Phèn chua thường được dùng để ngâm rửa thực phẩm và lọc nước. Ngoài ra nguyên liệu này còn đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe như hỗ trợ điều trị các bệnh nấm da, bảo vệ sức khỏe răng miệng, cầm máu, giảm mùi hôi cơ thể, trị chứng tiêu chảy và đại tiện không thông.
Phèn chua đem lại nhiều công dụng đối với đời sống sinh hoạt và sức khỏe của con người
- Tên gọi khác: Vũ nát, Mã xĩ phàn, Muôn thạch, Tất phàn, Sinh phàn, Khô phàn, Bạch phàn, Minh phàn, Phàn thạch, Vũ trạch
- Tên khoa học: Kali alum/ Aluminium potassium/ Potassium alum
- Công thức hóa học: KAL(SO4)2
Phèn chua là gì?
Phèn chua là tên gọi dân gian của muối sunfat kali nhôm (kali alum). Phèn chua tồn tại ở dạng tinh thể có kích thước to nhỏ không đều, thường có màu trắng tinh hoặc màu trắng đục. Kali alum tan nhanh trong nước. Khi nung nóng sẽ chuyển sang dạng xốp, nhẹ được gọi là phàn phi hoặc khô phàn.
Hiện tại, phèn chua được sản xuất công nghiệp bằng cách thêm kali sunfat vào dung dịch nhôm sunfat đậm đặc và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như thuốc, mỹ phẩm, ẩm thực, ngành da thuộc, nhuộm,…
Phèn chua có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Thông thường, phèn chua được dùng để lọc tạp chất trong nước và ngâm rửa thực phẩm. Bên cạnh đó, dược liệu này còn đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Một số công dụng của phèn chua:
1. Làm giảm vết loét ở ngoài da và niêm mạc
Phèn chua có tác dụng sát trùng hiệu quả. Do đó dùng dược liệu cho vùng da bị loét hoặc viêm loét ở niêm mạc miệng có thể phục hồi các tế bào tổn thương và ức chế vi khuẩn, virus có hại.
Ngoài ra phèn chua còn được dùng để trị vết bỏng. Tuy nhiên vì dược liệu có vị chua nên có thể gây rát và khó chịu khi sử dụng.
2. Loại bỏ mùi hôi miệng
Dùng phèn chua hòa với nước và súc miệng hằng ngày có thể loại bỏ các vi khuẩn tích tụ và giảm mùi hôi miệng đáng kể.
Phèn chua có đặc tính sát trùng và khử mùi nên có thể loại bỏ mùi hôi miệng
Ngoài ra súc miệng với phèn chua thường xuyên còn ngăn ngừa sự phát triển mạnh của các vi khuẩn có hại, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý về nha khoa và tai mũi họng.
3. Giúp cầm máu
Một số nghiên cứu cho thấy phèn chua có tác dụng cầm máu rõ rệt – nhất là với những vết thương hở. Để giảm tình trạng chảy máu kéo dài, bạn có thể dùng phèn chua tán bột rắc lên vết thương. Ngoài khả năng cầm máu, phèn chua còn có tác dụng sát trùng nên có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng vết cắt.
4. Hỗ trợ điều trị bệnh nấm da
Ngoài khả năng ức chế vi khuẩn, phèn chua còn có tác dụng kiểm soát hoạt động của một số loại nấm gây bệnh ngoài da. Do đó dược liệu này còn được sử dụng để điều trị bệnh nấm da.
Phèn chua còn có khả năng ức chế vi nấm và hỗ trợ điều trị một số bệnh nấm da thường gặp
Các bác sĩ da liễu cho biết, ngâm chân với nước ấm hòa với 2 – 3 muỗng canh bột phèn chua trong 20 phút có thể giảm ngứa ngáy và ngăn ngừa tình trạng nấm da lây lan.
5. Khử mùi cơ thể
Phèn chua có chứa nhôm – khoáng chất có khả năng khử mùi hôi hiệu quả. Do đó phèn chua còn được tận dụng để khử mùi hôi miệng, hôi nách và hôi chân.
Tuy nhiên sử dụng phèn chua thường xuyên có thể làm khô da. Vì vậy bạn chỉ nên dùng 2 ngày/ lần để tránh tình trạng bong tróc và kích ứng da.
6. Giảm nếp nhăn
Phèn chua có tác dụng se nên có thể duy trì làn da căng bóng, đàn hồi và giảm nguy cơ hình thành các nếp nhăn. Bạn có thể kết hợp phèn chua với các nguyên liệu thiên nhiên (nha đam, nghệ, khoai tây) để nuôi dưỡng làn da và ngăn ngừa quá trình lão hóa.
