông hồng. Từ năm Ất Mão, Nguyễn Tất Thành đã đi nhiều nước, làm nhiều việc, tìm tòi và khám phá. Cho đến năm 1919, trên đất Pháp, Người đã liên kết với những người yêu nước Việt Nam để hoạt động và viết báo trong một tổ chức bí mật. Tại hội nghị Tua ở Pháp (1920), Nguyễn Ái Quốc dơ tay biểu quyết tán thành Quốc tế thứ III do Lênin sáng lập và trở thành người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, tham gia hoạt động phong trào Quốc tế Cộng sản do Lênin lãnh đạo. Năm 1923, từ nước Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cải trang, vượt qua các hàng rào dày đặc của bọn mật thám để đến nước Nga, quê hương của cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, của lãnh tụ Lênin thiên tài. Từ đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào cộng sản Quốc tế (phụ trách Bộ Phương Nam) Người trực tiếp tuyên truyền và đào tạo cho cách mạng Việt Nam một đội ngũ những người cộng sản lớp tiền bối tiêu biểu.
Năm Đinh Mão (1927) : Bác Hồ 37 tuổi, Người trung thành khẩu hiệu của C.Mác, Ph. Ăngghen:“ Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại” và V.I.Lênin:“Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Nguyễn Ái Quốc nêu khẩu hiệu: “Lao động tất cả các nước đoàn kết lại”. Ba khẩu hiệu đó đều có chung ý nghĩa, như tiếng kèn xung trận, thôi thúc, dục giã những người lao động đoàn kết đấu tranh để giành tự do cơm áo, hòa bình, kiên cường đấu tranh để giải phóng những người lao động bị áp bức bóc lột.
Năm 1927, Bác Hồ giành tất cả thời gian và nghị lực gánh vác nhiệm vụ Quốc tế Cộng sản “phụ trách Bộ phương Đông”, mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng, cử một số đồng chí đi học Trường Đại học Phương Đông, số còn lại phái về nước làm nòng cốt, tuyên truyền, gieo mầm cách mạng. Tác phẩm“Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc đã được“ Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” phát hành năm 1927. Còn “Hội Thanh niên cách mạng đồng chí” hoạt động ở Trung Quốc bí mật chuyển về nước tuyên truyền, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin và cách mạng tháng Mười Nga vào Việt Nam. Kể từ năm Đinh Mão, “Đường cách mệnh” của Bác Hồ đã đi vào sử sách, soi đường dẫn lối cho cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Với tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của nó, tác phẩm “Đường cách mệnh” của Bác đã được Đảng và Nhà nước xếp hạng là bảo vật Quốc gia.
Vì yêu nước, thương dân, đặc biệt là giai cấp nông dân lao động đói nghèo, cuối năm Đinh Mão (1927) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài về: “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”. Qua bài viết, Người đã nêu lên tầm quan trọng của giai cấp nông dân trong tiến trình cách mạng và Đảng của giai cấp vô sản phải hết sức quan tâm tới công tác chính trị và tổ chức trong nông dân. Từ thực tiễn của cuộc cách mạng trên đất Trung Quốc, do Tôn Trung Sơn phát động (chống đế quốc và phong kiến) đã được sự ủng hộ đông đảo của giai cấp nông dân nên lực lượng cách mạng nhanh chóng được phát triển. Từ những bài học kinh nghiệm đó, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra kết luận: “Đảng của giai cấp vô sản, trước hết ở tất cả các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp phải quan tâm tổ chức lực lượng nông dân… Cuộc cách mạng vô sản không thể thắng lợi ở các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu như giai cấp vô sản không được nông dân ủng hộ tích cực. Do vậy mà công tác tuyên truyền, tổ chức của Đảng với nông dân có tầm quan trọng đặc biệt. Cách mạng chỉ có thể thắng lợi nếu như những làn sóng cách mạng lay động được quần chúng nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản”
Qua tư liệu lịch sử đã nêu, năm Đinh Mão 1927 là một trong những năm ghi dấu ấn đậm nét của Bác Hồ thời kỳ Người còn bôn ba hải ngoại trên con đường cứu nước.
Năm Kỷ Mão( 1939): Bác Hồ 49 tuổi, Người từ Liên Xô đến Tây An rồi đi sang Trung Quốc, đến Diên An. Đại chiến thế giới lần thứ 2 bùng nổ, Bác đến Hoa Nam để bắt liên lạc với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khi phát xít Nhật đang đánh chiếm Trung Quốc và chuẩn bị tiến vào đánh chiếm Đông Dương. Trở lại Trung Quốc, Người mang tên Hồ Quang, hoạt động trong Bát lộ quân, thường làm việc với Chu Ân Lai. Trong nước, khi chuẩn bị chiến tranh lần thứ hai, thực dân Pháp đã bắt bớ các chiến sĩ cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (kể cả những đồng chí vừa được thả về quê như Lê Hồng Phong). Bắt đầu chấm dứt thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Bằng con đường bí mật, Nguyễn Ái Quốc đã gửi Chỉ thị cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, định hướng đường lối và chủ trương cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là phải tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi. Phải có thái độ khéo léo, mềm dẻo để lôi kéo tư sản dân tộc về phía Mặt trận, kiên quyết chống tư tưởng bè phái cục bộ. Tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác- Lênin. Người chỉ rõ:
“ Đảng không thể để Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất”.
Thời gian này, Người viết nhiều bài đăng trên các tờ báo, tố cáo tội ác của bọn đế quốc và tin tưởng vào cuộc đấu tranh chống phát xít nhất định sẽ thắng lợi:“ Ai có tiền thì góp tiền. Ai có sức thì góp sức. Mỗi chúng ta là một chiến sĩ anh dũng. Tiến lên ! Quân thù sắp phải nhả ra thôi. Hãy cống hiến tất cả ! …Cho chiến thắng đang đến với chúng ta”. Những chỉ dẫn kịp thời của Bác Hồ đã giúp cho Trung ương Đảng kịp thời đề ra chủ trương để chuyển hướng sách lược đấu tranh cho phù hợp. Thực hiện chỉ thị của Bác, tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương, tập hợp mọi thành phần yêu nước và tiến bộ, đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc phát xít. Chớp thời cơ “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để giành độc lập dân tộc. Những tháng cuối năm Kỷ Mão, Bác Hồ đã đi Trùng Khánh và nhiều tỉnh để bắt liên lạc với cụ Hồ Học Lãm và Trịnh Đình Hải. Bác đã nhờ Cụ Hồ Học Lãm báo tin cho Lê Thiết Hùng, bí mật rút khỏi Quân đội Tưởng Giới Thạch, nhanh chóng đến Quế Lâm nhận nhiệm vụ mới.
Năm Tân Mão (1951): Sau chiến thắng Thu Đông năm 1950 ở Biên giới, bị thất bại nặng nề, thực dân Pháp đã ra sức lùng sục, khủng bố, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã phải di chuyển nhiều địa điểm ở khu ATK. Đầu năm Tân Mão (1951), Bác đến ở tại Nà Pậu, bản Thít, xã Lương Bằng (Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), đây là một địa điểm thuận lợi, an toàn, dễ rút lui khi bị địch vây. Tại đây, ngày 1-1-1951, Bác Hồ đã viết thư chúc Tết gửi đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài: “Năm 1951 là một năm tiến bộ vượt bậc của chúng ta, một năm tích cực chuẩn bị đầy đủ để chuyển mạnh sang tổng phản công”. Nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký quyết định thả 119 tù binh Âu Phi kèm theo chỉ thị cấp phát quần áo và bảo vệ an toàn cho số tù binh khi về nước. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II thành công tốt đẹp, ngày 18-1-1951 Bác đã gửi thư cho Đại hội trù bị toàn quốc lần thứ hai của Đảng:“Nhiệm vụ chính trị của Đại hội ta là đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó”.
Để kịp thời động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên các chiến trường ngày 20-1-1951, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký quyết định khen thưởng các đơn vị Bộ đội đã lập công, chiến thắng trong chiến dịch Trung Du và Đông Bắc, gửi 4 lá cờ danh dự trao tặng cho các đơn vị bộ đội đạt nhiều thành tích và lập nhiều chiến công xuất sắc. Ngày 24-1-1951, Bác Hồ gửi thư cho Nha bình dân học vụ và thông báo Nha được thưởng Huân chương Kháng chiến, Người còn nhắc nhở:“ Phải làm thế nào trong thời gian gần đây, tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều phải biết đọc chữ, biết viết”.
