Cách phân biệt các Danh từ, Động từ, Tính từ dễ lẫn lộn

Video xác định danh từ tính từ

Cách phân biệt các danh từ, động từ, tính từ được VnDoc sưu tầm, tổng hợp những kiến thức cơ bản về từ loại danh từ, động từ, tính từ và các bài tập có đáp án đi kèm giúp các em học sinh tiểu học củng cố các dạng bài tập luyện từ và câu chuẩn bị cho các kỳ thi. Mời các em cùng tham khảo.

A. Lý thuyết về từ loại

  • Dựa vào sự giống nhau về đặc điểm ngữ pháp, các từ được phân ra thành từng loại, gọi là từ loại.
  • Từ loại là các loại từ có chung đặc điểm ngữ pháp và ý nghĩa khái quát.
  • Các từ loại cơ bản của Tiếng Việt gồm: Danh từ, động từ, tính từ, đại từ (lớp 5). Ngoài ra, còn có 1 số từ loại khác như: Quan hệ từ (học ở lớp 5), số từ, phụ từ, tình thái từ,…(không học ở tiểu học).

B. Danh từ, động từ, tính từ

1. Danh từ (DT)

– DT là những từ chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm hoặc đơn vị). Ví dụ:

  • DT chỉ hiện tượng: mưa, nắng, sấm, chớp,…
  • DT chỉ khái niệm: đạo đức, người, kinh nghiệm, cách mạng,…
  • DT chỉ đơn vị: Ông, vị (vị giám đốc), cô (cô Tấm), cái, bức, tấm,… ; mét, lít, ki-lô-gam,… ; nắm, mớ, đàn,…

– Khi phân loại DT tiếng Việt, trước hết, người ta phân chia thành 2 loại: DT riêng và DT chung.

  • Danh từ riêng: là tên riêng của một sự vật (tên người, tên địa phương, tên địa danh,…)
  • Danh từ chung: là tên của một loại sự vật (dùng để gọi chung cho một loại sự vật). DT chung có thể chia thành 2 loại:
  • DT cụ thể: là DT chỉ sự vật mà ta có thể cảm nhận được bằng các giác quan (sách, vở, gió, mưa,…).
  • DT trừu tượng: là các DT chỉ sự vật mà ta không cảm nhận được bằng các giác quan (cách mạng, tinh thần, ý nghĩa,…).
  • Các DT chỉ hiện tượng, chỉ khái niệm, chỉ đơn vị được giảng dạy trong chương trình SGK lớp 4 chính là các loại nhỏ của DT chung.

⇒ DT chỉ hiện tượng:

– Hiện tượng là cái xảy ra trong không gian và thời gian mà con người có thể nhận thấy, nhận biết được. Gồm có:

  • Hiện tượng tự nhiên như: mưa, nắng, sấm, chớp, động đất,…
  • Hiện tượng xã hội như: chiến tranh, đói nghèo, áp bức,…

– Theo đó, danh từ chia thành:

  • DT chỉ hiện tượng là DT biểu thị các hiện tượng tự nhiên (cơn mưa, ánh nắng, tia chớp,…)
  • DT chỉ hiện tượng xã hội (cuộc chiến tranh, sự đói nghèo,…)

⇒ DT chỉ khái niệm:

  • Chính là loại DT có ý nghĩa trừu tượng (DT trừu tượng – đã nêu ở trên).
  • Đây là loại DT không chỉ vật thể, các chất liệu hay các đơn vị sự vật cụ thể, mà biểu thị các khái niệm trừu tượng như: tư tưởng, đạo đức, khả năng, tính nết, thói quen, quan hệ, thái độ, cuộc sống, ý thức, tinh thần, mục đích, phương châm,chủ trương, biện pháp, ý kiến, cảm tưởng, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, tình bạn,…
  • Các khái niệm này chỉ tồn tại trong nhận thức, trong ý thức của con người, không “vật chất hoá”, cụ thể hoá được. Nói cách khác, các khái niệm này không có hình thù, không cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan như mắt nhìn, tai nghe,…

⇒ DT chỉ đơn vị:

Hiểu theo nghĩa rộng, DT chỉ đơn vị là những từ chỉ đơn vị các sự vật. Căn cứ vào đặc trưng ngữ nghĩa, vào phạm vi sử dụng, có thể chia DT chỉ đơn vị thành các loại nhỏ như sau :

  • DT chỉ đơn vị tự nhiên: Các DT này chỉ rõ loại sự vật, nên còn được gọi là DT chỉ loại. Đó là các từ: con, cái, chiếc; cục, mẩu, miếng; ngôi, tấm, bức; tờ, quyển, cây, hạt, giọt, hòn, sợi,…
  • DT chỉ đơn vị đo lường: Các DT này dùng để tính đếm, đo đếm các sự vật, vật liệu, chất liệu,…VD: lạng, cân, yến, tạ, mét thước, lít sải, gang,…
  • DT chỉ đơn vị tập thể: Dùng để tính đếm các sự vật tồn tại dưới dạng tập thể, tổ hợp. Đó là các từ: bộ, đôi, cặp, bọn, tụi, đàn, dãy, bó,…
  • DT chỉ đơn vị thời gian: Các từ như: giây, phút, giờ, tuần, tháng, mùa vụ, buổi,…
  • DT chỉ đơn vị hành chính, tổ chức: xóm, thôn, xã, huyện, nước, nhóm, tổ, lớp, trường, tiểu đội, ban, ngành,…

⇒ Cụm danh từ:

  • DT có thể kết hợp với các từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ chỉ định ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm DT. Cụm DT là loại tổ hợp từ do DT và một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.
  • Trong cụm DT, các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho DT các ý nghĩa về số và lượng. Các phụ ngữ ở phần sau nêu lên đặc điểm của sự vật mà DT biểu thị hoặc xác định vị trí của sự vật ấy trong gian hay thời gian.

2. Động từ (ĐT)

– ĐT là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật. Ví dụ:

  • Đi, chạy, nhảy,… (ĐT chỉ hoạt động)
  • Vui, buồn, giận, … (ĐT chỉ trạng thái)

⇒ Mấy lưu ý về ĐT chỉ trạng thái:

– Đặc điểm ngữ pháp nổi bật nhất của ĐT chỉ trạng thái là: nếu như ĐT chỉ hoạt động, hành động có thể kết hợp với từ xong ở phía sau (ăn xong, đọc xong ,…) thì ĐT chỉ trạng thái không kết hợp với xong ở phía sau (không nói: còn xong, hết xong, kính trọng xong, …). Trong TV có một số loại ĐT chỉ trạng thái sau :

  • ĐT chỉ trạng thái tồn tại (hoặc trạng thái không tồn tại): còn, hết, có,…
  • ĐT chỉ trạng thái biến hoá: thành, hoá,…
  • ĐT chỉ trạng thái tiếp thụ: được, bị, phải, chịu,…
  • ĐT chỉ trạng thái so sánh: bằng, thua, hơn, là,…
Tham Khảo Thêm:  Tôi tiếng Anh là gì? Ví dụ và cụm từ liên quan

– Một số “nội ĐT” sau đây cũng được coi là ĐT chỉ trạng thái: nằm, ngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi, đứng, lăn, lê, vui, buồn, hồi hộp, băn khoăn, lo lắng,… Các từ này có một số đặc điểm sau:

  • Một số từ vừa được coi là ĐT chỉ hành động, lại vừa được coi là ĐT chỉ trạng thái.
  • Một số từ chuyển nghĩa thì được coi là ĐT chỉ trạng thái (trạng thái tồn tại).
  • Ví dụ:
    • Bác đã đi rồi sao Bác ơi! (Tố Hữu)
    • Anh ấy đứng tuổi rồi.
  • Một số từ mang đặc điểm ngữ pháp của TT (kết hợp được với các từ chỉ mức độ )

– Các “ngoại ĐT” sau đây cũng được coi là ĐT chỉ trạng thái ( trạng thái tâm lí ): yêu, ghét , kính trọng, chán, thèm, hiểu,…Các từ này mang đặc điểm ngữ pháp của TT, có tính chất trung gian giữa ĐT và TT.