7. Trị mụn nhọt và mụn trứng cá
Mụn nhọt và mụn trứng cá là một dạng viêm da có mủ do vi khuẩn gây ra (thường là vi khuẩn P. acnes). Sử dụng phèn chua lên mụn nhọt có thể ức chế vi khuẩn, làm khô mụn và giảm sưng viêm đáng kể.
8. Giảm viêm nhiễm ở âm đạo
Với đặc tính làm se da và sát trùng, phèn chua có thể được sử dụng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm nhiễm âm đạo. Trong trường hợp này, phèn chua thường được hòa với nước ấm và dùng để ngâm rửa vùng kín.
Phèn chua còn hỗ trợ điều trị viêm nhiễm âm đạo và các bệnh lý phụ khoa khác
Tuy nhiên bạn chỉ nên dùng cách này với tần suất vừa phải, vì phèn chua có thể làm khô âm đạo và gây ra cảm giác khó chịu.
9. Cải thiện tình trạng tiêu chảy
Phèn chua có tác dụng hút ẩm nên còn được tận dụng để trị chứng tiêu chảy. Hòa 1 thìa đường phèn với nước ấm có thể giảm lượng nước trong ruột kết và ngăn ngừa tình trạng đi phân lỏng.
10. Làm se khít lỗ chân lông
Với đặc tính làm se, phèn chua còn có khả năng se khít lỗ chân lông. So với các chế phẩm chứa acid (AHA, BHA), phèn chua có độ an toàn cao, ít gây kích ứng nên có thể dùng cho những người nhạy cảm với các hoạt chất có tính acid.
Cách dùng phèn chua tốt nhất
Phèn chua được sử dụng theo nhiều cách khác nhau – tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Dưới đây là một số cách dùng phèn chua hiệu quả bạn có thể tham khảo:
Có thể dùng phèn chua để rửa mặt nhằm loại bỏ bụi bẩn, giảm viêm và mụn trứng cá
- Hòa với nước đun sôi để làm nước súc miệng. Có thể thêm vào 1 ít muối ăn để gia tăng tác dụng sát khuẩn.
- Dùng phèn chua tán bột trộn với lòng trắng trứng và đắp lên da có thể chữa mụn viêm và sẹo mụn. Nên để mặt nạ phèn chua trên da từ 15 – 20 phút, sau đó rửa lại với nước lạnh. Thực hiện 3 lần/ tuần để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
- Có thể làm ướt phèn chua với một ít nước, sau đó massage nhẹ nhàng để rửa sạch bụi bẩn trên da mặt và hỗ trợ ngăn ngừa lão hóa.
- Với đường phèn dạng cục, bạn có thể chà nhẹ lên vùng da xây xát để giảm chảy máu.
- Pha phèn chua với nước tắm để giảm tăng tiết mồ hôi và giảm mùi cơ thể.
- Hòa phèn chua với nước lạnh để ngâm rửa thực phẩm giúp loại bỏ vi khuẩn và bảo quản thực phẩm lâu hơn.
- Có thể dùng đường phèn trong chế biến thực phẩm (giảm vị đắng, tăng độ dẻo, trong và nở của món ăn).
Công dụng của phèn chua theo Đông Y
1. Tính vị
Vị chua chát, tính ấm.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tỳ
3. Công năng – chủ trị
- Công năng: Sát trùng, chỉ huyết, khử đàm và táo thấp.
- Chủ trị: Tác dụng làm mửa mạnh nhiệt đàm, chảy máu, ghẻ ngứa, mụn nhọt, điên giải phát cuồng, thấp nhiệt hoàng đản, tả lỵ,…
Bài thuốc chữa bệnh từ phèn chua
Đường phèn được dùng trong các bài thuốc chữa các bệnh ngoài da, bệnh trĩ, viêm vùng kín,…
1. Bài thuốc chữa chàm lở và chốc đầu
- Chuẩn bị: Tùng hương 200g, mỡ lợn mới 500g và minh phàn 1 500g.
- Thực hiện: Cho mỡ lợn và tùng hương vào nồi, đun cho tùng hương tan trong mỡ và để nguội. Dùng minh phàn nung thành khô phàn, tán bột mịn và trộn với mỡ, dùng lên thoa lên chỗ đau nhức.
2. Bài thuốc trị các bệnh ngoài da do thấp
- Chuẩn bị: Băng phiến 2g, thạch cao nung 1000g, khô phàn và lưu huỳnh mỗi thứ 12g, thanh đại 63g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó bảo quản trong lọ sành và đậy kín. Khi dùng, lấy một ít bột thuốc trộn với dầu và thoa lên chỗ đau nhức. Thoa 2 lần/ ngày liên tục trong 5 – 7 ngày sẽ thấy triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.
