Sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ em nhưng nếu bố mẹ không xử trí đúng cách, con có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên quá lạm dụng thuốc hạ sốt để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Vậy trẻ bị sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt là tốt nhất?
1. Trẻ bị sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc để hạ sốt?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sốt ở trẻ nhỏ. Do đó, để trẻ nhanh trở về trạng thái bình thường, bố mẹ cần phải xác định được rõ nguyên nhân gây ra để tìm được hướng xử trí phù hợp nhất.
Để xác định được con có bị sốt hay không, bố mẹ cần phải dùng nhiệt kế đo thân nhiệt của trẻ, chứ đừng chỉ sờ trán bé rồi ước lượng vì cách làm này sẽ không chính xác. Tùy theo nhiệt độ cơ thể con, bố mẹ có thể tham khảo những cách xử trí sau đây:
1.1. Trường hợp trẻ nhỏ sốt dưới 38,5 độ C
Dưới 38,5 độ C được xem là mức độ sốt nhẹ và vẫn chưa cần sử dụng đến thuốc hạ sốt mà chỉ cần áp dụng các biện pháp vật lý. Lúc này, bố mẹ nên sử dụng khăn ấm lau cho trẻ ở các vùng như nách, trán, bẹn, cổ. Cứ cách khoảng 15 phút, bố mẹ lau lại một lần cho đến khi con hết sốt.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên nới lỏng quần áo và mặc đồ thoáng mát cho con. Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu và tăng số lần bú trong ngày. Còn nếu trẻ trên 6 tháng tuổi, bên cạnh việc cho con bú, mẹ cũng nên cho bé uống thêm nước Oresol để bù điện giải.
1.2. Trường hợp trẻ nhỏ bị sốt trên 38,5 độ C
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, bố mẹ nên cho con uống thuốc hạ sốt và kết hợp với những biện pháp vật lý để giúp con hạ sốt giống như ở trường hợp sốt dưới 38,5 độ C. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên đưa con tới cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và xác định nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng sốt. Từ đó, bác sĩ sẽ kê cho trẻ loại thuốc hạ sốt và liều lượng phù hợp với con.
1.3. Trường hợp trẻ nhỏ bị sốt trên 39 độ C
Trẻ sốt trên 39 độ C có thể dẫn tới tình trạng co giật. Do đó, sau khi cho con uống thuốc hạ sốt và mặc quần áo thoáng mát, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ đưa ra phương án xử trí kịp thời.
Nếu trẻ xuất hiện tình trạng co giật, bố mẹ phải nhanh chóng để một chiếc khăn mềm vào miệng của con nhằm đề phòng bé cắn vào lưỡi. Bên cạnh đó, bố mẹ phải nhanh chóng hạ sốt và cởi bớt quần áo cho con.
2. Những điều bố mẹ cần phải lưu ý khi trẻ bị sốt
– Nhiều bố mẹ cho rằng, khi con bị sốt thì không nên tắm rửa. Tuy nhiên, sự thực là việc tắm nhanh hoặc chỉ lau qua người cho trẻ sẽ giúp con hạ nhiệt hiệu quả. Việc tắm rửa này cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của con.
– Chỉ được lau người cho con bằng nước ấm chứ không được dùng nước mát. Bởi vì khi lau nước ấm sẽ làm cho mạch máu giãn nở để thoát nhiệt ra bên ngoài và giúp hạ nhiệt. Còn nếu lau người bằng nước mát sẽ làm co mạch khiến cơ thể trẻ giữ nhiệt hơn và dễ gây nguy hiểm cho con.
– Cặp nhiệt kế để theo dõi thân nhiệt của con sau 4 tiếng/ lần để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
– Không được sử đồng thời Ibuprofen và Paracetamol để hạ sốt cho con vì sẽ gây nguy hiểm và tăng tác dụng không mong muốn.
– Nếu trẻ bị sốt khi đã bước vào thời kỳ ăn dặm thì bố mẹ nên cho con thức ăn loãng như canh, cháo. Đồng thời, bố mẹ nên cho con uống nhiều nước để bù nước với những trẻ trên 6 tháng tuổi. Còn với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, nên cho con tăng cường bú sữa mẹ và theo nhu cầu của bé.
– Phải nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế uy tín gần nhất khi trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt, trẻ sốt cao trên 40 độ, trẻ bị mất nước, xuất hiện co giật, đau đầu nhiều, cứng cổ bất thường, nôn nhiều, phát ban trên da, lơ mơ, li bì, quấy khóc nhiều, khó đánh thức, bứt dứt, khó thở, không bú được, không thể nuốt thức ăn, không thể uống nước lọc.
Hy vọng bài viết của chúng tôi trên đây đã giúp bố mẹ giải đáp được thắc mắc: “Trẻ bị sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt?”. Từ đó, giúp bố mẹ có thêm những kiến thức hữu ích để chăm sóc trẻ tốt hơn trong những ngày con bị sốt.