Hiện nay, ngày càng có rất nhiều vụ đánh cắp, lộ, lọt thông tin cá nhân ra bên ngoài. Dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép thông tin cá nhân đã được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vậy thông tin cá nhân là gì? Pháp luật hiện hành có quy định ra sao về việc bảo vệ thông tin cá nhân? Cùng Luật Hùng Sơn theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn thông tin cá nhân là gì?
Cơ sở pháp lý?
- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP
- Luật An toàn thông tin mạng năm 2015
- Bộ luật dân sự 2015;
Thông tin cá nhân là gì?
Dựa theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Thông tin cá nhân là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác.
Tại sao chúng ta cần bảo vệ thông tin cá nhân?
Chúng ta cần bảo vệ thông tin cá nhân để bảo đảm an toàn cho cuộc sống riêng tư, sự tự do cần thiết trong đời sống hằng ngày. Thông tin của chúng ta một khi lọt vào tay những người khác thì không biết họ sẽ sử dụng thông tin đó cho mục đích gì. Rất nhiều vụ ăn cắp thông tin cá nhân rồi đi vay tín dụng nặng lãi qua các app hoặc là những cuộc gọi chào mời mua hàng không còn xa lạ gì với chung ta. Nói cách khác thì mỗi cá nhân rất không muốn các thông tin cá nhân của mình bị rơi vào tay người lạ. Chính vì thế, mỗi cá nhân cần phải tự biết kiểm soát, bảo vệ thông tin cá nhân liên quan tới bản thân mình.
Quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân
Theo Bộ luật dân sự
Căn cứ dựa theo quy định của Điều 38 Bộ luật dân sự 2015:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là điều bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ;
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai các thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân cần phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải cần được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp khi luật có quy định khác;…
- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà đã biết được trong quá trình thực hiện, xác lập hợp đồng, trừ trường hợp nếu có thỏa thuận khác.
Theo Luật an toàn thông tin mạng
Dưa theo quy định tại các Điều 16, 17, 18, 19 và 20 – Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, cụ thể như sau:
Nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng (Điều 16):
- Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về việc cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý.
- Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải xây dựng và công bố công khai các biện pháp xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân của tổ chức, cá nhân mình.
- Việc bảo vệ thông tin cá nhân thực hiện quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc xử lý thông tin cá nhân phục vụ mục đích bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc không nhằm mục đích thương mại được thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thu thập và sử dụng thông tin cá nhân (Điều 17):
Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải có trách nhiệm sau đây:
- Tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích cụ thể của việc thu thập và sử dụng thông tin đó.
- Chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã được thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân.
- Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân hoặc theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan Nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo mật, lưu trữ đối với thông tin cá nhân do mình thu thập. Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ.
Cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân (Điều 18):
Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho một bên thứ ba.
Ngay khi nhận được yêu cầu của chủ thể thông tin cá nhân về việc cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân hoặc đề nghị ngừng cung cấp thông tin cá nhân cho một bên thứ ba, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải có trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện yêu cầu và thông báo lại cho chủ thể thông tin cá nhân hoặc cung cấp cho chủ thể thông tin cá nhân chuyển tiếp cận để tự cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của chính mình.
- Áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ thông tin cá nhân; thông báo lại cho chủ thể thông tin cá nhân đó trong trường hợp nếu chưa thực hiện chưa thực hiện được yêu cầu do yếu tố kỹ thuật hoặc yếu tố khác.
Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải hủy bỏ thông tin cá nhân đã được lưu trữ khi đã hoàn thành mục đích sử dụng ban đầu hoặc hết thời hạn lưu trữ và thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân được biết, ngoại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng (Điều 19):
- Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp để bảo vệ thông tin cá nhân do mình thu thập, lưu trữ, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo ẩm an toàn thông tin mạng.
- Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn thông tin cá nhân cần áp dụng các biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng (Điều 20):
- Thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng.
- Định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân; tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất trong trường hợp cần thiết.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo quy định tại điều 6 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 về bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể như sau:
Trường hợp nếu thu nhập sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có trách nhiệm:
- Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng, dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
- Sử dụng thông tin cá nhân phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và cần phải được người tiêu dùng đồng ý.
- Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu nhập, sử dụng, chuyển giao thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
- Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó là không chính xác.
- Chỉ được chuyển giao thông tin cá nhân của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Quy định về xử phạt vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân
Bộ luật hình sự, Nghị định về xử lý vi phạm hành chính liên quan tới các hoạt động thương mại điện tử cũng bước đầu đã có các quy định về các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm thông tin cá nhân.
Dựa trên, khoản 4 Điều 65 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có quy định:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây.
- Thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin;
- Thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác;
- Sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo.
Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn phải bị đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 đến 12 tháng trong trường hợp hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và bị buộc nộp lại toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Các hành vi vi phạm quy định về thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân sẽ còn bị phạt dựa theo quy định tại Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử.
Trên đây là toàn bộ thông tin của công ty Luật Hùng Sơn về “Thông tin cá nhân là gì”. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc gì cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua Hotline 0964 509 555 hoặc đặt lịch ở văn phòng để được các chuyên viên tư vấn trả lời một cách nhanh gọn và chính xác nhất. Cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết. Trân trọng.