“Mật ong, sữa, sữa đậu nành
Ăn cùng tắc tử phải đành xa nhau
Thịt dê ngộ độc do đâu?
Chỉ vì dưa hấu xen vào bữa ăn”
Có thể bạn vẫn chưa quên những đoạn trong bài thơ về thực phẩm kỵ nhau từng được chia sẻ rất nhiều trên mạng ở Việt Nam trước đây. Theo các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành về dinh dưỡng, bài thơ không rõ nguồn gốc này được viết nên mà không dựa vào căn cứ khoa học.
Mặc dù vậy, trên thực tế cũng có một số cặp thực phẩm “kỵ nhau” mà bạn không nên ăn cùng lúc. Chúng không đến nỗi gây ung thư và đột tử. Nhưng khi kết hợp các loại thực phẩm này, bạn có thể bị đầy bụng, tăng lượng đường trong máu hoặc giảm hấp thu các chất dinh dưỡng.
Các chuyên gia dinh dưỡng đến từ Hoa Kỳ sẽ chỉ ra cho bạn biết, đâu là 10 trường hợp như vậy:
1. Trà và sữa
“Trà đen giàu chất chống oxy hóa có tác dụng giảm viêm- nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý mạn tính cho cơ thể, bao gồm tim mạch và tiểu đường”, chuyên gia Alissa Rumsey, phát ngôn viên của Viện dinh dưỡng và chế độ ăn Hoa Kỳ cho biết.
Tuy nhiên, uống sữa sau khi uống trà có thể làm tiêu tan hết những lợi ích sức khỏe đó. Cho dù bạn chỉ uống một ngụm sữa nhỏ, “protein trong sữa sẽ gắn kết với chất chống oxy hóa trong trà, ngăn cản chúng được cơ thể hấp thụ”, Rumsey giải thích.
Tiếp đó, sữa uống chung với trà cũng khiến bạn không nhận được lợi ích từ canxi. “Caffeine trong trà có thể làm giảm sự hấp thụ canxi”, Rachel Meltzer Warren, chuyên gia dinh dưỡng đến từ New York cho biết. “Nếu bạn thực sự muốn thêm một thứ gì đó có ích vào trà, hãy vắt một chút nước chanh. Nó sẽ làm tăng lượng chất chống oxy hóa mà cơ thể bạn có thể hấp thụ”.
2. Bánh mỳ trắng và mứt hay nước ngọt
“Carbohydrate đơn là thứ làm tăng lượng đường trong máu một cách kinh khủng nhất”, Liz Weinandy, chuyên gia dinh dưỡng và chế độ ăn tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Ohio cảnh báo. Vì vậy, ăn kết hợp một lúc từ 2 đến 4 thực phẩm sau sẽ là một công thức thảm họa: bánh mỳ trắng, mứt, nước ngọt và khoai tây chiên.
“Mức đường trong máu của bạn sẽ tăng lên nhanh chóng. Và cơ thể bạn sẽ phải làm việc rất vất vả để có thể hạ nó xuống, nhờ vào việc giải phóng insulin từ tuyến tụy”, Wainandy nói. Một khi đường trong máu giảm xuống, mức năng lượng và tâm trạng của bạn sẽ chạm đáy. Bạn sẽ nhanh chóng thấy mệt mỏi và có thể khó chịu, cáu bẳn với bất cứ ai, bất kì thứ gì.
Chưa dừng lại ở đó, Wainandy cho biết thêm “về lâu về dài thì quá trình này có thể làm tổn hại tuyến tụy, tạo ra sự kháng insulin và gây nên bệnh đái tháo đường”. Vậy một ý tưởng thông minh hơn là gì: Thay vì ăn bánh mỳ trắng với carb tinh chế, bạn hãy ăn carb toàn phần giàu chất xơ.
Ví dụ như lựa chọn những loại bánh mỳ nâu, nguyên cám. Chất xơ có trong đó sẽ giúp bạn làm chậm quá trình tiêu hóa, giữ cho mức đường trong máu không tăng cao quá mà cũng không giảm quá nhanh.
3. Rượu bia và cà phê
Nhiều người có thói quen uống cà phê sau khi uống rượu. Liệu điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn? Quả là một ý tưởng tồi tệ. Việc tăng năng lượng bạn nhận được từ cà phê chỉ có thể đánh lạc hướng trạng thái say của bạn. Kết quả là bạn sẽ luôn đánh giá cao hơn mức độ chịu đựng của mình.
Đừng nghĩ rằng sau khi uống cà phê là bạn có thể tỉnh táo hơn để lái xe về nhà. Nghiên cứu của Trường Y khoa, Đại học Wake Forest cho thấy: Những người tiêu thụ caffeine với rượu có nguy cơ gặp tai nạn lớn hơn so với những người không làm điều này.
Điều tương tự xảy ra với việc uống nước tăng lực sau khi uống rượu. Những hiệu ứng được tạo ra từ caffeine. Mà nước tăng lực, như Redbull chẳng hạn, cũng chứa rất nhiều caffeine trong đó.
4. Đậu lăng và vang đỏ
Rượu vang đỏ có chứa những hợp chất gọi là “tannin”. Khi tannin kết hợp với những loại rau quả giàu sắt (ví dụ như đậu lăng và đậu nành), nó sẽ làm cản trở nghiêm trọng khả năng cơ thể hấp thụ khoáng chất này.
Những người hay ăn chay chắc chắn phải biết điều đó. Rumsey nói: “Nguồn sắt đến từ thực vật bản thân đã khó hấp thụ hơn sắt từ thịt”. Vậy thì đừng uống vang đỏ cùng đậu lăng, nó còn khiến bạn khó hấp thụ đủ lượng sắt cần thiết hơn nữa.
5. Bia và harmburger
“Cả hai đều được xử lý bởi gan và cơ thể bạn sẽ ưu tiên phân giải chất cồn trước. Lí do vì nó nhận ra cồn là một chất độc”, Rumsey nói. Điều này khiến cho chất béo trôi nổi trong máu bạn, nơi mà nó có thể được lưu trữ thành mô mỡ.
Hơn nữa, hãy tin chắc rằng bạn sẽ phải đối mặt với cảm giác đầy bụng sau khi uống bia mà ăn harmburger. “Chất béo khiến thức ăn tiêu hóa chậm hơn. Đó là lí do tại sao một bữa giàu chất béo có thể khiến bạn cảm thấy bụng mình bị nhồi nhét và nặng nề”, Rumsey nói.
6. Ăn trái cây sau bữa chính
Trái cây đi qua dạ dày một cách nhanh chóng và được tiêu hóa trong ruột của bạn. Nếu kết hợp trái cây với các loại thực phẩm mất nhiều thời gian tiêu hóa, chúng sẽ bị giữ lại quá lâu trong dạ dày rồi bắt đầu lên men. Vì vậy đừng ăn trái cây sau bữa chính, đặc biệt là khi bạn ăn nhiều thịt và ngũ cốc.
Tốt nhất, bạn nên ăn trái cây trước bữa ăn từ 30 phút đến 1 tiếng. Khi trái cây đi vào dạ dày trống, nó sẽ giúp đường tiêu hóa làm công tác chuẩn bị để tiếp nhận các loại thực phẩm khác tới. Nước trong trái cây sẽ làm ẩm đường tiêu hóa, chất xơ làm sạch dạ dày và ruột. Các enzyme kích hoạt quá trình hóa học mà sẽ tiêu hóa thức ăn của bạn.
Ăn trái cây trước bữa chính sẽ hỗ trợ đường tiêu hóa làm việc hiệu quả. Còn trong trường hợp bạn vẫn nhất định ăn trái câu sau bữa ăn, hãy chờ ít nhất là 3 tiếng.
7. Protein động vật và tinh bột
Nếu protein động vật được ăn kèm với carbohydrate, sự tiết ra cùng lúc của các dịch tiêu hóa khác nhau sẽ vô hiệu hóa một phần khả năng của chúng. Kết quả là “protein sẽ bị hư hại còn carbohydrate thì lên men. Bạn sẽ bị đầy bụng khi không khí được sinh ra trong đường tiêu hóa”, Alder cho biết.
Đồng ý với điều này, Bhattacharya nói rằng enzyme phân giải protein và carbohydrate được trộn vào nhau cùng thời điểm sẽ làm mọi thứ rối tung lên. Nhưng bà cũng thừa nhận rằng nhiều người có thể phải làm quen với điều này. Ở một số quốc gia thì họ vẫn ăn cơm với sushi hay khoai tây với thịt theo truyền thống.
Bởi vậy, với một một cặp phối hợp khó tránh như thế này, bạn hãy ăn kèm rau xanh để giảm tác dụng phụ tiêu cực của chúng.
8. Chất béo với các loại thực phẩm không phù hợp
Ví dụ như các cặp thực phẩm sau: Dầu ô liu với bánh mỳ, cá ngừ với sốt mayonnaise và thịt chiên trong dầu thực vật. Tại sao bạn cần tránh những điều đó?
Chất béo cần muối mật từ gan và túi mật để được phân giải, nếu trộn chúng với các dịch tiêu hóa khác có thể gây ra chứng khó tiêu. Ví dụ một lượng lớn chất béo với protein sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, Donna Gates, tác giả cuốn sách “The Body Ecology Diet” cho biết.
Thay vào đó, Gates khuyến cáo bạn nên sử dụng chỉ một lượng nhỏ chất béo khi nấu ngũ cốc, rau hoặc thịt. Nguồn chất béo tốt là chất béo hữu cơ chưa qua tinh chế như dầu ô liu hoặc dầu dừa. Cô cũng cho rằng các loại chất béo, như bơ và các loại hạt, chỉ nên được kết hợp với rau không tinh bột.
9. Ăn hai nguồn thực phẩm giàu protein một lúc
Ăn quá nhiều protein cùng lúc khiến hệ tiêu hóa mất nhiều thời gian mới có thể phân giải được chúng. Điều này đòi hỏi nó phải làm việc liên tục, còn bạn thì tiêu tốn nhiều năng lượng. Bởi vậy trong cùng một bữa ăn, bạn đừng kết hợp quá nhiều loại thịt với nhau, hoặc thịt với cá.
Tuy nhiên theo thói quen ăn uống ở nhiều nơi, đây cũng là một cặp kết hợp khó tránh. Alder gợi ý rằng nếu bạn phải ăn 2 nguồn protein một lúc, tốt nhất nên ăn kèm vào các loại rau có hàm lượng nước cao, như hành tây, súp lơ xanh hoặc rau diếp.