1. Xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch
Một trong những mục tiêu chúng ta cần đưa ra để thu hút khách du lịch quốc tế là xây dựng một thương hiệu riêng. Nền ẩm thực nước ta rất đa dạng và phong phú với nhiều món ăn mang đặc trưng của 3 vùng miền. Vì thế, chúng ta có thể chọn thương hiệu cho ngành Du lịch là Vietnam Food để mỗi khi nhắc đến Việt Nam du khách sẽ nghĩ ngay đến các món ăn và một nền văn hoá ẩm thực đặc sắc. Vietnam Food vừa đơn giản, không gây khó hiểu đồng thời giới thiệu trực tiếp thế mạnh của ngành du lịch nước ta.
2. Quảng bá, xúc tiến các loại hình du lịch đến khách quốc tế
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng du lịch với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Mặc dù ngành Du lịch Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới (thành lập ngày 9/7/1960) nhưng đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc góp phần thúc đẩy nền kinh kế đất nước. Vì lẽ đó du lịch đã được nhà nước ta xác định đây là ngành kinh tế quan trọng. Sự phát triển của hoạt động du lịch được thể hiện thông qua nguồn ngoại tệ thu về tăng hàng năm, thông qua lượng khách du lịch quốc tế và nội địa cũng như thông qua các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Du lịch Việt Nam ngày càng nâng cao về chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch để thu hút khách từ mọi quốc gia trên thế giới đến tham quan, tận hưởng và trải nghiệm.
2.1 Phát triển các loại hình du lịch
2.1.1 Các loại hình du lịch chúng ta sẵn có
- Du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch lấy các hệ sinh thái đặc thù, tự nhiên làm đối tượng để phục vụ cho những khách du lịch yêu thiên nhiên, du ngoạn, thưởng thức những cảnh quan hay nghiên cứu về các hệ sinh thái.
- Du lịch văn hóa
Được phân thành hai loại: Du lịch văn hóa vật thể (Tangible) và Du lịch văn hóa phi vật thể (Intangible). Trong khi Du lịch văn hóa vật chất hay còn gọi là văn hóa hữu thể, bao gồm các công trình kiến trúc như đình chùa, miếu mạo, lăng mộ, nhà sàn… thì di sản văn hóa phi vật thể bao gồm các biểu hiện tượng trưng và “không sờ thấy được” được lưu truyền và biến đổi theo thời gian, với một số quá trình tái tạo, trùng tu rộng rãi… như âm nhạc, múa, truyền thống, văn chương truyền miệng, ngôn ngữ, huyền thoại, tư thái, nghi lễ, phong tục, tập quán, y dược cổ truyền, các món ăn, các công nghệ thủ công truyền thống.
- Du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hóa…). Du lịch cộng đồng dựa trên sự tò mò, mong muốn của khách du lịch để tìm hiểu thêm về cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau. Du lịch cộng đồng thường liên kết với người dân thành thị đến các vùng nông thôn để thưởng thức cuộc sống tại đó trong một khoảng thời gian nhất định.
- Du lịch biển đảo
Du lịch biển đang trở thành một chiến lược phát triển của ngành du lịch nhằm tận dụng các cảnh quan và sinh thái vùng ven biển để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân cũng như tăng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Trong cuộc hội thảo mới đây về quản lý và phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam, các chuyên gia du lịch khẳng định du lịch biển và kinh tế đảo là một trong 5 đột phá về kinh tế biển, ven biển.
Với bờ biển dài trên 3.000 km, hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, hàng loạt những bãi tắm cát trắng, nước trong xanh trải dài ven biển là những điều kiện thuận lợi cho du lịch biển Việt Nam phát triển. Những bãi biển, vịnh biển của Việt Nam được du khách cả thế giới biết đến như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang hay bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh… đều nói lên sức hút của biển Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước.
2.1.2 Các loại hình du lịch mới cần khai thác và phát triển
- Du lịch quá cảnh
Có nhiều người cảm thấy chán nản vì phải chờ đợi thời gian nối chuyến quá dài trong những chuyến bay phải quá cảnh. Vì vậy, việc xây dựng các sân bay lớn nhằm phục vụ các chuyến bay dài để khách được nghỉ ngơi, tiếp tục chuyến bay tới điểm cần đến. Chúng ta nới rộng các sân bay cũng phục vụ cho du lịch quá cảnh, du khách có thể thư giãn, thoải mái mua sắm và hưởng các loại hình dịch vụ khác ví dụ như: mua sắm, spa, tham quan khu chợ đêm. Điều này nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho quốc gia cũng đồng thời tạo nên một loại hình du lịch mới.
- Du lịch tôn giáo
Du lịch tín ngưỡng là một hình thức du lịch phát triển rất mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Du khách theo loại hình du lịch này thường tìm đến các đình, chùa, các thắng tích tôn giáo để vãn cảnh, cúng bái, cầu nguyện… Tại đây, du khách sẽ hòa vào dòng tín đồ để cảm nhận vẻ yên bình, thanh thản ở những thắng tích tôn giáo nổi tiếng.
Thế nhưng việc đến các thánh tích tôn giáo của du khách trong loại hình du lịch tâm linh không chỉ đơn giản là vãn cảnh hay tìm hiểu một nền văn hóa khác. Với họ, các thánh tích, Phật tích là những nơi giác ngộ, nơi có thể trao tặng cho họ các thông điệp tuyệt vời, chứa đựng minh triết giác ngộ, sự hòa hợp giữa con người với thế giới, nơi mà qua khoá tu thiền tại chỗ, họ có thể giải mã ít nhiều bản thể cá nhân bí ẩn của kiếp nghiệp chính mình…
- Du lịch chữa bệnh
Du lịch chưa bệnh hiện là một loại hình du lịch “mới” được khôi phục lại và phát triển mạnh trên thế giới. Đặc biệt, không nằm ngoài vòng quay của sự phát triển, các nước châu Á như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ… cũng chú trọng đẩy mạnh đầu tư, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch chữa bệnh nhằm tạo sự cạnh tranh và quyết giành thị phần số 1 là điểm đến hàng đầu về du lịch chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh của khu vực.
- Du lịch thuyền ghe
Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều sông ngòi, cửa sông cửa biển nên rất có tiềm năng để phát triển du lịch trên sông bằng thuyền ghe. Hiện nay tuy loại hình du lịch này đã có từ lâu và khá quen thuộc với khách quốc tế tại Việt Nam nhưng hầu hết các địa điểm du lịch phục vụ bằng thuyền ghe của chúng ta chỉ có quy mô nhỏ lẻ, chưa có tính chuyên nghiệp và có khá nhiều vấn đề phát sinh khi cơ sở hạ tầng và việc khai thác chưa triệt để cũng như yếu kém về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn trong nghề nghiệp. Vì vậy, việc phát triển và cũng cố lại loại hình du lịch thuyền ghe cũng chính là việc phát triển hơn một thế mạnh sẵn có về loại hình du lịch khá hấp dẫn này.
- Du lịch xe máy
Du lịch xe máy được nhìn thế giới theo cách riêng của mình, với những cảm xúc chân thật là điều quan trọng khiến ngày càng nhiều người chọn du lịch bụi. Chinh phục cao nguyên Đồng Văn khi đi qua Hà Giang. Đắm mình trong không gian trong trẻo, những hình ảnh rất hồn nhiên của em bé người H’Mông. Vượt qua những dốc núi liên tục trên đầu là bầu trời xanh vời vợi… Tất cả những điều đó là hoàn toàn có thể thực hiện với những tour “du lịch bụi” bằng xe máy.
Khái niệm “du lịch bụi” giờ không còn gì là mới mẻ nữa. Nhưng đối với nhiều người trẻ tuổi, “bụi” không chỉ là “bụi”, “du lịch bụi” còn đồng nghĩa với việc “đi du lịch bằng xe máy”. Không bị bó buộc vào giờ tàu xe cố định, cũng không quá tốn kém như khi du lịch bằng máy bay, lại chủ động được lịch trình và tận hưởng được những cảm giác không thể trộn lẫn khi chính mình cầm lái trên những cung đường đẹp miên man của đất Việt mình. Dân “du lịch bụi” trẻ tuổi chọn xe máy như một phương tiện hữu dụng và thân thiết cho các chuyến đi.
2.2 Giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt Nam
Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Nhất là đối với người Việt Nam, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. Qua ẩm thực, người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống… Đặc biệt đối với giới doanh nhân, việc nắm bắt được những nét văn hóa ẩm thực của dân tộc là điều hết sức cần thiết. Nó thể hiện phong cách của người chủ doanh nghiệp trước các đối tác, nhất là đối với các đối tác nước ngoài.
- Nét văn hóa ẩm thực người Việt
Văn hóa ẩm thực người Việt được biết đến với những nét đặc trưng như: tính hòa đồng, đa dạng, ít mỡ; đậm đà hương vị với sự kết hợp nhiều loại gia giảm để tăng mùi vị, sức hấp dẫn trong các món ăn. Việc ăn thành mâm và sử dụng đũa và đặc biệt trong bữa ăn không thể thiếu cơm là tập quán chung của cả dân tộc Việt Nam. Bên cạnh những nét chung đó thì mỗi một vùng miền lại có những nét đặc trưng ẩm thực riêng:
Ẩm thực miền Bắc: món ăn có vị vừa phải, không quá nồng nhưng lại có màu sắc sặc sỡ, thường không đậm các vị cay, béo, ngọt, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Hà Nội được xem như tinh hoa ẩm thực của miền Bắc với những món ăn ngon như phở, bún thang, bún chả, bún ốc, cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh trì và gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng.
Ẩm thực miền Trung: Người miền Trung lại ưa dùng các món ăn có vị đậm hơn, nồng độ mạnh. Tính đặc sắc thể hiện qua hương vị đặc biệt, nhiều món cay hơn đồ ăn miền Bắc và miền nam. Màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Ẩm thực miền Trung nổi tiếng với mắm tôm chua, các loại mắm ruốc. Ẩm thực cung đình Huế với phong cách ẩm thực hoàng gia không chỉ rất cay, rất nhiều màu sắc mà còn chú trọng vào số lượng các món ăn, cách bày trí món.
Ẩm thực miền Nam: Do chịu nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa, Campuchia, Thái Lan nên các món ăn của người miền Nam thiên về độ ngọt, độ cay. Phổ biến các loại mắm khô như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía… Có những món ăn dân dã, đặc thù như: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui…
Ẩm thực các dân tộc thiểu số: Ẩm thực của mỗi dân tộc thiểu số đều có những bản sắc riêng biệt. Nổi tiếng như món thịt lợn sống trộn phèo non của các dân tộc Tây Nguyên, bánh cuốn trứng (Cao Bằng, Lạng Sơn), bánh coong phù dân tộc Tày, Lợn sữa và vịt quay móc mật, khau nhục Lạng Sơn, phở chua, cháo nhộng ong, phở cồn sủi, thắng cố, các món xôi nếp nương của người Thái, thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ…
2.2.1 Đưa Ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế
Văn hóa tinh thần của người Việt trong ẩm thực chính là sự thể hiện nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, là cách cư xử giữa người với người trong bữa ăn, làm vui lòng nhau qua thái độ ứng xử lịch lãm, có giáo dục. Việc ăn uống đều có những phép tắc, lề lối riêng, từ bản thân, đến trong gia đình rồi các mối quan hệ ngoài xã hội. Để phát triển Ẩm thực Việt Nam, chúng ta cần:
- Phát triển hệ thống nhà hàng
– Mở các nhà hàng có quy mô và sức chứa lớn.
– Gây dựng được từng thương hiệu riêng cho các hệ thống nhà hàng.
– Mỗi vùng miền phải có những nhà hàng để phục vụ cho du khách những món ăn của vùng miền đó.
– Phong cách phục vụ cũng phải đa dạng mang những nét riêng của những điểm đến để du khách cảm nhận được từng điểm khác nhau khi đến những nơi khác nhau.
– Tuyển chọn các đầu bếp giỏi và chuyên về các món ăn của từng vùng để luôn giữ đúng hương vị mỗi khi khách quay lại.
– Ngoài ra vấn đề về an toàn thực phẩm phải là vấn đề được đề cao trong kinh doanh nhà hàng để luôn có uy tín đối với thực khách.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong sản xuất lương thực:
– Thực hiện không đúng quy trình sử dụng phân bón và thuốc BVTV.
– Chất lượng phân bón hữu cơ vi sinh thấp.
– Công nghệ bảo quản.
Trong sản xuất rau quả:
– Tình trạng lạm dụng và sử dụng thuốc BVTV quá mức.
– Sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc
Trong chăn nuôi và vệ sinh giết mổ gia súc, gia cầm:
– Hàm lượng chất kích thích, kháng sinh, nấm mốc trong thức ăn cao và vượt ngưỡng cho phép.
– Quy trình và vệ sinh giết mổ phần lớn chưa tuân thủ theo các quy định.
– Vệ sinh trong vận chuyển và phân phối chưa được quan tâm đúng mức.
– Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.
2.4 Bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh nơi công cộng
Tình trạng xả rác nơi công cộng vẫn tồn tại. Chúng ta rất dễ bắt gặp nhiều mảnh rác dọc theo hai bên tuyến đường, rất dễ chứng kiến cảnh người ngồi trên xe gắn máy vứt giấy gói thức ăn hay vỏ hộp sữa họ mới vừa uống. Cũng như vậy với tình trạng người ngồi trên xe ô tô, nhất là xe buýt, xe du lịch vứt rác hay thậm chí khạc nhổ xuống đường. Các gia đình sống dọc bên đường mang gói trong bọc ra để xuống lòng đường. Vứt rác nơi công cộng, nhất là nơi có nhiều người tập trung thì rất phổ biến, kể cả ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất…
Mỗi ngày, công nhân vệ sinh thu gom khoảng 600 tấn rác từ các đường phố, rác thu gom từ các hộ dân khoảng 2.427 tấn/ngày. Hoạt động thu gom chỉ diễn ra từ 18 giờ đến 6 giờ sáng. Do đó, nếu rác bị vứt trên đường vào ban ngày thì cứ nằm chờ đến chiều tối, vệ sinh đường phố thế là… hết. Cho dù có nhiều toà nhà hiện đại, nhiều cửa hàng dọc phố được trang trí rất đẹp, nhiều bồn hoa đặt dọc phố nhưng dưới lòng đường hoặc trên vỉa hè có vài mảnh rác thì cũng thật khó coi.
Thành phần tri thức mà không có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng thì thật đáng trách. Các nhà vệ sinh ở các trường học thì thật tồi tệ. Cụm từ “không xả rác” đã trở thành điệp khúc. Chúng ta có thể bắt gặp chúng đâu đó ở các ngã tư, các panô lớn có mang dòng chữ này. Nhiều người cho rằng, hành động xả rác đã trở thành thói quen, rất khó thay đổi. Thiết nghĩ, thói quen được chủ động hình thành trong mỗi người. Từ lúc bắt đầu đi học ở trường mầm non, các em học sinh đã được cô giáo dạy giữ gìn vệ sinh cá nhân, để vật dụng ngăn nắp, bỏ rác vào thùng rác… Chúng ta có thấy cảm phục hay thậm chí xấu hổ khi thấy một đứa bé 4 tuổi loay hoay tìm giỏ rác để vứt giấy gói quà?
2.4 Bảo vệ an ninh trật tự an ninh
- Vì sao phải đảm bảo an ninh trật tự cho du khách?
Một nước kinh doanh du lịch muốn phát triển nguồn khách quốc tế trước tiên phải an ninh trật tự cho khách du lịch quốc tế. Thử tưởng tượng nếu bạn đi du lịch ra nước ngoài mà phải bận tâm đến những thứ như: cướp bóc, trộm cắp, lừa đảo,chặt chém, chèo kéo… thì chuyến du lịch của bạn chẳng còn thú vị gì, hay người ta còn nói vui là “đi du lịch như thế thì đi làm gì ở nhà sướng hơn”. Vì thế trước tiên chúng ta cần phải có 1 hệ thống an ninh đảm bảo được sự an toàn cho du khách quốc tế (nói riêng) cũng như khách du lịch (nói chung).
