Giâm cành là một phương pháp nhân giống cây trồng được sử dụng phổ biến hiện nay. Vậy các bạn có biết giâm cành là gì chưa? Phương pháp giâm cành đúng kỹ thuật như nào? Hãy cùng theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về phương pháp này nhé.
Giâm cành là gì?
Giâm cành là một phương pháp trồng cây rất phổ biến, thay vì sử dụng hạt giống thì chúng ta sử dụng một nhánh cây con có đủ mắt, chồi cắm xuống đất cho bén rễ, phát triển thành cây mới. Phương pháp giâm cành khá đơn giản và ưu việt hơn so với phương pháp truyền thống.
Quy trình giâm cành đúng kỹ thuật
Sau khi tìm hiểu chi tiết giâm cành là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các bước giâm cành đúng kỹ thuật ở phần này.
Bước 1: Chuẩn bị
Trước khi thực hiện, các bạn cần phải chuẩn bị các thứ dưới đây:
– Dao, cưa nhỏ hoặc kéo cắt cành chuyên dụng.
– Xẻng nhỏ để xúc đất.
– Màng bọc bằng nilon để bọc bầu đất xung quanh gốc cây.
– Đất sạch, phân trùn quế, xơ dừa vụn và tro trấu để trộn hỗn hợp trồng cây.
– Chậu, khay trồng có độ cao tối thiểu 20cm hoặc trồng trực tiếp lên đất.
– Chất kích rễ được pha bằng một trong các loại dung dịch sau: mật ong, giấm táo, nước lá liễu hoặc chất kích rễ chuyên dụng như IBA, NAA.
Bước 2: Cắt cành để giâm
Các bạn chọn những đoạn cành có những đặc điểm sau:
– Độ dài từ 7 – 10cm.
– Xanh tốt, khỏe mạnh và không bị sâu bệnh.
– Độ lớn vượt trội hơn so với những cành khác ở trên thân cây.
– Cành bánh tẻ (đoạn có nhánh chữ Y).
Sau khi đã chọn được cành vừa ý, các bạn cắt vát bằng kéo cắt cành chuyên dụng để cành cây không bị dập nát. Nên cắt cành giâm vào những thời điểm mát mẻ trong ngày bởi lúc này lượng nước trong cây còn đầy đủ nhất, không bị bốc hơi.
Bước 3: Pha dung dịch kích rễ
Nếu sử dụng mật ong, các bạn pha mật ong với nước nóng theo tỉ lệ 1:3. Sau đó, khuấy đều hỗn hợp rồi để nguội. Tiếp theo, các bạn nhúng nhánh cây đã cắt vào trong dung dịch này.
Nếu sử dụng giấm táo thì cho 1 muỗng nhỏ giấm táo vào 1 lít nước, khuấy đều rồi nhúng cành giâm vào. Khi cành giâm đã thấm dung dịch giấm táo 1 nửa thì lấy ra và vùi vào bột quế xay nhuyễn.
Nếu sử dụng nước lá liễu, các bạn cắt khoảng 30 đoạn cành liễu non không có lá, mỗi đoạn dài 3cm. Sau đó, cho tất cả vào bình nước sôi với lượng nước gấp đôi lượng liễu và ngâm 24 giờ ở nơi có nắng. Tiếp theo, cho dung dịch nước liễu ngâm vào bình xịt và tưới đều cho cành cây trước khi giâm.
Nếu dùng các dung dịch kích thích mọc rễ chuyên dụng, các bạn hãy làm theo hướng dẫn sử dụng trên vỏ chai nhé.
Bước 4: Chuẩn bị giá thể để giâm cành
Đầu tiên, các bạn cần phải chuẩn bị phần đất trồng cho giá thể. Hỗn hợp này được trộn theo đúng tỉ lệ: 1 phần trấu hun, 2 phần xơ dừa, 3 phần trùn quế và 4 phần đất sạch. Nếu thay đất sạch bằng đất có sẵn tại vườn thì cũng cần phải xử lý bằng nước vôi trong để đảm bảo không bị sâu bệnh. Loại đất tốt nhất cho giâm cành chính là đất đỏ vàng có độ PH từ 4.5 – 6.0.
Nếu giá thể là chậu, khay hay bầu nilon thì chúng ta chỉ việc lấp đầy bằng hỗn hợp đất trồng đã trộn ở bên trên và đặt vào nơi ít nắng là có thể tiến hành giâm cành. Lưu ý đảm bảo việc thoát nước cho giá thể, thường chậu và khay trồng đều có lỗ thoát nước ở bên dưới, còn bầu nilon thì các bạn cần tạo thêm 6 – 8 lỗ ở mặt dưới để thoát nước tốt.
Nếu bạn tận dụng khoảng đất trống ngoài vườn để làm giá thể giâm cành thì các bạn cần tạo thành các luống cao khoảng 20cm – 25cm, rộng 50cm và dài từ 1m – 1m2.
