Rối loạn di truyền theo truyền thống thường chia thành ba loại chính: khuyết tật đơn gen, đột biến nhiễm sắc thể (NST) và các yếu tố khác. Sàng lọc các yếu tố rối loạn di truyền, đặc biệt là đột biến NST, là điều cần thiết để có các biện pháp phòng ngừa, chiến lược điều trị thích hợp.
Đột biến nhiễm sắc thể là gì? Đột biến dị bội là gì?
Đột biến nhiễm sắc thể, hay bất thường nhiễm sắc thể, là một rối loạn đặc trưng bởi sự thay đổi hình thái hoặc số lượng ở nhiễm sắc thể đơn hoặc ở nhiều nhiễm sắc thể, ảnh hưởng đến các nhiễm sắc thể thường, nhiễm sắc thể giới tính hoặc cả hai loại NST này.
Các bất thường về nhiễm sắc thể thường chia thành hai loại cơ bản: số lượng hoặc cấu trúc.
- Rối loạn về số lượng: phổ biến hơn nhiều so với rối loạn cấu trúc, chúng liên quan đến bất kỳ sự sai lệch nào so với số lượng lưỡng bội bình thường của một loài nhất định.
- Các độ biến về cấu trúc liên quan đến sự sắp xếp lại bộ gen của một hoặc nhiều nhiễm sắc thể. Hầu hết các sai lệch cấu trúc là kết quả của sự trao đổi không đồng đều giữa các nhiễm sắc thể hoặc do enzym làm sai lệch hai nhiễm sắc thể
Đột biến dị bội là một kiểu hình thuộc nhóm đột biến số lượng NST mà tại một hoặc nhiều cặp NST tương đồng sẽ thừa hoặc thiếu. Đây là bất thường NST phổ biến nhất ở người, chiếm đến 5-10% tổng thai phụ ở Mỹ, và là nguyên nhân di truyền hàng đầu gây sẩy thai và dị tật bẩm sinh.
Hầu hết các thể dị bội đều gây chết. Tuy nhiên, có một số ít các hội chứng có thể sống sót.
Đột biến nhiễm sắc thể gây ra bệnh gì?
Đột biến NST có thể gây ra một số hội chứng bất thường như:
- Hội chứng Down: Hội chứng Down là bất thường của nhiễm sắc thể số 21 có thể gây ra những thay đổi bất thường như trẻ bị khuyết tật về trí tuệ, não bé, hình thể thấp, và có khuôn mặt đặc trưng cụ thể. Chẩn đoán của bệnh được phát hiện khi trẻ có những bất thường về đặc điểm tầm vóc, phát triển bất thường và hội chứng sẽ được chẩn đoán bằng nhiễm sắc thể. Điều trị phụ thuộc tình huống. Tỷ lệ mắc chung của số trẻ em sinh ra là khoảng 1/700, nguy cơ gia tăng khi tuổi của người mẹ tăng lên.
- Hội chứng Edwards, Trisomy E: Hội chứng này được gây ra do việc thêm một nhiễm sắc thể 18 và hầu hết hội chứng đều liên quan đến những khuyết tật về trí tuệ, cân nặng cùng các dị tật bẩm sinh bao gồm não rất nhỏ, khiếm khuyết trong tim, ụ chẩm lồi,…Tỉ lệ mắc bệnh là khoảng 1 trên 6000 trẻ em được sinh ra nhưng phần lớn đều bị sảy thai.
- Ngoài ra, còn có các đột biến do NST gây ra như hội chứng Patau, hội chứng xóa đoạn nhiễm sắc thể, hội chứng XYY, các hội chứng NST giới tính, hội chứng mất đoạn và lặp đoạn gen rất nhỏ,…
Nguyên nhân phát sinh đột biến nhiễm sắc thể
Nhiễm sắc thể là một phân tử DNA[1] dài có một phần hoặc toàn bộ bộ gen chính của một sinh vật. Mỗi sinh vật, mỗi tế bào đều có 46 nhiễm sắc thể xếp thành 23 cặp. Khi một nhiễm sắc thể bị bất thường, nó có thể gây ra nhiều vấn đề cho cơ thể. Đột biến NST thường xảy ra do lỗi trong quá trình phân chia tế bào. Các bất thường về nhiễm sắc thể thường xảy ra do một hoặc nhiều nguyên nhân sau:
- Lỗi trong quá trình phân chia tế bào sinh dục (meiosis)
- Lỗi trong quá trình phân chia của các tế bào khác (nguyên phân)
- Tiếp xúc với các chất gây dị tật bẩm sinh (quái thai)
Hậu quả đột biến nhiễm sắc thể
Những bất thường NST này có hậu quả lâm sàng đáng kể bao gồm là sẩy thai tự nhiên, thai chết lưu, trẻ em sơ sinh tử vong hoặc nhập viện, có nguy cơ cao dị tật, thiểu năng trí tuệ hoặc một hội chứng nào đó có thể xác định được. Chưa hết, trẻ còn có nguy cơ về các bệnh tật trong giai đoạn trưởng thành hoặc trẻ gặp các vấn đề trong việc phát triển cơ thể, chiều cao,…
Trẻ sinh ra cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý do mặc cảm tự ti do dị tật hoặc bị hội chứng nào đó gây ra nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Đột biến nhiễm sắc thể khi mang thai
Đột biến này có thể xảy ra khi trứng và tinh trùng được hình thành hoặc trong giai đoạn phát triển ban đầu của thai nhi. Tuổi của người mẹ và một số yếu tố môi trường nhất định có thể đóng một vai trò như nhân tố trong việc xuất hiện các lỗi di truyền. Phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn. Ngoài ra, các yếu tố môi trường, như tiếp xúc với chất phóng xạ, sử dụng một số loại thuốc trong quá trình mang thai – chẳng hạn như tretinoin, thuốc tránh thai,… – cũng có thể liên quan đến các bất thường nhiễm sắc thể.
Như đã nói ở phía trên, phụ nữ mang thai mà thai nhi có bất thường NST có thể phải đối mặt với hậu quả như sẩy thai hoặc thai chết lưu. Sàng lọc và xét nghiệm trước sinh có thể được thực hiện để kiểm tra nhiễm sắc thể của thai nhi và phát hiện một số bất thường nhưng không phải tất cả các dạng bất thường nhiễm sắc thể. Ngoài ra, một số dạng bất thường NST có thể hình thành sau khi sinh.
Tham khảo: Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPS giúp phát hiện dị tật sớm ở thai nhi.