Nhiều bệnh nhân bị mụn chia sẻ rằng họ đã trị mụn thành công nhờ uống bổ sung viên kẽm. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ ai cũng nên uống kẽm để làm đẹp da.
Kẽm có tác dụng thế nào với làn da?
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt giúp vết thương mau lành hơn. Đối với trẻ em, kẽm còn giúp tăng trưởng chiều cao, cân nặng. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta lại không có cơ chế tích trữ kẽm, mà bạn bắt buộc phải nạp kẽm vào cơ thể qua đường ăn uống hàng ngày để duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Bản thân kẽm cũng là một thành phần quen thuộc trong các sản phẩm mỹ phẩm thoa ngoài da. Các loại kem chống nắng vật lý thường chứa kẽm oxide với tác dụng tạo lớp màng chống tia UV. Kẽm oxide rất lành tính, có khả năng làm dịu da tốt. Đây là thành phần chính trong dung dịch hồ nước, thường được dùng để điều trị bệnh zona thần kinh, giời leo, và cũng có thể dùng để bôi ngoài vết mụn.
Nếu được nạp vào cơ thể qua đường ăn uống, kẽm sẽ kết hợp với các loại vitamin và khoáng chất khác để làm giảm mụn và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm trên da. Kẽm có khả năng chống viêm, làm vết thương nhanh lành, hỗ trợ quá trình tái tạo collagen, sửa chữa ADN, nên khi uống kẽm, bạn sẽ thấy các vết mụn ít để lại sẹo thâm hơn.
Theo nghiên cứu, tầng thượng bì của da thường chứa nhiều kẽm nhất. Vì thế, nếu bạn uống viên kẽm đều đặn, da sẽ có khả năng tái tạo tế bào tốt hơn, da khỏe hơn và có vẻ trẻ trung hơn. Khi da luôn ở trạng thái khỏe mạnh, ít viêm nhiễm, thì mụn giảm đi là điều hoàn toàn hợp lý.
Trung bình, mỗi người nên hấp thụ khoảng 8-9mg kẽm mỗi ngày, với phụ nữ mang thai thì nên hấp thụ 11mg mỗi ngày. Đây là một liều lượng tương đối thấp, bạn hoàn toàn có thể hấp thụ qua các loại thực phẩm thông thường chứ không nhất thiết phải dùng viên kẽm. Ngay trong chính những thực phẩm quen thuộc như thịt bò, thịt gà, trứng, hàu đều rất giàu kẽm.
Với những người ăn chay, lựa chọn thực phẩm nhiều kẽm cũng không khó. Dừa và các loại đậu hạt như hạt hướng dương, hạt bí, hạt điều đều là nguồn bổ sung kẽm rất tốt. Nếu bạn là tín đồ hảo ngọt, hãy uống một ly cacao hay ăn một thanh chocolate mỗi ngày, đó cũng là những nguồn kẽm dồi dào.
Ai cần bổ sung kẽm?
Những người có chế độ ăn uống quá thất thường, thiếu chất sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu kẽm. Cơ thể thiếu kẽm có những biểu hiện phổ biến là bị chàm (da khô, bong tróc) hoặc mụn nổi nhiều, khó kiểm soát. Và chỉ khi đó, bạn mới nên nghĩ đến việc uống bổ sung viên kẽm để dưỡng da và cải thiện sức khỏe lâu dài.
Tuyệt đối không nên tự ý uống kẽm theo “phong trào”. Thừa kẽm có thể khiến bạn bị buồn nôn, đau bụng, nhức đầu. Mỗi người không nên hấp thụ quá 40mg kẽm mỗi ngày. Với những người có cơ địa da dữ (vết thương lâu lành), tóc và móng tay khô xơ dễ gãy, tốt nhất nên dùng kẽm sau khi đã nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
Không nên uống viên kẽm khi còn đang uống kháng sinh, vì bạn sẽ không hấp thụ được toàn bộ lượng kẽm cần thiết, lại lâu thấy tác dụng cải thiện da. Đặc biệt, khi đã uống kẽm thì đừng uống rượu bia để có thể thu được kết quả tốt nhất cho da và sức khỏe.