VI ĐÀ BỒ TÁT VÀ TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ
Đa số các chùa ở Việt Nam thường thờ hai tượng có khuôn mặt thiện và ác. Đây là hai vị Hộ pháp được tạc tượng theo kiểu võ sĩ cổ, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ, một vị tay cầm viên ngọc, vị kia tay cầm binh khí, trong tư thế đứng hoặc ngồi. Đó là hai vị: Vi Đà Bồ Tát Và Tiêu Diện Đại Sĩ.
XEM THÊM TƯỢNG HỘ PHÁP VI ĐÀ VÀ TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ ĐẸP
-
VI ĐÀ HỘ PHÁP BỒ TÁT
Vi Đà Bồ Tát nguyên là thiên thần Thất Kiện Đà của đạo Bà La Môn, là con trai của thần Hộ pháp Phật giáo Đại Tự Tại Thiên, sau đó trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo. Trong hàng ngũ những vị thiên thần Hộ pháp thì Vi Đà nổi danh bởi tài năng chạy nhanh như bay.
Tương truyền sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt, chư Thiên thần và chúng Vương bàn về việc hỏa thiêu di thể, nhặt Xá lợi thờ trong tháp.
Lúc này Đế Thích Thiên cầm bình thất bảo đến chỗ thiêu để lấy Xá lợi vì trước kia Ngài đã được Đức Phật chấp thuận cho một chiếc răng đem về để dựng tháp thờ.
Nhưng khi ấy có quỷ La Sát nấp bên người Đế Thích Thiên, thừa lúc Ngài không chú ý bèn trộm răng Phật.
Vi Đà Tôn Thiên trông thấy bèn đuổi theo, nhanh như tia chớp, trong nháy mắt đã bắt được quỷ La Sát tống vào ngục, trả lại răng Phật cho Đế Thích Thiên, được chư Thiên khen ngợi.
Từ đó về sau, Vi Đà được cho là có thể xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật pháp, gánh vác trọng trách bảo vệ linh tháp (stupa) của Phật Tổ (chứa xá lợi Phật).
Kể từ đó hình tượng Vi Đà được song hành cùng linh tháp chứa Xá lợi, mang ý nghĩa bảo vệ an toàn cho Phật pháp.
TRUYỀN THUYẾT VỀ VI ĐÀ BỒ TÁT
Lúc còn trẻ, Vi Đà là một chàng trai anh tuấn, uy phong lẫm lẫm, ăn mặc như một võ tướng nên được tạo tượng khá giống các dũng tướng Trung Quốc như Triệu Vân, Mã Siêu…
Vi Đà cũng là hộ pháp của Bồ Tát Quán Thế Âm, nếu ngài tu thành chính quả cũng là nhờ sự giáo hóa của Bồ Tát vậy.
Hồi xưa, Vi Đà là một chàng thanh niên sống ở nông thôn, ven bờ sông Lạc Dương, thuộc phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến.
Cậu là người siêng năng, lanh lẹ và tốt bụng, thông minh tài giỏi, nổi tiếng là một người thợ khéo trong vùng.
Nhà cậu ở bên bờ sông Lạc Dương. Sông này rất rộng, nước chảy xiết, vì không có cầu bắc ngang nên dân chúng hai bên bờ qua lại rất gian nan, phải lệ thuộc vào những chiếc thuyền chở khách.
Bởi vì nước chảy xiết và trũng nước xoáy lại nhiều, lúc trời tốt qua sông đã không an toàn mà khi mưa to sóng lớn hay bão bùng thì lại càng nguy hiểm hơn nữa, nên nạn lật thuyền rất thường xảy ra, người táng thân vào bụng cá cũng không phải là ít.
Vi Đà đã bao lần chính mắt trông thấy những thảm cảnh lật tàu như thế, bèn lập nguyện xây một cây cầu bắc ngang sông, nên trong mấy năm trời ngày bán giày cỏ, đêm đi đập đá để dành từng đồng từng cắc.
Lúc cậu sắp sửa xây cầu thì Bồ Tát Quán Âm vân du ở phủ Tuyền Châu, và Ngài có một đoạn nhân duyên với Vi Đà từ đó.
Mùa xuân năm ấy, một hôm Bồ Tát Quán Âm tay cầm tịnh bình, chân đạp mây lành, đứng trên không trung nhìn xuống sông Lạc Dương, bỗng nhiên nghe vọng lên tiếng la khóc cầu cứu.
Ngài cúi xuống, thấy dưới chân mình có dòng sông lớn cuồn cuộn trào dâng, một ông lão lái đò đang chèo thuyền sang sông và chiếc thuyền đang bị dòng nước xiết kéo tới một con nước xoáy.
Ông lái thuyền cuống cuồng chống đỡ nhưng chiếc thuyền bị con nước xoáy làm cho quay mòng mòng, dường như sắp sửa bị lật, hành khách trên thuyền kinh hoảng trăm bề, đàn bà trẻ con khóc la thảm thiết, tiếng kêu cầu thấu tới mây xanh và tới tai ngài Quán Âm.
Bồ Tát Quán Âm đại từ đại bi vội lấy nhành dương liễu từ tịnh bình ra, ném xuống chiếc thuyền đang lâm nạn trên mặt biển, thi thố thần lực áp cho sóng lặng xuống. Dòng nước giận dữ đang làm cho ba đào cuộn dâng, nước xoáy trũng sâu đang làm cho con thuyền lắc lư nghiêng ngửa bỗng tự nhiên bình lặng hiền hoà, con thuyền nhờ thế được thoát cơn hiểm nạn.
Dĩ nhiên, ông lái thuyền không biết mình đã được Bồ Tát Quán Âm cứu giúp, thấy con thuyền không còn tròng trành xoay vần và thoát ra khỏi con nước xoáy thì thở hổn hển, phần thì mừng rỡ, phần thì cố lấy lại can đảm để chèo nốt con thuyền đến bờ đối diện.
