Hiện nay, thay vì viết “Sinh nhật vui vẻ” thì một số người trẻ lại sử dụng từ “Sanh thần vui vẻ”. Vậy sanh thần là gì? việc sử dụng chúng để thay cho từ sinh nhật liệu có đúng hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ này qua bài chia sẻ ngay sau đây nhé.
Sanh thần là gì?
Hiện nay, bạn có thể bắt gặp từ sinh thần hay sanh thần (sanh được đọc theo phương ngữ của người miền Nam) trong những câu chúc mừng sinh nhật của các bạn trẻ. Có người giải thích rằng sanh thần có nghĩa là ngày sinh của những người được phong thần hay thần thánh. Còn ngày sinh của những người bình thường thì được gọi là sinh nhật. Cách lý giải này thoạt nhìn là có lý. Cụ thể, theo Địa chí huyện Hà Trung (2005), thì trong sách đã từng ghi: “Sinh thần Tống Thiên quốc sư ngày nào không rõ… Sinh thần Tô Đại Liêu ngày 10 tháng 8…”.
Tuy nhiên, thực tế, sanh thần chẳng phải là ngày sinh của người được phong thần hay thần thánh gì cả. Đơn giản đây chính là một cách viết khác, dùng để chỉ ngày sinh, giống như từ sinh nhật mà thôi.
Sinh 生 ở đây có nghĩa là “sinh đẻ”, còn từ thần 辰 có nghĩa là “ngày”. Như vậy sinh thần hay sanh thần chính là ngày sinh. Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu: Thần 辰 có nghĩa là tiếng gọi chung cho mười hai chi, còn được dùng để chỉ ngày hoặc giờ. Người xưa lấy mười hai chi để ghi ngày, hết một hồi từ ngày tý, cho đến ngày hợi được gọi là tiếp thần 浹辰 (mười hai ngày). Vì thế, ngày và giờ đều được gọi là “thần”.
Ở Trung Quốc người ta sử dụng cụm từ sinh thần bát tự 生辰八字 (shēng chén bā zì) để nói về dữ liệu ngày sinh của một người nhằm mục đích chiêm tinh, bao gồm: giờ, ngày, tháng, năm sinh theo Thiên can địa chi. Còn thành ngữ Sinh thần kỵ nhật 生辰忌日 (shēngchén jìrì) dùng để chỉ ngày sinh và ngày mất của một người.
Vì cả hai từ đều có nghĩa tương đồng cho nên bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng thay cho nhau. Ví dụ như có thể dùng cả hai câu chúc là “Chúc mừng sinh nhật” và “Chúc mừng sanh thần” kỷ niệm ngày sinh của ai đó.
Xem thêm:: Stay Tuned nghĩa là gì? Come on nghĩa là gì? Cẩn tắc vô áy náy nghĩa là thế nào?
Ý nghĩa của ngày sanh thần
Ngày sinh nhật được cho là xuất phát từ những nước phương Tây. Cụ thể, ngày kỷ niệm này có nguồn gốc từ những nơi mà đạo Thiên chúa phát triển với tín ngưỡng về sự xuất hiện của linh hồn ma quỷ, từ đó nó tạo ra các nguy hiểm cho con người vào ngày sinh mỗi năm của họ. Để xua đuổi ma quỷ trong ngày này thì gia đình, bạn bè sẽ tổ chức bữa tiệc nhảy múa để xua đuổi những linh hồn xấu đó đi. Theo quan niệm, nếu như trong ngày sinh nhật có càng nhiều người tham gia thì sẽ càng gặp nhiều may mắn và đuổi được nhiều tà ma.
Khi sự giao thoa văn hóa của các nước trở nên phát triển, văn hóa sinh nhật được du nhập và phổ biến sang nhiều nước và cả thế giới. Trong ngày sanh thần bạn sẽ nhận được nhiều lời chúc và những món quà ý nghĩa. Tuy nhiên, sinh nhật ở các nước phương Đông thường không quá cầu kỳ và linh đình như ở phương Tây.
Ngày sanh thần ở mỗi nước sẽ có cách tổ chức khác nhau và mức độ quan trọng ở từng thời điểm. Ví dụ ở Việt Nam thì ngày sinh nhật quan trọng nhất của một người là khi họ tròn 1 tuổi. Đây còn được gọi là “lễ thôi nôi”. Mục đích của việc tổ chức ngày sinh nhật này chính là cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho em bé sẽ diễn ra trong tương lai.
Ngoài ra ở một số nước Châu Á, ngày sinh nhật của những người lớn tuổi sẽ được gọi là lễ mừng thọ. Với tinh thần “kính lão đắc thọ”, dịp kỷ niệm này được tổ chức để mong những điều may mắn, bình an, sức khỏe sẽ đến với ông bà cha mẹ. Thông thường ở Việt Nam, những lễ mừng thọ thường được tổ chức vào những ngày sinh nhật là thượng thọ theo số tuổi chẵn như 70 tuổi, 80 tuổi, 90 tuổi.
Trên đây là một số thông tin cơ bản để giải đáp nghi vấn sanh thần là gì?. Sinh nhật và sanh thần có thể thay thế cho nhau. Tuy nhiên, sinh nhật là từ được dùng phổ biến ở nước ta cho nên chúng ta nên sử dụng để được rõ nghĩa với mọi đối tượng.