Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống

Văn mẫu lớp 9: Lập dàn ý chi tiết: Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống được VnDoc tổng hợp và đăng tải. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, mời các em tham khảo một số bài văn nghị luận về tinh thần tự học hay nhất mà VnDoc đã tổng hợp trong bài viết sau đây

I. Dàn ý Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống

1. Dàn ý Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống. (Học sinh lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình).

2. Thân bài

a. Giải thích

Tinh thần tự giác: tự mình làm chủ cuộc sống, làm những công việc của bản thân mình từ nhỏ đến lớn mà không để ai nhắc nhở, đốc thúc và luôn hoàn thành công việc đó một cách trọn vẹn nhất có thể.

b. Phân tích

Mỗi con người chỉ được sống một lần, chúng ta cần sống có ước mơ, biết vươn lên để thực hiện mục tiêu mà bản thân mình đề ra trước hết tạo của cải vật chất để nuôi sống bản thân, sau để cống hiến cho xã hội.

Người sống tự giác sẽ lường trước được những khó khăn cũng như thuận lợi của cuộc sống, từ đó biết nắm bắt mọi cơ hội tốt hơn người sống ở thế bị động.

Người sống tự giác sẽ được mọi người yêu quý, tín nhiệm, tin tưởng và học tập theo, từ đó truyền được nguồn cảm hứng, những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống ở thế chủ động, luôn tự giác hoàn thành công việc thật tốt để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống ở thế bị động, không có mục tiêu, không biết lường trước cuộc sống, khi có chuyện không may xảy đến không biết ứng phó. Lại có những người sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà không cố gắng trong cuộc sống của chính mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

3. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận: Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống; đồng thời liên hệ bản thân.

2. Dàn ý Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 2

Mở bài: Giới thiệu:

Tinh thần tự giác là khả năng vượt qua rào cản cảm xúc để bắt tay hành động ngay lập tức dựa trên suy nghĩ của mình.

Tưởng tượng như có một ngày bạn nghĩ trong đầu: “Dạo này mình hơi tròn do lười vận động và ăn uống hơi quá đà. Đã đến lúc cần phải giảm 5 ký thôi!” Nếu bạn không có tinh thần tự giác lên kế hoạch và tập luyện nghiêm túc để có một thân hình như mong muốn, suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn lúc ẩn lúc hiện trong đầu bạn. Tinh thần tự giác như một liều thuốc hữu ích giúp bạn vượt qua những căn bệnh như chần chừ, ngại khó, lười biếng,… Tinh thần tự giác còn là người bạn đồng hành không thể thiếu trên con đường bạn theo đuổi đam mê và mục tiêu của bản thân. Còn chần chừ gì nữa, bạn hãy tìm kiếm người bạn này trước khi bắt tay vào hành trình đi tìm ước mơ nhé!

Thân bài: Thói quen hay bẩm sinh?

Tinh thần tự giác cũng như những cơ bắp có được từ sự rèn luyện thể chất bền bỉ. Nói một cách khác, tinh thần tự giác cao hay thấp cũng xuất phát từ công sức mỗi người bỏ ra tập luyện mỗi ngày.

Bí quyết xây dựng tinh thần tự giác có thể học hỏi từ phương pháp tập tạ nghiêm khắc để hình thành cơ bắp. Điểm khởi đầu sẽ là nâng một cái tạ trong giới hạn khả năng bản thân. Bạn sử dụng sức lực nâng lên cho đến lúc cơ của bạn mỏi, bạn sẽ hạ xuống. Như vậy, tinh thần tự giác được xây dựng từ việc đối mặt với một số thử thách nhỏ nằm trong giới hạn cho phép của bản thân. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta sẽ bị thu hẹp mãi trong một khuôn khổ nhất định. Cũng như việc tập tạ, bạn sẽ không tăng thêm sức mạnh nếu cứ nâng mãi một khối lượng nhẹ nhàng cố định, hay sẽ nản lòng sớm khi cố gắng quá sức mình. Quá trình rèn luyện bền bỉ đòi hỏi thời gian, lòng kiên trì, không ngừng thử thách bản thân sau mỗi lần thành công. Một điều quan trọng không kém là bạn cảm thấy thoải mái chấp nhận khả năng hiện tại của mình đang ở đâu và không ngại hàng ngày nỗ lực làm từng chút để đạt mục tiêu.

Như vậy, nhìn một cách tích cực hơn, tinh thần tự giác cũng là một thói quen cần được mài dũa lâu dài. Chúng ta càng dành nhiều thời gian và tâm sức rèn luyện từ những mục tiêu nhỏ, ý thức chúng ta càng phát triển lớn mạnh.

Từ bỏ sự hoàn hảo

Sự hoàn hảo là kẻ thù của ý thức tự giác. Nếu bạn tìm kiếm sự hoàn hảo, bạn sẽ không bao giờ thực hiện được những gì cần làm để tiến tới thành công. Đòi hỏi mỗi việc phải thật hoàn hảo thì rất khó để bắt đầu bắt tay vào làm.

Tôi có một kinh nghiệm nhỏ thế này. Một ngày, tôi lên kế hoạch là phải cố gắng đọc xong một số chương trong các quyển sách trên bàn ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu không hoàn thành, tôi sẽ dẹp bớt đống sách qua một bên hay điều chỉnh lại mục tiêu ngày để không bị ngán ngẩm. Nghe có vẻ như lời biện minh cho sự lười biếng, nhưng tôi cảm thấy tinh thần ít bị dễ nản hơn là để mục tiêu không hoàn thành mà giấy tờ lúc nào cũng chất đống.

Không so sánh với người khác

Bạn đừng nên so sánh mình với người khác mà tự hủy hoại tinh thần bản thân. Nếu không xuất phát từ việc noi gương người khác để phấn đấu, sự so sánh sẽ “giúp” bạn tìm ra những gì bạn đang muốn thuyết phục suy nghĩ của mình theo chiều hướng tiêu cực. Nếu bạn nghĩ mình yếu, người khác sẽ dường như mạnh mẽ hơn. Nếu bạn nghĩ bạn mạnh mẽ, người khác có vẻ như yếu đuối hơn. Vì thế, sẽ không có lúc nào là tốt nhất để có sự tin tưởng vào bản thân có thể vượt khó, hay tinh thần không ngừng phấn đấu cải thiện hơn nữa. Thật là một sự hao phí thời gian và năng lượng! Bạn hãy dành chúng cho thói quen luyện tập để tiến bộ hơn bản thân mình lúc trước và tự nhủ rằng bạn có thể vượt qua được chính mình, bạn nhé!.

Kết bài: Không có thành công nào là không trải qua thử thách. Bạn hãy hình dung khoảng khắc bạn gặt hái được những thành quả mình mong đợi, cảm nhận của bạn lúc đó, niềm vui khi bạn chia sẻ thành công với bạn bè và người thân…

Tham Khảo Thêm:  Bài 23: Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp – Khoa học tự nhiên lớp 7 [Kết nối tri thức]

II. Văn mẫu Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 1

Người ta thường nói: “May mắn cũng có hạn sử dụng”. Muốn đạt được thành công, con người cần biết cách đầu tư vào chính mình. Và một trong những cách đầu tư khôn ngoan nhất chính là trau dồi tinh thần tự giác.

Tự giác chính là tự mình làm chủ cuộc sống, biết cách giả quyết các công việc của bản thân mà không cần sự nhắc nhở từ người khác. Tinh thần tự giác được thể hiện trên rất nhiều khía cạnh. Tự học, tự chăm sóc bản thân, tự biết tìm niềm vui cho mình,… đều là biểu hiện của tính tự giác. Người tự giác không “Há miệng chờ sung” mà luôn dựa vào chính sức mình để vươn lên.

Tinh thần tự giác có vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nhân cách con người. Nhờ có tính tự giác mà chúng ta biết tận dụng mọi cơ hội trong cuộc sống, chủ động trong mọi tình huống. Hơn nữa, tự giác luôn đi liền với kỉ luật. Khi sống tự giác, con người càng thêm chăm chỉ, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng đối mặt với khó khăn và đứng dậy sau khi thất bại. Sống tự giác, con người còn có được sự tự do. Ta nhận thức được ưu – khuyết điểm của bản thân, xác định được ước mơ riêng và dám bảo vệ khát vọng của bản thân trước định kiến xung quanh. Hơn nữa, người tự giác sẽ trở thành công dân tốt cho xã hội, nhận thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng và biết tôn trọng công sức lao động của người khác. Thiếu đi sự tự giác, con người sẽ trở nên lười biếng, ỷ lại, nhu nhược, đớn hèn. Bên cạnh những người tự lập thì xã hội vẫn tồn tại những kẻ biếng nhác, đùn đẩy việc của mình cho người khác, không có chính kiến nên rất đáng phê phán.