– Có một số ĐT chỉ hành động dược sử dụng như một ĐT chỉ trạng thái. Ví dụ:

  • Trên tường treo một bức tranh.
  • Dưới gốc cây có buộc một con ngựa.

– ĐT chỉ trạng thái mang một số đặc điểm về ngữ pháp và ngữ nghĩa giống như TT. Vì vậy, chúng có thể làm vị ngữ trong câu kể: Ai thế nào?

⇒ Xem thêm về ĐT nội động và ĐT ngoại động:

– ĐT nội động: Là những ĐT hướng vào người làm chủ hoạt động (ngồi, ngủ, đứng,… ). ĐT nội động không có khả năng có bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp mà phải có quan hệ từ.

(VD1: Bố mẹ rất lo lắng cho tôi – ĐT nội động Q.H.T Bổ ngữ)

– ĐT ngoại động: là những ĐT hướng đến người khác, vật khác (xây, phá, đập, cắt,…). ĐT ngoại động có khả năng có bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp.

(V.D2: Bố mẹ rất thương yêu tôi – ĐT ngoại động Bổ ngữ)

– Để phân biệt ĐT nội động và ĐT ngoại động, ta đặt câu hỏi: ai ? cái gì ? đằng sau ĐT. Nếu có thể dùng 1 bổ ngữ trả lời trực tiếp mà không cần quan hệ từ thì đó là ĐT ngoại động (V.D2), nếu không được thì đó là ĐT nội động (V.D 1)

  • Hỏi: yêu thương ai? → yêu thương tôi.
  • Lo lắng cho ai ? → lo lắng cho tôi.( không thể hỏi: lo lắng ai ?)

⇒ Cụm động từ:

  • ĐT thường kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh (ở phía trước) và một số từ ngữ khác để tạo thành cụm ĐT. Cụm ĐT là loại tổ hợp từ do ĐT với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Nhiều ĐT phải có các từ ngữ phụ thuộc đi kèm, tạo thành cụm ĐT mới trọn nghĩa.
  • Trong cụm ĐT, các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho ĐT các ý nghĩa: quan hệ thời gian; sự tiếp diễn tương tự ;sự khuyến khích hoặc ngăn cản hành động; sự khẳng định hoặc phủ định hành động,…Các phụ ngữ ở phần sau bổ sung cho ĐT các chi tiết về đối tượng, hướng, địa điểm, thời gian, mục đích, nguyên nhân, phương tiện và cách thức hành động.

3. Tính từ (TT)

TT là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của vật, hoạt động, trạng thái,…

⇒ Có 2 loại TT đáng chú ý là:

  • TT chỉ tính chất chung không có mức độ (xanh, tím, sâu, vắng,…)
  • TT chỉ tính chất có xác định mức độ (mức độ cao nhất) (xanh lè, tím ngắt, sâu hoắm, vắng tanh,…)

⇒ Phân biệt từ chỉ đặc điểm, từ chỉ tính chất, từ chỉ trạng thái:

– Từ chỉ đặc điểm:

  • Đặc điểm là nét riêng biệt, là vẻ riêng của một một sự vật nào đó ( có thể là người, con vật, đồ vât, cây cối,…).
  • Đặc điểm của một vật chủ yếu là đặc điểm bên ngoài (ngoại hình ) mà ta có thể nhận biết trực tiếp qua mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi,… → Đó là các nét riêng , vẻ riêng về màu sắc , hình khối, hình dáng, âm thanh,…của sự vật .
  • Đặc điểm của một vật cũng có thể là đặc điểm bên trong mà qua quan sát,suy luận, khái quát,…ta mới có thể nhận biết được. → Đó là các đặc điểm về tính tình, tâm lí, tính cách của một người, độ bền, giá trị của một đồ vật…

– Từ chỉ đặc điểm là từ biểu thị các đặc điểm của sự vật, hiện tượng như đã nêu ở trên. Ví dụ:

  • Từ chỉ đặc điểm bên ngoài: Cao, thấp, rộng, hẹp, xanh, đỏ,…
  • Từ chỉ đặc điểm bên trong: tốt, ngoan, chăm chỉ, bền bỉ,…

– Từ chỉ tính chất: Tính chất cũng là đặc điểm riêng của sự vật, hiện tượng (bao gồm cả những hiện tượng xã hội, những hiện tượng trong cuộc sống,…), nhưng thiên về đặc điểm bên trong, ta không quan sát trực tiếp được, mà phải qua quá trình quan sát, suy luận, phân tích, tổng hợp ta mới có thể nhân biết được. → Do đó, từ chỉ tính chất cũng là từ biểu thị những đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.

VD: Tốt, xấu, ngoan, hư, nặng, nhẹ, sâu sắc, nông cạn, suôn sẻ, hiệu quả, thiết thực,…

⇒ Như vậy, đối với HS tiểu học, khi phân biệt (một cách tương đối) từ chỉ đặc điểm và từ chỉ tính chất, GV có thể tạm thời cho rằng: Từ chỉ đặc điểm thiên về nêu các đặc điểm bên ngoài, còn từ chỉ tính chất thiên về nêu các đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng. Một quy ước mang tính sư phạm như vậy được coi là hợp lí và giúp HS tránh được những thắc mắc không cần thiết trong quá trình học tập.

– Từ chỉ trạng thái:

  • Trạng thái là tình trạng của một sự vật hoặc một con người, tồn tại trong một thời gian nào đó. Từ chỉ trạng thái là từ chỉ trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan. VD:
    • Trời đang đứng gió.
    • Người bệnh đang hôn mê.
    • Cảnh vật yên tĩnh quá.
    • Mặt trời toả ánh nắng rực rỡ.
  • Xét về mặt từ loại, từ chỉ trạng thái có thể là ĐT, có thể là TT hoặc mang đặc điểm của cả ĐT và TT (từ trung gian), song theo như định hướng trong nội dung chương trình SGK, ở cấp tiểu học, chúng ta thống nhất chỉ xếp chúng vào nhóm ĐT để HS dễ phân biệt.
Tham Khảo Thêm:  Thông tin chi tiết địa điểm thi đánh giá năng lực 2023

⇒ Cụm tính từ:

  • Tính từ có thể kết hợp với các từ chỉ mức độ như : rất, hơi, lắm, quá, cực kì, vô cùng,… để tạo tạo thành cụm tính từ (khả năng kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh (như ĐT) ngay trước nó là rất hạn chế )
  • Trong cụm TT, các phụ ngữ ở phần trước có thể biểu thị quan hệ thời gian; sự tiếp diễn tương tự, mức độ của đặc điểm, tính chất, sự khẳng định hay phủ định. Các phụ ngữ ở phần sau có thể biểu thị vị trí, sự so sánh, mức độ, phạm vi hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất.

C. Cách phân biệt danh từ, động từ, tính từ dễ lẫn lộn

Để phân biệt các DT, ĐT, TT dễ lẫn lộn, ta thường dùng các phép liên kết (kết hợp) với các phụ từ.

a. Danh từ:

– Có khả năng kết hợp với các từ chỉ số lượng như: mọi, một, hai, ba, những, các,… ở phía trước (những tình cảm, những khái niệm, những lúc, những nỗi đau,…)

  • DT kết hợp được với các từ chỉ định: này, kia, ấy, nọ, đó,… ở phía sau (hôm ấy, trận đấu này, tư tưởng đó,… )
  • DT có khả năng tạo câu hỏi với từ nghi vấn “nào” đi sau (lợi ích nào? chỗ nào? Khi nào?…)

– Các ĐT và TT đi kèm: sự, cuộc, nỗi, niềm, cái,… ở phía trước thì tạo thành một DT mới (sự hi sinh, cuộc đấu tranh, nỗi nhớ, niềm vui,…)

– Chức năng ngữ pháp thay đổi cũng cũng dẫn đến sự thay đổi về thể loại. VD: Sạch sẽ là mẹ sức khoẻ. (sạch sẽ (TT) đã trở thành DT)

b. Động từ:

  • Có khả năng kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh: hãy, đừng, chớ,… ở phía trước (hãy nhớ, đừng băn khoăn, chớ hồi hộp,…)
  • Có thể tạo câu hỏi bằng cách đặt sau chúng từ bao giờ hoặc bao lâu (TT không có khả năng này) (đến bao giờ? Chờ bao lâu?…)

c. Tính từ:

  • Có khả năng kết hợp được với các từ chỉ mức độ như: rất, hơi, lắm, quá, cực kì, vô cùng,… (rất tốt, đẹp lắm,…)
  • Lưu ý: Các ĐT chỉ cảm xúc (trạng thái) như: yêu, ghét, xúc động,… cũng kết hợp được với các từ: rất, hơi, lắm,…. Vì vậy, khi còn băn khoăn một từ nào đó là ĐT hay TT thì nên cho thử kết hợp với hãy, đừng, chớ,… Nếu kết hợp được thì đó là ĐT.