Bước 5: Tiến hành giâm cành
Cắm cành cần giâm vào trong giá thể với độ sâu bằng ½ độ dài của cành, góc cắm phải nghiêng 45 độ so với mặt đất để tăng diện tích tiếp xúc. Khoảng cách giữa các cành từ 10 – 15cm, sau khi cắm xuống phải ép chặt đất xung quanh gốc và tưới nước ngay lập tức để giữ chặt cành vào đất.
Mỗi loại cây sẽ có thời điểm giâm cành thích hợp riêng, cụ thể như sau:
– Cây chè được tiến hành giâm cành trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9.
– Cây ăn quả thì nên được tiến hành giâm cành vào 2 thời điểm trong năm là từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 10.
Bước 6: Chăm sóc sau quá trình giâm cành
Để đảm bảo các điều kiện giúp cành phát triển tốt sau khi giâm xuống đất, các bạn cần phải đảm bảo:
– Độ sáng 60%, không để cho ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào sẽ làm cho các nhánh cây con bị khô. Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 5, các bạn có thể làm giàn che thưa có độ sáng tăng lên 80%. Sau 6 tháng thì mới tháo hẳn giàn che để cho cây quang hợp tối đa.
– Giữ mức nhiệt độ thích hợp từ 20 – 25 độ, độ ẩm thích hợp từ 85% – 90%.
– Tháng đầu tiên cần phải tưới nước hằng ngày cho cây. Đến tháng thứ 2 thì có thể giảm tần suất xuống còn 2 ngày/lần. Sau 3 tháng thì có thể tưới từ 3 – 5 ngày/lần. Mục đích chính là cung cấp lượng nước vừa đủ cho cây để tránh tình trạng ngập úng.
– Trong 2 tháng đầu tiên, các bạn cần bón thúc bằng nước phân chuồng pha loãng ở nồng độ 0.5%. Sau đó, tiếp tục bón với nồng độ 1%, việc tăng nồng độ phân bón lên dần sẽ giúp cho cây thích ứng tốt hơn và không bị quá tải khi tiếp nhận quá nhiều chất dinh dưỡng.
– Nếu không sử dụng phân chuồng, các bạn cũng có thể dùng hỗn hợp các loại phân khoáng theo đúng tỷ lệ sau:
+ Sau 2 tháng: 5g ure + 4g supe lân + 7g kali
+ Sau 4 tháng: 14g ure + 6g supe lân + 10g kali
+ Sau 6 tháng: 18g ure + 8g supe lân + 14g kali.
Bước 7: Trồng vào vườn
Khi cành giâm đã ra lá và chồi non, các bạn có thể mang ra vườn trồng. Đầu tiên, các bạn cần xác định được độ vươn xa của rễ bằng cách đào nhẹ xuống gốc cây. Sau khi đã biết rõ được bán kính trung bình của bầu đất thì đào hàng loạt các hố đất có kích thước tương ứng rồi đặt bầu đất chứa cành giâm vào. Ngay khi trồng vào vườn cần phải ép chặt đất xung quanh gốc và tưới nước để tăng độ vững chắc cho cây.
Ưu điểm của phương pháp giâm cành
Qua những thông tin trên, chắc chắn các bạn đã hiểu rõ kỹ thuật giâm cành là gì, phương pháp giâm cành đúng kỹ thuật. Tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ưu điểm của phương pháp này.
– Tận dụng nguồn giống từ cây mẹ nên tiết kiệm được chi phí mua hạt giống khi cần trồng cây với số lượng lớn.
– Cây con sẽ kế thừa được hầu hết những đặc tính từ cây mẹ. Chính vì vậy sẽ không cho những kết quả biến dị khi nhân giống. Điều này rất có ý nghĩa trong quá trình tạo ra các giống cây mới.
– So với phương pháp gieo hạt truyền thống, việc giâm cành sẽ giúp tăng thêm 30% – 40% năng suất cây trồng, mức độ sinh trưởng và phát triển của các cây con cũng cực kỳ đồng đều.
– Giúp rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây, nhanh ra hoa, kết trái và thu hoạch sớm hơn so với dự kiến.
Giâm cành và chiết cành khác nhau ở điểm nào?
Sau khi tìm hiểu giâm cành là gì ở bên trên, chắc chắn nhiều bạn thắc mắc giâm cành và chiết cành khác nhau ở điểm nào? Để trả lời được câu hỏi này các bạn cần phải hiểu rõ chiết cành là gì trước đã.
– Chiết cành là phương pháp làm cho cành, nhánh cây ra rễ rồi mới cắt đem đi trồng.
– Giâm cành là cắt cành cây có đủ mắt, chồi rồi cắm xuống đất ẩm cho ra rễ.
Như vậy, qua khái niệm trên, các bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra điểm khác nhau giữa 2 phương pháp nhân giống vô tính này rồi.
Hy vọng bài viết mang đến những thông tin hữu ích để các bạn hiểu rõ hơn về phương pháp giâm cành. Qua đó có thể thực hiện nhân giống các cây trong vườn thành công.