Sau 7 ngày liên tục chườm nóng bụng sau sinh, chị Minh bị ra máu âm đạo được cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh.
Ngày 8/8, ThS.BS Trần Thị Thanh Thảo, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, sản phụ Tuệ Minh, 30 tuổi, nhập viện cấp cứu vì xuất huyết âm đạo bất thường. Siêu âm không phát hiện tình trạng sót nhau, nhưng tử cung ứ dịch, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân băng huyết sau một tháng sinh con.
Chị Minh được xử trí hút dịch lòng tử cung, truyền dịch, sử dụng thuốc co hồi tử cung, song song theo dõi huyết áp, mạch, nhịp thở, tri giác. Sau 4 giờ cấp cứu bệnh nhân ngưng chảy máu, được theo dõi tại viện.
Tử cung của phụ nữ trưởng thành, có kích thước trung bình khoảng 8x5x3cm. Khi mang thai, kích thước tử cung sẽ thay đổi theo sự phát triển của thai kỳ và sẽ co lại về kích thước ban đầu sau khi sinh khoảng 6 tuần. Đối với các sản phụ sinh mổ, thời gian phục hồi sẽ lâu hơn, khoảng 3-6 tháng vì cơ tử cung bị tổn thương do quá trình mổ lấy thai.
Trường hợp chị Minh được chỉ định sinh mổ tại bệnh viện Tâm Anh do thai ngôi mông. Sản dịch hết sau 2 tuần sinh con. Đến tuần thứ 3, người bệnh bắt đầu sử dụng dịch vụ spa chăm sóc sau sinh gồm massage, xoa bóp, chăm sóc da, túi chườm thảo dược. Một tuần liên tiếp chườm nóng lên bụng thì có dấu hiệu nghi ngờ băng huyết nên đi cấp cứu.
“Chườm nóng liên tục có thể khiến mạch máu nuôi tử cung có thể bị tác động, máu đến nhiều hơn, tử cung mất khả năng co hồi, gây xuất huyết”, bác sĩ Thanh Thảo lý giải.
Hiện nay các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ sau sinh không tự ý chườm nóng tử cung, nhưng nhiều sản phụ chưa biết đến việc chườm nóng tăng nguy cơ xuất huyết.
Trước đó, vào ngày 30-6, bệnh viện Tâm Anh vừa tiến hành cấp cứu cho sản phụ Kim Hà, 32 tuổi bị băng huyết sau sinh 15 ngày. Sản phụ sinh mổ lần 2 tại bệnh viện Tâm Anh. Đến ngày thứ 14 sau sinh chị Hà dùng dịch vụ spa và sử dụng túi chườm nóng thảo dược. Sau 2 lần sử dụng phương pháp chườm nóng tử cung và massage bằng máy, chị Hà bị xuất huyết âm đạo. Tại bệnh viện, chị Hà mất 500ml máu, tụt huyết áp, rối loạn đông máu do mất máu cấp. Ê kíp cấp cứu tiến hành truyền 350 ml hồng cầu, 200 ml huyết tương đông lạnh để cầm máu, đặt bóng chèn, bảo tồn được tử cung.
Theo bác sĩ Thanh Thảo, băng huyết sau sinh là biến chứng thường gặp trong sản khoa. Có 2 trường hợp băng huyết: nguyên phát là tình trạng bệnh nhân băng huyết nhiều trong vòng 24 giờ đầu sau sinh; thứ phát (còn gọi là băng huyết sau sinh muộn) xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau sinh.
Sản phụ lớn tuổi, tăng huyết áp, đa nhân xơ tử cung, lạc nội mạc trong cơ tử cung, đa thai, thai kỳ sau thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh lupus ban đỏ hệ thống… đều có nguy cơ cao.
Hiện tượng băng huyết thứ phát còn do yếu tố nguy cơ trong quá trình chuyển dạ như chuyển dạ kéo dài, sử dụng thuốc tăng co, chuyển dạ nhanh, cắt tầng sinh môn, tiền sản giật, tử cung quá căng (thai to, đa thai, đa ối), nhiễm trùng ối, sót mô nhau, viêm nội mạc tử cung, bất thường mạch máu động mạch và tĩnh mạch trong tử cung… Tình trạng có thể xảy ra ngay cả khi không có yếu tố nguy cơ.
Sản phụ có thể phân biệt băng huyết muộn và sản dịch bằng cách quan sát dịch ở vùng kín. Nếu sản dịch máu đỏ thẫm, lượng dịch rò rỉ sẽ giảm dần theo thời gian. Băng huyết xảy ra khi máu đỏ tươi, số lượng lớn. Khi có triệu chứng này, cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2002 của Vụ bảo vệ bà mẹ trẻ em, trong danh mục 5 tai biến sản khoa của toàn quốc, băng huyết sau sinh là tai biến thường gặp nhất (chiếm 50%) và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất (chiếm 78,8%).
Bệnh viện Hùng Vương băng huyết sau sinh chiếm tỷ lệ từ 1,5%-2%, trong đó có 35% phải truyền máu. Tại bệnh viện Từ Dũ, thống kê năm 2006 có 164 trường hợp băng huyết sau sinh trong số 44.675 thai phụ đến sinh, chiếm tỷ lệ 0,38%.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, băng huyết sau sinh chiếm 25% tổng số ca tai biến sản khoa. Trên toàn cầu, băng huyết sau sinh gây tử vong mẹ tới 20% ở những nước đang phát triển, 8% ở những nước phát triển. Cứ trong 100 sản phụ sẽ có 2 sản phụ băng huyết sau sinh thứ phát.