Khi làm bài văn hoàn chỉnh, không chỉ về phần kiến thức, chúng mình còn cần lưu ý đến tính mạch lạc và liên kết giữa các luận điểm, luận cứ và các câu văn, đoạn văn trong bài. Nếu em vẫn chưa biết làm thế nào, thì hãy tham khảo bài viết dưới đây.
1. Liên kết từ ngữ: Những kết nối chính trong bài văn trên được thể hiện bằng các kết từ (từ liên kết). Những kết từ này sẽ thực hiện nhiệm vụ gắn kết các nội dung chính của bài văn. Sử dụng các kết từ như vậy là một cách thiết lập tính mạch lạc cho bài văn. Không những vậy, chúng sẽ tạo sự gắn kết giữa các câu trong một ý chính của đoạn.
1.1. Từ nối
-
Mở đầu: Trước tiên, trước hết, thứ nhất, bước vào trang văn ta bắt gặp…
-
Chuyển tiếp, bổ sung: Không chỉ vậy, bên cạnh đó, ngoài ra, không chỉ dừng lại ở đó, sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến…
-
Tương phản, đối lập: Tuy nhiên; lật ngược vấn đề, ta nhận thấy…; ngược lại…
-
Chốt ý: Như vậy, thông qua, qua đó, quả thật…
-
Cặp quan hệ từ: Không những… mà còn, nếu…thì, càng… càng…
Ví dụ:
Nhân cách cao đẹp của nhân vật lão Hạc trước hết được thể hiện ở việc thương yêu con hết mực, làm lụng vất vả một đời cũng chỉ vì khao khát mang đến cho người con duy nhất của ông cuộc sống ấm no.
Đối với lão Hạc, Cậu Vàng không chỉ là vật nuôi mà còn là sự hiện diện của đứa con trai đã mấy năm không về. Ông chửi yêu rồi tâm sự đủ điều, giãi bày nỗi niềm mong ngóng con “Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về. Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy…”
ĐỌC THÊM: BÍ KÍP VIẾT VĂN HAY – CÁC EM ĐÃ BIẾT CHƯA??
1.2. Từ thay thế, quy chiếu: Kết nối này được biểu hiện bởi các cụm từ quy chiếu: này, kia, đó, ấy…
Ví dụ:
Trong Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng đã tạo nên bức tranh với những mảng màu đối chọi, tương phản nhau. Người đọc có thể thấy rõ điều ấy thông qua nhan đề, cách đặt tên và xây dựng nhân vật cũng như cách khắc họa tình huống.
2. Liên kết bằng việc thống nhất trong chủ đề (nội dung): Hơn cả việc mạch lạc trong hình thức, tính thống nhất trong chủ đề là đặc điểm quan trọng của đoạn văn, bài văn mạch lạc. Bài văn mạch lạc là bài văn tập trung vào một chủ đề chính – yêu cầu của đề. Đó là khi các luận điểm, luận cứ, chi tiết, kết luận đều nói với người đọc về một chủ đề chính. Nội dung của các đoạn trong bài văn phải mạch lạc, nghĩa là nội dung giữa các đoạn phải có sự gắn kết với nhau một cách logic, sắp xếp theo một trình tự hợp lý, cần tránh viết những câu xa đề, lạc ý, sai ngữ pháp, hoặc viết đoạn văn dài dòng, các ý sắp xếp lộn xộn, trùng lặp.
Ví dụ:
Với đề bài “Anh (chị) hãy viết bài văn phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam”, ta cần phải sắp xếp nội dung các đoạn trong bài để phục vụ yêu cầu của đề “phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật” tránh bị trùng lặp ý giữa nội dung và nghệ thuật mà đề bài yêu cầu.
3. Liên kết bằng nhận định văn học: Những nhận định văn học liên quan tới nội dung cần viết có thể khiến cho bài viết trở nên liên kết, mạch lạc với nhau hơn đồng thời giúp cho bài viết của bạn sẽ sâu sắc và mới mẻ hơn rất nhiều.
Ví dụ:
Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải thực sự là “tiếng sáo thổi lòng thời đại, thành giao liên dẫn dắt đưa đường”. Dường như ý thức rõ về điều này, nhà văn Tô Hoài trong những ngày tháng sống ở Tây Bắc đã viết nên “Vợ chồng A Phủ”. Áng văn là “tiếng sáo”, là “giao liên” dẫn ta tới hiện thực cuộc sống lặng im Tây Bắc và cho chúng ta thấy những khát khao đẹp đẽ về tự do và hạnh phúc của con người.
Hoài Thanh gọi thơ Xuân Diệu là “nguồn sống dạt dào chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này” phải chăng bởi nhà thơ đã đốt cháy xúc cảm say mê mãnh liệt với cuộc đời. Thơ của ông là “bầu xuân”, là bình chứa muôn hương của tuổi trẻ, sức sống và tình yêu như chính tác phẩm “Vội vàng” của mình.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
– Fanpage Học Văn Chị Hiên
– Fanpage Học Văn Chị Hiên – THCS Lớp 6,7,8,9