Quân đội là lực lượng luôn giữ nghiêm nền nếp, kỷ luật – Ảnh: Internet
Không chỉ thường dùng sai những từ Hán Việt mà khá nhiều tờ báo, phóng viên, biên tập viên cũng như không ít bạn đọc còn dùng sai cả những từ thuần Việt, tức là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ của chính nước mình, dân mình.
Tôi xin nêu hai ví dụ về trường hợp dùng sai khá phổ biến, đó là từ “nền nếp” và “trùng lặp”. Rất nhiều người làm văn làm báo cũng thường nhầm lẫn 2 từ ấy.
Cả trên báo giấy và báo hình (tivi), ta luôn đọc phải hoặc nghe thấy “nền nếp” thành “nề nếp”. Ví dụ: “Gia đình có nền nếp” thì viết thành, nói thành “gia đình có nề nếp”, hoặc “Giữ gìn nền nếp, kỷ luật quân đội” thì thành “Giữ gìn nề nếp, kỷ luật quân đội” v.v.. Trong tiếng Việt, từ “nền” (để áp dụng vào trường hợp ví dụ trên) có nghĩa: nền tảng, nền móng, cơ sở chắc chắn, quy định chặt chẽ, trật tự, kỷ luật… Còn “nếp” là lối sống, cách sống của con người, là thói quen hoặc hoạt động khó thay đổi. Khi ghép “nền” với “nếp” thành nền nếp, hai từ này bổ sung cho nhau, để chỉ một cách sống tốt có cơ sở vững vàng chắc chắn, được hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ta thường nói “nếp nhà” tức là có ý khen ngợi, chỉ lối sống tốt đẹp của gia đình, dòng họ nào đó.
Trong tiếng Việt, từ “nề” có nhiều nghĩa, ví dụ để chỉ thợ xây (thợ nề), sự quản ngại (không nề hà), sưng lên (phù nề)… nhưng tuyệt nhiên không có tí nghĩa nào liên quan đến nền tảng, nền nếp. Có nhẽ người ta nhầm với từ “lề” vốn chỉ thói quen đã trở thành nếp, lệ luật (gần nghĩa với nếp), nhưng chả ai lại đi viết “lề nếp” bao giờ, nhất là viết như thế sẽ bị thiếu mất ý nói về nền tảng.
Vì vậy, về mặt chữ nghĩa, tôi chịu sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của những người viết nghị quyết của đảng, họ có nghề, ít khi sai. Ví dụ: “Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” (trích nghị quyết 33 Hội nghị T.Ư 9, khóa 11).
Từ tiếp theo mà tôi muốn nhắc tới là “trùng lặp”. Khá nhiều tờ báo lớn, có uy tín nhưng vẫn dùng sai chữ “trùng lặp” khi thường xuyên viết là “trùng lắp”.
“Trùng” trong trường hợp này là động từ chỉ tình trạng bị giống nhau, lặp lại cái cũ, cái đã có; tựa như cái này lặp lại cái kia; xảy ra cùng thời gian. Ví dụ: Tên của cô ấy trùng tên em gái tôi. Để nhấn rõ hơn, người ta ghép thêm từ lặp (đã có rồi, lại có nữa) vào, thành trùng lặp. “Trùng” khi là tính từ, ví dụ trong từ láy “trùng trùng”, vẫn hàm nghĩa chỉ sự lặp lại, ví dụ: Dải Trường Sơn trùng trùng điệp điệp.
“Lắp” cũng là động từ, thể hiện việc ghép những sự vật gì đó vào nhau, ví dụ: lắp mảnh lego, lắp cửa kính. Nó không thể đi với “trùng” được bởi vô nghĩa.
Nguyễn Thông