Tính tự giác được bồi đắp qua thời gian dài chứ không phải ngày một, ngày hai nên mỗi người cần rèn luyện tinh thần tự giác ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Chỉ khi ta nghiêm khắc với chính mình thì mới có thể tạo sức ảnh hưởng tới người khác.

Bác Hồ đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Quả thực là vậy. Để trở thành những con người độc lập, xây dựng đất nước văn minh và giàu đẹp thì trước hết, ta cần trở thành người tự giác!

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 2

Trong xã hội hiện đại, để có một cuộc sống ý nghĩa và đạt được những thành công, hạnh phúc trong công việc, cuộc sống, bên cạnh việc nỗ lực, cố gắng không ngừng cho những đam mê thì chúng ta còn cần có tinh thần tự giác. Tinh thần tự giác không chỉ giúp chúng ta làm chủ cuộc sống của bản thân mà còn là “chìa khóa” giúp chúng ta mở ra những cơ hội mới.

“Tự giác” là sự chủ động tìm hiểu và làm những công việc thuộc trách nhiệm của bản thân mà không cần ai nhắc nhở, đôn đốc. Người có tính tự giác sẽ luôn chủ động hoàn thành tốt công việc của mình mà không bao giờ đùn đẩy công việc của mình cho người khác, họ cũng là những người có trách nhiệm với bản thân, với công việc và những người xung quanh. Có thể nói tự giác là một phẩm chất tốt đẹp của con người, nó giúp con người trở nên trách nhiệm, năng động và là yếu tố quan trọng giúp con người thực hiện được những kế hoạch, mục tiêu.

Tự giác là kết tinh của ý chí, trách nhiệm và quyết tâm bên trong mỗi con người. Trong cuộc sống, tinh thần tự giác có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tinh thần tự giác giúp chúng ta trở nên nhanh nhạy trong việc nhận thức vấn đề hay những yêu cầu trong học tập, công việc, cuộc sống, từ đó thôi thúc con người thực hiện thông qua những hành động cụ thể. Khi có ý thức tự giác, con người sẽ chủ động thực hiện những công việc, kế hoạch cá nhân, nhờ vậy mà mang đến kết quả công việc tốt, hoàn thành những mục tiêu và nâng cao giá trị của bản thân. Người sống tự giác cũng sẽ không quản ngại những khó khăn, thách thức bởi họ luôn chủ động trong mọi việc, không chỉ trong nhận thức, đánh giá vấn đề mà họ còn tìm ra được những giải pháp tối ưu để khắc phục những khó khăn ấy. Người sống tự giác còn nhận được sự yêu quý, tín nhiệm của mọi người xung quanh. Hơn nữa, tinh thần tự giác còn có khả năng lan tỏa rộng rãi, đó là nguồn năng lượng tích cực để mọi người học hỏi, noi theo.

Mỗi người trong xã hội đều có tinh thần tự giác sẽ giúp cho xã hội ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh. Học sinh tự giác học tập không chỉ mang đến kết quả học tập tốt, giúp người học tiến bộ và hoàn thiện từng ngày mà còn giúp cho thầy cô và bố mẹ vui lòng. Người nông dân tự giác trong hoạt động sản xuất sẽ làm cho năng suất công việc tăng, nâng cao thu nhập cho cá nhân, gia đình. Những người nhân viên văn phòng tự giác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng giúp cho những dự án, kế hoạch thành công với chất lượng và hiệu quả cao.

Ngược lại, nếu không có tinh thần tự giác, con người sẽ trở nên thụ động, sống ích kỉ vô trách nhiệm. Mất đi tinh thần tự giác, con người sẽ bỏ lỡ những cơ hội, thời cơ tốt để phát triển, bởi vậy mà những người không có tinh thần tự giác sẽ khó gặt hái được những thành công. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn bắt gặp rất nhiều những người lười biếng, sống ỷ lại, phụ thuộc vào bố mẹ và mọi người xung quanh, đó còn là những người sống không mục đích, lí tưởng, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Cũng có không ít người thiếu tự giác trong việc thực hiện những công việc chung, đùn đẩy trách nhiệm của mình cho người khác.

Ý thức tự giác không phải là năng lực bẩm sinh, nó được hình thành do quá trình rèn luyện lâu dài. Là học sinh, chúng ta cần chủ động, tích cực trong học tập, rèn luyện mà không cần ai nhắc nhở, đốc thúc. Trong học tập cũng như cuộc sống cần loại bỏ thói quen lười biếng, chần chừ, chúng ta hãy tự tạo cho mình những thói quen tốt bởi “gieo thói quen sẽ gặt tính cách”. Tính tự giác sẽ không tự nhiên có, bởi vậy mỗi chúng ta cần có ý thức rèn luyện hàng ngày. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần xây dựng thời gian biểu, kế hoạch học tập hợp lí và cố gắng thực hiện theo những kế hoạch ấy. Bên cạnh đó, chúng ta còn cần tôn trọng tập thể, có ý thức trách nhiệm trước những công việc chung.

Tự giác là phẩm chất tốt đẹp mà mỗi con người hiện đại chúng ta cần tự trang bị cho mình. Ý thức tự giác không chỉ giúp chúng ta làm chủ cuộc sống mà còn mở ra những cơ hội mới để chúng ta chạm tay đến thành công.

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 3

Thành công không tự tìm đến bất cứ ai mà đó là quá trình nỗ lực của bản thân mỗi người. Vậy để thành công thì chúng ta cần làm gì, học tập ra sao? Mỗi người sẽ có một phương pháp học tập, rèn luyện khác nhau nhưng trên hết chúng ta cần có tinh thần tự giác. Tinh thần tự giác chính là việc mỗi người tự mình làm chủ cuộc sống, làm những công việc của bản thân mình từ nhỏ đến lớn mà không để ai nhắc nhở, đốc thúc và luôn hoàn thành công việc đó một cách trọn vẹn nhất có thể. Tinh thần tự giác cũng là một thói quen cần được mài dũa lâu dài. Chúng ta càng dành nhiều thời gian và tâm sức rèn luyện từ những mục tiêu nhỏ, ý thức chúng ta càng phát triển lớn mạnh. Mỗi ngày, mỗi người đều có những công việc riêng của chính mình, nếu chúng ta không tự giác làm thì sẽ không ai giải quyết giúp ta, thêm nữa công việc sẽ ngày càng nhiều lên, chất đống khiến cuộc sống của ta trở nên hỗn loạn hơn và dần dần ta sẽ mất kiểm soát trong cuộc sống của chính mình. Nếu ta không tự giác học tập, không tự giác tìm tòi để phát triển bản thân thì ta sẽ không thể tiến bộ và lâu dần sẽ bị đảo thải vì thụt lùi về sau. Nếu cả xã hội con người đều sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà không có tinh thần tự giác thì xã hội đó sẽ ngày càng suy thoái và trở nên lạc hậu, mục nát. Có thể thấy, tinh thần tự giác vô cùng quan trọng đối với con người đặc biệt là lứa tuổi học sinh chính ta. Vậy ta cần làm gì để rèn luyện cho bản thân tinh thần tự giác? Trước hết mỗi người hãy sắp xếp thời gian và phân chia công việc mỗi ngày của mình thật hợp lí, tự giác đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc học tập, tu dưỡng đạo đức. Bên cạnh đó cũng cần dành ra chút thời gian để tham gia các hoạt động bên ngoài, giúp đỡ người khác,… Cuộc sống của ta do chính ta làm chủ, chính vì thế ngay từ bây giờ hãy nỗ lực nhiều hơn trong chính cuộc sống của mình để bản thân ngày càng hoàn thiện và tốt đẹp hơn.