Khách trên thuyền ai cũng tự cảm thấy mình đã may mắn thoát chết, và nhớ lại cảnh nguy hiểm vừa trải qua, ai cũng rùng mình rởn ốc.
Hơn ai hết, ngài Quán Âm hiểu rõ những ý nghĩ, những mong cầu của chúng sinh, vì thế Ngài lập tức quyết định ra tay làm một điều lợi ích cho dân.
Thế là Ngài hạ mây xuống, biến thành một cô gái chài lưới trẻ tuổi xinh đẹp, bước lên khoang nói chuyện với ông lão chèo thuyền, hỏi ông có thể chèo trở về bờ bên kia ngay không?
Lúc đó, một vài người dân làng cũng vừa đến và muốn qua sông. Ông lão còn chưa lấy lại hồn vía, bảo rằng:
– Lúc nãy suýt nữa thuyền bị lật, thoát được hiểm là một điều may mắn không ngờ. Dòng sông này nước chảy quá mạnh, mỗi lần chèo thuyền tôi đều nơm nớp phập phồng. Nói thật, bây giờ tôi hãy còn quá sợ, không muốn chèo thuyền về bên kia nữa, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sao?
Dân làng gấp muốn qua sông, xuống nước năn nỉ:
– Ông lão ơi, ông không đưa thì chúng tôi làm sao về được? Ông là tay nghề lão luyện, ai cũng đặt tin tưởng vào ông, xin ông chịu phiền một chút giùm đi!
Ông lão lái thuyền không từ chối được, đành để cho Bồ Tát Quán Âm cùng một vài người dân làng bước lên thuyền, một lần nữa đưa mái chèo hướng bờ đối diện, một mặt nói:
– Quý vị không biết chèo thuyền trên con sông Lạc Dương này nguy hiểm tới mức nào đâu! Mười năm trở lại đây, ngày nào tôi cũng chèo thuyền, gặp không biết bao nhiêu là cảnh nguy hiểm, tạm cho là tôi cứng tay nghề nên may mắn, lần nào cũng từ cõi chết trở về được. Trên dòng sông này, tôi đã chính mắt thấy vô số con thuyền bị lật, vô số người chết chìm làm mồi cho cá. Tôi già rồi, không còn khoẻ nữa, trước sau gì tôi cũng sẽ phải bỏ thuyền bỏ lái thôi!
Bồ Tát Quán Âm bèn xen vào hỏi:
– Thưa cụ, sông này nước chảy xiết, xoáy nước nhiều, chèo thuyền quả thật nguy khốn, làm sao không xảy ra tai nạn cho được! Tại sao chúng ta không xây một chiếc cầu bắc ngang qua sông? Cháu từ xa tới, chỗ cháu ở, nếu có dòng sông nào nguy hiểm như thế này cũng đều có cầu bắc qua cả.
Ông lão lái thuyền thở dài lắc đầu, một khách đi thuyền tiếp lời, nói:
– Trăm họ ở đây trông mong xây một cái cầu từ lâu rồi, quan huyện cũng mấy lần công bố xây cầu, nay thì kêu gọi đóng góp tiền tài, mai thì yêu cầu đóng góp thóc gạo, năm nào cũng ra công bố nhưng mấy năm rồi, cầu đâu không thấy, chỉ thấy hầu bao của quan huyện mỗi năm mỗi phồng to lên thôi.
Ngài Quán Âm hỏi:
– Dân chúng tự mình đứng ra xây cầu không được sao?
Ông lão nghe thế, cười buồn mà rằng:
– Nói thì dễ, muốn xây cầu thì một là phải có tiền, hai là phải có thợ giỏi. Dân chúng làm gì có chừng đó tiền, và cũng làm gì có người đủ tài để đứng ra tổ chức một việc to lớn như thế. Tuy nhiên cách đây vài năm có một anh chàng tên là Vi Đà cũng đã từng đề cập tới việc xây cầu. Đó là một thanh niên có chí lớn, cũng là một tay thợ khéo nổi tiếng tài giỏi ở vùng này. Một hôm thấy tôi chèo thuyền quá nguy hiểm, cậu đã nói với tôi là nhất định sẽ xây cầu. Thế mà về sau lại không thấy cậu xuất hiện nữa. Có người nói cậu đang ở nhà để dành tiền chuẩn bị việc xây cầu, mấy năm nay không thấy động tĩnh, có lẽ cậu không để dành được tiền. Chuyện xây cầu thật không phải dễ!
Quán Âm nghe thế bất giác cảm thấy hoan hỉ, nghĩ rằng ở đây mà có một chàng trai trẻ tuổi như thế thật là hy hữu, có cùng một chí nguyện với mình, về sau giao cho anh ta đứng ra tổ chức việc xây cầu không phải là một điều thích hợp lắm hay sao?
Một người dân bình thường khó mà có thể trù liệu được cần phải có bao nhiêu tiền để xây cầu, muốn cho việc xây cầu này thành tựu thì chính Ngài phải đứng ra tìm biện pháp mới xong.
Lúc ấy thuyền đã cặp bến, những người dân làng đã lên bờ và chia tay nhau ai về nhà nấy, nhưng cô gái chài lưới không lên bờ mà còn ngồi lại trong thuyền, chìm trong suy nghĩ. Ông lão chèo thuyền cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi:
– Cô nương, sao cô không lên bờ?
– Thưa cụ, cô gái chài lưới đáp, cháu đang suy nghĩ tới việc xây cầu. Vừa rồi cụ nói có anh chàng gì đó quyết tâm xây cầu, thật là hy hữu. Nhưng anh ấy một mình kiếm tiền thì chắc cả đời kiếm cũng không đủ. Tại sao tất cả chúng ta không cùng tìm cách giúp đỡ anh ấy?
Ông lão lái thuyền đáp:
– Cách nào bây giờ, ở đây ai cũng nghèo khổ cả, còn những người tài chủ có tiền thì ai mà chịu cắt núm ruột của mình ra!
Cô gái chài lưới đáp:
– Cụ à, muốn tìm biện pháp thì không khó, cháu nghĩ trên sông này hễ chưa có cầu là còn có tai nạn, vì thế cháu muốn giúp một tay.
Ông lão chèo thuyền nghe thế cảm thấy kỳ lạ:
– Cô ư? Cô có biện pháp nào? Trừ phi nhà cô có tiền và muốn làm việc thiện.
Cô gái đáp:
– Nhà cháu không có tiền nhưng cháu có biện pháp. Chẳng hạn, mình có cách nào lấy tiền của nhà giàu không?
Ông lão lái thuyền đáp:
– Lấy tiền của nhà giàu? Nhà giàu đời nào để cho mình lấy tiền, cô thật khéo mơ tưởng viển vông.
Có gái dân chài nói:
– Cụ ơi, cháu có cách này nhưng cần cụ giúp đỡ. Nếu cụ chịu làm chung việc này với cháu thì mình có thể lấy tiền của nhà giàu được.
Nói xong cô gái tới gần thầm thì to nhỏ vào tai ông lão, khua tay múa chân ra dấu, còn ông lão thì cứ thế mà gật gù từ đầu tới cuối.
Cuối cùng ông nói:
– Được, vậy bắt đầu từ ngày mai chúng ta bắt đầu thi hành kế hoạch của cô.
Hôm sau, vừa vặn đúng ngày mồng ba tháng ba, đó là ngày hội đình chùa lớn nhất trong năm ở phủ Tuyền Châu. Dân chúng từ bốn phương tám hướng đổ dồn về dự hội, người đi người về thật là náo nhiệt.
Hôm ấy ông lão cũng chèo thuyền như mọi ngày nhưng hôm nay có điểm khác biệt là có một cô gái vô cùng xinh đẹp ngồi trong thuyền, còn ông lão thì cười tươi như hoa, thuyền không cập bến mà lại ngừng ở ngay chính giữa dòng sông.
Sông Lạc Dương rộng khoảng năm mươi thước, thuyền ở ngay giữa dòng sông tức là cách xa hai bên bờ khoảng hai mươi mấy thước. Ông lão lái đò cùng cô gái cứ ở giữa dòng sông như thế mà chuyện trò, không chịu đưa thuyền về bến. Người muốn qua sông cứ đứng hai bên bờ mà réo:
– Ông lão ơi, mau chèo thuyền rước khách, chúng tôi muốn qua sông đây!
Nhưng họ kêu mấy cũng mặc họ, ông lão không hề màng đến, vẫn bình an giữa dòng sông.
Khách chờ thuyền càng ngày càng đông, ai cũng nhìn thấy chiếc thuyền của ông lái và ai cũng tò mò không biết ông muốn làm gì, và càng đông họ càng ồn ào. Nhất là khi họ thấy ngồi trên thuyền là cô gái chài lưới có một nhan sắc hơn người.
Cô gái này thật sự lôi cuốn người ta, cô mặc một cái áo trên ngắn thêu hoa nhiều màu, dưới là chiếc váy màu xanh lá cây nhạt thanh nhã nổi lên trên cái quần màu đỏ sậm, đầu bới tóc cao, tai đeo khuyên bạc, khuôn mặt trái xoan đoan trang diễm lệ, da trắng nõn mịn màng, mắt như nước hồ thu gợi tình, người nào nhìn cô cũng phải khen thầm là đẹp tuyệt.
Trong những người đứng nhìn, có một số là con nhà hào phú, họ nhìn cô gái mà hồn phách điên đảo, thần trí rối loạn. Người nào cũng kêu ầm lên:
– Ông lái ơi, mau trở về chèo thuyền qua sông!
Thấy người chờ càng ngày càng đông, ông lão mới đủng đỉnh đứng dậy nhìn hai bên bờ mà vừa chỉ cô gái dân chài mà nói:
– Các vị nghe đây, hôm nay tôi không chèo thuyền vì tôi có cô cháu tức là cô nương đây, đã đi từ mãi tận Tô Châu lên đến phủ Tuyền Châu này. Cháu tôi năm nay vừa chẵn đôi tám, muốn tìm một chàng trai có duyên có số với mình để gá nghĩa trăm năm. Từ ngày hôm nay trở đi, cháu tôi sẽ ngồi trên thuyền, nếu có chàng trai nào muốn cưới cô về làm vợ, bất kỳ là người nào, đều phải tham dự vào cuộc thi này. Điều kiện duy nhất là phải ném một đồng tiền đồng hay một đồng tiền bạc về phía cháu tôi, nếu ai ném trúng người cô ấy thì coi như có duyên có số với cô vậy. Tôi sẽ đứng đây làm trọng tài, mọi người làm chứng, tuyệt đối không nói sai lời.
Lão lái thuyền nói xong, mọi người mới vỡ lẽ ra.
Những người trai trẻ trong đám đông hiểu đây là một cuộc thi ném bạc kén chồng.
Họ nhìn có gái xinh đẹp, ai cũng nghe tim đập rộn ràng, tinh thần sung mãn, nhất là đám vương tôn công tử thì trở nên như điên như cuồng vậy.
Đó là những người hiếu sắc và có tiền, họ thấy cô gái này đẹp hơn tất cả những cô gái khác mà họ đã từng gặp, nên ai cũng muốn ném tiền trúng người cô ấy để cưới cô về làm vợ, được như thế thì thật là tuyệt vời!
Cô gái ngồi trên chiếc thuyền đang bồng bềnh ngay giữa lòng sông, cách hai bên bờ không quá hai mươi mấy thước, nhìn thì thấy tựa như gần ngay bên cạnh, lo gì ném không trúng?
Những vương tôn công tử, người nào cũng thèm rỏ dãi, sốt ruột, muốn chính mình là người đầu tiên ném trúng cô nương. Họ bèn lập tức lấy tiền đem theo tùy thân tranh nhau ném về phía cô gái.
Trong chốc lát, những đồng tiền từ hai bên bờ sông bay tới khoang thuyền như mưa.
Tuy nhiên, lạ lùng thay, tuy bờ không xa và cô gái thấy gần như thể ở ngay bên cạnh, và chàng thanh niên nào cũng nhắm cô gái cẩn thận trước khi ném nhưng tiền cứ rơi lên thuyền, không có đồng nào trúng được người cô.
Đám vương tôn công tử cảm thấy giống như đang ở trong một canh bạc, hễ hết tiền thì sai người hầu chạy về nhà lấy thêm.
Họ cùng nhau tranh dành, cãi nhau chí choé, thi nhau mà ném từng giỏ, từng giỏ bạc vụn.
Những đồng tiền ấy chỉ trượt bên cô gái trong đường tơ kẽ tóc, cho nên họ vừa hận vừa mừng, cho rằng ném lại một lần nữa thì chắc chắn thế nào cũng trúng.
Và như thế, họ không ngừng thử ném trở lại, ném cho tới khi trời tối mà rốt cuộc vẫn chưa ai ném trúng được người đẹp.
Lúc ấy ông lão lái thuyền mới nói với mọi người là trời đã tối, không thể tiếp tục ném nữa, ngày mai hãy trở lại ném tiếp.
Chuyện kén chồng trên thuyền đã làm chấn động cả phủ Tuyền Châu, một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn. Ngày hôm sau, ông lão lại chèo thuyền ra giữa giòng sông, và cô gái chài lưới lại ngồi trên thuyền.
Người ham vui đến xem càng lúc càng đông, chen lấn nhau ở bên này và bên kia bờ sông, trong ngoài chật ních.
Hai bên bến phà huyên náo giống như một buổi hát xiệc.
Những vương tôn công tử chiều qua không ném trúng cô nương nhưng vẫn chưa mất hy vọng, tiếp tục chuyển tiền tới, những anh chàng này tâm hồn hoàn toàn si mê điên đảo trước nhan sắc của tuyệt thế giai nhân nên tổn phí bao nhiêu cũng không tiếc, tiền họ ném có thể đong thành bồ, thành sọt vậy.
Cứ thế hai ngày liền mà vẫn chưa có ai ném trúng cô nương mà chỉ thấy những đồng tiền cứ rào rào rơi xuống bên cạnh cô xuống tới khoang thuyền.
Lúc Bồ Tát Quán Âm lập kế kiếm tiền bằng cách kén chồng ở giữa dòng sông, Vi Đà cũng nghe nói đến sự việc lạ lùng ấy nên cũng tìm đến xem khung cảnh huyên náo.
Vi Đà là một chàng thanh niên trẻ tuổi, nhìn thấy cô gái chài lưới trên thuyền cũng bị nhan sắc tuyệt vời của mỹ nhân hớp hồn, nên cũng đứng ngây người ra nhìn người ngọc.
Cậu thọc tay vào túi, trên thân cũng có vài đồng tiền. Tâm cậu bị chấn động nên cũng muốn chen vào ném, nhưng lập tức cậu đè nén ý muốn ấy, nghĩ rằng bao nhiêu đó người ném mà chưa ai ném trúng, mình không nên ném mấy đồng tiền một cách oan uổng, thì thôi nên bỏ ý nghĩ ấy đi.
Nhưng vừa vặn lúc ấy có Lữ Động Tân, một trong Bát Tiên, cũng vân du đến chỗ này.
Ông nhìn thấy bên dưới người đông như kiến, không biết đang có chuyện gì nên đáp mây xuống lẫn lộn trong đám đông người chen vào xem.
Ông biến thành một ông lão tóc trắng như bông, mới nhìn cô gái chài lưới trên thuyền liền biết ngay đó chính là Bồ Tát Quán Âm và hiểu ngay tự sự, nên rất ngầm thán phục phương pháp kiếm tiền của ngài Quán Âm, nhưng đồng thời không khỏi cảm thấy buồn cười, thầm nghĩ:
– Đại sĩ, Đại sĩ, thật đã khổ công tìm cách làm việc thiện để nghĩ ra một diệu kế như thế. Nhưng hôm nay tôi muốn làm cho Ngài phải xuất đầu lộ diện chơi. Ngài làm cho con em các nhà hào phú ném tiền một cách oan uổng, không ai có thể ném trúng Ngài, Ngài kén chồng như thế đủ để xây cầu rồi. Nếu không có chuyện gì xảy ra thì thật là toi công cho đám công tử thiếu gia kia quá, nên tôi muốn xem Ngài đối phó làm sao nếu phải làm vợ một kẻ phàm phu!
Lữ Động Tân bèn đưa mắt tìm một anh chàng thanh niên để giúp anh ta ném trúng cô gái chài lưới, làm khó dễ Bồ Tát Quán Âm xem sao! Khéo sao ông lại đứng ngay bên cạnh Vi Đà.
Ông thấy anh chàng này phúc hậu lại chín chắn, chứ không phải loại công tử đẻ bọc điều kia, và ông cũng đã bắt gặp động tác móc tiền ra rồi lại bỏ vào của anh chàng. Ông nghĩ:
– Được rồi, Đại sĩ, tôi sẽ làm cho anh chàng này ném trúng Ngài, để xem Ngài làm sao?
Thế là ông vỗ vai Vi Đà, cười nói:
– Này cậu, cậu có muốn thử một chuyến không?
