Một số nguyên nhân gây phù chân thường gặp:
- Sử dụng các loại thuốc tránh thai, các loại hormon nội tiết thay thế làm thay đổi nội tiết, tăng ứ đọng dịch tại mô. Ngoài phù chân có thể gây phù mặt, phù tay,…
- Quá trình mang thai: Càng về những tháng cuối của thai kỳ, thai lớn sẽ gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới và gây tăng áp lực thủy tĩnh, tăng ứ đọng dịch ở chi dưới. Tình trạng này sẽ thuyên giảm sau khi sinh xong. Tuy nhiên, nếu phù chân kèm đau đầu, tăng huyết áp, tiểu ít,… thì thận trọng bệnh lý tiền sản giật. Để giảm bớt khó chịu, đau mỏi và nặng chân khi mang thai, có thể massage chân nhẹ nhàng, chườm lạnh, nâng cao chân khi nghỉ ngơi. Đồng thời thực hiện chế độ ăn nhạt, vận động đi lại nhẹ nhàng, tránh ngồi lâu.
- Sau chấn thương: sau các chấn thương làm bong gân, gãy xương hay tổn thương khớp, mô mềm thì sẽ xuất các phản ứng viêm, máu sẽ dồn xuống chân làm thay đổi áp suất lòng mạch, dịch sẽ di chuyển ra các mô ngoại bào gây phù. Để khắc phục tình trạng này, nên nghỉ ngơi và tránh áp lực lên vùng chấn thương, có thể nâng cao bàn chân lên và chườm mát khu vực bị thương để giảm đau, giảm sưng phù.
- Bệnh lý suy tĩnh mạch: suy van tĩnh mạch có thể gây phù chân kèm một số triệu chứng nổi gân xanh tĩnh mạch ở da, ngứa, đau, loét – nhiễm trùng. Đối với các bệnh lý do suy hay viêm tắc tĩnh mạch cần được chẩn đoán và điều trị chuyên khoa.
- Bệnh lý viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối ở lòng mạch: gây tắc nghẽn, phù chi bên bệnh. Cần giải quyết sớm nguyên nhân gây viêm, giải quyết huyết khối để phòng ngừa các tai biến nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
- Bệnh lý tắc nghẽn ở hệ bạch huyết: làm ảnh hưởng đến lưu thông dịch bạch huyết, đặc biệt tắc nghẽn ở vùng chậu hông sẽ gây phù nghiêm trọng ở chi dưới. Thường gặp trường hợp này ở những bệnh nhân béo phì, nhiễm ký sinh trùng giun đũa, bệnh nhân ung thư.
- Bệnh lý suy thận: khi chức năng thận suy giảm, cơ chế lọc ở thận cũng sẽ giảm, từ đó gây ứ đọng nước và dịch ở phần thấp của cơ thể, nặng nề hơn gây phù toàn thân.
- Bệnh lý suy gan: ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan (trong bệnh lý xơ gan, viêm gan do rượu, do virus, béo phì,…) sẽ làm hạn chế dòng máu chảy vào gan làm tăng huyết áp, phối hợp với sự sản sinh albumin là phù chân.
- Bệnh lý suy tim: Phù chân có thể là dấu hiệu cảnh báo của suy tim, khi sức bơm máu từ tim giảm sẽ làm ứ đọng máu, dịch ở các vùng xa như chân. Trong suy tim, phù chân thường xuất hiện vào buổi tối kèm thêm một số triệu chứng như ho, khó thở, mệt mỏi, hạn chế vận động,…
- Lạm dụng các loại thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu, uống nhiều rượu bia, các chất kích thích ma túy cũng là nguyên nhân gây phù. Sau khi ngưng thuốc hoặc các chất kích thích cơ thể sẽ tự điều chỉnh, làm mất tình trạng này.
- Chế độ ăn quá nhiều muối và carbohydrate làm thận không kịp thải trừ, gây tích tụ, ứ nước ở phần dưới cơ thể.
- Ngoài ra, thời tiết nóng bức, làm việc trong môi trường ngồi lâu kéo dài, các tư thế ngồi xổm, hay đi giày cao gót cũng khiến mạch máu giãn nở, gây phù.