Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách đây 69 năm, ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ và tuyên bố chính thức thành lập Khu giải phóng Việt Bắc bao gồm hai căn cứ lớn trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc ngoại vi tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái.
Trên cơ sở những căn cứ địa cách mạng đã lần lượt thành lập ở Việt Bắc và căn cứ vào những báo cáo nghị quyết của Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (15/4/1945) , Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, đại thể nối liền nhau, nên thành lập một căn cứ lấy tên là Khu giải phóng”. Khu giải phóng Việt Bắc lấy Tuyên Quang làm trung tâm, làm nơi ATK Trung ương, nơi đặt các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.
Trong khu giải phóng các ủy ban do dân cử được hình thành, tổ chức thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Với 1 triệu người gồm nhiều dân tộc khác nhau, khu giải phóng đã thực sự là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành hậu phương và bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.
Khu giải phóng được xây dựng trên một vùng rộng lớn, địa hình chủ yếu là núi rừng. Phía Bắc giáp Trung Quốc. Vùng biên giới Việt – Trung là nơi cách mạng hoạt động rất thuận lợi và qua đây có thể liên lạc với phong trào Cộng sản quốc tế. Phía Nam là vùng trung du, đồng bằng. Do đó, gặp thời cơ thuận lợi, lực lượng vũ trang cách mạng có thể tiến nhanh phát huy thắng lợi và nếu gặp khó khăn có thể lui về để bảo toàn lực lượng. Theo các triền núi phía Đông, Khu giải phóng có thể liên lạc với biển và Hải Phòng. Theo các triền núi phía Tây, có thể liên lạc với khu Tây Bắc và các tỉnh miền núi Trung bộ. Tóm lại, Khu giải phóng có vị trí rất cơ động, “tiến có thể đánh”, “lui có thể giữ”.
Trong khi đó, nhân dân các dân tộc Việt Bắc có truyền thống lâu đời và rất vẻ vang, cùng đoàn kết chặt chẽ bên nhau để đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc cũng như nhân dân cả nước khát khao độc lập tự do, khát khao một cuộc sống hạnh phúc. Cho nên, khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng thì nhân dân các dân tộc Việt Bắc nhanh chóng tiếp thu đường lối cách mạng của Đảng, kiên quyết đi theo con đường cách mạng mà Đảng đã vạch ra. Do vậy, Khu giải phóng được nằm trong sự bảo bọc, che chở của nhân dân. Đây là một trong những yếu tố quyết định đảm bảo cho Khu giải phóng được an toàn trong suốt thời kỳ lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa.
Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân địch liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân lớn vào chiến khu Việt Bắc. Với quyết tâm và trọng trách được giao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã chung sức, chung lòng cùng các đơn vị bộ đội chủ lực làm tròn trách nhiệm nặng nề trước lịch sử và dân tộc là bảo vệ an toàn lãnh tụ và các cơ quan đầu não của ta. Vừa phá tan các cuộc tiến công truy quét với quy mô lớn của kẻ thù, các địa phương trong tỉnh còn thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững chắc phục vụ kháng chiến.
Cũng từ chiến khu Việt Bắc, nhiều chính sách quan trọng của Đảng đã đi vào lịch sử. Tại đây, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã hoạch định, bổ sung đường lối cách mạng để dân tộc Việt Nam lập nên kỳ tích: Giữ vững thành quả của Cách mạng Tháng Tám-1945, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Trong thư gửi đồng bào Việt Bắc năm 1947, Hồ Chí Minh đã đánh giá vai trò to lớn của Việt Bắc trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.