1. Chu kì tế bào là gì?
Chu kì tế bào là khoảng thời gian giữa 2 lần phân bào liên tiếp, gồm kỳ trung gian và quá trình nguyên phân.
Kỳ trung gian chiếm phần lớn thời gian của chu kỳ tế bào, gồm các pha nhỏ: G1, S, G2
Quá trình nguyên phân là hình thức phân chia phổ biến của tế bào nhân thực. Nguyên phân gồm 2 giai đoạn: phân chia nhân và phân chia tế bào chất.
2. Chu kì tế bào gồm những giai đoạn nào?
3.1. Kì trung gian
Kì trung gian diễn ra trong khoảng thời gian dài, chiếm phần lớn thời gian của 1 chu kì tế bào.
Kì trung gian gồm có 3 pha lần lượt diễn ra theo thứ tự: pha G1, pha S và pha G2.
-
Pha G1: Tế bào sinh trưởng và phát triển, tổng hợp và tích lũy các chất cần thiết cho sự tăng sinh của tế bào.
-
Pha S: ADN nhân đôi kéo theo sự nhân đôi của NST. các NST đơn nhân đôi tạo thành NST kép. NST kép gồm 2 cromatit (hay còn gọi là nhiễm sắc tử chị em) dính nhau ở tâm động.
-
Pha G2: tổng hợp các chất chuẩn bị cho quá trình nguyên phân.
3.2 Nguyên phân
Nguyên phân hay còn được gọi là pha M, diễn ra trong thời gian ngắn.
Quá trình nguyên phân gồm 2 giai đoạn lần lượt diễn ra theo thứ tự: phân chia nhân và phân chia tế bào chất.
Phân chia nhân bao gồm 4 kì diễn ra lần lượt theo thứ tự: kì đầu, kì giữa, kì sau và kì cuối.
-
Kì đầu:
NST kép bắt đầu đóng xoắn và co ngắn lại.
Thoi phân bào được hình thành nối liên 2 cực tế bào.
Màng nhân, nhân con biến mất
-
Kì giữa:
Các NST kép ở trạng thái đóng xoắn cực đại quan sát được hình thái rõ rệt nhất.
NST liên kết với thoi phân bào tại tâm động.
NST tập trung thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào
-
Kì sau:
Từng NST kép tách nhau ra tại tâm động tạo thành 2 NST đơn
Các NST đơn phân li về 2 cực tế bào
-
Kì cuối:
Các NST đơn dãn xoắn thành dạng sợi mảnh.
Hình thành 2 nhân mới.
Màng nhân xuất hiện.
Phân chia tế bào chất: Xảy ra từ đầu kì cuối quá trình nguyên phân.
-
Đối với tế bào động vật: phân chia tế bào chất theo hướng từ ngoài vào. Cụ thể là màng tế bào hình thành eo thắt ở chính giữa, ngăn cách, chia tế bào mẹ thành 2 tế bào con.
-
Đối với tế bào thực vật: phân chia tế bào chất theo hướng từ trong ra. Cụ thể là hình thành vách ngăn ở chính giữa để chia tế bào mẹ thành 2 tế bào con.
3.3 Ý nghĩa của quá trình nguyên phân
Ý nghĩa sinh học:
-
Đối với sinh vật nhân thực đơn bào: nguyên phân là sinh sản tạo ra cá thể mới, là cơ chế duy trì nòi giống.
-
Đối với sinh vật nhân thực đa bào:
-
Đối với cá thể non: nguyên phân làm tăng số lượng tế bào, giúp cơ thể sinh trưởng và phát triển, làm tăng kích thước cơ thể.
-
Đối với cá thể trưởng thành: là cơ chế hình thành các tế bào mới thay thế các tế bào già, yếu hoặc bị tổn thương. Giúp cơ thể tái sinh các mô, cơ quan tổn thương.
Ý nghĩa thực tiễn:
-
Ứng dụng trong giâm, chiết, ghép cành,…
-
Là nguyên lý cơ bản trong nuôi cấy mô và nhân bản vô tính.
3. Sự điều hoà của chu kì tế bào
Tế bào bắt đầu phân chia khi nhận biết được tín hiệu kích thích phân bào từ bên trong và bên ngoài tế bào.
Ý nghĩa của việc điều hòa chu kì tế bào: Chu kỳ tế bào được điều khiển nhằm đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ thể.
Nếu tế bào thoát khỏi sự kiểm soát chu kì tế bào và phân chia bất thường sẽ dẫn đến một số bệnh lí – cụ thể như hình thành khối u (ung thư).
4. Bài tập về chu kì tế bào
Câu 1: Cho các phát biểu sau về kì trung gian:
(1) Có 3 pha: G1, S và G2
(2) Ở pha G1, thực vật tổng hợp các chất cần thiết cho sự sinh trưởng
(3) Ở pha G2, ADN nhân đôi dẫn đến NST đơn nhân đôi tạo thành NST kép gồm 2 cromatit đính nhau ở tâm động
(4) Ở pha S, tế bào tổng hợp các thành phần còn lại cần cho phân bào
Những phát biểu đúng trong các phát biểu trên là:
A. (1), (2)
B. (3), (4)
C. (1), (2), (3)
D. (1), (2), (3), (4)
Câu 2: Thoi phân bào có chức năng nào dưới đây?
A. Là nơi xảy ra quá trình tự nhân đôi của ADN và NST
B. Là nơi NST bám và kéo NST phân ly về các cực của tế bào
C. Là nơi NST xếp thành 1 hàng ngang trong quá trình phân bào
D. Là nơi NST bám vào để tiến hành nhân đôi tạo thành NST kép
Câu 3: Cho các dữ kiện sau:
(1) Các NST kép dần co xoắn
(2) Màng nhân và nhân con dần biến mất
(3) Màng nhân và nhân con xuất hiện
(4) Thoi phân bào dần xuất hiện
(5) Các NST kép co xoắn cực đại và tập trung thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào
(6) Các nhiễm sắc tử tách nhau ra tạo thành 2 NST đơn và di chuyển trên thoi phân bào về 2 cực của tế bào
(7) Thoi phân bào đính vào 2 phía của NST kép tại tâm động
(8) NST dãn xoắn dần
Các sự kiện diễn ra trong kì đầu của nguyên phân là:
A. (1), (2), (7)
B. (1), (2), (4)
C. (1), (2), (3)
D. (2), (4), (8)
Câu 4: Trong phân bào nguyên phân, kết quả của quá trình nguyên nhân chủ yếu làm cho tế bào con luôn có bộ NST giống tế bào mẹ là do:
A. Các kì diễn ra theo một thứ tự nhất định và liên tiếp nhau
B. NST đơn nhân đôi thành NST kép, sau đó chia đều cho hai tế bào con
C. NST nhân đôi, sau đó phân chia đồng đều về hai tế bào con
D. Ở kì sau, các NST tách nhau ra và di chuyển về hai cực tế bào
Câu 5: Ở cơ thể người, phân bào nguyên phân có ý nghĩa như thế nào trong các ý dưới đây?
A. Thay thế các tế bào già đã chết và làm cho cơ thể lớn lên.
B. Giúp cơ thể tạo ra các giao tử nhằm duy trì giống nòi.
C. Giúp cơ thể thực hiện hành động tư duy và vận động.
D. Giúp cơ thể lớn lên và tạo giao tử để thực hiện sinh sản.
Câu 6: Nếu tế bào nhân thực thực hiện phân bào theo hình thức trực phân thì có thể dẫn tới hậu quả nào sau đây?
A. Tạo ra quá nhiều tế bào do thời gian trực phân ngắn
B. Biến trở thành tế bào nhân sơ do bị mất màng nhân
C. Tế bào con có bộ NST khác nhau và khác so với tế bào mẹ
D. Các thế hệ sau tế bào con có sức sống giảm dần
Câu 7: Trường hợp nào dưới đây thuộc phân bào nguyên phân?
A. Tế bào có bộ NST 3n phân chia tạo ra các tế bào con có bộ NST 3n.
B. Tế bào có bộ NST 2n phân chia tạo ra các tế bào con có bộ NST n.
C. Tế bào có bộ NST 4n phân chia tạo ra các tế bào con có bộ NST 2n.
D. Tế bào vi khuẩn phân chia tạo ra các tế bào vi khuẩn mới.
Câu 8: Khi nói về phân bào, phát biểu nào dưới đây sai?
A. Có 2 hình thức phân bào là trực phân và gián phân
B. Vi khuẩn phân bào trực phân nên tế bào con tạo ra có bộ NST khác tế bào mẹ
C. Thứ tự các pha của 1 chu kì tế bào là: G1 → S → G2 → M
D. Phân bào trực phân chỉ xảy ra ở tế bào nhân sơ (vi khuẩn)
Câu 9: Bệnh ung thư là 1 ví dụ về
A. Sự kiểm soát chặt chẽ chu kì tế bào của cơ thể
B. Hiện tượng tế bào thoát khỏi các cơ chế điều hòa chu kì tế bào của cơ thể
C. Chu kì tế bào xảy ra ổn định
D. Sự phân chia tế bào được điều khiển bằng 1 hế thống điều hòa rất phức tạp và tinh vi
Câu 10: Thời gian của 1 chu kì tế bào được xác định bằng:
A. thời gian sống và phát triển của 1 tế bào
B. thời gian giữa 2 lần nguyên phân liên tiếp
C. thời gian xảy ra quá trình nguyên phân
D. thời gian diễn ra phân chia của tế bào chất
Câu 1: A
Câu 2: B
Câu 3: B
Câu 4: C
Câu 5: A
Câu 6: C
Câu 7: A
Câu 8: C
Câu 9: B
Câu 10: B
Chu kì tế bào là một kiến thức hết sức quan trọng đối với Sinh học lớp 10 cũng như Sinh học THPT. Biết được tầm quan trọng của chu kì tế bào, VUIHOC đã viết bài viết này nhằm củng cố lý thuyết chu kì tế bào và kèm theo bộ câu hỏi ôn tập củng cố kiến thức. Để học thêm được nhiều các kiến thức hay và thú vị về Sinh học 10 cũng như Sinh học THPT thì các em hãy truy cập vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô VUIHOC ngay bây giờ nhé!