3. Bài thuốc trừ đờm và khai bế
- Chuẩn bị: Phèn chua 3 phần và uất kim 7 phần.
- Thực hiện: Đem các vị nghiền thành bột, chế với nước làm thành hoàn. Mỗi lần dùng từ 4 – 8g, ngày dùng 2 lần uống với nước sắc xương bồ hoặc nước đun sôi còn ấm.
- Lưu ý: Nếu có nhiều đờm dãi, nên dùng từ 40 – 60g/ ngày.
4. Bài thuốc trị táo thấp
- Chuẩn bị: Bạch phàn và tiêu thạch bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 3 lần. Khi dùng nên uống cùng với nước cháo.
5. Bài thuốc trị viêm gan gây vàng da cấp tính
- Chuẩn bị: Thanh đại và minh phàn bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó cho vào viên nang. Mỗi lần dùng 2 – 4g, ngày dùng 3 lần.
6. Bài thuốc trị chứng đại tiện ra máu, nôn ra máu, băng huyết, chảy máu cam và các chứng chảy máu khác
- Chuẩn bị: Hài nhi trà và bạch phàn mỗi vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 – 1.5g uống với nước.
7. Bài thuốc trị khí hư bạch đới
- Chuẩn bị: Khô phàn và xà sàng tử liều lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị sắc và dùng nước ngâm rửa âm hộ.
8. Bài thuốc trị mụn lươn ở trẻ em
- Chuẩn bị: Chu sa và khô phàn các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, sau đó hòa với dầu vừng và thoa lên vùng da cần điều trị. Thoa thường xuyên cho đến khi triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn.
9. Bài thuốc trị ung nhọt sưng tấy, thấp chẩn
- Chuẩn bị: Hùng hoàng và minh phàn bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, trộn đều với nước trà đặc và thoa lên chỗ đau nhức.
10. Bài thuốc trị động kinh, đờm dãi nhiều và cổ họng sưng đau
- Chuẩn bị: 1 – 2 chỉ đường phèn.
- Thực hiện: Đem hòa nước, uống.
11. Bài thuốc trị nhọt độc đầy người, đinh nhọt và nhọt độc ở lưng (phát bối)
- Chuẩn bị: Sáp ong vừa đủ và bạch phàn (sống) 1 lượng.
- Thực hiện: Đun sáp ong cho nóng chảy, trộn với bạch phàn nghiền làm thành viên to bằng hạt đậu đen. Mỗi lần dùng từ 10 – 20 viên uống cùng với nước nóng.
12. Bài thuốc trị nhức đầu ăn uống không ngon do đờm kết ở cổ họng
- Chuẩn bị: 2 muỗng mật ong và bạch phàn 1 lượng.
- Thực hiện: Đem bạch phàn sắc với 1 chén nước, còn lại 1 chén trộn đều với mật ong và uống trực tiếp. Sau khi uống, bệnh nhân sẽ nôn ra đờm. Nếu không nôn được nên uống thêm cho đến khi nôn mửa ra dịch đờm ứ.
13. Bài thuốc trị trẻ sơ sinh khóc nhiều do hàn khí ở trong bụng mẹ
- Chuẩn bị: Bạch phàn.
- Thực hiện: Nung lửa 1 ngày, tán bột làm thành viên bằng hạt ngô đồng. Đem 2 viên mài với sữa và cho trẻ uống. Dùng đều đặn cho đến khi khỏi.
14. Bài thuốc trị trẻ em không bú được do miệng lưỡi trắng
- Chuẩn bị: Phèn chua phi 1 chỉ.
- Thực hiện: Tán bột mịn, lấy lông gà chấm bột và rà vào miệng.
15. Bài thuốc trị đau bụng thổ tả
- Chuẩn bị: Phèn phi 1 chỉ.
- Thực hiện: Đem uống với nước đun sôi.
16. Cách chữa hôi nách bằng phèn chua
- Chuẩn bị: Phèn phi tán bột.
- Thực hiện: Đem bọc vào khăn tay và xát vào vùng dưới cánh tay hằng ngày.
17. Bài thuốc chữa da đầu lở vảy và ngứa ngáy
- Chuẩn bị: Tùng hương (tán bột) 3 lượng, trư bản du tươi 0.5 cân và khô phàn (tán bột) 1 cân rưỡi.
- Thực hiện: Đem trư bản quậy với tùng hương, nấu lên cho dẻo. Sau đó để nguội và trộn với bột khô phàn, khuấy đều và phết dán.
