Làng nghề bún Phú Đô: “Trung tâm” bún của Thủ đô Đón nhận Bằng di tích Kiến trúc – Nghệ thuật của Thành phố
Từ lâu, cùng với phở, bún đã trở thành một trong những món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt tới cảnh giới tinh hoa ẩm thực của đất kinh kỳ ắt cũng phải có cái lý do riêng của nó. Bởi không phải món ăn nào cũng có thể chinh phục hay đánh lừa được những chiếc lưỡi sành ăn đến khó tính của người dân Hà Thành. Ấy vậy mà, bún Phú Đô đã làm được điều đó.
Nằm xe kẽ giữa giữ những khu đô thị hiện đại, song, làng Phú Đô vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống mộc mạc vốn có. Không ai biết rõ nghề làm bún ở đây xuất hiên từ bao giờ. Thế nhưng, theo các cao niên trong làng, tương truyền kể lại, lịch sử nghề làm bún ở Phú Đô có từ cách đây hàng trăm năm, tổ nghề là cụ Hồ Nguyên Thơ. Cụ được thờ cùng với các vị hoàng thành tại đình làng Phú Đô.
Đến nay, cứ 5 năm 1 lần, người dân nơi đây lại tổ chức hội làng nhằm tri ân các vị thành hoàng làng cũng như ông tổ nghề bún, đã che chở cho làng cũng như giúp người dân vượt qua những thăng trầm của nghề, để gìn giữ và đưa bún Phú Đô trở thành thương hiệu quốc gia và được người dân tin dùng và đón nhận như hiện nay.
Làng bún Phú Đô nức tiếng kinh kỳ (Ảnh: T.M)
Làm bún vốn là một nghề vất vả, để tạo ra được những sợi bún thơm ngon lại càng vất vả hơn. Theo ông Nguyễn Tiến Tín (gia đình có truyền thống 3 đời làm bún) chia sẻ: Muốn làm ra loại bún ngon phải rất kỳ công, cứ 1kg gạo chỉ cho ra được 2,3-2,5 kg bún và mất rất nhiều công đoạn. Khâu đầu tiên cần kể đến là chọn gạo và chọn nước ngâm. Gạo cần chọn loại gạo tẻ thơm, nước cần trắng sạch và tất cả phải thật vệ sinh.
Gạo và nước là hai yếu tố quyết định đến độ dẻo, ngon, trắng của sợi bún. Người làm bún sẽ cho nước ngập gấp 3 lần gạo, tùy vào thời tiết sẽ canh giờ vớt gạo, tiết nóng thì ngâm nửa ngày, tiết lạnh thì ngâm một ngày.
Ông Tín cho biết: “Để làm được một mẻ bún có chất lượng phải mất 2 ngày làm hàng rồi sáng phải dậy từ 2-3 giờ sáng để kịp cho mẻ bún đầu tiên trong ngày”.
Nghề làm bún vất vả là vậy nhưng thu nhập mang lại không cao. Có một thời gian, nhiều hộ gia đình trong làng liên tục bỏ nghề, chuyển sang kinh doanh, buôn bán những mặt hàng khác.
“Làm bún đòi hỏi người thợ phải luôn tay, luôn chân và cần phải có một sức khỏe thật tốt. Vì thế, rất nhiều người không chịu được vất vả, phải bỏ nghề bún chuyển sang nghề khác. Đã có thời điểm, tôi cũng muốn buông bỏ nghề, thế nhưng một phần vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông, một phần nghề nó đã ngấm vào thân nên lại tiếp tục làm”- chị Nguyễn Thị Tâm (người dân làng bún Phú Đô) tâm sự.
Vài năm trở lại đây, sản phẩm bún Phú Đô được Nhà nước quan tâm nhiều hơn nên đời sống của người dân làng nghề đã bớt khó khăn. Nhiều công đoạn sản xuất đã được thay thế bằng công nghệ tiên tiến, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại vừa đảm bảo được chất lượng, độ dẻo dai và đặc biệt là tiết kiệm sức lao động.
Làm bún đã vất vả, nhưng để gìn giữ và phát triển thương hiệu bún Phú Đô còn vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của người dân cũng như sự quan tâm của Nhà nước, Hội làng nghề, bún Phú Đô đã có những bước đi vững chắc.
Đến nay, ước tính có tới hơn 50% sản phẩm bún trên thị trường Hà Nội là của làng Phú Đô. Hàng ngày có từ 10 – 15 tấn bún Phú Đô được tiêu thụ trong thành phố. Sản phẩm bún của làng đã có mặt ở nhiều siêu thị, chợ ở Hà Nội và một số địa phương, riêng sản phẩm bún khô đã xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều người dân trong làng đi làm ăn ở các địa phương khác cũng mang theo nghề làm bún mưu sinh, lập nghiệp, góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.
Với những nỗ lực để khẳng định chất lượng, sản phẩm bún Phú Đô, năm 2009, làng nghề bún Phú Đô đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2010, bún Phú Đô đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là thương hiệu độc quyền và trở thành thương hiệu quốc gia… Đây chính là bàn đạp để bún Phú Đô tiếp tục chiếm lĩnh được niềm tin của người dân trong nước và tiếp tục mở rộng thị trường, vươn mình ra tầm quốc tế.