Hầu hết những ai từng thức khuya làm việc hoặc mất ngủ đêm hôm trước có lẽ đều biết đến tình trạng mệt mỏi, uể oải và chán nản vào sáng hôm sau. Một số người thậm chí còn cáu gắt và làm việc kém hiệu quả. Về mặt y học, các bác sỹ cho biết việc thiếu ngủ thậm chí có thể dẫn tới béo phì, cao huyết áp, tiểu đường và cả bệnh tim mạch. Vậy chúng ta có nên ngủ nhiều để “bù” lại?
Theo kết quả nghiên cứu của GS Franco Cappuccio, thuộc khoa tim mạch và dịch tễ tại ĐH Warwick (Anh), thì câu trả lời là không. GS Cappuccio tổng hợp dữ liệu từ 16 cuộc khảo sát, trải dài trên hơn 1 triệu người trong suốt 10 năm về các giấc ngủ của họ. Ông chia những người được khảo sát thành 3 nhóm:
• Nhóm ngủ dưới 6 tiếng mỗi ngày
• Nhóm ngủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày
• Nhóm ngủ trên 8 tiếng mỗi ngày
Kết quả khá ngạc nhiên. Nhóm ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có số người đã chết cao hơn 12% so với nhóm trung bình. Nhưng nó vẫn thấp hơn con số 30% của nhóm ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày!
Kết quả trên cho thấy tỷ lệ tử vong do ngủ nhiều tương tự như tác hại của uống rượu và hút thuốc lá lên sức khoẻ con người. Uống nhiều rượu rõ ràng là không tốt, nhưng rủi ro giảm thọ của nó vẫn thấp hơn so với việc hút thuốc lá hàng ngày.
Tuy vậy, GS Cappuccio cũng cho biết thêm rằng nghiên cứu của ông vẫn còn nhiều thiếu sót. Những người ngủ quá nhiều trong khảo sát có thể đang bị trầm cảm, hoặc đang sử dụng thuốc an thần để giúp ngủ dễ hơn. Ngoài ra, những người ngủ nhiều này có thể đang gặp các vấn đề sức khoẻ khác nhưng chúng chưa thể hiện rõ ràng ra bên ngoài.
Người ngủ nhiều có thể vì họ đang có những căn bệnh tiềm ẩn
Như vậy, ngủ nhiều có thể không phải nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ, mà là những căn bệnh tiềm ẩn nhưng do người bệnh “lười” đi khám và chữa khiến cho tình trạng tệ hơn.
Trong một nghiên cứu độc lập khác, GS Shawn Youngstedt thuộc ĐH Bang Arizona (Mỹ) tiến hành khảo sát với 14 người lớn. Ông yêu cầu họ ngủ thêm 2 tiếng mỗi tối trong suốt 3 tuần lễ.
Theo kết quả GS Youngstedt nhận được, những người trên cho biết họ cảm thấy “tăng mức chán nản” cũng như “dễ bị viêm nhiễm hơn”, vốn có nguyên nhân do hàm lượng protein IL-6 trong máu tăng lên cao. Thêm vào đó, họ cũng phàn nàn thêm về việc đau lưng cũng như nhức mỏi. Theo GS Youngstedt, đây có thể là hệ quả của việc nằm bất động lâu trong thời gian dài.
Hiện tại, GS Youngstedt đang tiến hành khảo sát thêm với trường hợp ngủ ít hơn 1 tiếng mỗi ngày. Kết quả sẽ được công bố sau khi khảo sát này kết thúc.
Tuy vậy, cần chú ý thêm rằng các khảo sát trên được tiến hành với người lớn. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên rõ ràng có yêu cầu về thời lượng ngủ cao hơn người lớn. Và ngoài ra, đâu là thời lượng ngủ lý tưởng cho một người trưởng thành?
Ngủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày được xem thời lượng tốt nhất
Thực tế trong quá khứ, cho đến cuối thế kỷ 17, người phương Tây không ngủ trọn một giấc dài mà họ trường chia làm hai – khoảng thời gian ở giữa có thể để cầu nguyện, đọc sách, chuyện trò hoặc làm việc khác. Mãi cho đến gần đây, mọi người mới ngủ nguyên một giấc dài. GS Cappuccio cho biết hiện nay 3/4 người phương Tây ngủ trung bình từ 6 – 8 tiếng mỗi đêm. Đấy được là thời gian ngủ tối ưu nhất để kéo dài tuổi thọ con người.