Câu hỏi tr 12
1. Câu hỏi và bài tập
Câu 1: Đồng hồ đo thời gian hiện số được điều khiển bởi cổng quang như thế nào?
Phương pháp giải:
Vận dụng lí thuyết trong SGK KHTN 7 trang 10, 11
Lời giải chi tiết:
Đồng hồ đo thời gian hiện số là dụng cụ đo thời gian chính xác cao. Nó có thể hoạt động như một đồng hồ bấm giây, được điều khiển bằng các cổng quang điện
Cổng quang điện gồm một điôt D1 phát ra tia hồng ngoại và một điôt D2 nhận tia hồng ngoại từ D1 chiếu sang. Dòng điện cung cấp cho D1 được lấy từ đồng hồ đo thời gian. Khi có vật chắn chùm tia hồng ngoại chiếu từ D1 sang D2 , D2 sẽ phát ra tín hiệu truyền theo dây dẫn đi tới đồng hồ, điều khiển đồng hồ hoạt động tức thì, gần như không có quán tính.
Câu 2: Khi ước lượng thời gian chuyển động của vật lớn hơn 10s, cần lựa chọn thang đo nào của đồng hồ hiện số? Vì sao?
Phương pháp giải:
Vận dụng lí thuyết trong SGK KHTN 7 trang 10, 11
Lời giải chi tiết:
Đồng hồ đo thời gian hiện số có hai loại thang đo: Loại 1 là 9,999s – 0,001 s và loại 2 là 99,99 s – 0,01 s
Nếu thời gian chuyển động của vật lớn hơn 10 s thì cần lựa chọn thang đo loại 99,99 s – 0,01 s. Đối với dụng cụ đo thì ta cần phải lựa chọn dụng cụ có giới hạn đo lớn hơn số mà ta ước lượng.
2. Hoạt động
Hãy viết báo cáo bài thực hành: Quan sát và phân biệt một số loại tế bào đã học trong môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 theo mẫu trên
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức đã học ở môn KHTN 6
Lời giải chi tiết:
a. Mục đích thí nghiệm: quan sát, tìm hiểu và phân biệt một số loại tế bào
b. Chuẩn bị
– Thiết bị, dụng cụ:
+ Kính hiển vi có vật kính 40x và kính lúp
+ Nước cất đựng trong cốc thủy tinh
+ Đĩa petri
+ Các dụng cụ: giấy thấm, lamen, lam kính, ống nhỏ giọt, kim mũi mác, thìa inox, dao mổ.
– Mẫu vật:
+ Củ hành tây
+ Trứng cá
c. Các bước tiến hành
– Làm tiêu bản, quan sát và vẽ tế bào biểu bì hành tây
+ Bước 1: Dùng dao mổ tách lấy một vảy hành, sau đó tạo một vết cắt hình vuông nhỏ kích thước 7-8 mm ở mặt trong của vảy hành. Sử dụng panh/kim mũi mác lột nhẹ lớp tế bào trên cùng của vết cắt (lớp tế bào biểu bì).
+ Bước 2: Đặt lớp tế bào này lên lam kính đã nhỏ sẵn một giọt nước cất rồi đậy lamen lại bằng cách trượt lamen từ một cạnh Sử dụng giấy thấm để thấm phần nước thừa.
+ Bước 3: Đặt lam kính lên bàn kính của kính hiển vi và quan sát ở vật kính 10x rồi chuyển sang vật kính 40x.
– Quan sát và vẽ tế bào trứng cá
+ Bước 1: Dùng thìa lấy một ít trứng cá cho vào đĩa peptri.
+ Bước 2: Nhỏ một ít nước vào đĩa.
+ Bước 3: Dùng kim mũi mác khoắng nhẹ để trứng cá tách rời nhau.
+ Bước 4: Quan sát tế bào trứng cá bằng mắt thường hoặc bằng kính lúp.
+ Bước 5: Vẽ hình tế bào em quan sát được.
d. Kết quả
Các em thực hành và điền kết quả
e. Trả lời các câu hỏi (nếu có)