1. Tình mẫu tử là gì?
Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng cao đẹp và đáng trân quý nhất trong cuộc đời mỗi con người. Tình mẫu tử là tình cảm ruột thịt thiêng liêng cao quý giữa người mẹ và người con. Đó là sự trao đi vô điều kiện của người mẹ vì hạnh phúc của cuộc sống con cái mình, là sự tôn trọng, biết ơn và khắc cốt ghi tâm tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, vô tận. Chúng ta không bao giờ có thể cân đong đo đếm được giá trị thiêng liêng và vai trò to lớn của người mẹ trong hành trình trưởng thành, trong hành trình sống làm người của mỗi người.
Tình mẫu tử giúp đời sống tinh thần của ta đầy đủ, phong phú và ý nghĩa, giúp ta tránh khỏi những cám dỗ trong cuộc sống. Đồng thời thứ tình cảm trường cửu và vĩ đại ấy cũng là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm cho ta sức mạnh trước mỗi khó khăn, là niềm tin, là động lực và là mục đích cho sự nỗ lực và khát khao sống của cá nhân. Các bạn có thể tham khảo những dẫn chứng sau để làm bài viết của mình thêm chân thực khách quan.
Khi còn trẻ các cô gái có thể đôi lúc yếu đuối, nũng nịu hay thậm chí choảnh chọe. Nhưng khi đã là mẹ thì tình mẫu tử sẽ cho các cô sức mạnh để cứng rắn, kiên cường vì con mà đứng ra nơi đầu sóng ngọn gió, bởi con là tất cả. Có thể nói, tình mẫu tử không phải thứ tình cảm giản đơn, mềm yếu mà là sức mạnh, là phép nhiệm màu của loài người.
Tình mẫu tử đến với những phụ nữ một cách tự nhiên. Giây phút họ biết rằng mình đang mang trong người một sinh linh bé nhỏ thì trong tim họ tự dưng sẽ nảy sinh cảm giác yêu thương và bảo vệ sinh linh ấy. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy không hữu hình như cơm ăn áo mặc hằng ngày nhưng thiếu nó, ắt hẳn không đứa con nào có thể lớn lên toàn vẹn.
Trong cuộc sống của mỗi con người, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, cao quý. Mẹ là người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Mẹ mãi là ngọn lửa yêu thương, là bến bờ thương nhớ, là nguồn sức mạnh tinh thần tiếp bước con đi trong suốt cuộc đời.
Hai từ mẫu – tử đã trở nên vô cùng thiêng liêng. Mẫu là từ chỉ mẹ và tử là từ chỉ con. Tình mẫu tử là tình cảm nồng nàn, bền chặt giữa người mẹ và người con, chỉ công lao sinh thành và dưỡng dục cho người mẹ đối với người con và đồng thời chỉ tình yêu thường và sự biết ơn vô bờ bến của người con đối với người mẹ. Tình mẫu tử khó có một từ ngữ nào có thể đo đếm được giá trị của nó.
2. Dẫn chứng, ví dụ tình mẫu tử thiêng liêng:
Trong văn học:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của tác giả : Nguyễn Duy
“ Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò … sung chát đào chua …
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Hay ví dụ về tình mẫu tử thiêng liêng của cậu bé Hồng và người mẹ bất hạnh của mình trong tác phẩm Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.
Hay sự hi sinh và bao dung của người mẹ trong tác phẩm Mẹ tôi của Ét-môn-đô dờ A-mi-xi
Trong cuộc sống:
– Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Yên (sinh năm 1981, thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội) – câu chuyện về một người mẹ chịu mù để con chào đời hẳn sẽ khiến không ít chúng ta rơi nước mắt. Cuộc sống tưởng như đã quá trọn vẹn với chị khi chị tìm được nửa kia của cuộc đời mình. Vậy nhưng cũng từ khi chị mang bầu, bi kịch cuộc đời chị bắt đầu. Đôi mắt người phụ nữ ấy đã trở nên mù loà chỉ để cho đứa con được chào đời. Khi con trong bụng được 5 tháng chị Yên chảy máu cam nhiều và có biểu hiện nổi hạch lạ. Chị đi viện khám và bị chẩn đoán bị ung thư hốc mũi giai đoạn cuối. Các bác sĩ và gia đình khuyên chị bỏ thai trong bụng để chữa bệnh và cứu đôi mắt.
Những ngày tháng ấy với chị khó khăn hơn bao giờ hết. Vừa chiến đấu với bệnh tật vừa mang bầu hạnh phúc và đớn đau với chị như hòa vào làm một. Có những chiều chị cứ lẩn thẩn lang thang khắp ngõ rồi chỉ biết gục mặt cạnh tường vật vã khóc. Vậy nhưng chị khước từ.
