Sản xuất hàng hóa ra đời là thành tựu lớn của nhân loại đạt được trong quá trình phát triển nền sản xuất xã hội, nó đưa xã hội loài người từ một xã hội lạc hậu đến một xã hội văn minh. Với sự phát triển ngày này, sản xuất hàng hóa ngày càng được chú trọng và cải thiện chất lượng của hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên thị trường.
Vậy hàng hóa có những thuộc tính nào? Bài viết dưới đây mời Quý bạn đọc cùng tìm hiểu vấn đề này.
Hàng hóa là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi hàng hóa có những thuộc tính nào? thì định nghĩa về hàng hóa là thông tin mà Quý vị cần nắm được.
Hàng hoá là một phạm trù lịch sử, nó chỉ xuất hiện khi có nền sản xuất hàng hoá, đồng thời sản phẩm lao động mang hình thái hàng hoá khi nó là đối tượng mua bán trên thị trường. Hàng hóa là sản phẩm của lao động, thỏa mãn mong muốn, nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi hay mua bán.
Hàng hóa có thể tồn tại dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể và một đồ vật muốn trở thành hàng hóa cần phải thỏa mãn 3 yếu tố:
– Hàng hóa là sản phẩm của lao động
– Hàng hóa có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người
– Thông qua trao đổi, mua bán.
Các thuộc tính cơ bản của hàng hóa là gì?
Hàng hóa có những thuộc tính nào là một câu hỏi thường được đặt ra khi tìm hiểu về vấn đề này. Trong mỗi hình thái kinh tế, xã hội, sản xuất hàng hóa lại có bản chất khác nhau nhưng một vật phẩm sản xuất ra khi đã mang hình thái là hàng hóa thì đều có hai thuộc tính cơ bản là giá trị sử dụng và giá trị. Đây cũng là hai thuộc tính cơ bản của hàng hóa. Cụ thể:
– Giá trị sử dụng: Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của hàng hóa có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người, không kể nhu cầu đó được thỏa mãn trực tiếp hay gián tiếp. Giá trị sử dụng có những đặc trưng sau:
+ Hàng hóa có thể có một hay nhiều giá trị sử dụng hay công dụng khác nhau. Số lượng giá trị sử dụng của một vật không phải ngay một lúc đã phát hiện ra được hết, mà nó được phát hiện dần dần trong quá trình phát triển của khoa học – kỹ thuật.
+ Giá trị sử dụng là một phạm trù vĩnh viễn vì giá trị sử dụng hay công dụng của hàng hóa là do thuộc tính tự nhiên của vật thể hàng hóa quyết định.
+ Giá trị sử dụng của hàng hóa chỉ thể hiện khi con người sử dụng hay tiêu dùng (tiêu dùng cho sản xuất, tiêu dùng cho cá nhân), nó là nội dung vật chất của của cải, không kể hình thức xã hội của của cải đó như thế nào.
+ Hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại thì giá trị sử dụng càng cao.
– Giá trị hàng hóa: Là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh bên trong hàng hóa. Giá trị là nội dung bên trong của hàng hóa, nó được biểu hiện ra bên ngoài bằng việc hai hàng hóa có thể trao đổi được với nhau. Giá trị hàng hóa có những đặc trưng cơ bản như sau:
+ Biểu hiện mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa
+ Là phạm trù lịch sử chỉ tồn tại ở kinh tế hàng hóa
Mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa
Hai thuộc tính của hàng hóa giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa vừa thống nhất vừa mâu thuẫn với nhau, được thể hiện như sau:
– Mặt thống nhất: Cả hai thuộc tính tồn tại đồng thời trong một sản phẩm, hàng hóa cụ thể. Mỗi sản phẩm, vật phẩm phải có đầy đủ cả hai thuộc tính này mới được gọi là hàng hóa. Nếu thiếu một trong hai thuộc tính, thì sản phẩm, vật phẩm không được coi là hàng hóa.
– Mặt mâu thuẫn: Người sản xuất làm ra hàng hóa để bán, mục đích của họ là mặt giá trị thu lại lợi nhuận chứ không phải là giá trị sử dụng. Người bán rõ ràng có trong tay giá trị sử dụng nhưng cái mà họ quan tâm đối với hàng hóa là giá trị hàng hóa. Ngược lại,với người mua, họ lại rất cần giá trị sử dụng. Nhưng để có giá trị sử dụng, trước hết họ cần thực hiện giá trị hàng hóa sau đó mới có thể chi phối giá trị sử dụng. Vì vậy mâu thuẫn giữa hai thuộc tính này chính là quá trình thực hiện giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa là hai quá trình khác nhau về thời gian và không gian.
Như vậy trên đây, chúng tôi đã đưa tới Quý bạn đọc những thông tin cần thiết về chủ đề hàng hóa có những thuộc tính nào? Nếu Quý bạn đọc còn bất cứ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp.