Chất đạm là chất dinh dưỡng quan trọng nhất cho quá trình tăng trưởng và phục hồi cơ. Nếu cơ thể bị thiếu chất đạm, chắc chắn các hoạt động của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Tổ chức FAO cho biết, trên giới có khoảng 1 tỉ người thiếu hụt protein, đặc biệt ở các nước Trung Phi và Nam Á, trong đó có 30% số trẻ em thiếu chất đạm trầm trọng.
Khi thiếu chất đạm, cơ thể sẽ phát ra những tín hiệu dễ nhận thấy. Vậy nên, việc phát hiện kịp thời những dấu hiệu của tình trạng thiếu chất đạm sẽ giúp bạn có phương án điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp và nâng cao sức khỏe của bản thân.
1. Liên tục thèm ăn
Nếu luôn cảm thấy đói và có biểu hiện thèm ăn liên tục thì đó có thể là do chế độ ăn hiện tại đang thiếu chất đạm, nhưng lại nhiều carb và đường.
Lý giải của vấn đề này là do chế độ ăn nhiều đồ ăn có hàm lượng calo cao, trong khi đó lượng chất đạm nạp vào cơ thể lại thấp so với lượng calorie đó nên cơ thể phát ra tín hiệu khiến bạn thèm ăn để bổ sung protein cho cân bằng.
2. Mất cơ, đau mỏi khớp
Nếu bạn không nạp đủ protein để duy trì hoạt động hàng ngày thì cơ thể bị buộc phải phá vỡ cơ bắp để tạo ra năng lượng và nhiên liệu thay thế. Đó chính là lí do vì sao bạn thấy các khối cơ bắp trên cơ thể dần biến mất. Với những người cao tuổi thì thiếu chất đạm còn khiến đau mỏi các khớp.
Vậy nên, nếu phát hiện mất cơ, đau mỏi ở các khớp, hãy nhanh chóng điều chỉnh chế độ ăn uống để bổ sung protein càng sớm càng tốt.
3. Cơ bắp bị nhão
Nếu chế độ ăn thiếu chất đạm, cơ thể sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giáng hóa cơ để đảm bảo nhu cầu của mình. Hậu quả sẽ rõ ràng hơn nếu bạn tập thể dục nhiều vì cơ thể sẽ sử dụng cơ để làm nhiên liệu và đó không phải là một ý hay. Điều này sẽ dẫn đến yếu trương lực cơ, giảm khối cơ và hỗ trợ khớp bị yếu đi.
4. Vấn đề về da và móng
Thêm 1 dấu hiệu nữa của việc thiếu chất đạm đó là móng trở nên yếu, giòn, dễ gãy hơn. Trong một số trường hợp, các dải trắng và đốm nâu trên móng tay sẽ xuất hiện.
Thiếu chất đạm cũng có thể ảnh hưởng đến làn da, vì protein có vai trò giúp tái tạo tế bào, tạo ra các tế bào mới và thay thế các tế bào da đã chết. Nếu thiếu chất đạm, làn da cũng sẽ trở nên khô, thô ráp và nứt nẻ.
5. Rụng tóc
Protein là dưỡng chất thiết yếu để xây dựng tất cả các tế bào bên trong cơ thể, từ các cơ quan, các mô cho đến các nang lông bao gồm cả nang tóc.
Nếu bạn nhận thấy tóc càng ngày càng mỏng đi, hay lượng gãy rụng quá nhiều mỗi ngày, thì có nhiều khả năng cơ thể không đủ protein để cung cấp chất dinh dưỡng cho da đầu và nang tóc phát triển ổn định.
Đó cũng là cơ chế khi cơ thể ngừng cung cấp protein cho những nơi không cần thiết như là tóc để bảo toàn số protein ít ỏi còn lại cho các mục đích khác quan trọng hơn.
6. Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của sự thiếu hụt protein và nếu không được điều trị, có thể gây ra các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan và suy gan.
Đây là tình trạng phổ biến ở những người uống nhiều rượu bia, người béo phì, và thậm chí cả trẻ nhỏ.
7. Nguy cơ bị gãy xương tăng cao
Giống như cơ, lượng protein thấp có thể ảnh hưởng đến xương. Khi xương không có đủ protein sẽ làm cho xương bị yếu dần đi, làm tăng nguy cơ gãy xương.
Tiến sĩ Josh Axe, một bác sĩ chuyên khoa y học tự nhiên và dinh dưỡng lâm sàng nổi tiếng tại Mỹ lý giải, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do protein là chất cần thiết để hấp thụ canxi và giúp chuyển hóa vào xương, nếu thiếu protein, cơ thể không hấp thụ được canxi, xương giòn dễ gãy là điều tất yếu.
8. Trằn trọc, mất ngủ
Nếu bạn bỗng dưng thấy trằn trọc và khó ngủ hoặc bị mất ngủ thì đó có thể liên quan đến sự thiếu hụt protein.
Protein từ thức ăn đưa vào cơ thể sẽ giúp xây dựng một loại axit amin kích thích cơn buồn ngủ.
Điều đó có nghĩa là chúng ta phải bổ sung thêm thức ăn giàu chất đạm gần khung giờ đi ngủ để có được giấc ngủ ngon hơn.
9. Kém tập trung, minh mẫn
Protein giúp hỗ trợ chức năng của não bộ. Nếu bạn cảm thấy thiếu tập trung, trí nhớ kém hoặc gặp khó khăn trong việc học hoặc ghi nhớ bất cứ điều gì mới thì đó là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thiếu protein.
10. Stress
Giải phóng hoóc-môn stress có thể làm tăng giáng hóa cơ và mô và cần lưu ý rằng đó có thể là stress thể chất (do tập luyện quá mức) hoặc stress cảm xúc.
Nếu bạn không nhận đủ chất đạm trong chế độ ăn, sẽ không có gì để tái tạo các mô đang phải gánh chịu hậu quả của lối sống căng thẳng.