Phóng viên: Có thể thấy tổ phóng viên chiến tranh của Báo đã được chuẩn bị rất kỹ ngay từ những ngày đầu. Báo đã có sự chủ động bài bản và luôn trong tư thế sẵn sàng như vậy khi Mỹ bắt đầu mở chiến dịch ném bom miền bắc và Hà Nội. Ông có thể kể lại quá trình tác nghiệp những ngày đó như thế nào?
Nhà báo Phạm Thanh: Cuối năm 1972, Kissinger tuyên bố “hoà bình trong tầm tay”. Ngày 14/12/1972,Tổng thống Mỹ Nixon gửi tối hậu thư tới Chính phủ Việt Nam yêu cầu quay lại hội nghị Paris ký kết theo những điều kiện do Mỹ đề ra. Bốn ngày sau đó dù Chính phủ Việt Nam chưa trả lời, nhưng B-52 của không quân Mỹ đã ném bom rải thảm Hà Nội.
Đúng 19 giờ 30 ngày 18/12/1972, cuộc đối đầu lịch sử chính thức bắt đầu. Tôi nhớ đêm hôm ấy, còi báo động từ Nhà hát Lớn vang lên kéo dài. Đài phát thanh Hà Nội đọc lệnh của Hội đồng phòng không thành phố: “Đồng bào chú ý, giặc Mỹ có âm mưu điên cuồng đánh phá Hà Nội. Khi có báo động mọi người nhất thiết phải xuống hầm, không ai được đi lại đứng ngồi trên mặt đất”.
Nghe đài xong, tôi gọi ngay dây nói lên Đài quan sát phòng không đặt trên toà nhà Ngân hàng Nhà nước xem có thông tin gì mới. Anh Tín, trinh sát của Bộ tư lệnh phòng không Thủ đô trả lời gấp gáp : “Bò đen sắp vào Hà Nội, lên ngay đi”.
Ngay lập tức, nhóm phóng viên chiến tranh chúng tôi nhanh chóng lên xe ô tô có cắm cờ Phòng không – Nhân dân vọt ra khỏi trụ sở báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống. Đường phố lúc này vắng ngắt, bởi vì chúng ta đã dự báo được tình hình, tiến hành sơ tán hơn 500.000 người già, trẻ em và các trường học ra khỏi thành phố. Số người còn ở lại Hà Nội hoặc đã xuống hầm, hoặc đang trực chiến trên trận địa.
Đêm ấy mùa đông rất rét. Điện tắt. Bom đạn đã nổ. Xe chúng tôi bị hơi bom, có lúc xô giạt vào vỉa hè. Vốn quen với đài quan sát, chúng tôi phóng xe đến nhà Ngân hàng, anh bảo vệ nhanh chóng mở cửa cho vào. Anh Tín, rồi cả anh Chính, A trưởng trinh sát Bộ tư lệnh phòng không Hà Nội cho biết : “Bò đen là ám hiệu B52”. Những loạt bom nổ vừa rồi chỉ là của bọn tiêm kích đánh vỗ mặt nhằm làm cho ta lạc hướng. Còn những thiên thần hắc ám, “pháo đài bay” đang bay trên độ cao 10.000m sắp vào.
Trên đài quan sát hôm ấy, chúng tôi nghe những chiến sĩ trinh sát liên tục báo hướng các tốp B-52, liên tục báo tên lửa của ta bay về hướng đông, hướng nam, máy bay ta đã xuất kích, pháo tầm cao đã lên nòng, súng bộ binh dày đặc trên khắp trận địa bắn lên. Đêm 18/12, B-52 đã mang bom rải thảm nhiều đợt xuống khu vực Đức Giang (Gia Lâm), Uy Nỗ – Cổ Loa (Đông Anh). Nhưng trong ngay đêm ấy có 3 máy bay B-52 bị bắn tan xác ngay trên vùng trời chúng vừa gây tội ác.
Đến sáng hôm sau (ngày 19/12), nhóm phóng viên gồm tôi và các anh Đỗ Quảng, Trần Quỳnh, Văn Bang vội lên Uy Nỗ và những nơi B-52 vừa đánh phá. Khó mà tưởng tượng nổi mới buổi chiều hôm trước, những cánh đồng lúa đông xuân và hoa màu của hai xã Uy Nỗ – Cổ Loa còn xanh mơn mởn mà sáng hôm sau đã tan hoang với hơn 5.000 hố bom dày đặc chi chít. Nhà cửa bị phá nát dập vùi san bằng. Hàng chục người chết và bị thương do trận trước còn chưa kịp chôn thì loạt bom thứ 2 và thứ 3 thả xuống làm mất xác.