Mới đây, Bộ Công an đã có quyết định lấy ngày 18/4 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – tức lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) theo tên gọi, mô hình tổ chức cũ.Ngày 18/4 năm nay là năm đầu tiên lực lượng CSHS kỷ niệm truyền thống của mình.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, tháng 10/1954, quân dân ta tiếp quản hoàn toàn thủ đô Hà Nội. Để làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội của thành phố, Phòng Trị an dân cảnh thuộc Sở Công an Hà Nội được thành lập, trong đó có đội hình cảnh sau này đổi thành Cảnh sát hình sự. Đây là tổ chức CSHS đầu tiên ở nước ta. Gần 10 năm sau đó, trong bối cảnh chiến tranh, tại miền Bắc, Cục CSHS trực thuộc Bộ Công an được thành lập, cục trưởng đầu tiên là đồng chí Trần Lung; ở miền Nam cũng thành lập Tiểu ban Trật tự trị an thuộc Ban An ninh Trung ương cục.
Đó là những cột mốc đánh dấu sự “độc lập” về mặt tổ chức của lực lượng CSHS Việt Nam, trong khi cùng với các lực lượng khác của ngành Công an, lực lượng này “xuất hiện” từ ngày Cách mạng tháng tám thành công. Đặc biệt là từ khi chính thức ra đời về mặt tổ chức, lực lượng CSHS đã có những đóng góp rất lớn trong việc bảo đảm an ninh trật tự, truy quét, trấn áp tội phạm hình sự, khám phá nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có những vụ nếu không được làm sáng tỏ sẽ có những tác động xấu về chính trị…
Tháng 8/1946, tại nhà chủ tiệm vàng Vĩnh Tường ở phố La Côm, TP. Hải Phòng xảy ra vụ thảm sát hết sức man rợ. Hung thủ dùng dao giết chết 10 người, trong đó có 4 phụ nữ và một bé 9 tháng tuổi, đồng thời cướp đi toàn bộ vàng bạc, tài sản của gia đình nạn nhân. Tiến hành khám nghiệm hiện trường và các hoạt động điều tra, Công an Hải Phòng có đầy đủ chứng cứ kết luận thủ phạm là những tên lính Pháp và âm mưu của vụ thảm sát này, không chỉ là giết người để cướp của, còn gây rối trật tự trị an, làm tăng thêm tình hình căng thẳng về chính trị trong lúc thực dân Pháp đang làm mọi cách tái chiếm Việt Nam.
Ngày 1/6/1961, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam bị mất hai báu vật là một ấn vàng “Hoàng hậu chi bửu” chạm hai con rồng nổi, nặng 4,9kg và một hộp thuốc bằng vàng nặng 0,5kg. Trong lúc vụ án còn đang bị “tắc” thì ngày 4/1/1962, Viện Bảo tàng lịch sử lại bị mất một số báu vật khác, trong đó có cái ấn bạc mạ vàng “Cao đức Thái hoàng, Thái hậu” nặng 74 lạng… làm cho vụ án càng thêm phức tạp.
Ba tháng sau đó, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) tóm được một tên trộm chuyên nghiệp là Nguyễn Văn Thợi. Lực lượng tham gia điều tra đã đấu tranh khai thác, xác định Thợi chính là “tác giả” hai vụ trộm tại Viện Bảo tàng lịch sử, đồng thời mở rộng điều tra, bắt giữ 20 đối tượng liên quan, thu hồi được một số tài sản, trong đó có cái ấn bạc 74 lạng.
Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, lực lượng CSHS ngày càng được củng cố, trưởng thành, mạnh hơn, chính quy, tinh nhuệ hơn. Tuy nhiên, tình hình trật tự xã hội cũng diễn biến phức tạp, nhất là những ngày mới giải phóng và từ khi nước ta thực hiện cơ chế thị trường. Trong bối cảnh đó, lực lượng CSHS đã cùng với lực lượng cảnh sát nói riêng, lực lượng công an nói chung, thực hiện có hiệu quả vai trò chủ công trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự, lập nhiều chiến công lẫy lừng, thành tích đặc biệt xuất sắc.
Trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ, nguy hiểm với bọn tội phạm hình sự, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ CSHS đã thể hiện tinh thần mưu trí, kiên quyết tấn công đối tượng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước và có những đồng chí phải đổ máu trong khi làm nhiệm vụ. Cũng có không ít những con người đã đi lên, “thành danh” từ môi trường CSHS./.