Mặc dù bận trăm công ngàn việc, đối nội, đối ngoại, nhưng cuối tháng 1-1951, Bác đã viết Thơ chúc Tết năm Tân Mão (1951).Thơ chúc Tết của Bác Hồ viết từ chiến khu Việt Bắc đã đăng trên Báo Cứu Quốc số 1748 gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước chúc Tết mừng năm mới có nội dung như sau:“ Xuân này kháng chiến đã năm Xuân / Nhiều Xuân thắng lợi càng gần thành công, / Toàn dân hăng hái một lòng, / Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời ”. Bài thơ chúc Tết ngắn gọn, nhưng đầy đủ ý nghĩa của Chủ tịch Hồ chí Minh là nguồn cổ vũ, động viên và giải quyết tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và đồng bào cả nước “quyết một lòng” thi đua khi có thời cơ là kịp thời tổng phản công. Tính từ khi Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mùa Đông năm 1946 đến mùa Xuân năm Tân Mão đã trải qua 5 năm kháng chiến gian khổ. Để động viên và ghi lại dấu ấn kỷ niệm cho các đồng chí đại biểu về dự Đại hội Đảng được tổ chức lần đầu tiên ở trong nước.
Ngày 11-2-1951 (tức ngày 6 Tết Tân Mão), Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương khai mạc tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội Đảng lần thứ II sẽ tách Đảng Cộng sản Đông Dương ra thành 3 Đảng: Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau khi tách, mỗi nước có thể tự thành lập một Đảng cách mạng riêng để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho nước mình. Trước lúc các đại biểu thảo luận về đổi tên Đảng từ Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Lao động Việt Nam và Đảng bắt đầu ra hoạt động công khai. Bác Hồ đã giải thích để các đại biểu hiểu về mục đích và ý nghĩa của việc đổi tên Đảng:“Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của những người lao động”. Đại hội Đảng đã quyết định đường lối kháng chiến và kiến quốc. Đại hội Đảng lần thứ II đã bầu Chủ tịch Hồ chí Minh làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 19-2-1951, Đại hội Đảng Lao động Việt Nam đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Ngày 11-3-1951 Đảng ra công khai tờ báo Đảng với tên mới là Báo Nhân Dân ra số đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc.
Hoạt động trong thời kỳ bí mật, tháng 5-1951, Bác Hồ và Trung ương Đảng phải di chuyển chỗ ở đến thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tại lán hang Bòng, Bác Hồ đã viết nhiều bài báo về công tác tự phê bình và phê bình, phòng chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Ngày 20-5-1951, Bác viết bài tự phê bình đăng trên Báo Nhân Dân với nội dung: “ Dao có mài mới sắc / Vàng có thui mới trong / Nước có lọc mới sạch / Người có tự phê bình mới tiến bộ”. Người chỉ rõ công tác tự phê bình phải tiến hành thường xuyên, chứ không chờ:“ khai hộ mới tự phê bình, không phải khi làm, khi không”. Từ hang Bòng, Bác Hồ đã bơi qua suối khi mưa lũ nước dâng cao để đến địa điểm dự cuộc họp mở rộng diễn ra vào ngày 25-5-1951. Bác tiếp tục viết bài phê bình đăng trên Báo Nhân Dân ra ngày 12-7-1951 có nội dung: “Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm là nhờ có phê bình và tự phê bình”. Để rèn đức luyện tài cho cán bộ, một lòng một dạ tập trung cho kháng chiến, nhân kỷ niệm ngày Tết độc lập (2-9-1951) Bác Hồ đã viết bài báo: Cần tẩy sạch bệnh quan liêu đăng trên Báo Nhân Dân. Bác đã chỉ ra 6 nguyên nhân dẫn đến bệnh quan liêu. Đó là:“ xa Nhân dân, không hiểu biết Nhân dân, khinh Nhân dân, sợ Nhân dân phê bình khuyết điểm, không tin cậy Nhân dân, không yêu thương Nhân dân”. Vào dịp Tết Trung Thu, ngày 12-9-1951, từ Việt Bắc, Bác Hồ đã viết thư gửi các cháu Nhi đồng:
“ Các cháu yêu quý, Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung”
Mùa Thu năm Tân Mão, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với lớp chính huấn chính trị toàn quân về tệ nạn tham ô và lãng phí. Bác nói: “tham ô, lãng phí là tệ nạn, một thói xấu, nó giống như sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân, nó làm vẩn đục chế độ tốt đẹp của chúng ta, đến đạo đức và nhân phẩm của người cán bộ, đảng viên”. Năm Tân Mão (1951), kể sao cho hết được những hoạt động và công việc của Bác Hồ. Nhờ có Bác Hồ lãnh đạo, cả dân tộc ta một lòng đi theo Bác, đoàn kết kháng chiến, bảo vệ nền độc lập dân tộc với chiến thắng lẫy lừng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lịch sử.
