Nở rộ dịch vụ “bắt sâu mắt”, vệ sinh mắt
Gần đây, trên các trang mạng xã hội Facebook, TikTok liên tục xuất hiện nhiều bài quảng cáo, video giới thiệu dịch vụ mới “bắt sâu mắt”.
Theo những clip quảng cáo dịch vụ này, “mắt bị ngứa cộm khó chịu, nhỏ thuốc liên tục mà vẫn bị ngứa là do sán ký sinh, bụi bẩn tích tụ lâu ngày, xác chết của vi khuẩn, môi trường quá bụi. Do đó khách hàng cần đến spa để vệ sinh và lấy ra những cặn, bụi tích tụ lâu ngày trong mắt để đem lại sự sáng khỏe cho đôi mắt của mình”.
Giá của dịch vụ được chào từ 60.000 – 250.000 đồng/lần. Với mức chi phí thấp, hình ảnh video quảng cáo sống động, đánh vào nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhiều người hiện nay nên chỉ trong thời gian ngắn, dịch vụ này thu hút đông đảo khách hàng quan tâm, trải nghiệm.
Không những quảng cáo dịch vụ, những spa này còn nhận chuyển giao “công nghệ bắt sâu mắt”. Nhiều group Facebook chuyển giao công nghệ được lập ra với học phí từ 3-5 triệu đồng và giá “thuốc” 1-1,5 triệu đồng/lọ. Nếu chuyển giao bằng hình thức online, quay video hướng dẫn thì từ 200.000 – 300.000 đồng. Theo lời quảng cáo, “học viên có thể thực hành hiệu quả chỉ sau 1 buổi học, bất kỳ là ai, ở đâu cũng có thể học được”.
Theo quảng cáo của tài khoản TikTok H.A, sau khi nhỏ thuốc vào mắt, massage các huyệt ở mắt thì mắt sẽ tiết ra các sợi tơ huyết dân gian gọi là “sâu mắt”. Đây chính là bụi bẩn, vi khuẩn, ký sinh trùng trong mắt do lâu ngày không vệ sinh. Sau khi lấy xong mắt sẽ đỡ cộm ngứa, đỡ viêm và nhìn sáng hơn.
Tài khoản này cũng đăng bán sản phẩm bắt sâu mắt, gọi đây là thuốc. Người này so sánh với dung dịch những nơi khác bán là nước ép tía tô đơn thuần, còn sản phẩm shop bán được cô đặc từ tự nhiên, thơm mùi thuốc nam, có thể uống để cảm nhận mức độ an toàn.
Thậm chí có nhiều video hướng dẫn lấy sâu mắt tại nhà. Theo đó có thể lấy lá tía tô hay diếp cá giã nhuyễn lấy nước cốt cho vào chai nước nhỏ mắt nhỏ vào mắt, “sâu nó sẽ ra ăn rau”, để vài phút và dùng tăm bông lấy ra.
Coi chừng viêm giác mạc, hỏng mắt
Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trên thực tế các dung dịch chiết từ tía tô hoặc các loại cây lá màu xanh như diếp cá… khi nhỏ vào mắt, sẽ dẫn đến sự thay đổi độ tan của diệp lục tố (chlorophyll) tạo tủa khi tiếp xúc với môi trường dịch tiết (muối) trong nước mắt. Đây có thể là nguồn gốc của những sợi kết tủa được gắp ra từ mắt khách hàng trong nhiều video quảng cáo.
Theo dược sĩ Triết, các dung dịch thảo dược được sử dụng để điều trị bệnh chủ yếu theo đường uống, một số ít dùng ngoài da, và hầu như không có hướng dẫn dùng cho mắt.
“Việc nhỏ các dịch chiết lá vào mắt sau đó dùng tăm bông lấy ra có thể gây viêm giác mạc, lâu dần gây hỏng mắt”, tiến sĩ Triết chia sẻ.
Cùng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho rằng trong đông y hay trong chuyên khoa mắt đều không có hướng dẫn nhỏ thảo dược vào mắt để gắp sâu mắt.
“Người dân cần thận trọng, tránh chạy theo chiêu trò của những người làm dịch vụ bán hàng. Việc nhỏ các dung dịch không rõ nguồn gốc hay tinh dầu vào mắt có thể làm hỏng mắt, thậm chí mù mắt”, bác sĩ Vũ chia sẻ.