Nhiều người có thói quen tắm nước lạnh – bất kể mùa hè hay mùa đông. Tuy nhiên, tắm nước lạnh trong mùa lạnh có nguy cơ gây tử vong hoặc liệt vĩnh viễn do đột quỵ, theo nhật báo Times Now News (Ấn Độ).
Tắm nước lạnh trong mùa lạnh nguy cơ thế nào?
Mùa lạnh là mùa gia tăng các vấn đề về tim ở nhiều người. Theo các chuyên gia y tế, lạnh khiến các mạch máu co lại dẫn đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Tắm nước lạnh trong mùa lạnh có nguy cơ gây đột quỵ
Shutterstock
Tại sao tắm nước lạnh trong mùa lạnh lại nguy hiểm?
Các chuyên gia y tế cho rằng việc tiếp xúc với nước lạnh đột ngột và bất ngờ có thể đe dọa những người mắc bệnh tim.
Nước lạnh gây sốc cho cơ thể, khiến các mạch máu trên da co lại, làm chậm quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Do đó, tim bắt đầu đập nhanh hơn để có thể bơm máu đi khắp cơ thể.
Tiến sĩ Sudhir Kumar, nhà thần kinh học nổi tiếng tại Bệnh viện Apollo Hospitals (Ấn Độ), có 1 bệnh nhân 68 tuổi gặp sự cố như vậy – với cơn đột quỵ do huyết áp cao trong khi tắm nước lạnh.
Vị tiến sĩ đã lên Twitter thông báo về sự cố này và kêu gọi mọi người cảnh giác.
Cách giảm đột quỵ trong những tháng lạnh
Các bác sĩ cho biết đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây liệt nửa người và tử vong.
Sau đây là một số cách bạn có thể thực hiện để tránh các biến cố đe dọa tính mạng này, đặc biệt là trong những tháng lạnh hơn:
Tránh tắm nước lạnh: Luôn tắm bằng nước ấm hoặc âm ấm.
Giữ ấm: Đối với người dễ bị bệnh khi thời tiết lạnh, hãy cố gắng mặc đủ lớp quần áo.
Duy trì hoạt động thể chất: Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục và rèn luyện sức khỏe. Có thể thực hiện các hoạt động như chạy bộ, đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu nhẹ, yoga, tập thể dục tại nhà, khiêu vũ hoặc thiền. Tập thể dục thường xuyên giúp giữ ấm cơ thể.
Mùa lạnh là mùa gia tăng các vấn đề về tim ở nhiều người
Shutterstock
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh trong mùa lạnh: Tận dụng tối đa các loại trái cây và rau xanh tươi theo mùa. Tránh thực phẩm chiên, béo, chế biến, có đường sẽ làm tăng mức cholesterol và đường trong máu. Nên ăn thức ăn nóng và kết hợp gừng vào chế độ ăn uống hằng ngày.
Theo dõi các chỉ số sức khỏe thường xuyên: Theo dõi chặt chẽ các tình trạng y tế như bệnh tiểu đường, huyết áp, cholesterol, thận và các vấn đề khác.
Tránh làm việc quá sức: Người có bệnh tim mạch nên cố gắng tránh làm những công việc nặng nhọc và vất vả.
Tránh uống rượu: Nếu phải uống, hãy đảm bảo tránh uống nhiều rượu.
Bỏ hút thuốc: Ngoài nhiều bệnh khác, hút thuốc cũng làm phát sinh các vấn đề về tim, theo Times Now News.