Khối vùng đầu cổ ở trẻ em là hiện tượng thường gây lo lắng cho nhiều cha mẹ. Trên thực tế phần lớn đó là các tổn thương lành tính, chỉ một số rất ít có nguy cơ ác tính. Mặc dù vậy, bất cứ khi nào phát hiện ra, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên ngành Nhi và nếu cần có thể được điều trị kịp thời.
1. Nguyên nhân của các khối vùng đầu cổ
Ba nhóm nguyên nhân chủ yếu của các khối vùng đầu cổ gồm:
- Do quá trình phát triển bẩm sinh từ trong bụng mẹ: Nang ống tuyến giáp hay nang giáp móng (Thyroglossal duct cyst), nang khe hở phế quản hay nang khe mang (Branchial cleft cyst), nang bì (dermoid cyst), dị dạng mạch máu (vascular malformations), u mạch máu (hemangioma)…
- Do nhiễm trùng hoặc phản ứng viêm: Các khối viêm ở cổ có thể là kết quả của hạch bạch huyết phản ứng viêm, viêm hạch nhiễm trùng do nhiễm vi rút, tụ cầu, vi khuẩn mycobacteria; bệnh mèo cào (cat-scratch disease) hoặc bệnh Kawasaki; áp xe, viêm mô mềm dưới da…
- Do tăng sinh quá mức: Các tổn thương u lành tính phổ biến bao gồm các khối u mầm lông (pilomatrixoma), u mỡ (lipoma), u xơ (fibroma), u xơ thần kinh (neurofibroma), u tuyến nước bọt… Các tổn thương ác tính mặc dù hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra là u lympho (lymphoma), sarcoma cơ vân (rhabdomyosarccoma), u nguyên bào thần kinh (neuroblastoma), các ung thư di căn…
2. Cách phát hiện một số khối vùng đầu cổ
- Nguyên nhân phổ biến nhất là do hạch phản ứng viêm. Hạch bạch huyết là một cơ quan nhỏ của hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ bẫy vi rút, vi khuẩn và thường sưng lên để phản ứng với nhiễm trùng. Cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng xoang hoặc hiếm hơn, một tình trạng như bệnh lao có thể khiến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở cổ sưng lên. Nhiễm trùng do côn trùng cắn hoặc mèo cào có thể gây ra hậu quả tương tự.
- Nếu khối ở cổ là do nhiễm trùng, các triệu chứng có thể bao gồm đỏ, đau, ấm khi chạm vào và sốt. Áp xe cổ xảy ra khi mủ do nhiễm trùng tụ lại trong khoảng giữa các cấu trúc của cổ.
- Một số trẻ sinh ra có nang (một túi chứa đầy chất lỏng) trên cổ lớn dần theo thời gian, hoặc bị nhiễm trùng và phát triển nhanh chóng. Phổ biến nhất là nang giáp móng, phát triển ngay trên tuyến giáp, nằm ở phía trước cổ. Nang giáp móng phát triển từ các tế bào và mô còn sót lại sau khi hình thành tuyến giáp khi trẻ đang phát triển trong bụng mẹ. Những u nang như vậy phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo hoặc trẻ em ở độ tuổi vị thành niên, và chúng thường xuất hiện nhất sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên làm cho u nang to ra và gây đau đớn.
- Nang bì hay còn gọi là u bã đậu thường xuất hiện từ sau sinh ở ngay dưới da vùng đầu (trán, cung mày, sau tai, gáy…) và cổ (trên hõm ức, cổ trước…). Khối thường nhỏ, ranh giới rõ, bề mặt có thể có lỗ rò giống mụn đầu đen có dịch hoặc chất bã tiết ra. Khi viêm nhiễm khối to lên, nề đỏ.
- Ít phổ biến hơn là khối u, khối có thể mềm hoặc cứng. Hầu hết các khối u vùng đầu cổ ở trẻ em là lành tính hoặc không phải ung thư. Các khối u lành tính phổ biến bao gồm u xơ thần kinh (neurofibroma) xuất hiện dưới dạng một khối đơn lẻ hoặc bệnh u xơ thần kinh (neurofibromatosis), một rối loạn di truyền hiếm gặp gây ra nhiều khối hoặc cục nhỏ có nguồn gốc liên quan đến mô thần kinh.
- Vùng má trẻ có thể gặp u mầm lông là khối nhỏ cứng dưới da, di động, bề mặt lồi lõm, ít tăng kích thước và thường không gây đau.
- Trong một số trường hợp hiếm, khối ở cổ là tổ chức ung thư, hay gặp nhất là ung thư hạch (u lympho), một loại ung thư tế bào máu có thể khiến các hạch bạch huyết sưng lên. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, các bác sĩ chuyên khoa Nhi sẽ liên hệ với bác sĩ chuyên khoa ung thư để cung cấp dịch vụ chăm sóc mà trẻ cần.
Để xác định nguyên nhân gây ra khối u vùng đầu cổ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, khám cho con và nếu cần sẽ chỉ định một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
3. Tiền sử bệnh
- Bác sĩ sẽ hỏi về sức khỏe và các triệu chứng của trẻ, bao gồm cả thời điểm xuất hiện, tốc độ phát triển của khối và liệu nó có gây ra bất kỳ khó chịu nào cho trẻ không. Bác sĩ cũng có thể hỏi xem trẻ có bị khó thở hoặc khó nuốt hay không.
- Nếu trẻ gần đây bị côn trùng cắn hoặc bị mèo cào, hãy nói với bác sĩ. Những vết thương nhỏ này đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Hãy nói với bác sĩ về bất kỳ tình trạng y tế nào khác mà trẻ mắc phải và liệu có ai khác trong gia đình trẻ có khối hoặc khối u tương tự hay không.
4. Khám sức khỏe
- Bác sĩ sẽ kiểm tra khối nghi ngờ, ghi nhận kích thước và hình dạng của nó, đồng thời kiểm tra xem có mẩn đỏ, đau và ấm không. Các bác sĩ chuyên khoa xác định vị trí của khối có liên quan đến các tuyến và hạch bạch huyết bên dưới da. Ví dụ, một số khối ở cổ phát triển trên tuyến giáp, nằm ở trung tâm phía trước của cổ.
- Bác sĩ có thể dùng tay để đánh giá xem một khối cứng hay mềm và liệu nó có di chuyển được hay cố định. Điều này giúp bác sĩ phân biệt giữa một khối có khả năng lành tính, sưng viêm hay ác tính, vị trí khối so với vùng xung quanh.
5. Xét nghiệm máu
- Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để xác định xem liệu tình trạng nhiễm trùng có khiến các hạch bạch huyết sưng lên hay không.
- Nhân viên y tế sẽ lấy máu từ tĩnh mạch của trẻ và gửi đến phòng xét nghiệm. Cha mẹ trẻ sẽ được thông báo về thời gian trả kết quả dự kiến và ghi trên phiếu hẹn, sổ khám. Lúc đó bác sĩ sẽ tư vấn và thảo luận về các bước tiếp theo.
6. Siêu âm
- Siêu âm là một xét nghiệm sử dụng sóng âm để ghi nhận, phân tích các cấu trúc trong cơ thể. Các bác sĩ sử dụng siêu âm để xác định xem khối đó là một tuyến sưng, u nang hay khối u.
- Để thực hiện siêu âm, bác sĩ sử dụng một thiết bị cầm tay gọi là đầu dò và di chuyển thiết bị nhẹ nhàng qua vùng tổn thương của trẻ, đầu dò sẽ gửi hình ảnh đến màn hình máy tính. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ đọc kết quả và đưa ra kết luận phù hợp.
7. Chụp Cộng hưởng từ (MRI)/ Cắt lớp vi tính (CT Scan)
- Chụp MRI tạo ra hình ảnh hai và ba chiều được vi tính hóa của cơ thể. Bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI nếu hình ảnh siêu âm không cung cấp đủ chi tiết để xác nhận chẩn đoán.
- Chụp CT sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của cơ thể. Xét nghiệm này cho thấy bất kỳ khối nào trên cơ thể và giúp bác sĩ đánh giá mức độ viêm do nhiễm trùng kèm theo. Nếu bác sĩ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ khối u, hình ảnh CT có thể được sử dụng để định hướng vị trí và khả năng cắt u trong quá trình phẫu thuật.
8. Chọc hút xét nghiệm tế bào và sinh thiết
– Nếu kết quả khám bệnh và chẩn đoán hình ảnh cho thấy khối ở cổ có thể là khối u, bác sĩ có thể đề nghị lấy mẫu bệnh phẩm tế bào hoặc mô và gửi đến phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh. Bác sĩ Giải phẫu bệnh – bác sĩ nghiên cứu các bệnh dưới kính hiển vi- có thể đánh giá xem khối u đó là lành tính hay ung thư và cung cấp thông tin về loại khối u đó.
– Có hai loại xét nghiệm Giải phẫu bệnh mà bác sĩ có thể thực hiện dựa trên tình trạng của trẻ cũng như kích thước và vị trí của khối u.
- Cách tiếp cận đầu tiên, được gọi là chọc hút tế bào bằng kim nhỏ. Đây là một thủ thuật ít xâm nhập và có thể giúp phát hiện sớm các tế bào u. Trẻ không cần nhịn ăn trước khi làm thủ thuật. Bác sĩ sẽ đưa một cây kim nhỏ, mảnh vào và hút ra các tế bào trong khối. Thủ thuật này thường được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ. Trường hợp trẻ gặp khó khăn trong quá trình di chuyển, bác sĩ có thể đến giường bệnh để thực hiện thủ thuật này.
- Đôi khi bác sĩ xác định rằng cần thiết phải thực hiện sinh thiết kim (sử dụng súng bắn kim lấy một đoạn mô nhỏ) hoặc sinh thiết mở (dùng dao phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ khối) để chẩn đoán trên mẫu mô của cơ thể. Thông thường, thủ thuật này được thực hiện trong bệnh viện có sử dụng gây mê toàn thân. Sau khi sinh thiết, trẻ có thể buồn ngủ trong vài giờ cho đến khi thuốc mê hết tác dụng. Kết quả sinh thiết sẽ có sau khoảng một tuần và bác sĩ sẽ liên hệ với gia đình để thảo luận về kết quả.
Khoa Giải phẫu bệnh- Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi thực hiện xét nghiệm chọc hút tế bào kim nhỏ và tiếp nhận tất cả các mẫu bệnh phẩm sinh thiết trong và ngoài bệnh viện gửi đến.
Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh 24/7 (kể cả ngày lễ và thứ 7, chủ nhật). Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, bố mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến để được khám, tư vấn và điều trị nếu cần.
Phó Hồng Điệp Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương