Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2022, Đức là quốc gia có quy mô GDP lớn nhất châu Âu và lớn thứ 5 thế giới, đạt khoảng 4.075 tỷ USD.
Trong nhiều năm qua, Đức liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2022, Đức đầu tư vào Việt Nam khoảng 117,07 triệu USD với 32 dự án cấp mới, xếp thứ 18 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
5 tháng đầu năm 2023, Đức đầu tư vào Việt Nam khoảng 115,49 triệu USD với 7 dự án cấp mới, xếp thứ 23 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Tính đến 20/5/2023, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Đức vào Việt Nam đạt 2,36 tỷ USD với tổng 444 dự án. Với số vốn này, Đức hiện xếp thứ 18 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Các dự án đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Cụ thể, trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.
Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã đầu tư tại Việt Nam điển hình như: Daimler – Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes – Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens…
Các dự án của Đức phân bố tại gần 40 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đức đầu tư hầu hết tập trung ở các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Đồng Nai (chiếm khoảng 16 % tổng vốn đầu tư), Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 15 % tổng vốn đầu tư), Ninh Thuận, Long An, Quảng Nam, Hà Nội…
Một số dự án tiêu biểu mà các nhà đầu tư Đức đã đầu tư vào Việt Nam gồm: Dự án Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa, vốn đăng ký 190 triệu USD; dự án Công ty Schaeffler Việt Nam, vốn đăng ký 166,7 triệu USD tại Đồng Nai và dự án Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp, tổng đầu tư 130 triệu USD tại Quảng Ngãi.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài ngày 2/4/2023, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kế hoạch đầu tư kinh doanh, phát triển thêm nhiều lĩnh vực mới tại Việt Nam.
Trong đó, nhà đầu tư đến từ Đức muốn rót thêm tiền đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG, có trụ sở tại Munich, Đức cho biết, sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường, VFT Industry UG đã quyết định triển khai dự án tại Việt Nam.
Quyết định này được củng cố hơn nữa bởi các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với EU và Đức để cùng nhau vượt qua khủng hoảng khí hậu. VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD tại Việt Nam để sản xuất thép không gỉ xanh với sản lượng ước tính 600.000 tấn/năm cung cấp cho thị trường Việt Nam và châu Âu.
Ngoài Đức, Việt Nam hiện có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81,6 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 73,4 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).
Theo địa bàn, nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với hơn 56,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 40 tỷ USD (chiếm hơn 8,9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,2 tỷ USD (chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư).
Theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến,chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 266,9 tỷ USD (chiếm 59,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,1tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn38,3 tỷ USD (chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư).