Cảm cúm là bệnh lý rất thường gặp, tuy ít nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Bệnh có thể tự khỏi nhưng mất nhiều thời gian. Cảm xuyên hương là bài thuốc hiệu quả để điều trị bệnh cảm cúm và phù hợp với nhiều đối tượng người bệnh và đã được bào chế thành các dạng viên nang, cốm dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lưu ý khi sử dụng thuốc.
Thông tin thuốc Cảm xuyên hương
Thành phần cảm xuyên hương
Trong mỗi viên nang cứng Cảm xuyên hương bao gồm các thành phần như sau:
Xuyên khung (132mg
Vị cay đắng, hơi ngọt, tính ấm có tác dụng hành khí hoạt huyết, dưỡng huyết, nhuận táo, khai uất, khu phong, chỉ thống. Đây là vị thuốc được dùng rất phổ biến, đặc biệt với các trường hợp đau đầu, đau mình, đau các khớp do phong hàn, thấp; can khí uất gây đau mạng sườn, rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh,…
Bạch chỉ (165 mg)
Vị cay, tính ấm có tác dụng phát tán phong hàn, chỉ thống, tiêu viêm. Thuốc chủ trị các chứng cảm mạo do lạnh, đau vùng đầu mặt, viêm mũi dị ứng và các chứng viêm.
Hương phụ132mg
Vị cay đắng, tính ấm có tác dụng hành khí giải uất, điều kinh; chuyên trị các chứng đau do khí trệ, do lo nghĩ, tức giận (đau dạ dày, viêm đại tràng co thắt, đau thần kinh liên sườn, đau bụng kinh,…); kích thích tiêu hóa; chữa các chứng viêm (mụn nhọt ngoài da, viêm tuyến vú,..) đặc biệt còn có thể tán hàn giải biểu trị cảm mạo do lạnh.
Quế chi 6mg
Vị cay ngọt, tính ấm có tác dụng phát hãn giải cơ, ôn kinh thông dương. Thuốc được dùng phổ biến trị các trường hợp cảm mạo do phong hàn, các chứng đau do lạnh, long đờm, trừ ho.
Sinh khương 15mg
Vị cay, tính hơi ấm có tác dụng giải biểu, phát hãn. Đây là vị thuốc rất phổ biến được dùng để trị các chứng cảm mạo do lạnh, ho do lạnh, nôn mửa do lạnh; ngoài ra còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, giải độc.
Chỉ định của bài thuốc Cảm xuyên hương – những triệu chứng có thể dùng
Toàn bài thuốc Cảm xuyên hương có vị cay ngọt, tính ôn ấm có tác dụng giải biểu phát hãn, thông kinh tán hàn, khu phong chỉ thống và được sử dụng cho các bệnh nhân đang mắc cảm lạnh hoặc cúm ở giai đoạn đầu khi chưa có biểu hiện sốt cao. Các triệu chứng điển hình là: gai rét, sợ lạnh, sốt nhẹ, không có hoặc có ít mồ hôi, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi trong loãng, đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức cơ toàn thân.
Cảm lạnh là tên thường gọi của một nhóm các triệu chứng như trên gây ra bởi các loại virus không điển hình chủ yếu gây bệnh vùng mũi họng và đường hô hấp trên, hay gặp nhất là Rhinovirus.
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm (thường gặp nhất là cúm A, B). Người khỏe mạnh mắc cúm thường có biểu hiện ban đầu tương đối giống với cảm lạnh nhưng thường đau người, đau mình nhiều hơn. Theo Y học cổ truyền, đây là giai đoạn tà tại phế vệ, tức là còn ở nông, chưa xâm nhập sâu vào kinh lạc, tạng phủ. Nếu người bệnh được điều trị ngay bằng cách phãt hãn giải biểu thì sẽ ngăn được tà khí đi sâu vào cơ thể làm bệnh nặng thêm.
Thành phần Xuyên khung, Bạch chỉ trong bài thuốc Cảm xuyên hương đã chứng minh được tác dụng ức chế các loại virus cũng như nhiều loại vi khuẩn gây bệnh trong các nghiên cứu thực nghiệm.
Hướng dẫn sử dụng bài thuốc Cảm xuyên hương
Thời điểm sử dụng cảm xuyên hương
Thời điểm thích hợp nhất để sử dụng thuốc là khi bắt đầu có các biểu hiện đầu tiên của bệnh. Đây là lúc các loại virus mới xâm nhập vào cơ thể, bắt đầu nhân lên do đó nồng độ virus còn thấp, thuốc có khả năng ức chế virus tối đa.
Cách dùng cảm xuyên hương
Thuốc được dùng đường uống. Cách tốt nhất là uống thuốc với nước ấm sau đó ăn 1 bát cháo nóng có hành tươi sau đó đắp chăn cho ra mồ hôi ở mức độ râm rấp và thấm khô. Cách khác là sau khi ăn uống thuốc với nước ấm và đắp chăn ấm cho ra mồ hôi. Trong thời gian điều trị nên nghỉ ngơi tăng hiệu quả điều trị.
Liều dùng cảm xuyên hương
Tùy đối tượng sử dụng mà sử dụng liều khác nhau và nên tuân thủ chỉ đinh của bác sĩ. Các đối tượng trẻ em, người già, người có thể trạng suy nhược, nhẹ cân thì dùng liều thấp hơn so với người trưởng thành, khỏe mạnh không mắc bệnh kèm theo.
Liều khuyến nghị thường dùng là:
- Trẻ em: 1 – 2 viên/ lần x 3 lần/ngày
- Người lớn: 2 – 3 viên/ lần x 3 lần/ngày
Lưu ý: Nếu dùng thuốc không đủ liều thì thường không có tác dụng phát hãn (tức không ra được mồ hôi) do đó các triệu chứng bệnh không cải thiện hoặc cải thiện chậm. Ngược lại nếu dùng thuốc quá liều, đặc biệt các đối tượng trẻ em, người già, người mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo, thể trạng suy nhược,… sẽ gây ra mồ hôi quá mức làm rối loạn cân bằng nước, điện giải có thể ảnh hưởng đến huyết áp, làm người bệnh mệt mỏi tăng lên.
Kiêng kị khi uống Cảm xuyên hương
Khi dùng thuốc Cảm xuyên hương và trong thời gian mắc bệnh cảm lạnh, nên tránh gió lùa, gió thổi trực tiếp, tắm nước lạnh, ăn uống các đồ tanh, lạnh dễ gây dị ứng (các loại động vật giáp xác, hải sản, lươn, trạch, cá da trơn,…)
Xem thêm: Có dùng cảm xuyên hương cho trẻ được không?
Liệu trình điều trị bằng cảm xuyên hương
- Với bệnh nhẹ, mới mắc, cơ thể khỏe mạnh, thường dùng thuốc từ 1 – 3 ngày. Sau khi uống thuốc ngày đầu tiên, bệnh nhân có chuyển biến tốt, ra được mồ hôi, các triệu chứng thuyên giảm thì dùng tiếp ngày thứ 2 và 3 cho đến khi hết triệu chứng thì dừng thuốc
- Trên các đối tượng đặc biệt, cơ thể suy nhược, chỉ nên dùng 1 – 2 ngày nếu bệnh có chuyển biến tốt, sau đó sử dụng thêm các thuốc có tác dụng nâng cao sức khỏe nói chung (phù chính khu tà) để hỗ trợ việc điều trị, tránh dùng thuốc quá lâu làm hao tổn chính khí.
- Chỉ sử dụng khi bệnh mới khởi phát, không sử dụng thuốc quá 7 ngày. Khi bệnh tiến triển nặng lên, cần thay đổi bài thuốc cho phù hợp với mức độ và giai đoạn bệnh. Đặc biệt khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, tự ra mồ hôi hoặc ra mồ hôi trộm, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn nước, điện giải thì ngừng sử dụng.
Những đối tượng cần lưu ý khi sử dụng thuốc cảm xuyên hương
Phụ nữ có thai
Bài thuốc có tính ấm nóng vốn không phù hợp với thể trạng đa nhiệt ở phụ nữ có thai, mặt khác lại có thành phần Xuyên khung, Hương phụ là các vị thuốc có tác dụng hành khí, hoạt huyết tránh sử dụng với thai phụ. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy Xuyên khung làm tăng co bóp cơ trơn tử cung nên không nên dùng trên phụ nữ có thai, đặc biệt 3 tháng đầu. Tuy nhiên, với liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất, chưa ghi nhận trường hợp sảy thai do dùng thuốc. Do dó phụ nữ có thai vẫn có thể sử dụng thuốc nếu cần thiết dưới sự theo dõi sát của nhân viên y tế.
Một số đối tượng khác
Người có thể trạng âm hư, hỏa vượng như tăng huyết áp chưa kiểm soát, thường xuyên bốc hỏa, táo bón hoặc người có biểu hiện ra nhiều mồ hôi: không có chống chỉ định tuyệt đối với thuốc Cảm xuyên hương. Tuy nhiên, không được sử dụng kéo dài thuốc trên do thuốc làm hao tổn tân dịch và chính khí.
Không sử dụng thuốc trên các bệnh nhân đang mắc các bệnh truyền nhiễm có sốt (thực nhiệt rõ)
Theo dõi diễn biến khi dùng thuốc Cảm xuyên hương
Nếu sau dùng thuốc ngày đầu tiên, bệnh nhân giảm triệu chứng gai rét, hết sốt, đỡ chảy nước mũi, đỡ đau đầu, đau người thì tiếp tục sử dụng đến khi khỏi. Nếu sau dùng thuốc, bệnh nhân có các biểu hiện như sau thì cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời:
- Các biểu hiện dị ứng thuốc: Nổi mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, khó thở
- Bệnh không giảm mà nặng lên: sốt tăng lên, người mệt mỏi, vã mồ hôi nhiều, phiền khát, ho, khó thở,…
Nói tóm lại, Cảm xuyên hương tuy có thành phần là các thảo dược thiên nhiên tương đối an toàn nhưng vẫn có chỉ định và chống chỉ định điều trị rõ ràng cần phải tuân thủ. Không nên tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Ths. Nguyễn Thị Hương Giang
Nguồn tại https://thaythuocvietnam.vn/