D. Bài tập phân biệt Danh từ, Động từ, Tính từ có đáp án

Câu 1. Cho đoạn thơ sau:

Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy, li ti giữa những cánh hoa. Mỗi cuống hoa ra một trái. Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến. Mùa trái rộ vào tháng tư, tháng năm ta.

(trích Sầu riêng – Mai Văn Tạo)

a. Tìm các danh từ, tính từ, động từ có trong đoạn văn trên

b. Xếp các tính từ vừa tìm được ở câu a thành 2 nhóm:

– Tính từ chỉ đặc điểm

– Tính từ chỉ trạng thái

c. Đặt câu với các tính từ chỉ đặc điểm vừa tìm được

Câu 2. Em hãy xác định từ loại của các từ in đậm trong bài thơ sau:

Không có kính không phải vì xe không có kínhBom giật, bom rung, kính vỡ đi rồiUng dung buồng lái ta ngồi,Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắngThấy con đường chạy thẳng vào timThấy sao trời đột ngột cánh chimNhư sa, như ùa vào buồng lái.

Không có kính, ừ thì ướt áoMưa tuôn, mưa xối như ngoài trờiChưa cần thay, lái trăm cây số nữaMưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.

(trích Bài thơ về thiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Câu 3: Cho các từ sau: Bác sĩ, nhân dân, hi vọng, thước kẻ, sấm, văn học, cái, thợ mỏ, mơ ước, xe máy, sóng thần, chiếc, bàn ghế, gió mùa, xã, huyện, phấn khởi, tự hào, mong muốn, truyền thống, hoà bình.

a. Xếp các từ trên vào 2 loại: DT và không phải DT

b. Xếp các DT tìm được vào các nhóm: DT chỉ người, DT chỉ vật, DT chỉ hiện tượng, DT chỉ khái niệm, DT chỉ đơn vị.

Câu 4: Tìm chỗ sai trong các câu sau và sửa lại cho đúng:

a) Bạn Vân đang nấu cơm nước.

b) Bác nông dân đang cày ruộng.

c) Mẹ cháu vừa đi chợ búa.

d) Em có một người bạn bè rất thân.

Câu 5: Cho các từ: cánh đồng, tình thương, lịch sử. Hãy đặt thành 2 câu (với mỗi từ) sao cho trong 2 câu đó mỗi từ nằm ở 2 bộ phận chính khác nhau.

Câu 6: Xác định từ loại của những từ được gạch chân dưới đây :

– Anh ấy đang suy nghĩ .

– Những suy nghĩ của anh ấy rất sâu sắc.

– Anh ấy sẽ kết luận sau.

– Những kết luận của anh ấy rất chắc chắn.

– Anh ấy ước mơ nhiều điều.

– Những ước mơ của anh ấy thật lớn lao.

Câu 7: Các từ gạch chân trong từng câu dưới đây bổ sung ý nghĩa gì cho động từ đứng sau nó:

a) Tuy rét vẫn kéo dài nhưng mùa xuân đã đến.

b) Những cành cây đang trổ lá, lại sắp buông toả những tán hoa.

Câu 8: Xác định từ loại của các từ trong các thành ngữ:

– Đi ngược về xuôi.

– Nhìn xa trông rộng.

– Nước chảy bèo trôi.

Câu 9: Xác định các danh từ, tính từ, động từ có trong các câu sau:

– Bốn mùa một sắc trời riêng đất này.

– Non cao gió dựng sông đầy nắng chang.

– Họ đang ngược Thái Nguyên, còn tôi xuôi Thái Bình.

– Nước chảy đá mòn.

Câu 10: Xác định từ loại của những từ sau: Niềm vui, vui tươi, vui chơi, tình thương, yêu thương, đáng yêu.

Tham Khảo Thêm:  Mua Bán Chó Chăn Cừu Border Collie Thông Minh, Giá Rẻ Toàn quốc

Câu 11: Xác định từ loại của những từ sau: Sách vở, kiên nhẫn, kỉ niệm, yêu mến, tâm sự, lo lắng, xúc động, nhớ, thương, lễ phép, buồn, vui, thân thương, sự nghi ngờ, suy nghĩ, cái đẹp, cuộc vui, cơn giận dữ, trìu mến, nỗi buồn.

ĐÁP ÁN CHI TIẾT

Câu 1:

a. Xếp vào các nhóm như sau:

– Danh từ: hoa sầu riêng, cuối năm, gió, hương, hương cau, hương bưởi, khu vườn, hoa, chùm, cánh hoa, vảy cá, cánh sen con, nhụy, cuống hoa, trái, trái sầu riêng cành, tổ kiến, tháng tư, tháng năm

– Tính từ: thơm ngát, trắng ngà, nhỏ, lác đác, hao hao, li ti

– Động từ: trổ, đưa, tỏa, đậu, ra, lủng lẳng, rộ

b. Các tính từ tìm được đều là tính từ chỉ đặc điểm

c. Học sinh tham khảo các câu sau:

– Ngoài vườn, hoa quỳnh nở hương thơm ngát, theo gió bay vào tận phòng em.

– Những nụ hoa nhài trắng ngà, nhỏ như hạt nhãn, ấy thế mà thơm nồng nàn, không thể nào phớt lờ đi được.

– Nhìn từ xa, những ngôi sao trên trời nhỏ xíu, nhưng thực ra, nó là những hành tinh rất lớn ở ngoài vũ trụ.

– Trời về đêm lạnh buốt, trên đường chỉ lác đác vài người qua lại mà thôi.

– Mấy đám mây trên trời cứ hao hao như là những chiếc kẹo bông khổng lồ.

– Từng đóa hoa khế màu tím biếc, nhỏ li ti rơi lả tả trên mặt hồ, đẹp như phim vậy

Câu 2:

Sắp xếp như sau:

– Danh từ: kính, bom, buồng lái, gió, con đường, tim, sao trời, cánh chim, mưa, cây số, đất, trời

– Tính từ:vỡ, ung dung, đắng, thẳng, khô, đột ngột

– Động từ: giật, rung, ngồi, nhìn, xoa, chạy, tuôn, xối, ngừng, lùa

Câu 3:

a. Sắp xếp như sau:

– Danh từ: bác sĩ, nhân dân, thước kẻ, sấm, văn học, thợ mỏ, mơ ước, xe máy, sóng thần, bàn ghế, gió mùa, xã, huyện, truyền thống, hòa bình, cái, chiếc

– Không phải danh từ: hi vọng, phấn khởi, tự hào, mong muốn

b. Sắp xếp như sau:

  • DT chỉ người: bác sĩ, nhân dân, thợ mỏ, nhân dân
  • DT chỉ vật: xe máy, bàn ghế,
  • DT chỉ hiện tượng: sấm, sóng thần, gió mùa
  • DT chỉ khái niệm: văn học, mơ ước, truyền thống, hòa bình
  • DT chỉ đơn vị: cái, chiếc

Câu 4:

Lỗi sai là:

a) Bạn Vân đang nấu cơm nước . → Sửa thành: Bạn Vân đang nấu cơm (hoặc Bạn vân đang nấu nước)

b) Bác nông dân đang cày ruộng. → Không có lỗi sai

c) Mẹ cháu vừa đi chợ búa . → Sửa thành: Mẹ cháu vừa đi chợ.

d) Em có một người bạn bè rất thân. → Sửa thành: Em có một người bạn rất thân.

Câu 5:

– Cánh đồng:

  • Cánh đồng nằm ở phía cuối ngôi làng.
  • Nhà em nằm ở đầu làng, bên cạnh cánh đồng lúa.

– Tình thương:

  • Tình thương là thứ tình cảm thiêng liêng và vô giá.
  • Chúng ta nên dành tình yêu thương cho mọi người.

