Ban Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2017): công tác tư tưởng luôn được Đảng ta xác định là mặt trận quan trọng hàng đầu. Ngay sau khi ra đời (1930), Ban Chấp hành Trung ương đã lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, là cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng. Ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền Trung ương đã cho ấn hành tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 01/8”. Tài liệu này khi được phát hành đã có sức cổ vũ to lớn đối với nhân dân Việt Nam, hưởng ứng mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Sau này, Bộ Chính trị khóa VIII quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng, đến năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X quyết định lấy ngày 01-8 hằng năm làm ngày truyền thống Ngành Ban Tuyên giáo của Đảng.
Ban Tổ chức của Đảng (14/10/1930 – 14/10/2017):trong quá trình hoạt động cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác tổ chức, coi đó là vấn đề trọng yếu liên quan đến sự vững mạnh của Đảng, là một bộ phận chủ yếu hợp thành và có tính chất quyết định thắng lợi trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngày 14/10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng đã quyết định thành lập Bộ Tổ chức kiêm Giao thông (tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay). Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 14/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, công tác xây dựng Đảng đều đặt ra cho công tác tổ chức cán bộ những nhiệm vụ cụ thể đòi hỏi phải được đáp ứng kịp thời. Trong các giai đoạn đó, Đảng ta đều có các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp, công tác tổ chức và cán bộ đã tập trung vào việc thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng và cách mạng đặt ra. Thông qua hoạt động thực tiễn, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu giúp Đảng củng cố, phát triển tổ chức của hệ thống chính trị và tuyển chọn được những cán bộ, đảng viên, những chiến sĩ ưu tú, trung kiên cho Đảng, cho cách mạng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Ủy Ban Kiểm tra Đảng (16/10/1948 – 16/10/2017): có ý nghĩa lớn đối với công tác xây dựng Đảng, chính kiểm tra làm đảng mạnh hơn, trưởng thành hơn qua những thời kỳ khó khăn. Được chọn là ngày 16/10 hằng năm gắn với sự kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) họp từ ngày 15-17/10/1948, ngày có Quyết nghị số 29-QN/TW của Ban Thường vụ Trung ương về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Từ đây, công tác kiểm tra Đảng có bước phát triển toàn diện, cùng với các ban xây dựng Đảng, góp phần to lớn vào những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Điều đáng tự hào là trong mọi thời kỳ của cách mạng, dù trong thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước hay thời kỳ xây dựng đất nước và kể cả những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ cán bộ kiểm tra vẫn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có ý thức tổ chức kỷ luật và lối sống liêm khiết, trong sạch, lành mạnh; luôn hết lòng hết sức chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta có thể khẳng định: tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật là truyền thống tốt đẹp của cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra các cấp. Ngày 16/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ủy Ban Kiểm tra Đảng.
Ban Dân Vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2017): công tác dân vận là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 87 năm qua, với các tên gọi khác nhau (Ban Công vận, Bộ Dân vận, Ban Dân vận – Mặt trận và từ 1981 đến nay là Ban Dân vận), bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận không ngừng lớn mạnh và hoàn thành tốt công tác tham mưu cho Trung ương và cấp ủy các cấp trên lĩnh vực được giao. Ngày Dân vận của Đảng được Bộ Chính trị khóa VIII quyết định là ngày 15/10 gắn với 2 sự kiện quan trọng: Một là, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động; Phụ nữ vận động,… Hai là, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15/10/1949 , từ đó, ngày 15/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ban Dân Vận.
Văn phòng cấp ủy (18/10/1930 – 18/10/2017): được Đảng xác định là một cơ quan chuyên môn trực tiếp giúp cấp ủy điều hành công việc, hoạt động văn phòng được hình thành từ khi Đảng mới được thành lập. Cùng với sự phát triển của cách mạng, vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng ngày càng được tăng cường và mở rộng, chức năng của văn phòng cấp ủy cũng ngày càng được hoàn thiện. Văn phòng cấp uỷ các cấp không ngừng trưởng thành, ngày càng thực hiện tốt hơn hai chức năng quan trọng là tham mưu giúp cấp ủy mà trực tiếp là giúp ban thường vụ và thường trực cấp ủy tổ chức điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ cấp ủy và phục vụ trực tiếp các hoạt động hàng ngày của cấp ủy. Ngày truyền thống của Văn phòng cấp ủy được Bộ Chính trị khóa XIII quyết định là ngày 18/10. Từ đó, hằng năm, ngày 18/10 được lấy là ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy .
Trải qua 87 năm đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng, bảo vệ đất nước và tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận và văn phòng của Đảng không ngừng được củng cố và phát triển. Được sự giáo dục, rèn luyện, kiểm tra, động viên khích lệ của các cấp ủy và Bác Hồ, cùng thế hệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, hệ thống các cơ quan và đội ngũ cán bộ công tác xây dựng Đảng ngày càng trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn sinh động của quá trình trình cách mạng qua các thời kỳ và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.