Trong cơ thể có rất nhiều loại hormone khác nhau. Hormone là chất có trách nhiệm điều tiết các hoạt động sinh lý, điều hòa chức năng các cơ quan. Mỗi loại hormone đều có những chức năng riêng biệt. Nếu lượng hormone thay đổi dù chỉ là lượng nhỏ cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với cơ thể. Vậy hormone là gì? Vai trò của horrmone đối với cơ thể? Hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin trên và bệnh rối loạn hormone qua bài viết sau đây.
Hormone là gì?
Hormone là một chất được tiết ra bởi một hoặc nhiều tế bào trong cơ thể. Các chất này có nhiệm vụ giống như “người đưa thư”. Chúng gửi các tín hiệu từ tế bào của cơ quan này đến các mô của cơ quan khác. Hoạt động này thông qua đường máu để thực hiện chức năng vốn có tại cơ quan tiếp nhận. Các tế bào phản ứng lại với hormone khi chúng tiếp nhận hormone đó.
Khi bị mất cân bằng nội tiết (rối loạn hormone) thì các hoạt động sinh lý trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này gây ra các tác động tiêu cực lên những cơ quan, bộ phận trong cơ thể.
Vai trò của hormone là gì?
Hormone là chất liên quan đến hầu hết các quá trình sinh học của cơ thể. Nó đảm bảo quá trình này diễn ra nhịp nhàng và ổn định. Hormon liên quan đến quá trình tăng trưởng và phát triển, chuyển hóa thức ăn, trao đổi chất, nhịp sinh học,…
>> Xem thêm: Rối loạn nội tiết ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể
Các vai trò chính của hormon:
- Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của tế bào hoặc các mô. Từ đó, nó điều hòa quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể.
- Tham gia vào quá trình trao đổi chất và năng lượng. Ví dụ như giúp chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng và năng lượng,…
- Duy trì sự phát triển bình thường của cơ quan sinh sản, chức năng tình dục.
- Điều tiết sự thích nghi của cơ thể với môi trường. Ví dụ như duy trì nhiệt độ cơ thể,…
- Điều chỉnh tâm trạng và chức năng nhận thức.
- Tham gia điều hòa sự cân bằng nội môi của dịch nội bào và ngoại bào.
Các cơ quan, bộ phận sản xuất hormone
Trước khi tìm hiểu căn bệnh rối loạn hormone, hãy cùng YouMed điểm qua những cơ quan sản xuất hormone. Một số cơ quan trong cơ thể đảm nhiệm công việc sản xuất hormone. Mỗi cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất một số loại hormone đặc thù. Chúng có tác động toàn thân hoặc chỉ có tác động lên một vài cơ quan đích nhất định.
Tuyến tùng
Tuyến này nằm gần phía sau của hộp sọ. Nó giúp não bộ phản ứng khi có bóng tối, nhằm kích thích cơn thèm ngủ bằng việc tiết ra sản xuất hormone melatonin.
Tuyến tụy
Có phải bạn đang thắc mắc tuyến tụy tiết ra hormone gì? Tuyến tụy tiết ra các hormone như insulin, amylin và glucagon. Đây là các hormon đặc biệt quan trọng giúp ổn định lượng đường trong máu.
Gan
Có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến hầu hết quá trình chuyển hóa, thải độc trong cơ thể. Gan còn tiết ra một loại hormone có tên IGF-1 liên quan đến sự tăng trưởng của tế bào.
Tinh hoàn, buồng trứng
Tiết ra hormon testosterone (hormone sinh dục nam) và estrogen (hormone sinh dục nữ). Hormone chịu trách nhiệm cho các ham muốn tình dục, điều hòa sinh sản.
Đồng thời, các hormone này cũng chịu trách nhiệm biểu hiện các đặc tính của nam và nữ (ở nam: mọc râu, giọng trầm,…; ở nữ: phát triển vú, kinh nguyệt,…). Buồng trứng còn tiết ra một loại hormone điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và các giai đoạn mang thai tên là progesterone.
Tuyến yên
Có kích thước chỉ bằng hạt đậu tuy nhiên lại ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động sinh lý của cơ thể. Nằm dưới đáy não, tuyến yên còn được gọi là “tuyến tổng thể”, sản xuất ra các loại hormon sau:
- Hormone tăng trưởng (GH), chịu trách nhiệm cho quá trình phát triển của cơ thể.
- Hormone FSH, quy định việc sản xuất trứng trong buồng trứng và tạo ra tinh trùng của tinh hoàn.
- Hormone LH, có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ. LH cùng với FSH chịu trách nhiệm sản xuất tinh trùng ở nam giới.
- Prolactin kích thích sản xuất sữa ở phụ nữ cho con bú. Nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hệ thống miễn dịch.
>> Khám phá Cấu trúc và chức năng của tuyến yên
Tuyến giáp
Tuyến này nằm dưới hộp thanh quản, có nhiệm vụ sản xuất hormone T3 và T4. Chúng giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và giấc ngủ qua sự trao đổi chất, năng lượng.
Rối loạn hormone có nguy hiểm?
Các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài (tuổi tác, rối loạn di truyền, bệnh tật, môi trường độc hại,…) đều có thể ảnh hưởng tới khả năng sản xuất hormon.
Rối loạn hormone, dù thiếu hụt hay dư thừa, kể cả một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là phụ nữ. Một số dấu hiệu nhận biết mất cân bằng nội tiết tố ở nữ:
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Da nổi nhiều mụn.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Tâm trạng bứt rứt, khó chịu, dễ thay đổi cảm xúc, lo lắng kéo dài.
- Huyết áp tăng bất thường.
- Liên tục mắc các bệnh phụ khoa.
Trong những trường hợp này, liệu pháp điều trị có thể là bổ sung thuốc chứa hormone hoặc các thuốc khác. Điều này nhằm khôi phục lại sự cân bằng hormone trong cơ thể bạn.
Hormone có vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Nó tham gia hầu hết quá trình sinh lý cũng như chức năng của tế bào. Với các thông tin trên, YouMed hy vọng bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về hormone và căn bệnh rối loạn hormone.