“Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là câu ca dao thể hiện tình cảm thiêng liêng cao quý của cha mẹ dành cho con cái. Dù con có đi xa bốn bể ngàn phương, dù con có yêu bao nhiều người khác, dù con có đúng có sai thì con vẫn mãi mãi là con của cha mẹ.
1. “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Núi Thái Sơn là một trong những ngọn núi cao nhất của Trung Quốc, ý nói tình cha cao như ngọn núi, vượt cả trời xanh. “Nước trong nguồn chảy ra” ý nói tình mẹ bao la vô bờ bến đến nổi không thể đong đếm được.
Thật vậy, cha mẹ sinh con ra, nuôi con khôn lớn chỉ mong con sau này thành công và hạnh phúc. Cha vất vả đi làm sớm khuya, lo bữa cơm manh áo cho gia đình. Cha đôi lúc khó tính, mắng khi con sai nhưng cũng chỉ vì mong con khôn lớn, làm những điều đúng đắn, không làm những điều trái với lương tâm.
“Công cha như núi thái sơn”, cha luôn âm thầm theo dõi con khi con cười, con khóc nhưng cha thương con cha không bao giờ nói. Cha chỉ hành động vì con. Khi con biết nói, từ đầu tiên con phát ra là từ “ba”. Chính vì thế, con gái sau này có yêu ai thì vị trí người đàn ông mà bạn yêu thương nhất vẫn là cha.
“Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, mẹ tần tảo nuôi con, lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Mẹ không bao giờ than khổ, ngại khó, mẹ yêu thương con bằng tất cả những gì mẹ có thể. Tình mẹ bao la như sông dài, biển rộng. Mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất trên đời.
Niềm vui lớn nhất của cha mẹ là được thấy con mình hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Cha mẹ luôn hy sinh cho con, mong con tìm được mái ấm cho riêng mình. Người xưa ví “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là như vậy.
“Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Khi ta còn nhỏ, làm sai thì cha mẹ sẽ la mắng, lúc đó chắc hẳn ai cũng đã từng đôi lần cảm thấy ghét ba mẹ mình. Khi bất đồng quan điểm, bạn chê ba mẹ cổ hủ, không hiểu mình, cha mẹ có thể la mắng nhưng sau cùng sẽ lại nhẹ nhàng giải thích, khuyên răn, cùng bạn đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống. Khi trưởng thành, khi làm cha làm mẹ, đứng ở vị trí của cha mẹ chúng ta mới thấy tất cả những gì cha mẹ đã làm đều muốn tốt cho con cái.
Cha mẹ luôn hết lòng vì con, vì thế lòng hiếu thảo hay “thờ mẹ, kính cha” chính là trách nhiệm, nghĩa vụ và là một trong những cách để con cái thể hiện lòng biết ơn, đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ. Không cần hoa mỹ, cầu kỳ, đôi khi chỉ cần một lời cảm ơn, một hành động quan tâm, chăm sóc nhỏ thôi là cũng đủ để bày tỏ tấm lòng. Vậy nên, ngoài việc hiểu cho tấm lòng của cha mẹ thì chúng ta cũng cần phải ghi nhớ công ơn của cha mẹ và làm tròn bổn phận, đạo làm con của mình.
2. “Công cha như núi thái sơn” sử dụng phép tu từ nào?
Bài ca dao sử dụng phép tu từ so sánh. Nhấn mạnh tình yêu thương như núi cao không thể đong đếm, như nước trong nguồn mãi dạt dào của cha mẹ dành cho con cái.
Xem thêm: Những câu chuyện về lòng hiếu thảo với cha mẹ 65 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên Tổng hợp 56 lời chúc Vu Lan báo hiếu cha mẹ ý nghĩa nhất
3. Tổng hợp ca dao, tục ngữ, thành ngữ bàn về công ơn cha mẹ
Nhiều câu ca dao tục ngữ thành ngữ về cha mẹ đã được ông cha ta ghi lại để nhắc nhở con cháu về tình thân thiêng liêng.
-
Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, Con nuôi mẹ con kể tháng kể ngày.
-
Cha là núi mẹ là sông. Các con hiếu thảo nhớ ơn sinh thành.
-
Thương mẹ nhớ cha như kim châm vào dạ Nghĩ đến chừng nào, lụy hạ tuôn rơi Thuyền không bánh lái thuyền quầy Con không cha mẹ ai bày con nên.
-
Công cha đức mẹ cao dày, Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ. Nuôi con khó nhọc đến giờ, Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
-
Ngó lên trên rừng thấy cặp cu đang đá Ngó về dưới biển thấy cặp cá đang đua Biểu anh về lập miếu thờ vua Lập lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha.