Đế quốc Mỹ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam thông qua chế độ cai trị độc tài phát xít của bọn tay sai Ngô Đình Diệm. Ta ra sức ổn định, củng cố miền Bắc, xây dựng miền Bắc theo hướng xã hội chủ nghĩa làm căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước; nhân dân miền Nam tiến hành đấu tranh chính trị đòi thi hành hiệp định Giơnevơ, đồng thời ra sức tìm phương pháp đấu tranh thích hợp để vừa đẩy mạnh cách mạng miền Nam, hạn chế được tổn thất, vừa bảo vệ miền Bắc, bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình thế giới.
* Cách mạng miền Nam gian nan thử thách từ sau tháng 7/1954
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, buộc thực dân pháp phải ngồi Hội nghị và ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954). Hội nghị ra tuyên bố cuối cùng, trong đó có những nội dung rất quan trọng: Các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập; thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, việc hiệp thương giữa hai miền bắt đầu từ ngày 20/7/1955 và tổng tuyển cử tiến hành vào tháng 7/1956; quyết định lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam. Trong khi đó, về phía Mỹ không ký tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, xúc tiến kế hoạch xâm nhập vào miền Nam nước ta để thay thế thực dân Pháp, xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới, thúc bọn ngụy quân, ngụy quyền tay sai ra sức phá hoại hiệp định bằng mọi biện pháp, thủ đoạn tàn ác và thâm hiểm.
Trước tình hình trên, Trung ương Đảng đã thấy ý đồ can thiệp và xâm lược nguy hiểm của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam và Đông Dương. Khi kết thúc kháng chiến, Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 mở rộng, tháng 7/1954, xác định ngay: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”, nhận thức ngày càng rõ âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ là tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.
Thực hiện chiến lược phản cách mạng tại nước ta, Mỹ gạt Pháp ra khỏi miền Nam, phân hóa và loại trừ các giáo phái thân Pháp, xây dựng chính quyền tay sai độc tài phátxít Ngô Đình Diệm, ra sức xây dựng lại và nắm trọn quyền chỉ huy quân ngụy trước đó là của Pháp, tổ chức các đảng phái thân Mỹ. Biện pháp chiến lược cơ bản của chúng là thực hành “tố cộng, diệt cộng”, tập trung đánh phá cách mạng miền Nam vô cùng khốc liệt. Đồng thời Mỹ tăng cường âm mưu cô lập Việt Nam với các nước láng giềng. Với Lào, Mỹ mưu toan tiến công xóa bỏ thành quả cách mạng Lào hòng uy hiếp miền Bắc nước ta từ phía tây. Với Campuchia, Mỹ chủ trương hù dọa, mua chuộc, lôi kéo Vương quốc Campuchia, chống đường lối hòa bình trung lập tích cực của Chính phủ Xihanúc, hồng cô lập cách mạng nước ta về phía Tây Nam.
Mỹ – Diệm tập trung thực hiện biện pháp chiến lược “tố cộng, diệt cộng” để đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng miền Nam. Chúng coi “tố cộng, diệt cộng” là quốc sách; với khẩu hiệu: “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, chúng chủ trương tiêu diệt hết những người cộng sản, tiêu diệt cả tổ chức và tư tưởng cộng sản. Chúng đã huy động mọi lực lượng quân sự, an ninh, hành chính, tình báo, thông tin, tuyên truyền,…thực hành cuộc khủng bố, đàn áp toàn diện cả quân sự, chính trị, tâm lý, kinh tế,…cực kỳ thâm độc, tàn bạo. Ngoài ra, chúng dùng quân đội mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, dài ngày như chiến dịch “Thoại Ngọc Hầu” kéo dài trong 9 tháng (5/1956 – 2/1957) ở 18 tỉnh miền Tây Nam Bộ, chiến dịch “Trương Tấn Bửu” trong 7 tháng (7/1956 – 2/1957) ở 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ,…để triệt phá cách mạng, tàn sát những người yêu nước, khủng bố những người kháng chiến cũ mà chúng gọi là cộng sản hoặc phần tử thân cộng sản. Mỹ – Diệm đã ban hành luật 10/59 “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Chúng thẳng tay bắt bớ, tra tấn, chém giết những người yêu nước…
Trước tình hình trên, Đảng ta đã động viên và tổ chức hơn 12 triệu lượt quần chúng (1955-1958) đấu tranh chính trị với những hình thức và mức độ khác nhau. Phong trào đấu tranh bất khuất chống lại cường quyền, áp bức và khủng bố tàn khốc của địch để giữ gìn lực lượng ngày càng ác liệt, nhiều cán bộ, đảng viên, đồng bào cốt cán trong các phong trào,…phải thường xuyên chuyển vùng và rút vào hoạt động bí mật. Cách mạng miền Nam chịu những tổn thất năng nề, từ năm 1955 đến năm 1959 ở Nam Bộ chỉ còn hơn 5.000 đảng viên so với 60.000 đảng viên trước đó, có huyện không còn cơ sở đảng,…Cách mạng miền Nam ở vào thời điểm khó khăn nhất.
Trong những tháng ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, đồng bào tiến bộ Miền Nam, kiên trung một lòng theo Đảng. Cán bộ và nhân dân xác định đúng đắn rằng khi kẻ địch lồng lộn, điên cuồng đến cao độ cũng chính là lúc nền thống trị thực dân mới của chúng đã mất ổn định và khủng hoảng.
* Cách mạng miền Nam, từ thế “giữ gìn lực lượng” sang thế tiến công, tiến hành “chiến tranh cách mạng” để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc
Trong những năm 1954-1956, Đảng ta chủ trương lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đòi củng cố hòa bình, thực hiện các quyền tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập, dân chủ. Song trước sự khủng bố, đàn áp, thực thi âm mưu “tố cộng, diệt cộng” đẩm máu của Mỹ – Ngụy,…Đảng ta thực hiện chiến lược “giữ gìn lực lượng” đồng thời xây dựng lực lượng cách mạng, căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị tìm con đường đấu tranh thích hợp để hạn chế tổn thất của ta, đẩy cách mạng miền Nam tiến lên. Tháng 10/1954 Xứ ủy Nam Bộ được thành lập do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư. Đồng chí Lê Duẩn, đã soạn thảo Đề cương Cách mạng miền Nam chuyển xuống các đảng bộ nghiên cứu và góp ý kiến. Đề cương Cách mạng miền Nam được phác thảo ở Bến Tre từ mùa khô năm 1955. Lúc đầu đưa ra thảo luận trong Hội nghị các Bí thư Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ, sau đó ở miền Đông Nam Bộ và cuối cùng ở Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ họp ở Phnôm-Pênh tháng 12/1956. Trong Đề cương cách mạng miền Nam, sau khi phân tích ba nhiệm vụ của cách mạng cả nước, Đề cương xác định rõ: Mục đích của cách mạng miền Nam là phải đánh đổ chính quyền độc tài phátxít Mỹ – Diệm, thực hiện một chính quyền liên hiệp dân chủ có tính chất dân tộc, độc lập, để giải phóng nhân dân miền Nam ra khỏi ách đế quốc phong kiến độc tài phátxít Mỹ – Diệm để cùng với toàn quốc thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc. Trong đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, đồng thời phải chuẩn bị khả năng đi đến đấu tranh vũ trang toàn diện. Đường lối cách mạng miền Nam là một trong những văn kiện quan trọng, góp phần vào sự hình thành đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam của Đảng ta.
Tháng 12/1957, tại Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, nước ta tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ cách mạng nói trên đều quan trọng, coi nhẹ một nhiệm vụ nào cũng đều sai lầm.
Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ mười lăm. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam; con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là con đường lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam. Ban Chấp hành Trung ương cũng nêu rõ, đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến cho nên cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương cũng nêu rõ cần tăng cường công tác Mặt trận để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, xây dựng Đảng bộ miền Nam thật vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức để đủ sức lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười lăm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) với tinh thần khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân có ý nghĩa lịch sử to lớn, chẳng những đã đáp ứng đúng nhu cầu lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam trong tình thế thật sự chín muồi, đáp ứng nguyện vọng thiết tha lúc này của đông đảo cán bộ và đồng bào miền Nam mà còn là ánh sáng dấy lên ngọn lửa cao trào Đồng khởi làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.
Bằng nhiều nhiều phương pháp cực kỳ phong phú, sáng tạo, những cuộc khởi nghĩa ở miền núi khu 5, cực Nam Trung Bộ, miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là phong trào Đồng Khởi của nhân dân Bến Tre (1959-1960) đã làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền cơ sở các xã, giành quyền tự quản hàng nghìn xã, ấp,…; đẩy ngụy quân, ngụy quyền lâm vào thế bị động lúng túng, khủng hoảng trầm trọng. Từ cao trào Đồng khởi, Đảng bộ miền Nam được khôi phục, đội quân đấu tranh chính trị, đặc biệt là “đội quân tóc dài” của phụ nữ (Bến Tre) Nam Bộ ra đời. Lực lượng vũ trang ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp từng bước được hình thành. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, các căn cứ cách mạng tại chỗ được khôi phục, mở rộng,…Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, đồng thời, sự ra đời của Mặt trận cũng chính là giải pháp chính trị mang tính chiến lược trong việc xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Tóm lại, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ mười lăm (1/1959), tiếp sau đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam – đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam là một sáng tạo lớn của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cuộc đấu tranh và chiến đấu của nhân cả nước chống lại kẻ thù mới của dân tộc, tên trùm đầu sỏ thực dân mới là đế quốc Mỹ. Với thắng lợi của cuộc Đồng khởi vĩ đại đánh dấu bước nhảy vọt đầu tiên của cách mạng miền Nam. Đưa cách mạng miền Nam từ vượt qua thử thách khốc liệt nhất, từ thoái trào và thế giữ gìn lực lượng, chuyển hẳn sang thế tiến công
Chính đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam ngày càng hoàn thiện là tiền đề cho phong trào cách mạng nước ta nói chung và cách mạng miền Nam nói riêng mỗi bước tiến công, luôn làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay say cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, là niềm tự hào to lớn của bao thế hệ người Việt Nam – hôm nay và mãi mãi về sau. Chúng ta rất tự hào có Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã lèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang, đưa đất nước đến độc lập, thống nhất. Chúng ta tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình, dân tộc ta đã làm nên một chiến thắng thần kỳ, đánh bại kẻ thù hùng mạnh nhất là đế quốc Mỹ và tay sai./.