Chuyện về bộ quần áo giản dị Bác mặc ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cận cảnh ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập” Trở lại nơi ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập “Địa chỉ đỏ” lưu giữ tinh thần cách mạng

Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam trong chuyên đề “Ngày Độc lập 2/9”, bộ quần áo kaki được xếp trong phần nội dung “Sức mạnh dân tộc”. Chiếc áo được may bốn túi, đã bạc màu, sờn cổ, nhưng công chúng đến xem triển lãm đều cảm nhận rõ “sức mạnh dân tộc” trong di vật giản dị này.

Theo chân Phó Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Trần Thu Hà để nghe chị giới thiệu về chiếc áo của Bác, thì được biết: Năm 1958, trong thời gian xây dựng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Bảo tàng đã tiếp nhận một bộ quần áo kaki màu vàng nhạt, trên cổ áo đã có chỗ bị sờn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ quần áo kaki này đã gắn bó với Bác trong suốt thời gian dài, từ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã mặc trong các sự kiện quan trọng như Lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/9/1945; chủ trì các cuộc họp của Chính phủ, của Quốc hội… đặc biệt là những cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào Việt Nam cũng như Việt kiều ở nước ngoài.

Đến năm 2008, cán bộ của Bảo tàng đã đến gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ – vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô để xác minh ngọn nguồn của hiện vật.

Bộ quần áo của Bác được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại: Ngày 24/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Đây là ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô nhưng đã được sử dụng làm cơ sở hoạt động cách mạng. Theo lời kể của bà Hoàng Thị Minh Hồ, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong ban Thường vụ Trung ương Đảng về ở tại 48 Hàng Ngang, Bác chỉ mặc chiếc áo nâu, quần sóc và vai đeo một chiếc túi dết bạc màu.

Tham Khảo Thêm:  Dân số thành thị tăng nhanh không phải vì?

Vì sắp đến ngày ra mắt quốc dân đồng bào, nên bà Hoàng Thị Minh Hồ đã đề xuất với ông Nguyễn Lương Bằng: “Mỗi người cần có bộ quần áo trang trọng”. Khi đó vì vải hiếm, ông Trịnh Văn Bô lại có nhiều bộ quần áo đẹp, may chỉ để quảng cáo, chỉ mặc 1-2 lần nên bà Hồ đã nhờ hiệu may sửa chữa, nhuộm hấp để cắt vừa bộ trang phục cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… Còn bà Hồ may cho Bác 2 bộ quần áo hàng kaki.

Bác đi đôi dép cao su từ chiến khu về, mặc chiếc quần soóc màu nâu, sơ mi ngắn tay, cùng chiếc mũ phớt bạc màu. Hàng đêm, Bác thức khuya ngồi đánh máy chữ. Sau này, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô mới được biết, lúc đó, Bác Hồ đang ngồi soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ nhớ lại: “Lúc bấy giờ trong tủ của nhà chúng tôi có rất nhiều vải, tôi lấy ra mấy súc kaki để may cho anh em. Ngoài ra, trong tủ cũng có hàng chục bộ quần áo khá sang trọng may sẵn mà nhà tôi chưa dùng nên tôi lấy ra cho các anh mặc tạm, ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy, ông Phạm Văn Đồng, rồi ông Võ Nguyên Giáp… nhưng tầm người như Ông Cụ (Bác Hồ) thì không hợp bộ nào cả…”.

Gần sát ngày lễ, ông bà Trịnh Văn Bô đã chọn riêng một loại vải kaki của Anh rồi đưa ông Vũ Đình Huỳnh – nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói: “Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt…”.

Tham Khảo Thêm:  Trách nhiệm pháp lý là gì? Có mấy loại trách nhiệm pháp lý?

Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới một bức ảnh của một lãnh tụ Liên Xô nên ướm thử với Bác may theo kiểu áo đó cũng không có cà vạt mà vẫn trang trọng. Bác mỉm cười nói: “Nhưng mình có phải là người Nga đâu”. Cuối cùng ông Vũ Đình Huỳnh mời ông Phú Thịnh là chủ hiệu may có tiếng ở phố Hàng Quạt tới và trình bày: “Tôi có người nhà là cụ lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với cụ lý nhà tôi”.

Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc và dè dặt nói: “Tôi đã mường tượng ra kiểu áo ấy cho cụ lý rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù? Thôi được tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với cụ lý”.

Chiếc áo may cho Bác không cần cầu kỳ, dùng bằng vải dễ mặc, có thể cài khuy kín cổ hoặc mở ra đều tiện. Qua gợi ý của Bác, có thể thấy Người luôn muốn học hỏi tinh hoa nhưng vẫn có ý tưởng mới, không nhất thiết rập theo khuôn mẫu có sẵn.

Hai hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quân áo đến, cười ý nhị nói: “Tôi trộm nghĩ cụ lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một cụ lý… khác thường” – ông Vũ Đình Huỳnh cười đáp lại tình cảm tinh tế của ông thợ may.

Ngày 30/8, chiếc áo được hoàn thành để Bác thử. Khi Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: “Được, thế này là hợp với mình. Một chiếc áo vừa toát lên vẻ trang trọng nhưng không làm giảm đi sự gần gũi với đông đảo dân chúng”.

Ông Vũ Đình Huỳnh lúc đó đã rất vui, và thầm mỉm cười nghĩ, chỉ trong vài ngày nữa, ông Phú Thịnh sẽ vô cùng sung sướng và ngạc nhiên khi biết “cụ lý” mà mình may quần áo cho lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình để khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiếc áo kaki màu vàng ấy đã được Bác mặc trong ngày lịch sử 2/9/1945.

Tham Khảo Thêm:  Học phí 1 năm trường Đại học Văn Hiến là bao nhiêu?

Phong cách ăn mặc giản dị, gần gũi với dân chúng của vị Lãnh tụ vĩ đại từ bấy lâu nay đã trở thành huyền thoại. Gần 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà” trong bài thơ “Sáng tháng năm”. Rồi trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu lại viết: “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/Áo nâu túi vải đẹo tươi lạ thường”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, dù ở bất kỳ cương vị nào, từ một người phụ bếp trên con tàu “Amiran Latouche Tre ville” lúc ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn bình dị, gần gũi như thế qua cách ăn mặc của Người.

Trong trang phục hàng ngày, Bác chỉ có bộ quần áo dạ màu đen mặc khi đi ra nước ngoài; chiếc mũ cát Bác đội khi đi ra ngoài trời; chiếc áo bông, áo len Bác mặc trong mùa lạnh và một vài bộ quần áo gụ Bác mặc làm việc mùa hè.

Đôi dép cao su được Bác dùng hơn 20 năm đến khi mòn gót phải lấy một miếng cao su khác vá vào, các quai hay bị tuột phải đóng đinh giữ. Còn bộ quần áo ka-ki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo. Những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: “Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay”./.