Nóng trong người là tình trạng bạn cảm thấy nóng bức, khó chịu từ bên trong cơ thể dù thời tiết ngoài trời có thể đang mát mẻ. Nó thường xảy ra trên khắp cơ thể hoặc chỉ xảy ra ở một số bộ phận cụ thể, chẳng hạn như cảm thấy nóng vùng bụng, ngực, cổ, mặt… Sau đó, cơn nóng lan tỏa dần sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Bạn có thể cảm thấy nhiệt độ bên trong cơ thể cao nhưng khi đo thân nhiệt thì nhiệt độ lại bình thường. Nó khác hoàn toàn với khi bị sốt là tình trạng thân nhiệt tăng cao bất thường. Mặc dù sốt có thể gây nóng trong người, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất.
Những biểu hiện nóng trong người có thể bao gồm:
- Nóng trong người nổi mụn lưng, mặt hoặc toàn thân
- Nóng trong người nổi mẩn đỏ, ngứa da
- Nóng trong người mắt đổ ghèn, mỏi mắt, thâm quầng mắt
- Hơi thở nóng và có mùi khó chịu
- Nhiệt miệng, môi đỏ, khô căng và nứt nẻ
- Vàng da, rõ nhất là kết mạc mắt, lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc lưỡi
- Táo bón, phân nhạt màu
- Nước tiểu có màu vàng đậm
- Nóng trong người đi cầu ra máu
- Nhịp tim nhanh
- Đổ mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm
- Mệt mỏi, chán ăn, vị giác kém
- Gầy gò, xanh xao, ăn nhiều nhưng khó tăng cân
- Khó ngủ, mất ngủ
- Chảy máu răng, chảy máu cam tự nhiên.
Nóng trong người hay bốc hỏa có thể là một triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, thường xảy ra ở những người phụ nữ từ 40 đến 50 tuổi.
Nguyên nhân là do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen trước, trong và sau thời kỳ mãn kinh khiến bộ điều nhiệt của cơ thể (vùng dưới đồi) trở nên nhạy cảm hơn với những thay đổi nhỏ về nhiệt độ cơ thể.
Các nguyên nhân khác
Các nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này bao gồm:
- Thời tiết xung quanh nóng bức
- Căng thẳng quá mức
- Ăn nhiều thức ăn cay nóng như ớt cay hoặc gia vị như hành, tỏi…
- Chức năng gan suy giảm, thận yếu khiến cơ thể không thể bài tiết chất độc ra ngoài
- Thiếu nước, mất nước nghiêm trọng
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Các vấn đề do tuyến giáp hoạt động quá mức (Cường giáp)
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Uống nhiều rượu bia
- Mặc quần áo chật chội, bó sát
- Sốt
- Tiểu đường
- Ung thư và tác dụng phụ của điều trị ung thư
- Phụ nữ mang thai.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nóng trong người có thể khác nhau ở mỗi người. Nhiều trường hợp, cơn nóng bên trong chỉ kéo dài một hoặc hai phút, hoặc dài nhất là 5 phút. Tuy nhiên, ở một số người, tình trạng này có thể xảy ra hàng ngày và kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức đề kháng và sức khỏe tổng thể.
Nếu các cơn nóng trong người ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày hoặc làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm của bạn, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.