Nếu nói về khoản “bám rịt lấy những cái tên”, không ai giỏi chuyện đó hơn tôi. Tôi bất an khi không có cụm danh từ nào mô tả về mình. Trong từng thời điểm của cuộc đời, tôi muốn người ta nhận xét mình bằng những cụm từ nhất định. Khi tôi nhận ra hình như mình là người duy nhất không khóc trong rạp phim, tôi về nhà, dành cả đêm hôm đó để tìm xem có thuật ngữ tâm lý nào chỉ hiện tượng “không thể khóc trước những cảnh bi thương” không. Khi không tìm được thuật ngữ nào mô tả tình trạng của mình, tôi sợ lắm. Tôi sợ là tôi không-bình-thường. Cuối cùng, tôi tự gán cho mình cái tên vô cảm, dù tôi biết rất rõ rằng mình không vô cảm. Nhưng trong tình huống này, tôi thà nghĩ rằng mình vô cảm, còn hơn chẳng có cái tên nào cả. Nếu tôi không thể khóc, cũng không vô cảm, thì tôi là cái-thứ-gì mới được?
Tôi muốn mọi thứ phải có trật tự, phải hợp lý, và người khác không có băn khoăn gì về mình. Thế nên khi trở thành một thành viên của tổ chức AIESEC vào năm 2 đại học, tôi tỏ ra năng nổ, lý trí, và logic. Tôi tỏ ra thích mê những con số và có thể hòa hợp được với số, dù từ nhỏ tôi đã biết, bất cứ môn học hay lĩnh vực nào dính dáng đến số đều làm tôi hoang mang. Trong tập thể những con người năng động này, tôi giấu nhẹm đi sự hoài nghi, lộn xộn của mình, không cho phép trực giác lên tiếng, bịt miệng đứa trẻ mơ màng, ưa tưởng tượng, thích sáng tác truyện trong mình. Vì sao? Vì tôi nghĩ rằng những thứ đó khiến tôi không giống một AIESECer.
Bước vào môi trường xuất bản sách, làm việc với những cuốn sách – công việc mà tôi cực kỳ yêu thích, tôi quan sát đồng nghiệp, lên mạng tìm từ khóa, xem những bộ phim nói về nghề này, cố tỏ ra giống họ hết mức có thể. Vậy là tôi ăn nói nhỏ nhẹ, váy áo chu toàn, tự gán cho bản thân một loạt các tính từ mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ sở hữu: thanh cao, nguyên tắc, tri thức. Tôi nghĩ rằng tôi phải như thế thì mới hợp lý. Đeo mang trách nhiệm phải là một “người con gái có nội hàm” khi ở công ty, về nhà, tôi len lén mở siêu nhân lên xem, lâu lâu cũng phải để ý xem cô bé cùng phòng đã về nhà chưa. Tôi trở nên cáu kỉnh khi một người bạn là “dân ngoại đạo” dám-sửa-lỗi-trong-câu-trò-chuyện-của-tôi, vì nó khiến hình ảnh của tôi không còn giống với những tính từ tôi gán cho: thanh cao, nguyên tắc, tri thức. Kết quả là, Uyên AIESEC rất khác với Uyên sinh viên. Và Uyên sinh viên rất khác với Uyên tác giả.
Tôi nghe người ta nói rất nhiều về việc “Hãy xác định xem bạn là ai”. Nhưng chưa ai nói với tôi rằng “Chúng ta có thể không là ai cả và chúng ta vẫn rất ổn”. Thời gian trước, tôi có cơ hội được tư vấn tâm lý miễn phí vì đã tham gia vào một chương trình với tư cách tình nguyện viên. Lần đầu tiên trong đời, tôi nói với một người rằng: “Những cái em đang thể hiện, nó chưa hẳn là em đâu. Nhưng vẫn có những cái em chưa thể hiện.” Buổi tư vấn phải kết thúc sớm vì chị phải tư vấn cho một tình nguyện viên khác. Tôi kết thúc cuộc gọi trong lưng chừng, dường như đã thấy một phần của bức tranh.
Một tuần sau, chị đồng nghiệp gửi cho tôi một đường link, bài viết có tên “Vô ngã”. Tôi đọc và nổi da gà trước đúc kết của tác giả, rằng thật buồn cười khi câu than thở “Tôi chẳng biết mình là ai cả” của một số người hiện nay lại chính là thành công lớn nhất của Đức Phật năm xưa, khi Ngài ngồi dưới tán cây Bồ Đề và trở thành bậc Đại giác ngộ. Tôi ngồi thừ ra đó 10 phút, không hề động đậy. Lát sau, tôi đứng dậy và nói với chị, cảm giác ớn lạnh vẫn còn: “Bài viết chị vừa cho em xem chính là phần còn lại của buổi tư vấn tâm lý mà em có tuần trước.”
Bài học đã đến và tôi lĩnh hội nó. Khi chúng ta phân biệt “cái này là mình và cái kia không là mình”, ta sẽ bài xích chính mình và cả người khác. Khi ta ra sức chối bỏ một phần là mình, ta không tìm thấy sự đồng cảm ở đâu cả, vì ta ghét bỏ những người giống ta. Tôi nhớ có lần đã nổi cáu với em gái tôi vì nó không chịu ngồi khép chân. Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy rằng, có vẻ như chính tôi mới là người có vấn đề. Tôi ra dáng đoan trang quá lâu, và tôi ghét cái phần không-thích-ngồi-khép-chân của mình, nên tôi ghét khi ai đó làm điều này trước mắt tôi. Cứ như họ đã công khai chỉ trích tôi, cho tôi thấy những tính từ khác không nằm trong những tính từ mà tôi quy định cho mình.
Rốt cuộc thì, chúng ta tự do hơn thế nhiều. Rốt cuộc thì, chúng ta chẳng là ai cả. Chúng ta lộn xộn lắm và điều đó ổn thôi. Chúng ta là tất cả những gì mình có sẵn khi sinh ra, và cũng là tất cả những trải nghiệm mà mình đã đi qua. Chúng ta có thể vừa là một người say sưa với những quyển sách triết học, vừa đọc ngôn tình và khóc xuyên đêm. Hôm trước, ta có thể chìm đắm vào những giai điệu trong buổi nghe nhạc thính phòng, hôm sau, ta vừa nấu mì gói vừa nghe nhạc rap. Ta không nhất thiết phải là hoặc cá tính hoặc nhàm chán, hoặc điềm tĩnh hoặc năng nổ, hoặc thông minh hoặc khờ khạo, hoặc an toàn hoặc nổi loạn. Ta không cần phải đặt cho mình những cái tên, vì cái tên đôi khi không phản ánh hiện thực đâu. Tôi đã vội vã kết luận rằng mình vô cảm khi không thể khóc trước những cảnh bi thương, nhưng tôi nhớ rất rõ rằng tôi đã khóc rất nhiều khi thấy người khác đoàn viên, hạnh phúc. Vậy tôi có vô cảm không? Có tính từ nào thể hiện sự “không thể khóc trước cảnh phim buồn, nhưng khóc sướt mướt trước cảnh phim vui” không? Có cũng được, không có cũng chẳng sao. Tôi sẽ không chối bỏ những gì là một phần của mình chỉ vì người ta chưa đặt cho nó một cái tên.
Tôi cho rằng đây chính là cốt lõi của cái tâm không phân biệt. Muốn chấp nhận người khác, thì trước hết phải chấp nhận chính mình đã, đúng không?