– Lịch sử:

  • Lịch sử là những dì đã qua đi, nằm lại trong quá khứ.
  • Sáng thứ hai, chúng em học môn Lịch sử.

Câu 6:

– Anh ấy đang suy nghĩ . → động từ

– Những suy nghĩ của anh ấy rất sâu sắc. → danh từ

– Anh ấy sẽ kết luận sau. → động từ

– Những kết luận của anh ấy rất chắc chắn. → danh từ

– Anh ấy ước mơ nhiều điều. → động từ

– Những ước mơ của anh ấy thật lớn lao. → danh từ

Câu 7:

a) Tuy rét vẫn kéo dài nhưng mùa xuân đã đến. → Bổ sung ý nghĩa về thời gian kéo dài của cái rét

b) Những cành cây đang trổ lá, lại sắp buông tỏa những tán hoa. → Bổ sung ý nghĩa về sự đang diễn ra của việc trổ lá

Câu 8:

– Đi ngược về xuôi.

  • Động từ: đi, về
  • Tính từ: ngược, xuối

– Nhìn xa trông rộng.

  • Động từ: nhìn, trông
  • Tính từ: xa, rộng

– Nước chảy bèo trôi.

  • Động từ: chảy, trôi
  • Danh từ: nước, bèo

Câu 9:

– Bốn mùa một sắc trời riêng đất này.

  • DT: bốn mùa, sắc trời, đất
  • TT: riêng

– Non cao gió dựng sông đầy nắng chang.

  • DT: non, gió, sông, nắng
  • TT: cao, dựng, đầy, chang

– Họ đang ngược Thái Nguyên, còn tôi xuôi Thái Bình.

  • DT: Thái Nguyên, Thái Bình
  • TT: ngược, xuôi

– Nước chảy đá mòn.

  • DT: nước, đá
  • ĐT: chảy
  • TT: mòn

Câu 10:

  • DT: niềm vui, tình thương
  • ĐT: vui chơi, yêu thương
  • TT: vui tươi, đáng yêu

Câu 11:

  • DT: sách vở, kỉ niệm, tâm sự, sự nghi ngờ, cái đẹp, cuộc vui, cơn giận giữ, nỗi buồn
  • TT: kiên nhẫn, yêu mến, lo lắng, xúc động, lễ phép, thân thương, trìu mến, buồn, vui
  • ĐT: nhớ, thương, suy nghĩ

Đề thi giữa kì 1 lớp 4 có đáp án

  • 65 Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Toán
  • Đề thi giữa học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4
  • Từ vựng – Ngữ pháp tiếng Anh giữa kì 1 lớp 4 năm 2020 – 2021
  • Bộ đề thi giữa học kì 1 lớp 4 năm 2020 – 2021 Có đáp án
  • Bộ đề thi giữa học kì 1 lớp 4 năm 2019 – 2020 theo Thông tư 22
  • Bộ đề thi giữa học kì 1 lớp 4 năm 2018 – 2019 theo Thông tư 22
  • Bộ đề thi giữa học kì 1 lớp 4 năm 2017 – 2018 theo Thông tư 22
  • Bộ đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn tiếng Anh năm 2020 – 2021
  • Đề thi giữa học kì 1 môn tiếng Anh lớp 4 có đáp án
  • Đề cương ôn tập giữa học kì 1 lớp 4
  • Đề thi giữa học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2021-2022 – Đề 1
  • Đề thi giữa học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2021-2022 – Đề 2

Ngoài tài liệu Đề thi học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 – Đề 2 trên, chúng tôi còn biên soạn và sưu tầm nhiều đề thi giữa kì 1 lớp 4, đề thi học kì 1 lớp 4, đề thi giữa kì 2 lớp 4 và đề thi học kì 2 lớp 4 tất cả các môn. Mời các em cùng tham khảo, luyện tập cập nhật thường xuyên.

  • Bài tập về danh từ, động từ, tính từ
  • Bài tập về từ ghép và từ láy

BluXanh

https://jun88.black/

789bet

sunwin

link vào hi88

Kênh Xoilac98.TV tructiepbongda full HD

OKVIP