Bệnh chàm là tình trạng gây ra viêm, đỏ, ngứa hoặc nứt nẻ da. Có rất nhiều yếu tố có thể gây phát chàm như dị ứng, khô da hoặc những chất kích ứng, chẳng hạn như nước hoa. Hình xăm không hẳn là tác nhân gây ra bệnh chàm. Tuy nhiên, chàm có thể bùng phát tại khu vực da có hình xăm sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Những người bị bệnh chàm cần cân nhắc ý kiến của bác sĩ trước khi có dự định xăm. Ngoài ra, hãy bàn với thợ xăm về việc sử dụng loại mực dành cho da nhạy cảm. Những tiệm xăm uy tín có thể cung cấp hướng dẫn chăm sóc sau xăm, cũng như thuốc mỡ hỗ trợ quá trình lành thương trên da.
Nếu bệnh chàm phát triển trên hoặc xung quanh một hình xăm mới, hãy hỏi thợ xăm về các loại kem dưỡng ẩm cho da có hình xăm để màu mực không bị ảnh hưởng. Tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm hoặc chứa cồn, vì những loại này có thể làm cho bệnh chàm nặng hơn.
Nếu các triệu chứng chàm không cải thiện trong vòng vài ngày, bạn cần đi khám da liễu ngay.
6. Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công các tế bào da khỏe mạnh. Điều này khiến các tế bào da tái tạo quá nhanh, hình thành các mảng đỏ và có vảy trên da. Chúng thường gây ngứa và đau cho người bệnh.
Một trong những tác nhân được biết đến của bệnh vảy nến là chấn thương da. Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia Hoa Kỳ (National Psoriasis Foundation) cho biết: ngay cả những vết thương nhỏ như mũi kim tiêm vắc-xin cũng có thể kích thích bệnh vảy nến ở một số người quá mẫn. Do đó, việc xăm hình cũng có thể khiến bệnh vảy nến xuất hiện, vì phải dùng kim xăm tác động trực tiếp vào da.
7. Ung thư da
Một điều quan trọng cần lưu ý là hiện vẫn không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hình xăm và ung thư da. Do đó, việc hình xăm bị ngứa có liên quan đến ung thư da là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, ung thư da có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên da, bao gồm cả những vùng có hình xăm. Việc hình thành mảng ngứa, đỏ trên da cũng là một triệu chứng của ung thư da.
Nếu đã loại bỏ tất cả các nguyên nhân tiềm ẩn khác khiến hình xăm bị ngứa, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra nguy cơ ung thư da.
Hình xăm bị ngứa phải làm sao, chăm sóc thế nào?
Hướng giải quyết tình trạng hình xăm bị ngứa sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngứa. Nếu bị bệnh chàm hoặc vảy nến hay có phản ứng dị ứng, hãy nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu. Thực hiện đúng các hướng dẫn chăm sóc vùng da sau xăm sẽ giúp hạn chế tối đa các trường hợp xấu ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và hình xăm nói riêng. Do đó, việc bị ngứa cũng sẽ không còn đáng quan ngại.
Một số cách giảm ngứa trong quá trình da tự làm lành mà bạn có thể tham khảo áp dụng là:
- Tránh làm trầy xước hình xăm
- Không được bóc lớp mài đang bong
- Tránh sử dụng khăn lau mạnh hoặc tẩy tế bào chết
- Bôi kem hoặc thuốc mỡ sau khi xăm. Có thể bảo quản kem ở ngăn mát tủ lạnh để làm dịu chỗ ngứa khi bôi
- Tránh sử dụng sản phẩm gây kích thích lên hình xăm
- Bảo vệ hình xăm khỏi ánh nắng mặt trời
- Tránh để vùng da có hình xăm tiếp xúc với nước trong khoảng thời gian được yêu cầu
- Nếu có phản ứng dị ứng nhẹ, có thể uống thuốc trị dị ứng theo chỉ định của bác sĩ
- Chườm lạnh cũng có thể giúp giảm ngứa.