1. Quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lê-nin (quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin) về dân chủ có những giá trị khoa học, cách mạng và thực tiễn to lớn. Đó là:
Thứ nhất, nhận thức về dân chủ trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, tạo ra sự thay đổi có tính cách mạng trong nhận thức và thực hành dân chủ.
Dân chủ là sản phẩm phản ánh tính chất các mối quan hệ xã hội, trình độ và yêu cầu phát triển của xã hội, nhất là mối quan hệ, trình độ và yêu cầu phát triển kinh tế. Từ quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, quan điểm về hình thái kinh tế – xã hội và mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng – kiến trúc thượng tầng, dân chủ được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin lý giải một cách khoa học, nhất là về cơ sở, nguồn gốc, bản chất và yếu tố ảnh hưởng của nó. Bởi vì, “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị”(1). Và “hình thái sản xuất đều sản sinh ra những quan hệ pháp lý, những hình thức quản lý, v.v., riêng của nó”(2). Dân chủ – quyền làm chủ của con người trong xã hội – luôn dựa trên những cơ sở hiện thực của nó, nhất là cơ sở kinh tế. “Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”(3). “Không thể lấy bản thân những quan hệ pháp quyền cũng như những hình thái nhà nước, hay lấy cái gọi là sự phát triển chung của tinh thần của con người, để giải thích những quan hệ và hình thái đó, mà trái lại, phải thấy rằng những quan hệ và hình thái đó bắt nguồn từ những điều kiện sinh hoạt vật chất”(4). Hơn nữa, “bất cứ nền dân chủ nào, xét đến cùng, cũng đều phục vụ sản xuất và xét đến cùng, đều do các quan hệ sản xuất trong một xã hội nhất định quyết định”(5).
Bản chất của dân chủ là ở chỗ, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước và giữ vai trò quyết định sự tồn tại của nhà nước. Dân chủ với tính cách là chế độ nhà nước được thể hiện ra như là “một trong những tính quy định, cụ thể là sự tự quy định của nhân dân”(6); Nhà nước dân chủ thực sự là nhà nước “ngày càng hướng tới cơ sở hiện thực của nó, tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực, và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân”(7). Cụ thể hơn, dân chủ là: Bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; tự do chính trị cho mọi công dân; quyết định theo đa số của mọi công dân; quyết định bằng cách biểu quyết, đó là thực chất của chế độ dân chủ hòa bình hoặc dân chủ thuần túy;…(8). Cùng với sự phát triển của lịch sử, dân chủ là một phạm trù lịch sử, phát triển từ thấp đến cao, “từ chuyên chế đến dân chủ tư sản; từ dân chủ tư sản đến dân chủ vô sản; từ dân chủ vô sản đến không còn dân chủ nữa”(9).
Thứ hai, xác định giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử của dân chủ tư sản trên tinh thần khoa học và cách mạng.
Dân chủ tư sản có tính tiến bộ và cách mạng. Dân chủ tư sản có tính tiến bộ và cách mạng vì nó nhằm vào việc chống chế độ độc đoán, chuyên quyền, lỗi thời của xã hội phong kiến. Dân chủ tư sản làm cho đấu tranh giai cấp trở nên rộng rãi, công khai, có ý thức. “Chế độ cộng hòa tư sản, nghị viện, đầu phiếu phổ thông, – tất cả những cái đó, xét về phương diện phát triển của xã hội trên toàn thế giới, đều là một bước tiến rất lớn”(10). Việc tham gia vào chế độ dân chủ đại nghị là một biện pháp huấn luyện, giáo dục và tổ chức giai cấp vô sản thành một chính đảng độc lập, là một biện pháp đấu tranh của công nhân, người lao động.
Dân chủ tư sản mang tính nửa vời, không triệt để. Dân chủ tư sản bị che đậy bởi “chính quyền toàn dân”, “dân chủ thuần túy” và bản chất chuyên chính của kẻ bóc lột đối với quần chúng lao động; cản trở, bóp nghẹt sinh hoạt chính trị độc lập của quần chúng và sự tham gia trực tiếp của họ vào việc xây dựng nhà nước dân chủ thực sự. Dân chủ tư sản hoàn thành khi mang lại lợi ích căn bản cho giai cấp tư sản và làm cho cuộc đấu tranh vì dân chủ của quần chúng đi đến thoái trào; đồng thời, dẫn đến việc giai cấp tư sản thỏa hiệp với giai cấp phong kiến, sợ hãi và đàn áp các lực lượng dân chủ và cách mạng. Sự dao động, hèn nhát, phản bội, bất lực của giai cấp tư sản đã đi ngược lại mục tiêu ban đầu của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Dân chủ đại nghị chỉ có tính chất ước lệ và sự hạn chế của nó gắn liền với chế độ tư bản chủ nghĩa, bởi dân chủ chỉ dành cho thiểu số bóc lột.