- Các tình trạng thường xảy ra ở Việt Nam
Một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam nước chúng ta đang và vẫn diễn ra tình trạng cướp bóc, trộm cắp, lừa đảo, chặt chém, chèo kéo… khách du lịch. Một nhà hàng ở Nha Trang bán cua 1,2kg giá 350.000 đồng/kg. Khi nhân viên bưng cua ra, thì chỉ có 400 gram và được người quản lý giải thích cua luộc bị hao đi và phần thiếu là do… sợi dây. Một nhóm xích lô “dù” hoạt động tại khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) thường xuyên ngang nhiên “chặt chém” hoặc giật tiền từ tay khách du lịch. Một nữ du khách Úc đã thỏa thuận giá 20 USD nhưng cuối cùng lại bị nhóm xích lô giật mất 200 USD. Tình trạng chèn ép, chèo kéo cũng như chặt chém khách du lịch cũng diễn ra phức tạp.
c. Giải pháp cụ thể
– Cần thành lập 1 tổ chức phục vụ cho du khách.
– Tạo một hotline và cung cấp cho từng khách du lịch ở tại các cửa khẩu xuất nhập cảnh.
– Tổ chức các nhóm tuần tra giúp đỡ du khách tại các địa điểm nóng.
– Các điểm tham quan, du lịch phải có quy chế hoạt động, nội quy tham quan, lắp đặt các biển chỉ dẫn; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan chu đáo tận tình, văn minh, lịch sự; có bãi đậu xe quy mô phù hợp với lượng khách tham quan, có hệ thống hạ tầng và cơ sở dịch vụ phục vụ khách được quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng.
– Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, hàng hoá phải niêm yết giá công khai và bán theo giá đã niêm yết; hàng hoá phải có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, số lượng, trọng lượng.
– Cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch, các đối tượng có hành vi ném đất, đá lên tàu, xe, gây mất an toàn cho khách.
– Tổ chức rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn giao thông rõ ràng, phù hợp bảo đảm an toàn, phòng ngừa ùn tắc, tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận các khu, điểm du lịch; kiểm tra, phát hiện, xử lý dứt điểm hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà cho lái xe trên các tuyến đường giao thông, gây bức xúc cho người dân và khách du lịch.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường quản lý vỉa hè, lòng đường, đảm bảo thông thoáng, vệ sinh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất vệ sinh, trật tự. – Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch; phát động phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”. Ban quản lý các khu, điểm du lịch có đông khách du lịch phải bố trí nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch, bảo đảm trật tự, văn minh; ưu tiên người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và người có trẻ em đi cùng.
2.5 Phương châm phục vụ dành cho khách
Uy tín – Chất lượng – An toàn – Độc đáo: Thực tế, có tiền mở một nhà hàng ăn, uống thì dễ nhưng để tạo dựng ra một nhà hàng giữ được khách, kiếm ra tiền thì lại không dễ chút nào. Bài học của nhiều nhà hàng đã cho chúng tôi thấy điều đó. Điều lo sợ nhất là thiếu kinh nghiệm và không tâm huyết, chúng tôi sẽ vượt khó rút kinh nghiệm đi lên, không chùn bước, không tính toán hơn thiệt cho bản thân, chịu thương chịu khó phấn đấu, không “ngồi không ăn bát vàng”, không sợ các đối thủ cạnh tranh. Công việc của chúng tôi là lấy con người làm gốc, lưu giữ được người giỏi, thạo việc, sử dụng và quản lý tốt họ, đoàn kết mọi người với nhau, phát huy tính tích cực và sáng tạo của họ. Đó là công việc đầu tiên có tính hệ thống bắt buộc phải có trong nghề dịch vụ của chúng tôi.
Một nhà hàng có đội ngũ nhà bếp lành nghề, nấu ăn hợp khẩu vị với từng loại khách, đi đôi với một đội ngũ tiếp viên đạt tiêu chuẩn thì chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khách “Sự hài lòng của quý khách là thành công đối với chúng tôi”.