Vi Đà bị hỏi bèn đỏ bừng cả mặt, xấu hổ cúi đầu. Lữ Động Tân nói:
– Cậu không có gì phải xấu hổ, trai lớn phải có vợ, một tuyệt sắc giai nhân như thế đang kén chồng thì không nên bỏ qua cơ hội, biết đâu hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, cậu có duyên có phần với cô ấy thì sao?
Chàng thanh niên nhìn ông lão nói:
– Ông ơi, cháu cũng muốn thử chứ, nhưng nghĩ lại hai ngày vừa qua, biết bao nhiêu là vương tôn công tử ném không biết bao nhiêu là tiền mà ném không trúng, còn cháu chỉ có mấy đồng bạc trên thân, nếu đem ra ném thì chỉ có phí tiền thôi chứ làm sao trúng được. Hơn nữa, mấy năm vừa qua, cháu chỉ nghĩ tới có một điều mà thôi, đó là làm sao để dành tiền xây cầu. Tiền kiếm được hãy còn ít lắm, cháu không thể tự tiện nghĩ tới vấn đề lấy vợ của cá nhân mình mà đi tiêu phí những đồng tiền này.
Lữ Động Tân nghe thế cảm thấy rất mến anh chàng này và nghĩ thầm:
– Thì ra chàng trai trẻ này cùng có chung một ý nguyện với ngài Quán Âm, thật là hy hữu, hy hữu! Ta phải giúp cho anh chàng ném trúng Quán Âm Đại sĩ, phá Ngài chơi. Rồi khi nào Ngài biết được và có nổi giận thì cũng dễ gỡ thế bí bằng cách để cho anh chàng này giúp đỡ Ngài trong việc xây cầu là xong!
Nghĩ thế rồi Lữ Động Tân nói với Vi Đà:
– Này cậu, để tôi nói cho cậu biết tại sao cô nương này lại kén chồng. Cô kén chồng bằng cách này là cũng chỉ vì muốn kiếm tiền xây cầu, cậu và cô ấy đều có cùng một ý chí nên tôi nghĩ rằng cậu sẽ ném trúng. Đôi bên kết hôn rồi chung lưng sát cánh với nhau lo chuyện xây cầu, không phải là thượng sách hay sao? Cậu cứ ném thử đi, nếu đúng duyên đúng phận, người khác ném mấy cũng không trúng nhưng cậu ném một lần là trúng. Không tin cậu cứ thử, mà dù ném không trúng đi nữa thì tiền này xem như cậu tặng cho cô ấy xây cầu chứ có mất mát đi đâu, cậu nghĩ tôi nói có đúng không?
Đúng ngay lúc ấy, giọng ông lão lái thuyền vọng tới:
– Bà con làng xóm ơi, trời đã tối rồi nên hôm nay ngừng ở đây, tôi muốn gác mái chèo về nhà nghỉ.
Lữ Động Tân nghe vậy vội thúc Vi Đà ném, Vi Đà luống cuống bèn ném bừa về phía cô gái một đồng tiền.
Có lẽ vì trong suốt hai ngày Ngài Quán Âm dùng thần lực nên tiền không thể nào trúng tới mình Ngài, nay ông lão chèo thuyền đã ra hiệu ngừng để về nghỉ nên Ngài bèn xả thần lực.
Thêm vào lại có Lữ Động Tân cố ý làm cho đồng tiền ném trúng Ngài nên ông thổi một cái, đồng tiền của Vi Đà theo hơi thần của ông mà rơi lên người cô gái chài lưới, không rơi bên phải, không rơi bên trái, không rơi ở trên hay ở dưới mà rơi ngay tim của cô.
Lúc ấy ai cũng đã ngừng tay, chỉ còn có Vi Đà ném tiền, người đứng hai bên bờ ai cũng thấy rõ ràng, thế là sau hai ngày trời cuối cùng cũng có người ném trúng, không ai bảo ai mà mọi người đều reo hò nhảy cẫng lên vỗ tay hoan hô:
– Giỏi! Giỏi! Trúng rồi! Trúng rồi! Anh chàng này tốt phước quá!
Bồ Tát Quán Âm giật mình kinh ngạc, bị ném trúng một cách bất ngờ nên Ngài lúng túng, không biết chuyện chi xảy ra, bèn nhìn Vi Đà đang được mọi người hoan hô.
Nhìn thấy rồi Ngài giận muốn đứt hơi vì trong đám đông, có Lữ Động Tân đang nhìn Ngài mà cười ha hả. Do đó Ngài biết ngay là có bàn tay phá rối của Lữ Động Tân.
Có tiếng người kêu:
– Ông lái thuyền ơi, mau chèo qua đây, chú rể đứng ở đây nè!
Bồ Tát Quán Âm rất bối rối nhưng không có cách nào hơn là để cho ông lão chèo thuyền về rước Lữ Động Tân và Vi Đà lên thuyền, một lời đã hứa đâu có dễ gì nuốt lại được!
Ông lão lái thuyền nhận ra Vi Đà, mừng rỡ nói với cô gái chài lưới:
– Cô nương, cậu này chính là anh chàng thanh niên muốn xây cầu đây, đúng là trời có mắt!
– Đúng rồi, đúng rồi, đây là duyên trời định – Lữ Động Tân nói. Cô nương à, lão phu đặc biệt tới đây để tác hợp cho hai người.
Bồ Tát Quán Âm nhìn Lữ Động Tân như thể ông là con quái vật, vừa tức vừa giận mà không thể để lộ ra ngoài mặt. Tuy nhiên, nghe nói rằng anh chàng thanh niên này chính là Vi Đà, người muốn xây cầu, thì cũng đổi giận làm vui, thầm nghĩ rằng:
– Anh chàng này phúc hậu lương thiện lại là một tay thợ đá giỏi, để cho anh ta đứng ra xây cầu thì không có gì bằng.