Dân chủ tư sản có ý nghĩa to lớn và là tiền đề cho cuộc đấu tranh vì dân chủ của giai cấp vô sản. Đấu tranh cho dân chủ trong điều kiện của nền dân chủ tư sản là tiền đề cho cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản. Cách mạng dân chủ càng được thực hiện đầy đủ bao nhiêu thì cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản càng diễn ra sớm, rộng lớn, rõ rệt và kiên quyết bấy nhiêu. “Nhưng chúng ta, những người theo chủ nghĩa Mác, chúng ta phải biết rằng giai cấp vô sản và nông dân không có và không thể có con đường nào khác dẫn tới tự do chân chính ngoài con đường tự do tư sản và tiến bộ tư sản”(11). Dân chủ tư sản không giúp giải thoát được ngay lập tức công nhân và người lao động khỏi cảnh bần cùng, nhưng sẽ đem lại cho công nhân vũ khí để đấu tranh chống lại cảnh bần cùng. Đấu tranh cho dân chủ dù ở mức độ và trình độ nào thì đều nằm trong mục tiêu chung của tiến trình cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản. Phải đưa vào trong phong trào công nhân tự phát những lý tưởng xã hội chủ nghĩa; những lý tưởng này phải đạt tới trình độ khoa học, gắn phong trào đó với cuộc đấu tranh chính trị có hệ thống cho dân chủ. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản phải trên cơ sở thực hiện một cương lĩnh, một sách lược cách mạng về toàn bộ những yêu sách dân chủ. Dân chủ tư sản trở thành trường học dân chủ để giai cấp vô sản học tập, rèn luyện tinh thần, ý thức dân chủ và năng lực thực hành dân chủ. “Nhưng hoàn toàn không thể tưởng tượng được rằng giai cấp vô sản, với tư cách là một giai cấp lịch sử, có thể chiến thắng được giai cấp tư sản, mà lại chưa được giáo dục theo tinh thần dân chủ triệt để nhất và kiên quyết cách mạng nhất, để làm việc đó”(12).
Tuy nhiên, “Chúng ta ủng hộ chế độ cộng hòa dân chủ vì nó là hình thức nhà nước tốt nhất cho giai cấp vô sản dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, nhưng chúng ta không được quên rằng cảnh nô lệ làm thuê là số phận của nhân dân ngay cả trong nước cộng hòa tư sản dân chủ nhất”(13). Và do vậy, cần “Dựa vào chế độ dân chủ đã được thực hiện, đồng thời bóc trần tính chất không triệt để của cái chế độ dân chủ đó dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, chúng ta đòi phải lật đổ chủ nghĩa tư bản, tước đoạt giai cấp tư sản, coi đó là cơ sở cần thiết để xóa bỏ tình trạng bần cùng của quần chúng cũng như để thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện tất cả mọi cải cách dân chủ”(14).
Đấu tranh cho dân chủ, xét cho cùng, là con đường dẫn đến chủ nghĩa xã hội. Giữa hai cuộc đấu tranh cho dân chủ và cho chủ nghĩa xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau; thực hiện hoàn toàn và triệt để chế độ dân chủ là tiền đề để đạt đến mục đích cuối cùng là chủ nghĩa xã hội. “Giai cấp vô sản không thể giành được thắng lợi bằng cách nào khác hơn là thông qua chế độ dân chủ, nghĩa là bằng cách thực hiện chế độ dân chủ triệt để và đem những yêu sách dân chủ được đề ra một cách kiên quyết nhất mà gắn liền với từng giai đoạn đấu tranh của họ”(15). Đấu tranh vì dân chủ và chủ nghĩa xã hội là một tiến trình thống nhất và tất yếu. Giai đoạn đấu tranh vì dân chủ là sự chuẩn bị cho giai đoạn đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội; giai đoạn đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội là sự kế tục và hoàn tất giai đoạn đấu tranh vì dân chủ. “Thắng lợi hoàn toàn của cách mạng hiện tại sẽ đánh dấu bước kết thúc của cách mạng dân chủ và mở đầu một cuộc đấu tranh kiên quyết cho cách mạng xã hội chủ nghĩa… Cách mạng dân chủ càng được thực hiện đầy đủ bao nhiêu thì cuộc đấu tranh mới ấy càng diễn ra sớm, rộng lớn, rõ rệt và kiên quyết bấy nhiêu”(16). Đấu tranh vì dân chủ tìm thấy khả năng và điều kiện tốt nhất ở cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội; đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội tìm thấy thuộc tính bản chất và động lực phát triển của nó ở cuộc đấu tranh vì dân chủ. Vì thế, “chủ nghĩa xã hội thắng lợi nhất thiết phải thực hiện chế độ dân chủ hoàn toàn”(17). Và “Không có chế độ dân chủ thì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được theo hai ý nghĩa sau đây: (1) giai cấp vô sản không thể hoàn thành được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nếu họ không được chuẩn bị cho cuộc cách mạng đó thông qua cuộc đấu tranh cho chế độ dân chủ; (2) chủ nghĩa xã hội chiến thắng sẽ không giữ được thắng lợi của mình và sẽ không dẫn được nhân loại đi đến chỗ thủ tiêu nhà nước, nếu không thực hiện được đầy đủ chế độ dân chủ”(18).
Thứ ba, hình thành quan điểm về dân chủ nhằm giải quyết những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng vô sản và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng nền dân chủ là một mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng vô sản. “Như chúng ta đã thấy trên kia, bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”(19). Sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản thông qua nhà nước của mình để từng bước tổ chức cho toàn dân tham gia quản lý nhà nước một cách dân chủ. Những biện pháp chủ yếu nhất mà chế độ dân chủ của giai cấp vô sản sử dụng vào việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới thể hiện ở những công việc như: hạn chế quyền tư hữu; dần dần tước đoạt ruộng đất, xí nghiệp, đường sắt, tàu thủy của địa chủ và tư sản, thực hiện cạnh tranh trong công nghiệp nhà nước; tịch thu tài sản của giai cấp bóc lột; tổ chức lao động trong giai cấp vô sản; thủ tiêu sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau, trả tiền công bình đẳng cho người lao động; tất cả mọi người trong xã hội đều có nghĩa vụ lao động như nhau; tiến hành những cải tạo kinh tế và xã hội nhằm không ngừng phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Không đặc quyền, không áp chế, không bất công,… là những nguyên tắc của nền dân chủ vô sản.