1. Ghost được hiểu là gì?
Trong tiếng Anh, ghost được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: ma, bóng ma, linh hồn của người đã mất. Tuy nhiên khi bạn nhìn thấy ghost trong comment của các bạn trẻ thì hãy cẩn thận, nghĩa của nó không giống như vậy đâu. Lúc này, ghost sẽ được hiểu theo nghĩa tiếng việt và phổ biến của thế hệ gen Z là hoàn toàn ngó lơ, đi đôi với đó là việc ai đó ngừng hoàn toàn mọi liên lạc với đối phương mà không có bất cứ lời giải thích nào. Thực tế thì ghost có thể xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội thông thường diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, ta thường thấy ghost xuất hiện nhiều nhất ở các mối quan hệ tình cảm, yêu đương lãng mạn. Tình trạng này càng phổ biến hơn nữa khi công nghệ thông tin phát triển dẫn đến các app hẹn hò trực tuyến càng nhiều, việc hẹn hò và yêu đương online cũng theo đó mà trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Một số app hẹn hò online thông dụng hiện nay có thể kể đến như: Tinder, Grindr, Bumble, Blued, …
2. Thế nào là bị Ghost?
Một người bị người khác ghost tức là bị đối phương ngó lơ, cho “ăn quả bơ” tất cả tin nhắn, cuộc gọi, cũng như bất kỳ hình thức kết nối nào từ đối phương, và họ thường sẽ không nhận được bất kỳ lời giải thích hay thông báo nào từ người kia.
Tóm lại thì, bị ghost được hiểu là tình trạng mà ai đó bị đối tượng hẹn hò của mình ngó lơ hoàn toàn. Đối tượng hẹn hò sẽ nhanh chóng “bốc hơi” khỏi cuộc sống của bạn như thể họ chưa từng xuất hiện giống như một “bóng ma” vậy. Như đã đề cập đến ở trên “bóng ma” cũng là nghĩa gốc của từ ghost trong tiếng Anh. Thế nên cũng có một số người dùng từ ghosting để nói tới hành vi này, bên cạnh đó, người mà muốn cắt đứt liên lạc (đi ghost người khác) thường được gọi là ghoster.
3. Thế nào là Ghosting?
Ghosting là từ dùng để chỉ trạng thái cho ai đó ăn bơ toàn tập thông qua cách thôi liên lạc với người nào đó mà không đưa ra bất kỳ một lời thông báo hay giải thích nào. Trong các mối quan hệ yêu đương, lãng mạn thì ghosting thường xuất hiện. Trong khi người đi ghost người khác được gọi là ghoster thì kẻ bị người ta ghost được gọi ghosted.
Về nguồn gốc của ghosting, năm 1996, thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên khi một nhân vật của nhóm chat cổ điển Usenet than thở rằng đã bị ghost bởi cô gái mà anh chàng đem lòng yêu mến với hội bạn của mình. Đây có thể được coi như là là nguồn gốc cho việc sử dụng từ ghost như hiện nay. Và năm 2004, trên Dictionary từ ghost được định nghĩa là việc ai đó cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc trong một mối quan hệ.
Năm 2015, ghosting lần đầu được sử dụng rộng rãi trên báo chí khi sự kiện diễn viên nổi tiếng Charlize Theron chia tay người yêu bằng việc đột ngột cắt đứt mọi liên lạc bùng nổ. Theo một khảo sát vào năm 2018 thì ghosting khá phổ biến trong đời sống hàng ngày. 25% số người được hỏi, bao gồm cả nam lẫn nữ trả lời rằng họ đã từng bị ghost. Ngược lại, 22% cho biết họ đã từng ít nhất một lần ghost ai đó.
Như đã đề cập đến ở trên thì việc ghosting sẽ là dấu chấm hết cho một mối quan hệ mà không có bất kỳ một lời thông báo nào. Điều này khác với thông thường bởi vì trong một mối quan hệ, khi muốn chia tay người ta sẽ hẹn gặp đối phương lần cuối hoặc đơn giản hơn là tuyên bố chấm dứt qua tin nhắn, cuộc gọi. Cũng vì lý do không biết tại sao mình lại bị ghost nên người bị ghost có xu hướng tự dằn vặt bản thân, họ sẽ suy nghĩ rất nhiều về việc chuyện gì đang diễn ra, từ đó hình thành những cảm xúc tiêu cực, độc hại như là bối rối, tổn thương, thậm chí tự trách cứ bản thân mình.
Bên cạnh đó, từ ghosting hiện nay còn được giới trẻ sử dụng như một từ biểu thị cho những hành động kiểu tạm thời biến mất như: rất lâu mới trả lời tin nhắn, đã xem tin nhắn mà không trả lời (seen mà không rep), cố ý không phản hồi tin nhắn của ai đó trong một khoảng thời gian rất dài. Trong những trường hợp như thế này, ghosting không hoàn toàn là việc kết thúc, chấm dứt một mối quan hệ. Nó chỉ là tiếng lóng, tức là người mình thích đã có dấu hiệu ngó lơ mình, không nhanh chóng trả lời tin nhắn của mình nữa mà thôi.