18. Bài thuốc trị trúng phong cấm khẩu
- Chuẩn bị: Tạo giáp 15g và bạch phàn 30g.
- Thực hiện: Đem tán bột từng vị riêng, sau đó dùng 3g/ lần uống với nước sôi để nguội. Uống đều đặn sẽ thấy đờm ứ giảm bớt.
19. Bài thuốc trị động kinh do phong đờm
- Chuẩn bị: Chè tày nhỏ cánh 5 chỉ và bạch phàn 30g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu tán bột, luyện với mật ong làm thành viên to bằng hạt đậu đen. Người lớn dùng 15 viên, trẻ nhỏ dùng 5 – 6 viên uống cùng với nước nóng.
20. Bài thuốc trị sản phụ bị cấm khẩu
- Chuẩn bị: Bạch phàn sống.
- Thực hiện: Đem các vị tán bột. Mỗi lần dùng 3g trộn với nước lạnh và chia đều thành 2 – 3 lần uống, dùng hết trong ngày.
21. Bài thuốc trị đại tiện không thông
- Chuẩn bị: Bạch phàn (tán bột) một lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Mỗi lần dùng 2g cho vào rốn, đợi một lúc là đi tiêu được.
22. Bài thuốc trị rắn độc cắn
- Chuẩn bị: 1 cục bạch phàn.
- Thực hiện: Áp lưỡi dao nóng lên cho dược liệu chảy ra, sau đó để dược liệu nhỏ giọt chảy vào chỗ vết rắn cắn.
23. Bài thuốc trị miệng lưỡi lở, tai chảy dịch và mủ
- Chuẩn bị: Phèn phi.
- Thực hiện: Rắc trực tiếp hoặc trộn với nước lạnh để rửa.
24. Bài thuốc trị thấp chẩn
- Chuẩn bị: Thanh đại 30g, băng phiến 5 cân, thạch cao nung 1 cân, lưu hoàng và khô phàn mỗi thứ 90g.
- Thực hiện: Đem các vị thuốc tán thành bột và bảo quản kín. Khi dùng lấy 1 ít thoa vào nơi đau nhức 2 lần/ ngày. Thực hiện liên tục trong 5 – 7 ngày.
25. Bài thuốc trị hoàng đản
- Chuẩn bị: Phàn thạch và tiêu thạch bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó uống với nước cháo đại mạch. Mỗi lần dùng 1 chỉ, ngày dùng 3 lần.
26. Bài thuốc trị nhọt sưng đau, thấp chẩn
- Chuẩn bị: Hùng hoàng và minh phàn, mỗi vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem trộn với bã trà và đắp lên vùng da đau nhức.
27. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm âm đạo và khí hư bạch đới
- Chuẩn bị: Trầu không 3 lá và phèn chua 4g.
- Thực hiện: Đem lá trầu rửa sạch, vò nát và đun sôi với 0.5 lít nước sôi. Sau khi nước nguội bớt, thêm phèn chua vào và khuấy đều cho tan. Dùng nước để ngâm rửa vùng kín.
28. Bài thuốc xông rửa hỗ trợ điều trị bệnh trĩ
- Chuẩn bị: Hòe hoa 20g, phèn chua 12g, chỉ xác 20g, ngải cứu và kinh giới mỗi thứ 40g.
- Thực hiện: Cho tất cả vào nồi, sau đó dùng lá chuối bọc kín và đun sôi trong 10 phút. Để nguội bớt, đem xông vào vùng trĩ đau nhức. Khi nước nguội bớt, dùng để ngâm rửa giang môn, ngày 2 lần.
29. Bài thuốc chữa hắc lào
- Chuẩn bị: Hàn the nung 1 phần và phèn chua phi 4 phần.
- Thực hiện: Đem 2 vị tán thành bột mịn, sau đó rửa sạch vùng da cần điều trị. Lấy nước trầu không thấm lên da và rắc bột thuốc vào. Thực hiện ngày 2 lần cho đến khi khỏi.
Những lưu ý khi dùng phèn chua
- Không nên dùng trong thời gian dài.
- Tránh dùng cho người mắc chứng âm hư
- Phèn chua có đặc tính hút ẩm và làm se nên có thể khiến da khô và bong tróc. Vì vậy khi dùng phèn chua ngoài da, cần điều chỉnh liều lượng và tần suất cho phù hợp.
- Trong trường hợp bị kích ứng, đỏ và phát ban, nên thông báo với bác sĩ để được xử lý.
Phèn chua đem lại nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe và đời sống. Nếu dùng phèn chua để điều trị bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để phòng ngừa các tác dụng không mong muốn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp