“Em kia mặc bikini ngon hết nước chấm…”
“Đã dặn ăn phở không hành còn bỏ hành vào. Hết nước chấm luôn !!!”
“Hết nước chấm” là một ngôn ngữ mạng xã hội được giới trẻ sử dụng rất phổ biến khi nhắn tin, trò chuyện, bình luận trên Facebook. Thậm chí, độ hot của “hết nước chấm” còn “xâm lấn” ngay cả trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày của giới trẻ.
Một hiện tượng hay một phát ngôn nào đó muốn trở thành trend thì phải độc, lạ và khiến người khác vừa nghe thấy đã thốt lên. Và “Hết nước chấm” cũng vậy. Những tín đồ ẩm thực mà hơi “tối cổ” một tí nếu nghe nhắc đến “hết nước chấm” có khi đã liên tưởng ngay đến sự hết sạch nước chấm dùng để chấm các món ăn như ốc luộc, bánh rán, phở cuốn, thịt nướng,… cũng nên.
Tuy nhiên, với cư dân mạng, nhất là thuộc gien Z thì cụm từ “hết nước chấm” được sử dụng phong phú, biến hóa hơn nhiều. Trong đó, phổ biến nhất là 2 cách hiểu sau: Trường hợp thứ nhất thì “hết nước chấm” dùng khi bạn muốn khen ngợi ai đó hoặc cái gì đó quá xuất xắc, hết xảy, hết nấc. Cách hiểu này có nhiều điểm khá tương đồng với nghĩa đen của câu nói: Do nước chấm ngon quá nên hết nhanh => thể hiện nước chấm quá ngon, quá xuất sắc.
Ví dụ bạn nữ nào đang lướt tiktok mà vô tình bắt gặp soái ca nào đó thân hình 6 múi kiểu gì chả thốt lên ngưỡng mộ với nhỏ bạn: “Ngon hết nước chấm bà ơi!!!”. Hoặc muốn khen cô bạn hôm nay mặc váy mới xinh quá mà khen kiểu “Dạo này trông xinh thế” nghe nó cứ nhạt sao ấy. Cứ phải “Dạo này xinh hết nước chấm đấy bạn mình ơi” nó mới chất.
Trường hợp thứ hai “hết nước chấm” được dùng để bày tỏ thái độ cạn lời, bó tay, không biết nói gì với một hành động hoặc một sự việc nào. Ví dụ như nhân vật ở đầu CT ăn phở không hành mà còn bị chủ quán đãng trí bỏ hành vào thì lại chả “hết nước chấm”, cạn lời chứ còn gì…
Chính vì cách thể hiện mới lạ, biến hóa như vậy nên cụm từ “hết nước chấm” rất được các bạn trẻ ưa dùng, thậm chí lan sang cả các đối tượng khác. Đu theo trend này, giữa năm nay, một bài hát có tên “Hết nước chấm” do Long Họ Huỳnh cũng ra mắt công chúng, thu về hơn 2,6 triệu lượt xem trên Youtube.
Là cụm từ do cư dân mạng sáng tạo ra với chủ ý mang lại sự vui vẻ, hài hước trong giao tiếp, tuy nhiên việc sử dụng chúng cũng nên chừng mực, trong bối cảnh phù hợp, với đối tượng ngang hàng với mình thay vì áp dụng tùy tiện cả với người lớn tuổi hoặc trong môi trường công việc vốn dĩ đòi hỏi sự nghiêm túc.