Nếu ‘Mắt biếc’ là “tình yêu vĩ đại của Ngạn dành cho Hà Lan” như lời đạo diễn Victor Vũ, thì tình yêu của khán giả sẽ được san sẻ cho Trà Long – con gái của Hà Lan.
Mắt biếc đẹp, buồn, tổng thể dễ đoán nhưng không nhàm chán, và có cái kết khiến người xem rung động.
Câu chuyện nhiều nước mắt của Ngạn
Mắt biếc kể về mối tình xuyên thời gian của Ngạn dành cho Hà Lan – cô bạn học từ ấu thơ. Tình yêu đó không hề thay đổi khi cả hai lớn lên, chia tách, băng qua nhiều biến cố của cuộc đời.
“Mắt biếc” của Hà Lan được chọn đưa lên poster quảng bá, nhưng khi xem phim, có thể thấy Ngạn (Trần Nghĩa đóng) mới là nhân vật trung tâm.
Hà Lan (Trúc Anh) hơi đuối ở giai đoạn trưởng thành. Nhân vật phụ thú vị Dũng (Trần Phong) lại có ít đất diễn, còn Trà Long (Khánh Vân) khá tỏa sáng xứng đáng với kỳ vọng của khán giả.
Phim giữ nguyên tinh thần của truyện: được kể hoàn toàn qua góc nhìn của Ngạn, là dòng chảy nội tâm của Ngạn. Vì thế, phim đẹp như chính tâm hồn Ngạn, một tâm hồn mong manh và trân quý những giá trị cũ. Có lẽ, trong thời đại ai ai cũng đi tìm cái mới, ai ai cũng muốn thức thời, một con người như vậy mới là của hiếm.
Có thể coi Trần Nghĩa đã diễn tròn vai cho vai diễn trung tâm này. Riêng gương mặt khắc khổ, đôi mắt ướt át của anh đã là một phần của nhân vật. Rất nhiều nước mắt, nhưng có lẽ phim nên tiết chế hơn, để mỗi giọt nước mắt đều đi kèm rung cảm.
Đạo diễn Victor Vũ đã có khá nhiều sáng tạo riêng so với truyện gốc Mắt biếc: thêm nhiều nhân vật phụ, tình tiết. Nhưng điều quan trọng là đi thật sâu vào nội tâm của Hà Lan thì phim chưa làm được.
Nội dung Mắt biếc ít kịch tính, diễn biến đơn giản, nhiều đoạn trong phim gây cảm giác lê thê. Khán giả, dù biết trước nội dung qua truyện gốc hay chưa, đều phải kiên nhẫn để vượt qua những đoạn này.
Yêu Hà Lan, thương nhớ Trà Long
Những ai đọc Nguyễn Nhật Ánh đều biết nhà văn nặng lòng với Trà Long – miền quê tuổi thơ yêu dấu, nơi ông nhắc đến không ít lần trong những tác phẩm. Và ông đã lấy cái tên đó để đặt cho một trong những nhân vật đáng yêu nhất của mình: Trà Long của Mắt biếc.
Đứng trước kỳ vọng rất lớn ấy, Trà Long khi lên phim không làm khán giả thất vọng. Nhân vật xuất hiện sáng bừng khung cảnh, mang lại nắng ấm cho cuộc đời Ngạn sau những ngày lạnh lẽo triền miên.
Hơi khó cho khán giả khi đạo diễn thay đến 4 diễn viên cho quãng đời tuổi thơ và niên thiếu ngắn ngủi của Trà Long. Họ chưa kịp quen với khuôn mặt cô bé ở giai đoạn này thì phim đã chuyển sang giai đoạn khác.
Nhưng diễn viên cuối cùng, Khánh Vân, đóng Trà Long ở tuổi trung học và đại học, để lại ấn tượng khó phai.
Thậm chí, trong hồi cuối của phim, sự ấm áp và chủ động của Trà Long làm lu mờ Hà Lan, biến Hà Lan thành nhân vật phụ, nếu không có cảnh kết níu lại ký ức của khán giả với mối tình Ngạn – Hà Lan.
Đẹp nhưng quá rực, hóa trang còn điểm yếu
Khâu thiết kế sản xuất làm tốt khi bối cảnh khu rừng Sim, ngôi trường nữ học ở Huế, tiệm thuốc, những căn nhà cổ và vật dụng cổ đều sống động. Mặc dù vậy, màu phim quá rực và mới so với một câu chuyện buồn.
Một điều ở Mắt biếc giống với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, là có những đoạn gây cảm giác giống video ca nhạc hoặc quảng cáo, đặc biệt ở khoảng 30 phút phần đầu.
Hóa trang chỉ làm tốt một nửa là khiến các nhân vật trông xinh đẹp, đáng yêu, nhưng khâu già hóa nhân vật cho giai đoạn trung niên lại chưa tốt.
Có cảnh, Ngạn nói “Tôi có tuổi rồi” (35 tuổi) nhưng khán giả bật cười vì mặt anh vẫn trẻ măng, không có chút nếp nhăn, chỉ được già hóa bằng cặp kính và kiểu tóc.
Tương tự, Hà Lan và Trà Long không ra dáng mẹ con, chỉ như hai chị em.
Dù sao, Mắt biếc là cái kết đẹp cho điện ảnh Việt 2019. Một bộ phim chuyển thể chỉn chu, có cảm xúc, với những tình cảm chân thành và trong sáng, có sáng tạo của nhà làm phim.
Một số hình ảnh của phim Mắt biếc: