Thời gian qua, hàng loạt các bài báo đưa tin về vụ việc tồn kho hơn 30.000 tấn Lưu huỳnh tại cảng Hoàng Diệu (thuộc công ty CP cảng Hải Phòng) của Công ty Cổ phần 1 Traco nhập khẩu để phân phối cho các công ty hóa chất, phân bón và xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước thực trạng lượng lớn lưu huỳnh tập kết tại cảng, đã có thông tin cho rằng lượng hàng này có nguy cơ tan trong nước, gây ô nhiễm môi trường và dễ gây cháy nổ. Vậy, thực chất, lưu huỳnh có nguy hiểm cháy nổ và độc hại hay không, cần tìm hiểu rõ ràng dựa trên các số liệu khoa học.
Lưu huỳnh còn được gọi là lưu hoàng hay sinh diêm vàng là một đơn chất hóa học tồn tại ở dạng thù hình đơn tà hoặc tam tà màu vàng với các đặc điểm về tính chất vật lí, độc tính và tính chất cháy nổ như sau:
– Chất rắn, màu vàng chanh, mùi hăng
– Nhiệt độ sôi: 444,6 oC
– Độ tan trong nước: rất ít tan ở nhiệt độ thường
– Áp suất hơi bão hòa:
– Nhiệt độ tự bốc cháy: 232oC
– Hàm lượng gây độc trên chuột 5g/kg
Từ các thông số nói trên, có thể kết luận rằng:
Về nguy cơ cháy nổ, Lưu huỳnh tự bốc cháy ở nhiệt độ không cao, tuy nhiên với nhiệt độ 232 oC, rất khó để lưu huỳnh tự bốc cháy, nhưng nó dễ dàng bắt cháy nếu tiếp xúc với một nguồn nhiệt cao hay có một ngọn lửa trần nào đó. Tuy nhiên, nếu tập kết trong kho hàng hoặc trong các container thì khả năng xuất hiện của các nguồn nhiệt loại này tương đối thấp. Mặt khác, ngọn lửa của đám cháy lưu huỳnh không quá cao, nếu có xảy ra cháy, khả năng kiểm soát đám cháy không quá khó khăn. Nhưng nếu trong đám cháy lưu huỳnh có mặt kim loại thì đám cháy sẽ xảy ra mãnh liệt và có thể gây thiệt hại lớn.
Về độc tính, Lưu huỳnh không quá độc, không gây độc qua đường da và hô hấp, chỉ gây độc khi xâm nhập qua đường miệng với liều lượng cao. Cho nên thực tế, lưu huỳnh không độc. Tuy nhiên, nếu xảy ra đám cháy, sản phẩm cháy của nó là lưu huỳnh dioxit (SO2) rất độc có thể gây tử vong nếu hít phải với liều lượng lớn.
Về ảnh hưởng của lưu huỳnh tới môi trường, do tan vô cùng ít trong nước, nên lưu huỳnh khó bị phát thải ra ngoài môi trường theo đường nước nên khả năng gây ô nhiễm môi trường của nó tương đối thấp. Nhưng khi cháy, nó sẽ là nguồn phát thải SO2 lớn và gây ô nhiễm không khí cục bộ tăng nguy cơ xảy ra mưa axit.
Vì vậy, việc tồn kho lưu huỳnh tại cảng Hải Phòng không phải là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến môi trường cũng như có khả năng xảy ra cháy nổ cao. Tuy nhiên, việc tập kết một lượng lớn lưu huỳnh như vậy cần chú ý tới các yếu tố bảo quản, tránh để bụi lưu huỳnh phát tán vì có khả năng gây nổ bụi. Tránh tiếp xúc với không khí ẩm vì có thể gây hỏng hóa chất và đề phòng các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường nếu xảy ra cháy.
Đình An