Mọi người thường khuyên rằng nên làm phước để được quả lành, gặp nhiều may mắn. Vậy phước là gì? Có phước là gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu rõ, hiểu đúng về nghĩa của từ phước nhé!
Giải nghĩa phước là gì? Có phước là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì “phước” chính là “phúc”. Người có phước (có phúc) là người luôn gặp chuyện may mắn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, gặp giữ hóa lành, gặp ai cũng được quý,… Ngược lại người không có phước thì cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở, phải trải qua nhiều cay đắng, đau khổ.
Chúng ta có thể thấy được hình ảnh của phước (phúc) ngay trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống, ví dụ như:
- Cha mẹ sinh được con cái hiếu thuận, nghe lời, giỏi giang.
- Người luôn sống khỏe mạnh, hiếm khi bị bệnh tật.
- Gặp nhiều may mắn trong công danh sự nghiệp, được nhiều người yêu quý.
- Gặp chuyện hung hóa cát, thoát được họa sát thân trong gang tấc.
Nguồn gốc của phước báu?
Theo quan niệm của đạo Phật thì phước báu (phúc báu) chính là “quả” của “nhân lành” mà chúng ta đã gieo trồng trong vô lượng kiếp về trước và cả trong kiếp này. Có nghĩa là phúc báu chúng ta đang có ở hiện tại và tương lai có nguồn gốc từ những điều thiện nhân mà chúng ta đã làm.
Điều này thuận theo quy luật nhân quả của tự nhiên và sự công bằng của vũ trụ “ai làm, người ấy hưởng”. Do đó mỗi người có một số mệnh, có người phúc dày, người phúc mỏng và người không có phúc.
Vì sao phải tích nhiều phước báu?
Phước báu là “tài sản” cực kỳ quan trọng của mỗi người. Chúng ta cần phải tích nhiều phước bởi 2 nguyên nhân như sau:
Làm phước được hưởng phúc
Phước quyết định ta sướng hay khổ, cuộc sống có may mắn, thuận lợi hay không. Tùy theo việc phước bạn làm mà sẽ được hưởng loại phước tương ứng, cụ thể như sau:
- Phước tài sản: Sinh ra trong cuộc sống giàu sang, sung túc, không phải chịu vất vả. Lớn lên làm ăn thuận lợi có của ăn của để. Phước này do bố thí, cúng dường, tâm rộng rãi mà sinh ra.
- Phước hỷ tướng: Là người ai gặp cũng cảm thấy yêu quý, mến trọng nể. Phước này do tâm bao dung, tâm vô ngã, tâm quảng đại vị tha sinh ra.
- Phước được người giúp đỡ: Gặp thuận lợi, thành công trong lần nỗ lực đầu tiên. Khi gặp trở ngại có quý nhân xuất hiện đúng lúc cứu giúp. Phước này do tâm thương người, thường giúp người, giúp vật, sống hiền lành tử tế sinh ra.
- Phước về sức khỏe và tuổi thọ: Được sinh ra ở nơi không có chiến tranh, bệnh dịch, có điều kiện sống thuận lợi (không có thiên tai, có nước sạch, đầy đủ lương thực,…). Đồng thời người có phước này ít ốm đau bệnh tật, sống đến cuối đời ra đi nhẹ nhàng. Phúc này do tôn trọng mạng sống, không sát sanh hại mạng, ăn chay, phóng sinh, bảo vệ hòa bình, tôn trọng môi trường…mà có.
- Phước có trí tuệ: Học nhanh, hiểu nhanh, sinh ra đã thông minh. Sống một đời sống đạo đức, thanh cao, hiểu được đạo lý vô thường, tin sâu nhân quả. Phước này do bạn tôn trọng người trên, tặng sách vở cho người khác, giúp người khác được đi học, chăm nghe kinh, pháp…
Phước sẽ hết nếu không bồi đắp mỗi ngày
Theo quan niệm của Phật giáo cho rằng, phước báu (phúc đức) có tính “hữu lậu” hay “hữu vi”. Điều này đồng nghĩa với việc con người được hưởng phước báu còn trong lục đạo luân hồi, nếu như chỉ thụ hưởng phước báu được tích lũy từ tiền kiếp (những kiếp trước) mà không chịu gieo thêm ở đời sống hiện tại thì phước báu sẽ hết. Nếu cứ ỷ lại vào việc mình “phước báu” mà gieo nhân ác thì ắt phải chịu quả báo đắng cay.
Các bạn cần phải khắc ghi 1 điều như sau: Làm phước bao nhiêu cũng thiếu, làm điều xấu một chút cũng vô thừa. Chúng ta trải qua vô lượng kiếp sống, không ai biết được “quỹ phước” của mình còn bao nhiêu, nên cần phải luôn vun trồng tưới tắm “vườn phước” để phước đức đức luôn sinh sôi nảy nở.
Những cách bạn có thể tạo ra phước báu
Như ở trên chúng ta đã tìm hiểu ở trên phước được tạo ra từ những việc thiện của mỗi người trong đời sống hàng ngày. Chúng ta càng làm nhiều việc thiện thì phước càng dày. Theo quan niệm của đạo Phật thì chúng ta có thể tạo ra phước báu thông qua những việc sau đây.
Phước báu bố thí – cúng dường
Trong giáo lý nhà Phật, bố thí, cúng dường là hạnh cao quý và nền tảng của mọi hạnh lành. Cũng chính là nghiệp thiện nhất trong tất thảy nghiệp thiện.
