Sự chuyển dịch quyền lực ngày càng rõ nét từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông. Trong những thập niên tới, vị thế của châu Á ngày càng gia tăng, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương với vai trò đầu tàu là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực đứng đầu thế giới về quy mô kinh tế và các nguồn lực phát triển kinh tế (như tài nguyên thiên nhiên, dự trữ ngoại hối, nguồn lực con người/thể chế), tốc độ tăng trưởng và tiềm năng phát triển kinh tế (độ lớn thị trường và hội nhập kinh tế khu vực). Đây cũng là khu vực có nhiều cường quốc nhất, tập trung ba(1) trong năm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; các quốc gia có ảnh hưởng lớn về chính trị khác, như Ấn Độ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a – là các quốc gia đi đầu trong Phong trào Không liên kết; là khu vực có tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đóng vai trò trung tâm trong các thể chế chính trị/an ninh khu vực. Bên cạnh đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều cường quốc quân sự nhất (7/10(2) cường quốc quân sự hàng đầu thế giới). Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, khu vực này đã lôi cuốn sự tham gia của các nước lớn và định hình trục quan hệ, xu hướng quan hệ quốc tế mới giữa các cường quốc, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ. Những thành tựu về tăng trưởng kinh tế của châu Á, cùng với những thế mạnh về vốn, dự trữ ngoại tệ, lao động rẻ, tính năng động và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia, như Trung Quốc, Ấn Độ đã nâng cao vị thế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên thế giới. Bên cạnh vai trò chủ đạo của các nước lớn trong lĩnh vực kinh tế đang suy giảm, các nước vừa và nhỏ ngày càng vươn lên giành vị trí tương xứng. Sự thay đổi trong quan hệ Bắc – Nam, trong đó vai trò của các nước vừa và nhỏ đã tăng lên đáng kể. Độ lớn về địa lý, quy mô kinh tế và triển vọng phát triển là những nhân tố quyết định để khu vực châu Á – Thái Bình Dương vươn lên trở thành trung tâm địa – chính trị toàn cầu.
Khả năng xuất hiện một cuộc “chiến tranh lạnh mới”?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự tùy thuộc và lệ thuộc lẫn nhau đang tăng lên, với tư duy mới về an ninh và phát triển, cùng sự phổ biến của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và những bài học sau chiến tranh, khả năng xảy ra đụng độ lớn về quân sự giữa các cường quốc trong những thập niên tới là rất thấp. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn nhằm định hình lại trật tự thế giới diễn ra ngày càng phức tạp và căng thẳng dưới nhiều hình thức, như cuộc xung đột Nga – U-crai-na hiện nay làm cho nguy cơ diễn biến trở thành cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới ngày càng rõ nét. Điều này thể hiện thông qua những chính sách chạy đua vũ trang chưa từng có giữa Mỹ, NATO với Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra gay gắt, khó có điểm dừng. Một số nước lớn vẫn coi chiến tranh là biện pháp và vũ lực là công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại nên không ngừng tăng cường vũ trang, cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực “ngoại vi” và tại các điểm nóng trên thế giới. Điều này không nằm ngoài quy luật trong quan hệ quốc tế là các nước lớn chi phối quan hệ quốc tế và cạnh tranh chiến lược với nhau dựa trên sự thay đổi trong tương quan lực lượng như đã nêu trên… Do đó, xu hướng cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc tại vị, đại diện là Mỹ và các cường quốc mới nổi, đại diện là Trung Quốc và Nga ngày càng thể hiện rõ nét, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ tìm cách đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm duy trì vị trí dẫn dắt trật tự thế giới và bảo vệ các lợi ích toàn cầu của Mỹ. Cạnh tranh trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc và Mỹ – Nga tăng lên là do: 1- Các bên đều không cho phép bên nào đứng trên mình và đứng đầu để chi phối thế giới; 2- Tương tác giữa hai nước bị chi phối bởi vòng xoáy “hành động – phản ứng” theo hướng leo thang do tình trạng mất lòng tin và nghi kỵ lẫn nhau ngày càng trầm trọng; 3- Mỹ, Trung Quốc và Nga đều theo đuổi lập trường “cứng rắn”; chủ nghĩa dân tộc cực đoan và dân túy làm nổi rõ hơn các khác biệt và vì vậy xuất hiện những va chạm quyền lợi về kinh tế (thâm hụt thương mại), chiến lược (vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông), trật tự khu vực (các thể chế, kiến trúc khu vực) và giá trị (dân chủ, quyền con người, tự do tôn giáo); 4- “Mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” do Trung Quốc đề xướng không trở thành hiện thực do nhiều yếu tố từ cả hai phía.
Trong thời gian tới, dự báo Mỹ và Trung Quốc đều mở rộng cạnh tranh chiến lược và tranh giành ảnh hưởng. Cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc chủ yếu xoay quanh hai chủ đề: Một là, cạnh tranh vùng ảnh hưởng, nhất là can dự vào các “điểm nóng” tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông; hai là, cạnh tranh quyền “tạo dựng luật chơi” về kinh tế, chính trị – an ninh trong các hiệp định, cơ chế, tổ chức thương mại do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt, như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) do Trung Quốc khởi xướng; Luật chơi về chính trị – an ninh (giữa cơ chế hợp tác an ninh “trục – nan hoa” do Mỹ ở vị trí trung tâm với các cơ chế hợp tác, như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo.
Tuy nhiên, cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc dù diễn ra rất quyết liệt trên nhiều phương diện, nhưng sẽ không dẫn đến xung đột trực tiếp và không gây đổ vỡ quan hệ bởi Mỹ vẫn có lợi ích và nhu cầu hợp tác với Trung Quốc, vì: thứ nhất, Mỹ cần duy trì hòa bình và ổn định khu vực để tập trung theo đuổi các mục tiêu đối nội; thứ hai, tình trạng lệ thuộc lẫn nhau giữa hai quốc gia là khá lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; thứ ba, Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Một số chuyên gia phân tích dự báo đến năm 2030 và tiếp nữa là năm 2045, ít có khả năng xuất hiện một cường quốc có thể thay thế vai trò của Mỹ, mặc dù thế và lực của Mỹ đã bị suy giảm đáng kể. Mỹ vẫn sẽ là tác nhân quan trọng nhất trong số các cường quốc trên thế giới dựa vào ưu thế vượt trội về tiềm lực sức mạnh của Mỹ, bởi: Một là, Mỹ vẫn đang dẫn trước các nước khác một khoảng cách lớn về kinh tế, quân sự, khoa học – công nghệ; hai là, những điều chỉnh của Mỹ về cơ cấu kinh tế và quân sự trên cơ sở cách mạng khoa học – công nghệ tạo nên một nền tảng khá vững chắc để Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu về tiềm lực kinh tế và quân sự – hai nhân tố cơ bản để tạo nên sức mạnh Mỹ trong quan hệ quốc tế.
Có thể nói, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra không có sự đối đầu trực tiếp như cuộc chiến giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ XX, nhưng cũng không kém phần quyết liệt. Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng kéo theo cuộc chạy đua vũ trang vô cùng mạnh mẽ, tốn kém, gây ra những hệ lụy đối với trật tự thế giới, tác động tiêu cực đến quá trình hội nhập quốc tế của nhiều quốc gia.