Tham Khảo Thêm:  Góc địa lý: Việt Nam nằm ở châu lục nào

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 4

Ngày nay, hiện tượng con người dựa dẫm, ỷ lại vào người khác đang là vấn đề khá phổ biến trong xã hội. Nhiều bạn tuy tuổi còn trẻ nhưng không tự giác trong cuộc sống của mình, những người này khó có được thành công trong cuộc sống. Từ đây chúng ta có thể khẳng định: tinh thần tự giác đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với con người. Tinh thần tự giác là việc mỗi người tự mình làm chủ cuộc sống, làm những công việc của bản thân mình từ nhỏ đến lớn mà không để ai nhắc nhở, đốc thúc và luôn hoàn thành công việc đó một cách trọn vẹn nhất có thể. Tinh thần tự giác còn là khả năng vượt qua rào cản cảm xúc để bắt tay hành động ngay lập tức dựa trên suy nghĩ của mình; là người bạn đồng hành không thể thiếu trên con đường bạn theo đuổi đam mê và mục tiêu của bản thân. Tinh thần tự giác được xây dựng từ việc đối mặt với một số thử thách nhỏ nằm trong giới hạn cho phép của bản thân. Quá trình rèn luyện bền bỉ đòi hỏi thời gian, lòng kiên trì, không ngừng thử thách bản thân sau mỗi lần thành công. Như vậy, nhìn một cách tích cực hơn, tinh thần tự giác cũng là một thói quen cần được mài dũa lâu dài. Chúng ta càng dành nhiều thời gian và tâm sức rèn luyện từ những mục tiêu nhỏ, ý thức chúng ta càng phát triển lớn mạnh. Một điều quan trọng không kém là bạn cảm thấy thoải mái chấp nhận khả năng hiện tại của mình đang ở đâu và không ngại hàng ngày nỗ lực làm từng chút để đạt mục tiêu. Là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần có ý thức học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức; sống và hướng đến, yêu thương mọi người, tích cực tạo ra những điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phê phán những người sống dựa dẫm, lười biếng, ỷ lại vào người khác mà không cố gắng vươn lên trong công việc cũng như cuộc sống. Tinh thần tự giác giúp cho chúng ta tốt hơn từng ngày, hãy rèn luyện tính tự giác cho bản thân ngay từ hôm nay để cống hiến những điều tốt đẹp cho mai sau.

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 5

Cuộc sống của mỗi người không ai có thể sống thay được mà hoàn toàn do ta kiểm soát cũng như phát triển nó. Chính vì thế chúng ta cần có tinh thần tự giác trong chính cuộc sống của mình. Tinh thần tự giác chính là tự mình làm chủ cuộc sống, làm những công việc của bản thân mình từ nhỏ đến lớn mà không để ai nhắc nhở, đốc thúc và luôn hoàn thành công việc đó một cách trọn vẹn nhất có thể. Tinh thần tự giác còn là khả năng vượt qua rào cản cảm xúc để bắt tay hành động ngay lập tức dựa trên suy nghĩ của mình; là người bạn đồng hành không thể thiếu trên con đường bạn theo đuổi đam mê và mục tiêu của bản thân. Trong cuộc sống, mỗi con người ai cũng sẽ có lúc gặp phải khó khăn, gian khổ, trắc trở. Nếu chúng ta không ngừng hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước, chúng ta sẽ có động lực để cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn ở thực tại. Chúng ta cần tự giác rèn luyện và hoàn thiện năng lực và phẩm chất của bản thân bởi vì mỗi người đều có những mặt mạnh, mặt yếu riêng, không có ai là hoàn thiện, hoàn mĩ. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống ở thế bị động, không có mục tiêu, không biết lường trước cuộc sống, khi có chuyện không may xảy đến không biết ứng phó. Lại có những người sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà không cố gắng trong cuộc sống của chính mình,… những người này cần biết thay đổi cách sống, cách nghĩ, chủ động hơn để có được thành quả tốt đẹp trong cuộc sống của mình. Là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần có ý thức học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức; sống và hướng đến, yêu thương mọi người, tích cực tạo ra những điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước. Thành công hay thất bại sẽ do bản thân ta quyết định nhờ vào ý chí và tinh thần tự giác. Hãy tự giác, chủ động trong mọi việc để tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc đời.

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 6

Cuộc sống của chúng ta, chúng ta nên tự giác hoạch định, không nên dựa dẫm hay ỷ lại vào ai. Có thể thấy, việc sống ở thế chủ động, tự giác trong cuộc sống của mình có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với con người. Sống tự giác là việc mỗi người luôn biết làm chủ cuộc sống của mình, đề ra mục tiêu và thực hiện chúng một cách hoàn thiện, không để người khác phải nhắc nhở những công việc liên quan đến bản thân mình. Sống tự giác có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống con người, nó làm cho con người năng động hơn, sáng tạo hơn, giúp ích rất nhiều cho cuộc sống. Mỗi con người chỉ được sống một lần, chúng ta cần sống có ước mơ, biết vươn lên để thực hiện mục tiêu mà bản thân mình đề ra trước hết tạo của cải vật chất để nuôi sống bản thân, sau để cống hiến cho xã hội. Người sống ở thế chủ động, tự giác sẽ lường trước đực những khó khăn cũng như thuận lợi của cuộc sống, từ đó biết nắm bắt mọi cơ hội tốt hơn người sống ở thế bị động. Trong cuộc sống, mỗi con người ai cũng sẽ có lúc gặp phải khó khăn, gian khổ, trắc trở. Nếu chúng ta không ngừng hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước, chúng ta sẽ có động lực để cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn ở thực tại. Người sống tự giác sẽ được mọi người yêu quý, tín nhiệm, tin tưởng và học tập theo, từ đó truyền được nguồn cảm hứng, những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống ở thế bị động, không có mục tiêu, không biết lường trước cuộc sống, khi có chuyện không may xảy đến không biết ứng phó. Lại có những người sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà không cố gắng trong cuộc sống của chính mình,… những người này đáng chỉ trích. Mỗi người chỉ được sống một lần duy nhất, chúng ta hãy sống, tự làm chủ cuộc sống của mình, hướng đến những điều tốt đẹp để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn.

Tham Khảo Thêm:  Tổng Hợp Các Ký Hiệu Trong Toán Học Đầy Đủ Và Chi Tiết Nhất

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 7

Trong thời đại khoa học công nghệ đang phát triển không ngừng, chúng ta thừa kế những bài học từ các nghiên cứu đó. Tuy nhiên tinh thần tự học là điều mà mỗi người nên rèn luyện và phát huy hằng ngày. Tinh thần tự học sẽ giúp cho chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.

Tự học là gì? Tự học chính là tự tìm hiểu, tự mày mò, tự khai thác kiến thức bằng những gì mắt nghe tai thấy. Tự học là tinh thần đáng học hỏi, đáng ngưỡng mộ và cần phải phát huy. Mỗi một con người, từ khi sinh ra không phải cái gì cũng biết, cái gì cũng thông thạo, cần phải có quá trình tìm tòi để có thể tìm ra được điều mà mình muốn. Điều này sẽ giúp cho bản thân không những lĩnh hội được nhiều điều mà còn mở mang được kiến thức, rèn luyện mình ngày càng phát triển hơn.

Những điều mà tự bản thân mình tìm tòi ra sẽ nhớ được lâu hơn, hiểu được sâu hơn những gì lĩnh hội từ người khác. Người xưa từng nói không biết thì phải học, phải hỏi. Vậy cớ sao không biết mà bản thân không chịu đi tìm tòi, học hỏi, ỉ lại người khác truyền đạt lại. Như vậy thật sự rất lãng phí thời gian.

Tuy nhiên cách học của nhiều học sinh hiện nay lại không mang lại hiệu quả tốt vì họ không thường xuyên rèn luyện và trau dồi tinh thần tự học. Học sinh chỉ dựa vào những bài giảng vẻn vẹn 45 phút ở trên lớp mà không chịu đi tìm hiểu, khám phá ở bên ngoài. Chính vì lệ thuộc vào thầy cô như vậy mà học sinh luôn rơi vào trạng thái bị động, không biết cách ứng phó với những đề bài có hướng gợi mở.

Chính thầy cô phải là người rèn luyện tính tự học ấy ở các em. Thầy cô không nên rập khuôn bài giảng mà nên giảng theo hướng mở để các em có thể theo đó mà tìm tòi thêm. Đây cũng chính là vấn đề nan giải của nền giáo dục nước nhà khi quá lệ thuộc vào sách giáo khoa. Và hậu quả là điều mà các em phải nhận. Tình trạng học vẹt, học chay, học tủ cũng từ đó mà xuất hiện.

Các em học sinh hổng kiến thức rất nhiều những không chịu tìm tòi, khai phá. Việc dựa dẫm quá nhiều vào tài liệu tham khảo, văn mẫu, tài liệu mẫu đã có sẵn đáp số sẽ làm hỏng các em. Chính vì các em học sinh lười tư duy, lười tự học nên mới rơi vào tình trạng này. Đây là vấn đề đáng lo ngại.