Chị giữ con và quyết tâm sinh bé Nguyễn Hoàng Cẩm Tú ở tháng thứ 8. Khi con ra đời cũng chính là lúc đôi mắt người mẹ trẻ ấy mất đi đôi mắt sáng. Đối với người phụ nữ này, được sinh con đã là một điều hạnh phúc vô bờ mà chị không bao giờ hối tiếc về quyết định của mình. Với chị, việc có thể sinh con ra khỏe mạnh là một điều hạnh phúc lớn lao mà dù có phải chết, chị cũng không bao giờ hối tiếc.
– Hay một câu chuyện cảm động khác về tình mẫu tử thiêng liêng, người mẹ tình nguyện chết để giữ mạng sống cho con- chị Trần Thị Lan Anh ở Bạc Liêu mặc dù sắp lìa xa cõi đời vì chứng suy tim nặng, nhưng người mẹ ấy vẫn cố gắng duy trì sự sống mong manh từng ngày của đứa con trong bụng. Khi được nhìn thấy con chào đời cũng là lúc chị mỉm cười trút hơi thở cuối cùng. Năm 2013 chị Lan Anh mang thai lần 3 nhưng không như hai lần trước chị thường có những cơn ho dai dẳng và luôn cảm thấy khó thở, tức ngực.
Nhiều lúc ho ra máu, thân hình gầy xọp đi. Sau khi đi khám bác sĩ kết luận chị bị suy tim quá nặng, không thể cứu chữa, mạng sống chỉ tính từng ngày. Lúc này thai nhi đã được 5 tháng, chị Lan Anh biết không sống được bao lâu nữa nhưng chi cầu khẩn bác sĩ làm mọi cách để có thể cho đứa bé chào đời. Trụ được đến tháng thứ 6 thì cơ thể chị hoàn toàn suy kiệt. Nhận thấy tình thế quá khẩn cấp, các bác sĩ tuyến dưới đã chuyển bệnh nhân lên BV phụ sản Từ Dũ. Tại đây, mặc dù chị chỉ còn thở thoi thóp nhưng vẫn luôn lo lắng cho mạng sống của con mình. Nhận thấy mạng sống chị Anh chỉ còn tính từng giờ, đội ngũ bác sĩ đã đi tới quyết định sẽ thực hiện ca mổ để kịp cứu thai nhi mặc dù bé mới được 6 tháng.
3. Ý nghĩa của tình mẫu tử:
Tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt và thiêng liêng trong lòng mỗi người, là niềm sống và điểm tựa để chúng ta vượt qua những khó khăn và giông bão của cuộc đời. Tình mẫu tử có vai trò vô cùng to lớn mà khó, sau đây chúng tôi xin liệt kê một số vai trò của tình mẫu tử như sau:
– Tình mẫu tử là tình cảm đầu tiên mà mỗi người sinh ra đều cảm nhận được và sẽ gắn bó với nó trong suốt cuộc đời: từ khi mẹ mang nặng đẻ đau, nâng đỡ con khi chập chững vào đời, sánh bước cùng con qua từng nấc thang của cuộc đời. Cuộc đời của người con cũng chính là cuốn nhật ký của người mẹ.
– Là tình cảm mang tính cao cả: mẹ là người bao dung ta trong mọi hoàn cảnh, là nơi cho ta nương tựa mỗi lần vấp ngã, là nơi để ta gửi gắm những điều thầm kín, là nguồn động lực giúp ta vững vàng trong giông tố.
– Tình mẫu tử cũng là tình cảm tự nhiên và mang tính trách nhiệm. Chúng ta được sinh ra và nuôi dưỡng bởi mẹ, chúng ta yêu thương và gắn bó đó là tình cảm tự nhiên, đồng thời cũng cần có trách nhiệm bảo vệ những tình cảm tốt đẹp đó thể hiện trách nhiệm của mỗi người.
– Tình mẫu tử có cội rễ sâu xa từ lòng nhân ái – truyền thống đạo lí của dân tộc ta hàng nghìn đời nay.
– Nếu được sống trong tình mẫu tử thì con người ta sẽ vô cùng hạnh phúc, còn nếu thiếu thốn tình mẫu tử thì sẽ là người chịu thiệt thòi và bất hạnh.
– Tình mẫu tử có thể soi sáng con đường cho mỗi người, giúp con người thức tỉnh khi lầm đường lạc lối, sống tốt hơn và sống có trách nhiệm hơn.
– Tình mẫu tử là sức mạnh kì diệu giúp con người vượt lên những khó khăn của cuộc sống.