1. Học phần là gì?
Học phần được hiểu như những viên gạch đặt nền móng xây dựng lên ngôi nhà, ngôi nhà đó chính là Chương trình đào tạo đại học. Học phần là sự truyền tải những nội dung kiến thức tương đối độc lập.
Học phần là một thành tố quan trọng đặc biệt không thể thiếu được trong Chương trình đào tạo, là nhân tố cốt lõi tạo nên Chương trình đào tạo. Nếu không có những học phần thì không thể có một Chương trình đào tạo. Một chương trình đào tạo hoàn chỉnh phải được cấu thành từ những học phần chuẩn. Sự phong phú của nội dung các học phần là các yếu tố chính tạo nên sự phong phú của các Chương trình đào tạo, các ngành đào tạo. Các nội dung kiến thức cần thiết phải có trong từng học phần được xây dựng phù hợp với mục tiêu chung của Chương trình đào tạo.
Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần phải gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của học phần hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều học phần. Từng học phần phải được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định.
Học phần là một mô- đun kiến thức tương đối trọn vẹn và không quá lớn để tạo nên một chương trình đào tạo dẫn đến một văn bằng, người học có thể tích lũy dần trong quá trình học tập. Mỗi học phần gồm nhiều tín chỉ khác nhau, thường có từ 2 đến 4 tín chỉ. Những học phần lớn thì số tín chỉ có thể đến 5 tín chỉ.
2. Phân loại học phần:
Để đảm bảo tính mềm dẻo trong Chương trình đào tại đại học, các học phần được phân loại thành học phần bắt buộc hay tự chọn, học phần tiên quyết. Mỗi hoại học phần đó có những đặc thù riêng cụ thể:
Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình, thể hiện những nội dung đặc trưng không thể thiếu được của ngành học, do vậy bắt buộc sinh viên phải tích lũy. Nội dung của các học phần bắt buộc là cơ sở để sinh viên có kiến thức cơ bản tiếp cận các học phần khác chuyên sâu hơn (chuyên ngành).
Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức nên biết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tùy ý để tích lũy đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình. Học phần tự chọn cho phép sinh viên được tùy chọn các học phần theo ý mình, giúp sinh viên tiếp cận được với nhiều kiến thức chuyên môn với hướng mở rộng, phong phú nội dung nhằm định hướng nghiên cứu hoặc việc làm cho sinh viên sau khi ra trường hoặc phải hoàn thành việc tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho một Chương trình đào tạo đại học.
Học phần tương đương, học phần thay thế:
Học phần tương đương được hiểu là một hay một nhóm học phần thuộc chương trình đào tạo của một khóa ngành khác đang tổ chức đào tạo tại trường được phép tịch lũy thay cho một học phần hay một nhóm học phần trong chương trình đào tạo của ngành đào tạo.
Khái niệm học phần thay thế được sử dụng khi một học phần có trong chương trình đào tạo nhưng nay không còn tổ chức giảng dạy nữa và được thay thế bằng một học phần khác đang còn tổ chức giảng dạy. Các học phần hay nhóm học phần thay thế hoặc tương đương do Khoa quản lý chuyên môn đề xuất và là các học phần bổ sung cho chương trình đào tại trong quá trình vận hành. Học phần thay thế hoặc tương đương được áp dụng cho tất cả các Khoa, các ngành học chỉ được áp dụng hạn chế cho một số khóa- ngành. Học phần thay thế được áp dụng nhiều trong các trường hợp khi chuyển đổi giữa các Chương trình đào tạo nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy số tín chỉ do Nhà trường quy định cho một Chương trình đào tạo.
Học phần A là học phần tiên quyết cho học phần B được hiểu khi điều kiện bắt buộc để đăng ký học học phần B là sinh viên đã đăng ký học và hoàn tất đạt học phần A (theo thang điểm đánh giá chung). Học phần tiên quyết chứa đựng những kiến thức cơ bản cần thiết để từ đó sinh viên có thể tiếp thu được kiến thức của các học phần kế tiếp.
Học phần A là học phần trước của học phần B, khi điều kiện bắt buộc đăng ký học học phần B là sinh viên đã đăng ký học và được xác nhận học xong học phần A (có thể chưa đạt hoặc đủ điều kiện dự thi). Sinh viên được phép đăng ký học học phần B vào kỳ tiếp sau học kỳ đã học học phần A.