Còn Lữ Động Tân, Ngài Quán Âm biết ông là người hay phá phách trêu ghẹo người khác, nên Ngài cũng không giận nữa mà lại bảo rằng:
– Ông làm việc tốt, tôi xin cám ơn ông. Nhưng ông đùa lần này là quá lố, không nên đắc ý như vậy. Ông đã gieo gió thì bây giờ hãy gặt bão, theo tôi nghĩ, ông nên mau nói lên sự thật.
Ông lão lái thuyền và Vi Đà nghe ngài Quán Âm và Lữ Động Tân nói chuyện với nhau như thể là người quen biết từ lâu, cảm thấy kỳ lạ nên hai người đều đứng ngây người ra nhìn.
Lữ Động Tân nghe Ngài Quán Âm dạy như thế rồi thì cũng không dám đùa nữa, và cũng nghĩ rằng mình chỉ nên đùa vừa phải thôi, phải mau nói lên sự thật kẻo càng để lâu càng khó xử.
Nghĩ thế rồi, Lữ Động Tân bèn nói sự thật cho ông lão chèo thuyền và Vi Đà nghe.
Khi biết mình đang đứng trước mặt Bồ Tát Quán Âm và Lữ Động Tân, hai người vừa kinh sợ vừa vui mừng.
Lại nghĩ đến ngài Quán Âm vì muốn có đủ tiền xây cầu mà phải nhọc tâm nghĩ diệu kế, mấy ngày qua thu được tiền đầy cả một khoang thuyền, hai người vô cùng kính phục tấm lòng từ bi và trí huệ của Ngài nên khấu đầu lễ bái không ngừng.
Chuyện kén chồng chỉ là một mưu kế của Bồ Tát, tiên và phàm vĩnh viễn cách biệt nên một khi giải thích rồi, không có vấn đề gì nữa.
Bốn người đếm xong tiền thu được rồi, Bồ Tát Quán Âm nói với ông lão lái thuyền và Vi Đà:
– Chuyện xây cầu là chuyện quan trọng, nay ta ủy thác cho hai người. Vi Đà là người tốt, hãy chịu khó cố gắng thêm chút nữa. Hiện tại thì số tiền này đủ để xây cầu, mong hai người hãy mau tiến hành công việc, tranh thủ thời gian để cầu được xây càng mau càng tốt. Khi nào cầu xây xong, ta sẽ trở lại.
Nói xong, Ngài hiện ra Quán Âm bảo tướng trang nghiêm, rồi cùng Lữ Động Tân lên mây mà đi.
Ông lão lái thuyền và Vi Đà được Ngài Quán Âm ủy thác việc này thì ngay ngày hôm sau là bắt tay vào việc, làm ngày làm đêm không dám trễ nãi, không tới một năm sau, một cây cầu hùng vĩ tráng lệ được bắc ngang sông Lạc Dương.
Đúng ngày cầu vừa xây xong, quả nhiên Ngài Quán Âm trở lại. Tuy Ngài vẫn xuất hiện dưới lốt một cô gái chài lưới, nhưng lần này ai cũng biết đó là Bồ Tát Quán Âm giáng lâm nên tất cả đều sụp xuống lễ lạy.
Bồ Tát nói với mọi người:
– Các vị hãy mau đứng dậy, không nên tạ ơn ta. Cầu này mà hoàn thành là do sức đóng góp của tất cả quý vị, chính ta mới phải tạ ơn các vị.
Bồ Tát Quán Âm chúc mừng việc cầu đã hoàn thành, rồi lên mây trở về Nam Hải. Nhưng trước khi đi Ngài nói riêng với Vi Đà:
– Vi Đà, ngươi đã hoàn thành tốt đẹp việc xây cầu. Ngươi đã ném tiền trúng ta vì ta với ngươi có duyên phận. Ta thấy ngươi là người có tâm thiện lành, ngươi có muốn cùng ta về Phổ Đà Sơn không? Nếu muốn thì có thể ở bên ta mà tu hành cho tới chính quả, làm thần hộ Pháp cho ta, nếu không muốn thì cứ ở lại đây.
Vi Đà vội vàng đáp:
– Bồ Tát trên cao, Vi Đà con được Bồ Tát giúp đỡ, một lòng thề nguyện xây cầu viên mãn, cầu xây xong rồi, con luôn tạc dạ ghi lòng tâm đại từ đại bi của Bồ Tát. Nếu được theo Bồ Tát mà tu hành, thì đó là điều vinh hạnh mà con vẫn hằng mơ tưởng mà không dám nghĩ có thể thành sự thật. Con nguyện theo Bồ Tát về Phổ Đà Sơn.
Bồ Tát Quán Âm bèn đưa Vi Đà về Phổ Đà Sơn. Một vài năm sau, Vi Đà tu hành thành chính quả, được phong là thần Hộ Pháp, và được gọi là “Vi Đà Thiên Tôn”, thời thời khắc khắc đứng trước mặt Bồ Tát Quán Âm để hộ vệ Ngài.
-
TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ
Tiêu Diện Đại Sĩ là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Hóa thân của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm.
TRUYỀN THUYẾT VỀ TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ
Tiêu diện đại sĩ còn gọi là Tiêu Diện Đại Quỷ Vương, Diện Nhiên Đại Sĩ, Diện Nhiên Quỷ Vương, Diện Nhiên; người đời thường gọi là Ông Đại Sĩ, Đại Sĩ Vương; là vua của loài Ngạ Quỷ có khuôn mặt đỏ, hay khuôn mặt bốc cháy; là vị thần nổi tiếng của Phật Giáo cũng như Đạo Giáo.