Bản chất của con người trong cõi ta bà là luôn muốn được, có thêm, nhiều hơn nữa và ít khi biết thế nào là đủ. Chính vì bản chất này khiến con người có lòng tham, sân hận, si mê và tà kiến. Muốn giảm trừ nghiệp xấu do tham sân si cần gây nên chúng ta cần nuôi tâm rộng rãi thông qua việc bố thí, cúng dường. Mang cái của mình cho người khác hoặc dâng, cúng, lên chư Tăng và Phật với tâm không toan tính, so đo và không mong cầu hồi đáp.
Trì giới (giữ giới)
Trì giới hay giữ giới là thực hành theo những luật lệ mà Đức Phật đặt ra cho đệ tử xuất gia thi hành trong khi tu hành và cho Phật tử tại gia áp dụng trong cuộc sống. Khi thực hiện theo những giới luật này chúng ta sẽ sống đời sống đạo đức và có được những quả tốt đẹp (phước báu).
Phật tử tại gia cần phải giữ vững 5 giới để có được phước báu đó là:
- Không trộm cắp
- Không sát sanh
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không dùng các chất gây nghiện
Nhẫn nhịn là tạo phước
Tại sao nói nhẫn nhịn cũng là đang tạo phước? Hạnh nhẫn nhịn giúp chúng ta tránh được những tranh chấp, cãi vã không cần thiết. Cắt đi nguồn cơn dẫn tới khổ đau và phiền não.
Người Việt ta từ xưa có câu “Một điều nhịn, chín điều lành” có nghĩa là thay vì tranh cãi, chúng ta nhẫn nhịn, để không gây thêm thù oán, không châm thêm lửa giận. Từ đó không tạo ra động cơ làm việc ác tổn hại người khác.
Tinh tấn
Tinh tấn có nghĩa là chúng ta siêng năng, quyết tâm và cần mẫn trong việc tu tâm dưỡng tánh để ngăn chặn 3 nghiệp. Cũng chính là trong mọi hoàn cảnh giữ luôn được thiện tâm, không để những suy nghĩ tạp nham, những điều thị phi phải quấy.
Tâm trí không nghĩ việc ác, không sinh ra ác nghiệp. Đồng thời khi ý nghĩ luôn nghĩ những điều lành, trong sáng tự khắc phước báu sẽ sinh ra. Không chỉ vậy giữ sự tinh tấn còn giúp ta có năng lực mang lại sự an yên cho bản thân và mọi người xung quanh.
Thiền định
Theo đạo Phật, thiền định cũng là một trong những việc giúp chúng ta tăng trưởng phước báu và trí tuệ. Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc sóng gió, buồn lo làm cho tâm trí của chúng ta bất an, xáo trộn, lo âu, phiền muộn. Lúc này chỉ có thiền mới đưa tâm trí ta về sự bình yên, tĩnh lặng.
Thiền sẽ giúp ta định tâm lại, giữ được tâm thế thản nhiên, đưa ra được quyết định đúng đắn dù ở trong hoàn cảnh nào. Trong khi thiền định ta giữ Thân – Khẩu – Ý thanh tịnh. Đồng thời giúp ta quán chiếu về như chân (cái thân, tâm ban đầu, trong sạch chưa bị nhiễm ô) không còn khởi nghiệp nữa thì phước báu cũng từ đó mà vô lượng vô biên.
Hỗ trợ, giúp đỡ người khác
Khi chúng ta hỗ trợ giúp đỡ người khác với cái tâm tịnh, thoải mái, vui vẻ, hân hoan không vì bất cứ mục đích nào phước sẽ sinh trưởng. Ngay từ những việc nhỏ bạn làm cho mọi người xung quanh hàng ngày như nấu cơm, chăm sóc người lúc ốm đau, dắt người già qua đường, đi chùa làm công quả… cũng chính là đang tạo phước báu.
Phóng sinh
Phật giáo dạy rằng, phóng sanh là nuôi dưỡng tâm từ bi, yêu thương với mọi loài chúng sanh. Việc này giúp tăng phước đức cho bản thân, gia đình và con cháu đời sau của mình. Tuy nhiên bạn cần hiểu đúng hiểu rõ về phóng sinh để không gây ra những kết quả xấu.
Các phóng sinh đúng như sau:
- Không câu nệ thời gian, địa điểm phóng sinh.
- Phóng sinh không quan trọng số lượng
- Phóng sinh cần phải tìm hiểu kỹ về đặc điểm, môi trường sống của loài đó để tìm nơi thả phù hợp.
Nghe và giảng pháp
Nghe pháp bạn sẽ biết và hiểu rõ thêm về chân lý trong cuộc sống, tránh xa những điều ác. Từ đó bản thân ngày càng thiện lành. Khi nghe hiểu đúng hiểu sâu về pháp bạn truyền lại cho người khác, công đức ấy rất lớn. Bạn sẽ có được phước báu trí tuệ, ngày càng thông thái, dù về già vẫn giữ được sự minh mẫn.
Qua bài viết chúng ta có thể thấy phước chính là phúc. Phước là gì? Cuộc sống của con người không thể thiếu phước báu vậy nên chúng ta cần vun bồi nó mỗi ngày. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ và hiểu đúng về phước cũng như cách để phước báu tăng trưởng mỗi ngày.