Học phần A là học phần song hành của học phần B, khi điều kiện bắt buộc để đăng ký học học phần B là sinh viên đã đăng ký học học phần A. Sinh viên được phép đăng ký học học phần B vào cùng học kỳ đã đăng ký học học phần A hoặc vào kỳ học tiếp theo.
Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, việc thiết kế các nội dung học phần, những tế bào của chương trình đào tạo để chúng có thể liên kết với nhau, phát triển thành một thể hoàn chỉnh nhằm đẩy sức sống và hiệu quả luôn là vấn đề cần đặt ra đối với những người làm công tác phát triển chương trình đào tạo.
Mỗi học phần có những nội dung riêng, có học phần mang tính độc lập, có học phần mang tính kết nối. Các học phần trong chương trình đào tạo đại học phải có sự liên kết với nhau, học phần này là sự bắt đầu và cũng là sự nối tiếp của các học phần tiếp theo, là sự bổ trợ cho nhau tạo nên một sự thống nhất liên hoàn, kết nối nhau trong một chương trình đào tạo. Là sự hoàn thiện một khối kiến thức mang tính tổng thể cho một chương trình đào tạo.
Việc phân biệt các loại học phần giúp cho sinh viên có thể biết được học phần nào mình phải học, học phần nào mình phải học trước, học phần nào được tự chọn,… để sinh viên có thể thiết kế tiến trình học cho mình, theo kịp tiến độ đào tạo.
3. Học phần được thiết kế như thế nào trong Chương trình đào tạo đại học?
Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, việc thiết kế các nội dung học phần, những tế bào của chương trình đào tạo để chúng có thể liên kết với nhau, phát triển thành một thể hoàn chỉnh đầy sức sống và hiệu quả luôn là vấn đề cần đặt ra đối với những người làm công tác phát triển chương trình đào tạo.
Để cho chương trình đào tạo phong phú đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì đòi hỏi phải có các phương án tổ chức dạy học sao cho các học phần trong chương trình đào tạo có thể hỗ trợ tích cực lên nhau. Tạo nên những nền tảng kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu trong từng lĩnh vực chuyên môn. Giúp cho người học nắm chắc các vấn đề trong lĩnh vực mà người học theo đuổi. Trong chương trình đào tạo đại học của từng chuyên ngành đòi hỏi các học phần chuyên ngành phải có sự chuyên biệt cao, mang tính chuyên sâu thể hiện rõ từng ngành nghề đào tạo.
Do sự vận dựng khác nhau tùy theo điều kiện và trình độ từng trường, học phần được thực hiện ở mỗi trường có những sắc thái khác nhau, khác nhau về mức độ thông tin cung cấp trước cho sinh về chương trình đào tạo, khác nhau về mức độ có sẵn các học phần để lựa chọn ở các trường, để học thêm các ngành đào tạo chính, ngành đào tạo phụ thuộc hoặc văn bằng đại học thứ hai.
4. Vai trò của học phần:
Thông qua chương trình đào tạo, phải đưa được các quy định chuẩn cho các học phần. Trong quá trình đào tạo Nhà trường phải đưa ra những quy định chung về cách đánh giá học phần. Đối với học phần chỉ có lý thuyết hoặc cả lý thuyết và thực hành: Tùy theo tính chất của học phần điểm tổng hợp đánh giá học phần được tính văn cứ vào một phần hoặc tất cả các điểm đánh giá bộ phần, bao gồm: điểm kiểm tra thường xuyên trong quá trình học tập; điểm đánh giá nhận thức và thái độ tham gia thảo luận, điểm đánh giá phần thực hành, điểm chuyên cần, điểm thi giữa học phần; điểm tiểu luận và điểm thi kết thúc học phần, trong đó điểm thi kết thúc học phần là điểm bắt buộc cho mọi trường hợp và có trọng số không dưới 50%. Việc lựa chọn hình thức đánh giá bộ phận và trọng số của các điểm đánh giá bộ phận, cũng như các tính điểm tổng hợp đánh giá học phần do giảng viên đề xuất, được Hiệu trưởng phê duyệt và phải được quy định trong đề cương chi tiết của học phần.