Thực tế này đã một lần nữa khẳng định rằng tinh thần tự học cực kỳ quan trọng, cần rèn luyện và vận dụng thường xuyên. Khi chúng ta có thể xây dựng cho mình thói quen tự học sẽ hình thành được một cách tư duy theo hướng mới, không hề phụ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ tài liệu nào.

Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho tinh thần tự học mà mỗi người chúng ta cần phải học hỏi, noi theo. Bác ra đi bằng hai bàn tay trắng, làm rất nhiều nghề để kiếm sống, tự học tiếng nước ngoài để giao tiếp. Bác không có tiền, nhưng bác có lòng ham học hỏi, ham hiểu biết nên sự thành công của Người là một điều dễ hiểu.

Nếu không tự học thì chúng ta sẽ bị tụt hậu về sau, vì không có ai dẫn đường, chỉ lối chúng ta không biết đường ra. Hậu quả của việc ỷ lại thực sự nghiêm trọng như vậy đó. Mỗi người, mỗi công dân cần phải hằng ngày rèn luyện tinh thần tự học để trau dồi bản thân hơn.

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống – Mẫu 8

Con người muốn hoàn thiện bản thân thì phải rèn luyện nhiều đức tính quý báu khác nhau. Một trong số những đức tính tốt đẹp mà ta cần có chính là tinh thần tự giác.

Vậy thế nào là tinh thần tự giác? Tinh thần tự giác là việc chúng ta tự mình làm chủ cuộc sống, làm những công việc của bản thân mình từ nhỏ đến lớn mà không để ai nhắc nhở, đốc thúc và luôn hoàn thành công việc đó một cách trọn vẹn nhất có thể.

Mỗi con người chỉ được sống một lần, chúng ta cần sống có ước mơ, biết vươn lên để thực hiện mục tiêu mà bản thân mình đề ra trước hết tạo của cải vật chất để nuôi sống bản thân, sau để cống hiến cho xã hội. Người sống tự giác sẽ lường trước được những khó khăn cũng như thuận lợi của cuộc sống, từ đó biết nắm bắt mọi cơ hội tốt hơn người sống ở thế bị động. Bên cạnh đó, người sống tự giác sẽ được mọi người yêu quý, tín nhiệm, tin tưởng và học tập theo, từ đó truyền được nguồn cảm hứng, những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người sống ở thế bị động, không có mục tiêu, không biết lường trước cuộc sống, khi có chuyện không may xảy đến không biết ứng phó. Lại có những người sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà không cố gắng trong cuộc sống của chính mình,… những người này đáng bị xã hội lên án, chỉ trích.

Cuộc sống của mỗi người là do chính mình định đoạt, hãy sống, học tập và rèn luyện để trở thành một công dân có ích. Không một ai là hoàn hảo nhưng khi chúng ta biết cố gắng và vươn lên phía trước, ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng.

Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống được VnDoc chia sẻ trên đây. Gồm dàn ý và 7 bài văn mẫu sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em tham khảo, trau dồi vốn từ, từ đó hoàn thiện bài văn nghị luận hay hơn, sâu sắc hơn. Chúc các em học tốt, dưới đây là một số bài văn mẫu lớp 9 các em tham khảo nhé.

  • Trình bày vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều qua hai đoạn trích Chị em Thúy Kiều
  • Lập dàn ý chi tiết: Vai trò của gia đình trong xã hội
  • Từ hiểu biết về tác phẩm Lặng lẽ Sapa và cảm nhận về cuộc sống thực tế hãy trình bày suy nghĩ về những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống thanh cao
  • Những bài văn nghị luận xã hội hay nhất
  • Soạn bài Ôn tập về truyện
  • Khởi ngữ, các phần biệt lập – Ngữ văn 9

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em tài liệu Dàn ý: Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Đề thi vào lớp 10 môn Toán, Đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh, Đề thi vào lớp 10 môn Vật lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đặt câu hỏi về học tập, giáo dục, giải bài tập của bạn tại chuyên mục Hỏi đáp của VnDocHỏi – ĐápTruy cập ngay: Hỏi – Đáp học tập