Năm Quý Mão 1963 : Năm này Bác Hồ đã ở tuổi 73, cái tuổi mà Người thường nói: “Xưa nay hiếm”. Giao thừa Tết Quý Mão, qua Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ chí Minh đã đọc thư chúc mừng năm mới gửi đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Trong thư chúc Tết Bác Hồ đã viết:
“Thưa đồng bào thân mến, năm nay, ở miền Bắc chúng ta lại vui vẻ ăn Tết trong hòa bình. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, mọi người đoàn kết, phấn khởi mừng Xuân… Nhân dịp này, thay mặt Đảng và Chính phủ, tôi thân ái gửi lời khen ngợi các anh hùng, chiến sĩ thi đua và tất cả anh chị em công nhân, nông dân, trí thức đang hăng hái thi đua sản xuất và công tác…. Trong khi ở miền Bắc, chúng ta vui vẻ ăn Tết, lòng chúng ta vẫn luôn luôn ở bên cạnh đồng bào miền Nam đang đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng chống chế độ bạo tàn của Mỹ – Diệm. Càng thương đồng bào miền Nam, chúng ta càng phải lao động cần cù, phấn đấu hăng hái hơn nữa cho Bắc Nam mau được sum họp một nhà. Nhân dịp đầu năm, tôi thân ái gửi lời thăm hỏi tất cả đồng bào miền Nam ruột thịt… Nước Việt Nam ta là một/ Dân tộc Việt Nam là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam Bắc, là con một nhà… Chúng ta cùng nhau: Mừng năm mới/ Cố gắng mới / Tiến bộ mới/ Chúc Qúy Mão là năm nhiều thắng lợi”
Năm Quý Mão, cuộc chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm ở miền Nam đã có dấu hiệu thất bại nặng nề. Với sự chi viện tích cực về sức người, sức của, quân dân miền Bắc “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Không phụ lòng tin và mong mỏi, ngày thống nhất nước nhà, Bắc Nam sum họp của Bác Hồ. Mở đầu cho các chiến thắng năm Quý Mão là chiến thắng Ấp Bắc. Thắng lợi của quân và dân miền Nam buộc đế quốc Mỹ phải “thay ngựa giữa dòng”, cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, anh em họ Ngô bị hạ bệ thảm hại, không giữ được mạng sống. Tướng 2 sao của Mỹ là Steven bị bắn trọng thương.
Mỗi năm Tết đến Xuân về, Bác Hồ đều đi thăm đồng bào chiến sĩ ở các địa phương, Người nói: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất, những ngày Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân … chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ”. Người đã căn dặn những người làm công tác lãnh đạo là phải: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết, đối với các đồng chí công nhân, cán bộ bạn bè giúp ta mà các đồng chí ấy xa nhà, trong dịp Tết Nguyên Đán này, ta phải chú ý chăm sóc…”.
Năm Quý Mão, Bác Hồ đã giành nhiều thời giờ trao đổi, nhắc nhở Bộ Chính trị trong công việc lập kế hoạch và việc thực hiện kế hoạch. Bác nói: “Làm kế hoạch phải can đảm, nhưng phải cẩn thận, chỉ đạo tập trung và trọng điểm… Vấn đề đòi hỏi ở ta là phải tổ chức cho tốt, quản lý cho tốt… Làm ở đâu, phải tốt ở đó để làm gương cho chỗ khác”.
Cả cuộc đời bác luôn chăm lo đến mọi người, phát động “Thi đua ái quôc” và nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành phải theo dõi kiểm tra chặt chẽ để khen thưởng kịp thời, động viên cổ vũ phong trào. Thế nhưng đối với Bác, năm Quý Mão Bác đã từ chối nhận phần thưởng của Đảng và Nhà nước giành cho Người. Nhân dịp sinh nhật Bác (19-5-1963), Quốc hội họp quyết định tặng thưởng Chủ tịch Hồ chí Minh Huân Chương Sao Vàng. Biết tin, Bác đã bày tỏ tình cảm và nguyện vọng của mình trước Quốc hội rằng: “Tôi vừa nhận được một tin làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng thưởng cho tôi Huân chương Sao Vàng, là Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao ? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công, nhưng tôi tự xét chưa có công xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội.” Người đã đề nghị với Quốc hội : “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc -Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng.”
Nguyện vọng và mong ước của Bác là thế, nhưng “Cả một đời vì nước vì non”, Bác đâu có chờ được đến ngày thống nhất non sông. Mùa Thu năm 1969, trái tim vĩ đại của Bác Hồ đã ngừng đập.
Năm Ất Mão (1975) với quyết tâm “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”,quân và dân ta đã “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” như lời chúc Tết cuối cùng năm 1969 của Bác Hồ kính yêu, trước lúc Người đi xa…/.