Để biểu diễn tiết mục âm nhạc dù là bằng nhạc cụ hay giọng hát, thì việc xác định giọng của một bài hát là một trong những bước đầu tiên và quan trọng.
Đối với người hát, việc biết mình đang hát ở tone gì sẽ vô cùng thuận tiện để bạn giao tiếp với band nhạc khi có cơ hội tập luyện hay biểu diễn live cùng band. Đặc biệt, trong các phần giao lưu âm nhạc bất chợt, bạn và band nhạc sẽ tiết kiệm được thời gian dò tìm tone mà có thể đi ngay vào phần trình diễn.
Với những ai chơi nhạc cụ, việc xác định được giọng của bài hát sẽ giúp bạn biết được các hợp âm trong bài, từ đó có thể chơi chính xác theo sheet nhạc hoặc tự thể hiện theo cảm nhận của bản thân.
Vì vậy, nhìn chung, việc xác định giọng của một bài hát sẽ giúp người hát và chơi nhạc cụ nắm quyền tự chủ trong việc tập luyện, chuẩn bị và trình diễn, để có được sản phẩm chỉn chu nhất.
1. Xác định theo nhạc lý
Cách truyền thống và quen thuộc nhất để xác định giọng của một bài hát là dựa trên những lý thuyết có liên quan. Vì dựa trên nền tảng lý thuyết, nên đây là cách chính thống và chính xác nhất. Tuy vậy, cách xác định này đòi hỏi bạn phải nắm vững nhiều lý thuyết cũng như vận dụng một cách linh hoạt.
Lý thuyết đầu tiên mà bạn cần nắm là âm giai. Âm giai là một tập hợp các nốt cơ bản mà bạn có thể dùng cho bài hát ở một giọng nào đó, được sắp xếp theo một công thức cố định về cao độ. Cụ thể, công thức để hình thành 1 âm giai 7 nốt là:
- Âm giai trưởng: Chủ âm + 1 cung + 1 cung + ½ cung + 1 cung + 1 cung + 1 cung + ½ cung
- Âm giai thứ: Chủ âm + 1 cung + ½ cung + 1 cung + 1 cung + ½ cung + 1 cung + 1 cung
Trong đó:
- Chủ âm là nốt gốc, cũng chính là “tên” của âm giai. Ví dụ, âm giai C (Đô trưởng) có nốt chủ âm là Đô
- Cung và ½ cung là đơn vị đo cao độ trong âm nhạc. ½ cung chính là khoảng cách giữa 2 phím (không phân biệt đen trắng) liền kề nhau trên phím đàn piano (Đô và Đô thăng, Mi và Fa, Si và Đô,…)
Từ công thức trên, ta sẽ xác định được các nốt trong bất kì âm giai nào. Ví dụ, ta có một số âm giai quen thuộc như sau:
- Đô trưởng (C) : Đô – Rê – Mi – Fa – Sol – La – Si – Đô
- La thứ (Am): La – Si – Đô – Rê – Mi – Fa – Sol – La
- Rê trưởng (D): Rê – Mi – Fa – Thăng – Sol – La – Si – Đô#
- ….
Từ đó, ta có thể nhận ra rằng các âm giai sẽ khác nhau ở các dấu hoá, tức các nốt thăng và giáng. Ví dụ âm giai Đô trưởng và La thứ không có dấu thăng giáng nào, trong khi Rê trưởng và Si thứ có hai dấu thăng là Fa thăng và Đô thăng. Đây cũng chính là điểm mấu chốt giúp chúng ta xác định được bài hát đang viết ở âm giai nào, cũng chính là xác định giọng của bài hát.
Ngoài ra, bạn còn cần nắm rõ về âm giai song song. Mỗi âm giai trưởng đều có một âm giai thứ song song và ngược lại. Các cặp âm giai trưởng – thứ song song này có các nốt giống nhau, chỉ khác ở nốt gốc (ví dụ C và Am là cặp âm giai song song, cùng gồm các nốt Đô – Rê – Mi – Fa – Sol – La – Si – Đô). Cách xác định âm giai thứ song song với âm giai trưởng cho trước là: lùi nốt gốc của âm giai trưởng 1,5 cung ta sẽ được nốt gốc của âm giai thứ. Ví dụ: âm giai thứ song song với D là Bm.
Lý thuyết tiếp theo mà bạn cần nắm để xác định giọng của một bài hát là thứ tự xuất hiện của các dấu hoá. Nguyên tắc chung là các dấu hoá sẽ luôn xuất hiện theo thứ tự nhất định, có dấu phía trước rồi mới có thể có dấu phía sau. Ví dụ Fa thăng là dấu thăng phải xuất hiện đầu tiên trong bài, sau đó đến Đô thăng, vì vậy nếu một bài hát có Đô thăng thì chắc chắn đã phải có Fa thăng. Từ thứ tự này, ta cũng có công thức cho giọng cụ thể của từng số lượng dấu thăng giáng nhất định.
Thứ tự xuất hiện của các dấu thăng giáng là:
- Dấu thăng: F# – C# – G# – D# – A# – E# – B# (Fa – Do – Sol – Re – La – Mi – Si)
- Dấu giáng: Bb – Eb – Ab – Db – Gb – Cb – Fb (Si – Mi – La – Re – Sol – Do – Fa)
Từ thứ tự này, ta có “mẹo” để xác định giọng của bài dựa trên số dấu hoá như sau:
- Nếu các dấu hoá trong bài là dấu thăng: âm (nốt) gốc của âm giai là nốt cao hơn dấu thăng cuối cùng nửa cung. Ví dụ: nếu bài có F#, C# thì nốt gốc của âm giai là nốt cao hơn C# nửa cung => nốt gốc của âm giai là D => giọng của bài là Rê trưởng. Nếu bài viết ở giọng thứ, thì ta chỉ cần tìm âm giai thứ song song của âm giai trưởng là được.
- Nếu các dấu hoá trong bài là dấu giáng:
- Trường hợp 1 dấu giáng: mặc định là F (nếu là giọng trưởng) hoặc Dm (nếu là giọng thứ)
- Trường hợp có nhiều hơn 1 dấu giáng: âm (nốt) gốc của âm giai là nốt giáng áp chót. Ví dụ: bài có ba dấu giáng là Bb – Eb và Ab thì bài được viết ở giọng Eb (hoặc Cm nếu ở giọng thứ).
Câu hỏi đặt ra ở đây là, làm sao biết được một bài viết ở giọng trưởng hay thứ? Điều kiện giúp xác định ở đây là tính chất của bài. Bài được viết ở giọng trưởng sẽ mang màu sắc tươi sáng, tích cực hơn, trong khi bài viết ở giọng thứ sẽ mang màu buồn, u tối.
Cách làm trên đây sẽ phù hợp nhất cho trường hợp bạn có sheet nhạc, để biết ngay bài có những dấu hoá nào. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không có sheet nhạc, thì cách xác định là nghe và chơi lại giai điệu chính của bài trên đàn. Thông thường, bạn có thể xác định được số dấu thăng giáng trong một vài câu của bài, sau đó có thể áp dụng lại phương pháp bên trên.
2. Dùng công cụ hỗ trợ
Cách xác định dựa theo lý thuyết bên trên có tính chính xác và logic cao, tuy nhiên, nếu bạn chưa biết gì hoặc chưa đủ vững về nhạc lý, thì việc hiểu và thực hành được là không hề dễ dàng. Trong thời đại công nghệ và AI phát triển như hiện nay, thì lĩnh vực âm nhạc cũng có thể ứng dụng tiến bộ này trong công việc và học tập.
Cụ thể, trong trường hợp xác định giọng của một bài hát, có một công cụ hữu ích và tiện dụng là: https://vocalremover.org/vi/key-bpm-finder
Để sử dụng, bạn chỉ cần upload file nhạc lên và AI sẽ giúp bạn xác định giọng của bản nhạc. Tuy nhiên, vì là máy móc nên việc xác định sẽ mang tính chính xác 80-90%. Ngoài ra, bạn cũng cần có file nhạc sẵn trong máy tính/điện thoại để upload.
Hy vọng những chia sẻ trên từ SEAMI sẽ giúp bạn biết cách xác định giọng của một bài hát, từ đó có sự chuẩn bị và ứng biến tốt hơn cho phần trình diễn của mình.
Nếu có câu hỏi liên quan đến các vấn đề về âm nhạc, tập luyện, biểu diễn,…, bạn cũng có thể gửi cho SEAMI thông qua mục Hỏi – đáp nhé!