Vị này còn có tên gọi khác là Diệm Khẩu Quỷ Vương, có thân hình gầy ốm, miệng luôn bốc cháy lửa và cổ họng nhỏ như cây kim, do vì đời trước tham lam, keo kiệt, bỏn xẻn nên bị quả báo như vậy.
Vị quỷ vương này thống lãnh tất cả chúng Ngạ Quỷ và người ta cho đó là Hóa Thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong Lăng Nghiêm Kinh Tông Thông, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 16, No. 318) có nêu rõ điều này: “Du Già Diệm Khẩu Tiêu Diện Quỷ Vương, tức Quan Âm Đại Sĩ sở hóa, Tiêu Diện Quỷ Vương trong khoa Du Già Diệm Khẩu là do Quan Âm Đại Sĩ hóa hiện).”
Đạo Giáo gọi vị này là U Minh Giáo Chủ Minh Ty Diện Nhiên Quỷ Vương Giám Trai Sứ Giả Vũ Lâm Đại Thần, tôn xưng là Phổ Độ Chơn Quân; thế gian thường gọi là Ông Phổ Độ.
Không ít các địa phương vào dịp Tiết Trung Nguyên, trước khi vái lạy tổ tiên, người ta thường bái tế Diện Nhiên Đại Sĩ. Mọi người đều tin rằng vào dịp tháng 7 Âm Lịch, các vong linh trên dương thế đều do vị Thần này quản lý; cho nên tại Đài Loan còn có miếu thờ Ông Đại Sĩ.
Nguồn gốc Tiêu Diện Đại Sĩ được tìm thấy qua một số kinh điển của Phật Giáo như Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh, Taishō Vol. 21, No. 1313), Phật Thuyết Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni Thần Chú Kinh, Taishō Vol. 21, No. 1314), Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Quỹ Nghi Kinh, Taishō Vol. 21, No. 1318), Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Khởi Giáo A Nan Đà Duyên Do, Taishō Vol. 21, No. 1319), v.v, với câu chuyện kể rằng có một đêm nọ trong khi đang hành Thiền định quán chiếu những lời dạy của đức Phật, vào canh ba tôn giả A Nan chợt nhìn thấy một con quỷ đói thật hung tợn tên là Diệm Khẩu có thân hình gầy ốm, miệng rực cháy lửa và cổ họng nhỏ như cây kim.
Con quỷ ấy đến trước mặt tôn giả thưa rằng ba ngày sau mạng của tôn giả sẽ hết và sanh vào thế giới Ngạ Quỷ (ma đói).
Nghe vậy, tôn giả A Nan vô cùng ngạc nhiên và lấy làm sợ hãi, bèn hỏi con quỷ kia xem có cách nào thoát khỏi tai họa ấy không.
Con quỷ trả lởi rằng: “Vào sáng ngày mai nếu tôn giả có thể cúng dường thức ăn và nước uống cho trăm ngàn ức chúng Ngạ Quỷ nhiều như cát sông Hằng, cho vô số đạo sĩ Bà La Môn, cho chư thiên và các vị thần cai quản việc làm của con người, cho quá cố các vong linh, dùng cái hộc của nước Ma Kiệt Đà để cúng dường cho họ 49 hộc thức ăn và nước uống, và vì họ mà cúng dường cho Tam Bảo, như vậy tôn giả sẽ được tăng thêm tuổi thọ, cùng lúc đó sẽ làm cho chúng tôi thoát khỏi cảnh khổ đau của Ngạ Quỷ và sanh lên cõi Trời.”
Sau khi A Nan bạch lên đức Thế Tôn sự việc như vậy, Ngài chỉ cho nghi thức hành trì và thiết Cúng Thí Thực.
Trên cơ sở của nguồn gốc này, nghi lễ Cúng Thí Thực hay Chẩn Tế cho âm linh cô hồn Ngạ Quỷ ra đời cho đến ngày nay.
Vì vậy, trong các đàn tràng Chẩn Tế thường có thiết bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ.
Theo Đạo Giáo, Tiêu Diện Đại Sĩ được xem như là hóa thân của Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn, chủ tể thống lãnh các quỷ, hộ trì hai cõi âm dương.
Vị này thường trú duới núi Ốc Tiêu, làm thống soái các loài quỷ ở cõi âm, được hưởng hương hỏa cúng cấp của con người.
Hình tượng của Ngài thường được vẽ với trên đỉnh đầu có hai sừng, mặt xanh, răng nanh nhọn hoắt, cao lớn uy vũ; trên đầu lại có hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.
Trong bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của Nguyễn Du có đoạn rằng: “Nhờ đức Phật thần thông quảng đại, chuyển pháp luân tam giới thập phương, nhơn nhơn Tiêu Diễn (Tiêu Diện) Đại Vương, linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.”
Trong Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Hạ có đoạn: “Dĩ thử phổ thí công đức, hồi hướng Thiết Vi Sơn nội, Diện Nhiên Đại Sĩ, thống lãnh Tam Thập Lục Bộ, vô lượng vô biên, hằng hà sa số, chư Ngạ Quỷ chúng, lấy công đức thí thực này, hồi hướng trong núi Thiết Vi, Diện Nhiên Đại Sĩ, thống lãnh Ba Mươi Sáu Loại, vô lượng vô biên, hằng hà sa số, các chúng Ngạ Quỷ).”
Hay cùng điển tích trên lại có đoạn rằng: “Kim tắc Vô Già Hội khải Quan Âm, hiện Tiêu Diện chi hình, đại thí môn khai, Tôn giả thiết Ma Già chi hộc, thỉnh Thất Như Lai nhi tác chứng, nay tất Vô Già Hội nghinh Quan Âm, hiện Tiêu Diện hình tướng, cửa Thí Thực bày, Tôn giả thiết hộc cúng Ma Già, thỉnh Bảy Như Lai chứng minh).”
Hoặc như trong Tùy Duyên Tập (隨緣集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 57, No. 975) tập I có câu: “Diệm Khẩu nhất hộc nhĩ, ngộ tắc Đề Hồ, bất ngộ tức vi độc dược, Tiêu Diện nhất sĩ tai, thức tức Bồ Tát, bất thức tức thị Quỷ Vương, hộc cúng Diệm Khẩu ấy, ngộ là Đề Hồ, chẳng ngộ tức là thuốc độc; Tiêu Diện Đại Sĩ, biết là Bồ Tát, chẳng biết tức là Quỷ Vương).”
- HÌNH TƯỢNG CỦA TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ
Tiêu Diện Đại Sĩ là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Hóa thân của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, mặt trước là hình tượng mang sắc tướng nữ, rất mực từ bi với dương chi ngọc liễu và bình cam lồ sẵn sàng độ sanh giải nạn.
Mặt sau của hóa thân là hình tướng nam, là một vị thần dáng điệu oai nghiêm, trang phục võ tướng nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực.
Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo.
Trong các chùa tu theo phái Phật giáo Nam Tông và Khất sỹ Việt Nam thường không thờ tượng Hộ Pháp. Tuy nhiên, các chùa tu theo Phật giáo Phát triển (Bắc tông), hình tượng hai vị thần: Thiện thần (khuyến thiện), ủng hộ chốn già lam, người thọ trì kinh; và Ác thần (trừng ác), bắt phạt, trừng trị những người có ác tâm phá hoại Phật pháp, phá hoại người tu hành thường được đặt thờ.
Nói về việc thờ tượng thiện và ác của Hộ Pháp, Thượng tọa Thiện Đạo chia sẻ: “Các chùa hiện nay thường thờ hai tượng Hộ Pháp mặc dù kinh điển Phật giáo chỉ nói đến một vị Hộ Pháp Vi Đà. Việc thờ tượng ông Khuyến Thiện và ông Trừng Ác nhằm thể hiện sự tồn tại biện chứng của hai mặt đối nghịch Thiện và Ác trong cuộc sống đời thường. Đây là hình thức giáo dục sâu sắc, nhằm nhắc nhở con người nên ăn hiền ở lành, không nên có ác tâm, làm người khác đau khổ, làm lành thì được các vị Thiện Thần ủng hộ, làm ác thì bị các vị Ác Thần trừng phạt khiển trách”.
Cũng theo thầy Thiện Đạo, Đức Phật dạy: Không phải chỉ có chư thiên mới là hộ pháp mà tất cả những người từ vua quan cho đến thứ dân ở cõi Ta bà (cõi người), ai có tâm ủng hộ Phật pháp (tức ủng hộ trừ bỏ cái ác, khuyến khích phát triển cái thiện) trường tồn ở thế gian, làm lợi lạc chúng sanh, đều được gọi là hộ pháp.
Để hiểu hơn về hình tượng 2 ngài Vi Đà Bồ Tát Và Tiêu Diện Đại Sĩ cũng như các vị Bồ Tát khác trong Phật Giáo, bạn có thể truy cập vào website Tượng Phật Trần Gia xem các mẫu tượng Phật mà Trần Gia đã điêu khắc để gửi đến các chùa trong và ngoài nước, từ Nam chí Bắc.
Với thế mạnh là đội ngũ các nghệ nhân được đào tạo từ Trường Đại học Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, tạo hình tượng Phật của Tượng Phật Trần Gia, chúng tôi đã, đang và sẽ đem lại sự hài lòng tuyệt đối đến với các khách hàng có nhu cầu thỉnh Tượng Phật để cúng dường hoặc thờ tại gia v..vv
Để tìm đọc thêm nhiều kiến thức hữu ích về Phật giáo và xem nhiều mẫu tượng Phật , các bạn đừng quên truy cập tại website của Tượng Phật Trần Gia. Nếu các bạn có mong muốn thỉnh tượng Phật Di Lặc thì cũng đừng ngần ngại liên hệ Tượng Phật Trần Gia để nhận tư vấn miễn phí nhé!
XEM THÊM TƯỢNG HỘ PHÁP VI ĐÀ VÀ TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ ĐẸP
Xin mời quý Phật tử hoan hỷ chiêm ngưỡng video tổng hợp những hình ảnh tượng Phật đẹp nhất do điêu khắc Trần Gia tôn tạo nhé.
Nhận xét tích cực từ quý khách hàng của cơ sở điêu khắc tượng Phật Trần Gia:
Mời quý Phật tử cùng chiêm ngưỡng hết các mẫu tượng Phật đẹp nhất do điêu khắc Trần Gia tôn tạo nhé:
* Tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
* Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát
* Tượng Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát.
* Tượng Phật Văn Thù Sư Lợi – Phổ Hiền Bồ Tát .
* Tượng Phật A Di Đà.
* Tượng Đạt Ma Sư Tổ.
* Tượng Phật Di Lặc Bồ Tát.
* Tượng Tiêu Diện Đại Sĩ – Vi Đà Hộ Pháp.
CƠ SỞ ĐIÊU KHẮC TRẦN GIA.
Chuyên Tư Vấn – Thiết Kế – Thi Công Các Công Trình Nghệ Thuật
Đa Dạng Kích Thước – Đa Dạng Chất Liệu .
Trụ sở chính : 27 Đường số 1, khu phố 5, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
Lâm Đồng : 57 Nguyễn Chí Thanh, Nghĩa Lập, Đơn Dương, Lâm Đồng
Website : dieukhactrangia.com
Hotline : 0931.47.07.26
Email : [email protected]
Với các thế mạnh trên của Tượng Phật Trần Gia, chúng tôi đã, đang và sẽ đem lại sự hài lòng tuyệt đối đến với các khách hàng có nhu cầu thỉnh Tượng Phật để cúng dường hoặc thờ tại gia v..vv