4. Nguyên nhân dẫn đến việc bị Ghost trong tình yêu:
– Thực tế thì hẹn hò online hiếm khi lâu dài như hẹn hò offline. Bởi khi hẹn hò offline, hai người sẽ nói chuyện, tiếp xúc trực tiếp với nhau nên cảm xúc sẽ mãnh liệt, kéo dài hơn. Nếu như lỡ thấy đối phương không hợp, họ vẫn giữ thái độ lịch sự bởi dù sao cũng đã có những lần gặp nhau nghiêm túc ngoài đời. Còn việc hẹn hò online thì hai người chỉ cần cái điện thoại, cái laptop,… để kết nối với nhau. Hẹn hò online đơn giản hơn hẹn hò offline rất nhiều bởi người dùng app chỉ cần thực hiện hai động tác “match – unmatch”: thấy hợp thì “quẹt”, không hợp thì “bỏ quẹt”, có thể chỉ mất vài cú nhấn chuột, không cần quan tâm phản ứng đối phương sẽ như thế nào. Thậm chí rất nhiều trường hợp hẹn hò online một thời gian nhưng cả hai không biết mặt nhau, không nắm được thông tin của đối phương là thật hay giả. Các trang mạng xã hội hay ứng dụng hẹn hò online gần như không cho người dùng bất kỳ hình thức nào để liên lạc lại hay tìm kiếm thêm thông tin về người từng là bạn bè hay đối tượng hẹn hò, trừ trường hợp hai người tự trao đổi cho nhau từ trước, cũng vì thế mà một khi đã hủy chặn hay unmatch thì việc tìm kiếm lại là vô cùng khó khăn. Tức là nếu mới gặp gỡ một người, mối quan hệ chưa có gì sâu sắc và thân thiết, con người sẽ cảm thấy chẳng có vấn đề gì lớn nếu muốn bước ra khỏi một mối quan hệ mà không cần thông báo gì. Lúc này đây họ chẳng cần chịu trách nhiệm với người khác cũng không lo người bị ghost tìm được mình.
– Ngoài ra, mọi giai đoạn của một mối quan hệ hẹn hò đều bị đốt cháy hết sức nhanh chóng. Và vì thế khiến cho người ta có cảm giác thờ ơ, ít trách nhiệm, không bền chặt, dễ đổ vỡ.
– Một lý do khách quan khác là người dùng ứng dụng thường nói chuyện với nhiều người cùng lúc, do vậy mà cảm xúc không quá mãnh liệt cho bất cứ đối tượng nào cả.
– Một nguyên nhân khác là sự nhập nhằng và không rõ ràng. Như cách nói phổ biến thế hệ gen Z ngày nay thì được hiểu là “lúc bắt đầu không là gì thì khi kết thúc cũng như vậy”. Ngay từ đầu cả hai bên (hoặc một bên) đã có thái độ không nghiêm túc, không hướng tới mục đích xây dựng mối quan hệ bền chặt. Thậm chí có những trường hợp họ lên app hẹn hò với mục đích tìm friend with benefit (fwb), tức là họ muốn một mối quan hệ giữa hai người hẹn hò và quan hệ tình dục để thỏa mãn nhu cầu tình dục chứ không có bất kỳ cảm xúc yêu đương hay cam kết, hứa hẹn lâu dài nào giữa họ.
– Cũng có những trường hợp kiểu “kẻ bị tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác” khi ai đó từng bị ghost đột ngột mà không một lời giải thích nên họ muốn người khác cũng phải chịu cảm giác ấy. Tuy nhiên đây chỉ là số ít.
5. Làm thế nào để nhận biết mình có nguy cơ bị Ghost?
– Bạn luôn là người chủ động nhắn tin cho đối phương. Có thể, đối phương nghĩ bạn không đáng giá để họ mất thời gian, họ không quan tâm bạn.
– Câu trả lời của đối phương là ngắn gọn bất thường. Hoặc một thời gian dài họ mới rep tin nhắn của bạn.
– Người đã từng ghost bạn trước đó (sau đó hai người lại “quay lại” với nhau) thì người đó rất dễ ghost bạn thêm lần nữa.
– Đối phương tìm cách, tìm lý do để các kế hoạch bị hủy bỏ hoặc thậm chí không bao giờ được thực hiện.
– Bạn bị chặn hoặc đối phương không thân mật với bạn trên các phương tiện truyền thông xã hội.
6. Cần làm gì khi bị Ghost?
Mặc dù bị ghost rất khó chịu và bực mình, thậm chí là xấu hổ, dằn vặt nhưng trong khoảng thời gian này, bạn không nên đi sâu phân tích quá mức vấn đề và cố tìm ra lý do cho sự biến mất của đối phương. Bạn có thể sẽ bị rơi vào cái bẫy tâm lý và liên tục đổ lỗi cho bản thân mình vì những điều đã xảy ra. Nên nhớ rằng, bạn không có lỗi trong chuyện này và đừng tự dằn vặt bản thân mình vì sự biến mất không báo trước của một người không trân trọng mình. Chỉ cần nhớ rằng những buồn bã này là một phần tất yếu trong cuộc sống và thất bại là mẹ thành công. Bạn cần giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo, tránh tình trạng van nài hay gửi những tin nhắn giận dữ. Một mối quan hệ biến mất sẽ giúp bạn học được cách trân trọng và yêu quý bản thân, rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm để sẵn sàng bước tiếp vào các mối quan hệ mới.