Thân nhiệt ở trẻ nhỏ thường dao động từ 37-37,5 độ C. Nếu nhiệt kế “thông báo” mức nhiệt của con là 37,5 độ C thì chưa chắc bé đã bị sốt. Vậy trẻ em bao nhiêu độ là sốt? Biện pháp nào để giúp bé mau chóng hạ sốt? Mời bạn cùng tham khảo bài viết sau đây.
1. Trẻ em bao nhiêu độ là sốt?
Các bác sĩ Nhi khoa cho biết thân nhiệt ở trẻ nhỏ thường cao hơn ở người lớn khoảng 0,5 độ C. Tức là nếu thân nhiệt ở người bình thường là 37 độ C thì thân nhiệt của trẻ có thể dao động từ 37-37,5 độ C và đây là thân nhiệt bình thường ở bé chứ không phải trẻ bị sốt như nhiều người lầm tưởng. Vậy trẻ em bao nhiêu độ là sốt?
Nếu ở người lớn, nhiệt kế vượt mức 37 độ C được thì được coi là bị sốt, thì ở trẻ em nếu nhiệt kế đo ở trẻ ở mức trên 37,5 độ C thì khi đó bé được coi là bị sốt. Tuy nhiên mẹ cần biết trẻ sốt mức độ nào (sốt nhẹ hay sốt cao) từ đó có biện pháp xử trí đúng và kịp thời, tránh lạm dụng thuốc hạ sốt có thể gây ngộ độc và nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
– Nếu nhiệt độ từ 37,5 – 38,5 độ C là sốt nhẹ
– Nếu nhiệt độ từ 38,5 – 39 độ C là sốt vừa
– Nếu nhiệt độ từ 39 – 40 độ C là sốt cao
– Nếu nhiệt độ trên 40 độ C là sốt rất cao
2. Những điều mẹ không nên làm khi bé bị sốt
2.1. Cho con uống thuốc kháng sinh
Kháng sinh chỉ được dùng khi bác sĩ nghi ngờ có nhiễm vi khuẩn gây sốt. Nhưng phần lớn trẻ bị sốt là do virus gây bệnh do đó việc tùy tiện cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa thăm khám và được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa là sai lầm và mẹ cần từ bỏ ngay.
2.2. Hạ sốt cho trẻ quá sớm
Nhiều ba mẹ có thói quen cứ thấy trẻ sốt là cho con uống hạ sốt không cần biết trẻ sốt bao nhiêu độ và khi nào mới cần dùng hạ sốt. Nếu bé chỉ sốt 38 độ C thì mẹ chưa cần vội cho bé uống hạ sốt. Mẹ chỉ nên cho bé uống hạ sốt paracetamol (liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng) khi nhiệt độ cơ thể bé từ 38,5 độ C. Và khi chưa biết sốt vì nguyên nhân gì thì không nên dùng hạ sốt ibuprofen hay aspirin vì nếu trẻ bị sốt xuất huyết mà dùng ibuprofen hay aspirin sẽ gây nguy hiểm cho bé.
2.3. Ủ ấm cho bé
Nhiều trẻ sợ bé bị sốt nhiệt tỏa ra bên ngoài nên con dễ bị lạnh nhưng điều này là không đúng. Trẻ bị sốt cần mặc quần áo mỏng, thoáng mát để nhiệt độ cơ thể bé dễ thoát được ra ngoài thì con mới mau hạ sốt. Do đó mẹ nên cho bé nằm phòng thoáng, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
2.4. Chườm lạnh, dán miếng hạ sốt, bôi dầu
Chườm lạnh khi trẻ bị sốt là sai vì khi sốt lỗ chân lông ở da của bé đang dãn nở để thoát nhiệt ra ngoài, việc chườm lạnh dùng đá chườm có thể làm bít lỗ chân lông khiến nhiệt không thoát ra ngoài điều này có thể khiến bé sốt cao và nguy hiểm hơn. Việc sử dụng miếng dán hạ sốt hay bôi dầu có thể làm phỏng da bé, mẹ không nên áp dụng cách này.
3. Trẻ bị sốt mẹ nên thực hiện những điều gì?
3.1. Cho con uống hạ sốt đúng cách
Uống hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể bé từ 38,5 độ C, uống đúng theo liều lượng chỉ định từ bác sĩ (10-15 mg/kg cân nặng). Mỗi lần uống cách nhau khoảng 4-6 giờ.
3.2. Nới rộng quần áo
Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
3.3. Lau người bằng nước ấm
Dùng khăn và nước ấm lau người cho bé, đặc biệt là các vị trí nách, bẹn.
3.4. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và cho bé uống nhiều nước
Với những trẻ đang còn bú mẹ nên tăng cường cho bé bù nhiều hơn, chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa không nên ép trẻ ăn nhiều trong một thời điểm.
Nếu thấy trẻ có biều hiện sốt kéo dài, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bé mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc,… ba mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Nhi để con được chẩn đoán chính xác nhất và có biện pháp xử trí hiệu quả.